Ngày 8 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Bạn tôi, một con heo đực sô vanh thứ thiệt và hạng nặng-- male chauvinist pig -- hay nhắc một định lý không biết có từ bao giờ và do ai xướng lên, đó là sắc đẹp và trí tuệ không phải lúc nào cũng đi cùng với nhau.
Rồi để chứng minh cho định lý đó, chàng dẫn câu trả lời của hoa hậu một tiểu bang miền nam trong cuộc thi Hoa Hậu Mỹ Quốc mấy năm trước. Trong cuộc thi này, các thí sinh được hỏi một câu giống nhau để xem ai là người trả lời hay nhất. Câu hỏi là nếu có thể sống đời trường sinh bất tử, thì thí sinh có muốn không, và tại sao.
Đây không phải là một câu hỏi khó khăn, mìn bẫy gì. Câu hỏi đưa ra một giả thuyết không thể nào trở thành sự thật được, thí sinh chỉ cần trả lời có hay không, rồi cho biết lý do muốn hay không muốn sống trường sinh bất tử.
Và đây là câu trả lời của cô hoa hậu mà bạn tôi kể lại: "Tôi không sống mãi mãi, vì chúng ta không nên sống mãi mãi, vì nếu chúng ta được cho sống mãi mãi, thì lúc đó chúng ta sẽ sống mãi mãi, nhưng chúng ta không thể sống mãi mãi, và đó là lý do tại sao tôi không sống mãi mãi."
Câu tiếng Anh nguyên văn cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu: "I would not live forever, because we should not live forever, because if we were supposed to live forever, then we would then live forever, but we cannot live forever, which is why I would not live forever."
Đó là phát biểu của cô hoa hậu . Bạn tôi nói rằng sắc đẹp của cô có thể có nhiều, cô đã dùng được nó để thành hoa hậu một tiểu bang, đánh bạt bao nhiêu người khác, nhưng ở giữa hai lỗ tai của cô, bạn tôi cho rằng hình như không có được bao nhiêu chất xám cho nên câu phát biểu của cô vừa vớ vẩn, nhì nhằng, vô nghĩa lý, ngớ ngẩn và đần độn. Tôi đồng ý với bạn tôi rằng trả lời như vậy thì ấm ớ thật. Rõ ràng là không có được bao nhiêu trí tuệ.
Tuy nhiên, tôi không đồng ý lối vơ đũa cả nắm như thế. Cũng có những người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, những người "sắc đành đòi một, tài đành họa hai" chứ. Và tôi nêu trường hợp của Brooke Shields. Brooke Shields thì không xấu được. Một nhiếp ảnh gia hàng đầu của kỹ nghệ thời trang, Richard Avedon, có nói rằng không thể chụp Brooke Shields mà ra ảnh xấu được. Như vậy, Brooke Shields là người đẹp. Brooke Shields cũng lại là người tốt nghiệp đại học Princeton. Như vậy thì sắc đẹp cũng có đi với trí tuệ chứ. Bạn tôi phản đối: học thì có bằng cấp nhưng vẫn không thể trí tuệ được. Và chàng kể là Brooke Shields đã nói nguyên văn như thế này trong chiến dịch vận động bỏ thuốc lá của chính phủ liên bang: "Smoking kills. If you are killed, you've lost a very important part of your life." Cô tài tử này nói rằng hút thuốc lá có thể giết người, và khi người ta bị giết, thì người ta sẽ mất đi một phần quan trọng của đời sống.
Nếu đúng câu trên đích thực là của Brooke Shields như bạn tôi nói, thì quá đúng chứ có sai ở chỗ nào đâu. Bị giết thì mất một phần quan trọng của đời. Mất một phần quan trọng của đời thì bỏ đời, mà bỏ đời thì là chết, chết thì sống thế nào được, mà chết thì sống làm gì cho khổ đời, vậy thì... Chắc Brooke Shields định nói như thế chứ không đâu. Như vậy thì có vớ vẩn thật.
Nhưng nói vớ vẩn vậy thì đã sao? André Maurois, một tác giả bạn rất thích, có viết rằng người ta tha thứ cho một người đàn bà cái tật nói vớ vẩn, nhưng người ta không tha thứ cho họ cái đức khôn ngoan và có lý.
Thôi mà, hai người này đều đáng tha hết. Cứ bắt chước André Maurois một chút thì đời sẽ đỡ khốn khổ ngay. Đẹp mà ít trí tuệ một chút bao giờ cũng đỡ hơn là vừa đẹp vừa thông minh, trí tuệ.
Pat Schroeder, một nữ dân biểu Mỹ (tiểu bang Colorado) có lần nói một đầu óc cộng với một cái "ấy" là một phối hợp chết người bạn không nhớ sao -- a brain and a vagina are a deadly combination.
