October 16, 2014

October 17, 2014

HỌC THI

Bạn nhớ chứ, những lớp học tư chúng ta học thêm sau những giờ học ở trường thời ấy, những lớp dậy thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, những lớp toán, lý hóa một thời ở Sài Gòn. Có một danh từ dùng để gọi những lớp học thêm như thế: cours particulier mà người ta gọi tắt là “cua pạc”. ‘ Cua pạc” không phải là những lớp học ở tiếng Pháp ở trung tâm văn hoá Pháp, hay những lớp tiếng Anh ở hội Việt Mỹ, tiếng Đức ở trung tâm Goethe… mà là những lớp dậy để sửa soạn cho những kỳ thi Trung Học Phổ Thông, Tú Tài I, Tú Tài II.

Học sinh học thêm các môn hệ số cao, để hy vọng kiếm được nhiều điểm, giúp có thêm cơ hội dễ dàng vượt qua các cuộc thi, kiếm những cái “râu ria” bình thứ hay bình để còn kiếm học bổng đi du học.

Các “cua pạc” như thế lúc nào cũng đông học sinh, và các ông thầy dậy các môn toán lý hóa, Pháp và Anh ngữ kiếm được rất nhiều tiền.

Ở sân trường trong những giờ ra chơi, những bài toán khó được đem ra giải ở ngay những gốc cây, những khuôn mặt tự mãn càng thêm tự mãn nhờ giải được những bài toán khó trong “lơ bốt xê”. Bọn dốt toán như tôi chỉ đứng nghệt mặt ra mà xem, nghiêm và buồn suốt cả buổi.

Bây giờ, những cảnh làm buồn lòng bọn dốt toán như tôi không còn diễn ra nữa. Những thứ “cua pạc” như thế không còn nữa. Nhưng thay vào đó, là những thứ “cua pạc” khác. Những “cua pạc” ngày nay cũng nhan nhản thấy ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn… Thành phần đi học tại các lớp học này học những thứ không thấy tại các “cua pạc” trước đây. Họ đến để học làm sao được tuyển làm vợ của những người đàn ông ở Hoa lục, Đài Loan, Hàn quốc, tìm cơ hội thoát ra khỏi cái đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc mà nhà cầm quyền bắt phải khoe ở trên đầu bất cứ một thứ đơn từ, giấy má nào mà người dân viết xuống, cho dù đó là những lá đơn trình báo mất chó, bị cướp, bị hiếp dâm, bị xã hội đen trấn áp vân vân.

Đọc bản tin viết về những lớp “luyện thi lấy chồng ngoại” trên một tờ báo trong nước hồi tuần qua tôi mới biết được rằng các phụ nữ trẻ bị bọn buôn người dụ dỗ lên thành phố để được giới thiệu lấy chồng nước ngoài, sau khi phải cởi quần áo cho những người đàn ông ngoại quốc xem hàng, lại còn phải qua một cửa ải khác nữa mới có thể được những người đàn ông đến Việt Nam kiếm vợ chịu đưa về nước. Họ còn phải học qua một lớp dậy làm vợ của những người đàn ông mà đa số là những thứ đui què mẻ sứt nhưng có tí tiền mua về (nói là để làm vợ).

Thế là phát sinh ra những thứ “cua pạc” mới.

Những “cua pạc” đó dậy những phụ nữ này những gì? Các thầy (ma) cô có bắt đầu khóa học bằng câu này không? “Này con học lấy làm đầu…”

Có đứa nào trông mặt “lờn lợt mầu da, ăn gì to lớn đẫy đà” … không?

Chao ơi, chúng nó, bọn Tú Bà và Mã Giám Sinh này dậy những người phụ nữ khốn khổ ấy những gì? Chúng nó lôi những chữ nghĩa, những ngón nghề gì? Vành ngoài, vành trong … bao nhiêu thứ?

Trò mua bán nô lệ tưởng là không còn trên mặt đất này từ cả hai thế kỷ trước thì nay vẫn còn thấy ở cái nước độc lập, tự do, hạnh phúc ấy chứ có biến mất hồi nào đâu!

Những người phụ nữ từng được cha mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa đó bị lôi ra dậy “vỡ lòng (học lấy) toàn những nghề nghiệp hay” đó. Những câu căn dặn Nguyễn Trãi viết xuống trong Gia Huấn Ca chắc không có trong các bài giảng…

Không lẽ cứ ra rả: “phận con gái ở nhà thi lễ, lắng mà nghe kể truyện tam cương… tấm lòng trời đất chứng tri, dâu hiền có hiếu tiếng ghi để đời… ở trên đời gái ở nết na… con hiền đẹp mặt mẹ cha, chồng hòa yêu chuộng, họ hòa kính chung…”

Thôi thì dậy những chuyện khác, vài ba câu tiếng Anh, hay tiếng Hàn, bơm hút căng kéo cho bắt mắt, khâu vá, mượn mầu chiêu tập sao cho như còn nguyên... Không biết có dậy cho những người phụ nữ này cách chạy đến sứ quán cầu cứu (dẫu là vô ích), hay chỉ cho vài ba thế võ để tự vệ không. Hay thủ tục đưa xác về Việt Nam như đã nhiều người (tình đã dở dang mà không đón được đò ngang để về) phải về nước bằng những chiếc hũ đựng tro cốt?

Bọn Tú Bà và Mã Giám Sinh thì chỉ cốt ăn chặn trước tiền, quăng cho gia đình những cô dâu một số tiền nhỏ là phủi tay. Cha mẹ của các cô cầm được trong tay những đồng tiền đầy máu huyết của con thì đã quá muộn.

