Ngày 9 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Theo một cuộc thăm dò mới đây của Liên Hiệp Quốc, thì Việt Nam được xếp hạng thứ 63 trong danh sách các nước hạnh phúc nhất thế giới.
Nước đứng đầu bảng là Đan Mạch, theo sau là mấy nước Bắc
Âu như Na Uy, Thụy Sĩ, Hà Lan và Thụy Điển. Tột cùng ở dưới danh sách là các nước Rwanda, Burundi, cộng hòa Trung Phi, Benin và Togo, tất cả đều ở Phi châu.
Nhưng theo những cuộc thăm dò khác thì thứ tự của những nước đầu bảng lại rất khác nhau. Thí dụ theo một cuộc thăm dò thì
Úc đứng đầu trong khi theo một cuộc thăm dò khác thì Úc bị đẩy xuống hạng 10. Chỉ các nước cuối bảng thì cuộc thăm dò nào cũng cho thấy toàn là những nước Phi châu.
Hoa kỳ được xếp hạng 17 trong danh sách 156 quốc gia này, trong khi nước Anh được xếp hạng 22, sau các nước Ả Rập có dầu hỏa.
Việc xếp hạng dựa trên lợi tức, tuổi thọ, công việc, tình hình an ninh, tự do, tệ nạn tham nhũng và mức độ hài lòng của người dân về đời sống của họ.
Nếu dựa trên những tiêu chuẩn đó, thì Rwanda, Zimbabwe, Mozambique, Ethiopia, Somalia… đứng cuối bảng là đúng, không oan uổng gì. Các nước như Canada, Uùc, Tân Tây Lan, Thụy sĩ, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển, Canada… ở đầu bảng là phải.
Nhưng một thống kê khác thì lại xếp Mexico chỉ đứng sau Hoa kỳ một chút, và cao hơn Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Đồng ý là ba quốc gia
Âu châu này đang gặp những khó khăn kinh tế, nhưng Mexico được xếp hạng cao hơn các nước này thì không hợp lý một chút nào.
Thế nên đọc các danh sách xếp hạng các nước về mức độ hạnh phúc của người dân cũng nên thận trọng một chút. Không thể hoàn toàn tin vào những cách xếp hạng đó.
Thí dụ Việt Nam mà được xếp hạng 63, dưới Thái Lan, Singapore , trên Indonesia và luôn cả nước Nga, và Trung quốc, các quốc gia được xếp hạng 70 đến 90.
Kể ra thì cũng nhục nhã cho các nước này. Là đàn anh của Việt Nam mà để cho chú em Việt Nam đứng ở vị thế cao hơn thì buồn thật.
Thế nên Việt Nam mấy hôm nay rất kiêu hãnh về chuyện đó: hơn hẳn hai đàn anh về mức độ hạnh phúc thì đúng là độc lập tự do hạnh phúc rồi còn gì nữa!
Nước ta lại được một phen sung sướng tự hào còn hơn là khi có anh Ga Ga Rỉn đi vào không trung nữa ấy chứ.
Hạnh phúc là cái chắc khi mà mở những tờ báo trong nước ra, hôm nào cũng có ít nhất một chục cái tin về những vụ bạo hành tội ác đâm chém, giết người, cưỡng hiếp, hành dâm với trẻ em, bán bạn gái vào các ổ điếm ở Trung quốc, phụ nữ tha hồ tự do khỏa thân bầy hàng để bán mình làm nô lệ cho những người đàn ông Cao Ly, Đài Loan. Ngày trước, thời Mỹ Ngụy làm sao có được những tự do như thế! Đất nước, thì theo chính một giới chức cao cấp của chính phủ, bọn tham nhũng đớp tất cả mọi thứ, không chừa bất cứ một thứ gì. Trong khi người ta sẵn sàng xây những cầu tiêu bạc tỉ để chấm mút với nhau thì lại để mặc cho các em học sinh ngày ngày phải bơi qua sông, vượt sóng dữ để đi học vì không có được một cây cầu. Hạnh phúc là lên tiếng đòi hỏi một chút tự do thì bị bọn côn đồ nhà nước kéo đến đánh đập thẳng tay, bịt miệng một nhà tu ngay tại tòa án, đạp vào mặt người chỉ vì dám lên tiếng phản đối ngoại bang cướp nước, tống giam bất cứ ai dám nói về tự do, về toàn vẹn lãnh thổ, chỉ cần mặc cái áo có in bản đồ Việt Nam có Trường Sa và Hoàng Sa là bị bỏ tù lập tức, mấy chục năm độc lập tự do mà vẫn có người xuống thuyền trốn đi tới các nước lân cận tìm chút tự do, các sinh viên thanh niên động đến hai chữ chủ quyền đất nước thì liền bị bỏ tù, hành hạ dã man, tham nhũng đầy đường , đĩ điếm nhiều như chưa bao giờ thấy, người dân được khuyến khích đi làm tôi mọi, đầy tớ cho các nước khác.
Như vậy mà là hạnh phúc cái nỗi gì?
Ngày 10 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Nhìn thấy những bức hình của cô một lần là không ai có thể quên được cô. Đó là những bức ảnh chụp năm 2008 khi cô được đưa sang Mỹ để các y sĩ cắt bỏ cái bướu nặng khoảng 7 kg chiếm hết 2/3 khuôn mặt của cô.
Đào Thị Lài sinh năm 1993 , là con thứ 6 trong số 7 anh chị em thuộc một gia đình nông dân nghèo ở Huế. Năm 3 tuổi, lưỡi cô xuất hiện một cục u nhỏ, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cục u đó lớn rất nhanh và đến năm 15 tuổi thì cục u đó đã lấn gần hết khuôn mặt của cô làm cho việc ăn uống, nói năng cô đều gần như không làm được. Gia đình cô đã cố gắng rất nhiều nhưng mọi nỗ lực đều không giúp được gì. Tài chính kiệt quệ và các bệnh viện trong nước đều bó tay. Nếu để nguyên, Lài chắc chắn sẽ không sống được bao nhiêu lâu nữa.
Tình trạng sức khỏe của cô được một tổ chức ở Mỹ, tổ chức
International Kids Fund chuyên giúp các trẻ em bất hạnh ở các quốc gia nghèo biết đến và đưa sang bệnh viện Jackson Memorial ở Miami để được các y sĩ ở đây giải phẫu.
Trước đó, mẹ cô kể Lài không còn muốn sống nữa, chỉ muốn chết cho khỏe thân. Lời nói đó từ một thiếu nữ 15 tuổi nghe thật vô cùng bi thảm. Tuổi thơ của Lài gần như không có. Lài không dám đi ra ngoài, không đi học, không có một ngày vui.
Thượng đế nhiều khi cũng có lúc quá độc ác là vậy.
Ngày 29 tháng 4 năm 2008, các y sĩ thuộc bệnh viện Jackson Memorial, sau một ca mổ kéo dài 14 tiếng đồng hồ, đã cắt bỏ được hết khối u đó, và khi tỉnh dậy, Lài đã nói được câu cám ơn bằng tiếng Anh với các y sĩ và y tá thực hiện cuộc giải phẫu.
Lài sau đó đã trở về Việt Nam với gia đình.
Từ đó, tôi không nghe thêm được tin tức gì về cô. Bây giờ Lài phải 20 tuổi. Tôi không biết cô đã lành lặn trở lại chưa? Khuôn mặt cô như thế nào? Cô còn đau đớn, khốn khổ vì khuôn mặt biến dạng dị hình đó nữa không?
Tôi không biết trước khi khối u đó xuất hiện trên mặt cô, thì Lài trông như thế nào? Năm 3 tuổi, trước khi cục u xuất hiện, chắc cô phải là một đứa bé "cute" lắm. Đôi mắt của cô làm tôi nghĩ như thế. Bức ảnh chụp khi mới tới Mỹ, cô đưa tay chào những người ra đón cô làm tôi tin vậy mặc dù khối u quá lớn như đã làm hỏng hoàn
tòan khuôn mặt của cô. Cô về nhà ở thôn An Lưu, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên từ đó. Đời sống của cô sau đó ra sao?
Tuần qua, tôi được xem hai bức ảnh mới của cô. Không còn thấy dấu tích của khối u từng làm khổ cô nữa. Trông cô trẻ hơn tuổi 20 của cô. Đôi lông mày không cần phải xâm. Cái mũi thanh tú không cần phải sửa. Đôi môi quả tim không cần phải bơm. Phải nói những bức ảnh mới cho thấy cô là một thiếu nữ xinh xắn. Cô đã đi học được mấy năm, và nay đã có nghề may và làm nón lá. Cô định sang năm sẽ mở một tiệm may để giúp đỡ gia đình. Và cô đã có một người bạn trai .
Những bức ảnh chụp năm 2008 làm người xem buồn cho cô bao nhiêu thì những bức ảnh mới nhất đã làm cho người ta mừng cho cô bấy nhiêu.
Và nếu có một người nào xứng đáng để cảm thấy mình hạnh phúc trên đời này sau những bất hạnh tai ương đổ xuống đầu thì tôi nghĩ người ấy phải là Đào Thị Lài.
Hội IKF và các y sĩ ở Miami là những người xứng đáng để nhận những lời cám ơn chân thành nhất. Và không ai là không mừng cho Lài, người thiếu nữ đã qua 12 năm khốn khổ, đau đớn nhất của đời sống.
Đời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời.
Mừng có thể khóc được. Lâu lắm mới có được một cái tin vui như thế.