Trời ơi nghĩ chỉ muốn chửi thề tục tĩu là vậy.

VŨ CHẤT LÀ ĐỨA NÀO?

Một cuốn từ điển tiếng Việt ghi ngoài bìa “dành cho học sinh” do nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2001, và được in lại với hai, ba cái tên (tác giả) khác nhau đang được đem ra nói khá nhiều trong những ngày qua trên mấy tờ báo trong nước.

Nó được nhắc tới không phải vì hay, mà vì nó quá dở, quá bậy bạ, láo toét. Một số (khá nhiều) những định nghĩa đọc lên rất buồn cười (tức là buồn mà cười, như theo cách định nghĩa ở trang 75 của cuốn tự điển này).

Hãy đọc thử vài ba định nghĩa của nhà làm từ điển Vũ Chất:

Buông xuôi: chết, thả duỗi hai tay ra,
Buồn thiu: buồn trong quạnh hiu.
Buồn chán: buồn, chán không muốn làm gì.
Tù trưởng: người đứng đầu trong nhà tù.
Cào cấu: cào và cấu.
Khai quật: đào mồ lên.
Đạo sỹ: người theo tôn giáo.
Bồ bịch: bạn bè than thích.
Bia: tấm đá có khắc tên ngày giờ chết trước mả.
Ngồi: đặt đít xuống chỗ nào.
Bản sắc: mầu tự nhiên.
Bế mạc: hết dứt buổi hát.
Thơ ngây: ngây thơ.
Lâu đài: lầu và đền đài.
Đồn trưởng: trưởng đồn.
Nắn bóp: nắn và bóp.
Bóp: dùng bằng tay bóp.
Bố ráp: làm cho khiếp sợ và vây bắt ai.
Bồ liễu: loại cây có lá liễu để ví người con gái.

Vũ Chất, người làm cuốn từ điển này là một nhân vật rất bí mật. Cho đến nay người ta không biết ông ta là ai. Ngoài cuốn từ điển, ông ta không có một tác phẩm nào khác, một bài viết dài hay ngắn nào. Ngay cả những người biết nhiều về các sinh hoạt sách vở cũng không biết mặc dù đã mất nhiều công tìm hiểu. Mọi cố gắng đều không trả lời được thắc mắc Vũ Chất là ai.

Ở một nơi mà bất cứ một cuốn sách, một tài liệu in ấn, bất cứ một bài viết nào cũng phải duyệt xét kỹ lưỡng ( kể cả những tập nhạc, như tập nhạc của Trịnh Công Sơn) để loại bỏ mọi sai sót hay bất cứ một chi tiết nào bất lợi cho nhà cầm quyền, thì cuốn từ điển này có mặt từ năm 2001, lại còn được in lại dưới nhiều tên khác vẫn còn nguyên những định nghĩa ngu xuẩn nhiều không thể kể ra cho hết được thì không hiểu được.

Như tất cả những ấn phẩm in ở Việt Nam, ở trang cuối bao giờ cũng ghi tên người chịu trách nhiệm xuất bản. Tưởng như thế là bản thảo đã được đọc kỹ, mọi sai sót đều được sửa chữa trước khi đem in. Vậy thì tại sao cuốn từ điển của Vũ Chất lại có những định nghĩa láo toét như thế?

Người ta chỉ có thể hiểu những sai sót đó được để nguyên, giữ nguyên  như vậy là vì người chịu trách nhiệm xuất bản là người quá dốt. Phải quá dốt nên mới để nguyên những định nghĩa ngây ngô và ngu xuẩn như đế quốc là nước có vua! Mà những định nghĩa láo lếu như thế thì hầu như trang nào cũng thấy, đầy trong sách.

Thế còn những người khác làm việc trong nhà xuất bản bộ cũng ngu cả hay sao? Người ta có lý do để tin như thế. Không lẽ bản thảo chỉ giao cho một người duy nhất đọc. 
Chắc chắn phải có một người thứ hai liếc mắt nhìn qua, mà chỉ cần liếc nhìn qua thì cũng phải nhìn thấy (không nhiều thì cũng) phải hai ba sai sót của cuốn sách chứ. Vậy thì đúng là cả lũ dốt như nhau thì mới để cho cuốn từ điển thối tha đó ra đời.

Hay Vũ Chất chỉ là cái tên hiệu của một anh to đầu nào đó nên không một đứa nào dám đụng tới những cơ bút thần thánh đó và vì thế mới ra nông nỗi. Biết đâu Vũ Chất lại là một cái tên khác của Trần Dân Tiên, của Sông Hồng, của Sáu Búa … nên không một đứa nào dám liều mạng đụng tới.
Nhưng rồi còn những người đọc thì sao?

Những sai sót tầy đình mà người ta tìm thấy gần như ở mỗi trang, vậy mà trong suốt mười ba năm vẫn không có một tiếng nói nào lên tiếng về những sai lầm thảm hại đó. Tại sao laị như vậy? Naò phải đó là những từ ngữ quá chuyên môn nên những người dùng từ điển không thấy. Trái lại, nó là những chữ hết sức tầm thường và hay gặp. Bảo là cuốn từ điển dành cho học sinh nên những sai sót đó không được nêu lên. Nhưng nó lú thì chú nó phải khôn chứ!

Có phải vì thế, vì dùng cái từ điển tầm bậy như vậy nên tiếng Việt trong nước mới nhảm nhí như vậy hay không? Người ta có thể tin chắc là như thế.


Nhưng câu hỏi vẫn còn nguyên: Vũ Chất là đứa nào mà dốt quá vậy?