Ngày 11 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Hôm nay vào internet, tình cờ tôi đọc được một bài viết về chiếc Renault 4CV, chiếc xe hiền lành mà người Sài Gòn không ai là không biết nó.
Bài viết về nó viết khá kỹ với những chi tiết về lịch sử, sự ra đời của nó, người vẽ kiểu nó, nó có bao nhiêu anh chị em trong chiều dài sản xuất từ năm 1947 đến năm 1961. Nó cũng được sản xuất tại Nhật, ở Anh,
Úc, Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha, Ý…
Nó xuất hiện ở gần như khắp thế giới với hơn một triệu chiếc, nhưng bài viết không hề nhắc tới Sài Gòn, nơi nó là hình ảnh rất thân quen trên những con đường của thành phố này.
Nó đến Việt Nam để làm taxi từ trước năm 1954, phương tiện di chuyển mà phe Bắc Kỳ di cư chỉ thấy khi vào Sài Gòn. Tôi nhớ một chiếc xe của ông bố người bạn ở gần nhà là một trong những chiếc cuối cùng được nhập cảng vào Việt Nam trước khi hãng Renault ngưng sản xuất nó.
Theo lệnh của chính phủ Ngô Đình Diệm, nó được sơn hai mầu xanh và vàng nhạt, và mầu sơn đó được giữ cho đến tận năm 1975.
Một số được sơn lại để làm xe nhà nhưng trông chúng thì vẫn là những chiếc Renault 4CV chạy taxi, như một chiếc của một ông thầy dậy chúng tôi ở trung học. Phía mũi trước của nó có gắn mấy thanh nhôm làm như cũng có cái
radiateur để làm mát máy trong khi máy của nó đặt ở phía sau. Nó có bốn cửa rất thích hợp để làm taxi.
Nó chạy mãi, chạy hoài, luôn cả trong những năm nó đã già, bộ phận rời không còn được nhập cảng vào Việt Nam để chữa bệnh cho nó. Không có thì chế lấy, đúc lấy ở Chợ Lớn, gắn vào chạy tiếp. Không có máy lạnh thì mở cái
sunroof ra, treo chiếc khăn lông vào để hứng lấy gió. Máy có nóng thì mở nắp máy ở phía sau ra, gài cái lon
guigoz và để lấy thêm gió vào. Sàn xe rỉ sét nhìn thấy cả mặt đường ở dưới thì đã sao. Cửa sổ kính không quay lên hay quay xuống được thì cũng vẫn … chạy được. Những cái
taximètre còn chạy tốt, chẳng bệnh hoạn gì nhưng vẫn bị nhét một chiếc khăn mặt hay một tờ báo vào đó rồi … mặc cả và điều chỉnh giá để hợp với mức lạm phát của đồng tiền. Có một lúc, khá nhiều những người lái nó hình như có vấn đề về thị giác nên rất ít khi thấy những người khách là đồng bào Việt. Những người Mỹ dễ đón chúng hơn.
Nhưng chúng vẫn chạy, đâu cũng tới, khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định … Giọng Trần Văn Trạch kể chuyện từ ngày chiến tranh gieo tàn phá nhưng Sài Gòn vẫn như ngày thái bình, nếu muốn là lại có "taxi phóng ngay vào trong Chợ Lớn".
Năm đi thi tiểu học, tôi đã cùng hai người bạn được nhà cho tiền lộ phí đi thi, ba đứa gọi nguyên một chiếc để chạy lên trường Tôn Thọ Tường, còn được ông tài chúc mấy cháu đậu cao … chừng nào làm lớn đừng quên bác.
Nó cũng đã chở chị tôi bế chú em út đi bệnh viện nhi đồng và lính quýnh thế nào, chú em lăn ra ngoài xe ngay trên đường Sư Vạn Hạnh.
Những chiếc taxi Renault ấy đã chứng kiến chúng tôi lớn lên, rồi đi học xa, rồi lại trở về nước. Nó cũng đã chở người bạn gái đầu tiên của tôi và tôi đi trên những con đường đẹp nhất Sài Gòn hồi ấy. Nó vẫn chạy tiếp ở Sài Gòn cho đến tận năm 1975.
Tìm xem lại những bức ảnh chụp đường phố Sài Gòn bao giờ cũng thấy nó. Lúc thì ở gần nhà thờ Đức Bà, lúc ở bùng binh Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Không thể lẫn được nó vào những chiếc traction, những chiếc Peugeout, những chiếc xe Mỹ, xe nhà binh ở trên đường.
Vậy mà bài viết trong internet nỡ lòng nào bỏ sót nó, không nhắc nó, cho dù là một đoạn ngắn.
Nên bài viết này là để đem lại công bình cho nó, những chiếc Renault 4CV đáng yêu của những người Sài Gòn.