Ngu một chút cũng tốt chứ.
Ngày 9 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Mấy năm trước nữ hoàng Anh đi thăm Úc. Nhờ đọc một bản tin đã cũ, tôi mới biết nước Úc mà lần cuối cùng tôi ghé lại hơn bốn mươi năm trước, hình như càng ngày càng đi xuống thì phải. Ít nhất là về mặt tiện nghi khi đem so sánh với nước Mỹ.
Bản tin này cho biết là các giới chức chính phủ Anh rất chu đáo trong khi sửa soạn cho chuyến đi Úc của nữ hoàng để đảm bảo nữ hoàng không phải hy sinh một khoản tiện nghi nào khi công du. Số hành lý mà nữ hoàng mang theo, là hai mươi tấn.
Tại sao phải mang theo tới hai mươi tấn hành lý. Đồng ý là nữ hoàng nhiều quần áo, lại thêm quyền trượng, vương miện, nữ trang, nước hoa, son phấn... nhưng hai mươi tấn thì quả là có quá đáng. Bộ dọn luôn mấy căn phòng ở điện Buckingham đi hay sao mà tới hai mươi tấn?
Nữ hoàng mang những gì, và tại sao phải mang theo bằng ấy thứ? Đi Úc chứ đi Zimbabwe hay sao mà đem lắm thứ thế?
Nhưng một chi tiết trong bản tin làm người ta hiểu ngay. Hoàng gia cẩn thận cho mang theo cả một cái bàn cầu làm bằng da dê rất mềm, mầu trắng có thể gắn vào bất cứ một cái cầu nào trong năm thành phố mà nữ hoàng ghé thăm để cho nữ hoàng được tiện nghi, thoải mái. Do đó mà kềnh càng, nhiều thứ, nặng nề.
Vậy thì những cái bàn cầu ở nước Úc thô thiển, tệ lậu lắm hay sao mà hoàng gia Anh phải mang theo cả cái bàn cầu làm bằng da dê mềm để ngồi?
Tôi nhớ những chiếc bàn cầu ở Sydney, Melbourne, Canberra... mấy chục năm trước, trong cả những cái hostel hạng bét của sinh viên cũng đâu có... khó ngồi lắm. Bằng cớ là thời gian tôi ở đó đâu có vất vả gì trong những lúc hữu sự. Hay là những cái bàn cầu ở năm thành phố này từ đó đến nay đã xuống cấp đến độ du khách phải mang theo bàn cầu riêng cho khỏi đau chỗ để ngồi?
Nghĩ một lúc thì tôi không tin là nước Úc càng ngày càng tệ đi so với mấy chục năm trước. Chắc chắn là phải có tiến bộ. Không thể ngừng thì làm sao lại đi giật lùi được.
Nhưng tại sao phải mang theo cái bàn cầu bằng da dê mềm mầu trắng?
Nữ hoàng không muốn chung chạ với đám Kangaroo và Koala hạ tiện chăng? Chắc không phải vậy. Nếu nghĩ thế, hoàng gia khó mà yên thân được, và nước Úc chỉ chóng trở thành nước cộng hòa mà thôi. Nữ hoàng thì cũng là người chứ khác gì những người Úc khác. Cũng phải bài tiết, vệ sinh hệt như những Kangaroo và Koala vậy chứ đâu phải vì là vua chúa, quí phái, vương giả là không phải làm công việc đó đâu.
Xem The Last Emperor, cuốn phim nói về vua Phổ Nghi, ông vua cuối của nhà Thanh thì thấy ngay. Thiên tử cũng đi cầu như thứ dân. Chỉ khác là thiên tử nhà Mãn đi xong, ngự y phải bưng lên ngửi xem có mùi khác thường, coi thiên tử có đau ốm gì không mà thôi. Thơm là nhất định không được. Phải có mùi giống thứ dân mới được.
Nữ hoàng Anh thì cũng ăn uống bằng ấy thứ. Có thìa vàng, chén bạc thì các phản ứng hóa học trong dạ dầy cũng hệt như chúng ta chứ khác gì. Thế thì tại sao phải mang cái bệ cầu bằng da dê mềm, mầu trắng đi theo trong chuyến đi Úc?
Hay là cái disc (?) vương giả cũng cần phải được o bế nhiều hơn những cái hard disc (?) cứng khác? Có phải tại vậy mà người ta gọi nó là floppy disc, cái disc... mềm?
Còn khi thu dọn chiến trường thì phe vương giả dùng thứ giấy gì? Có dùng những cuộn giấy có in hình thái tử Charles như cuộn giấy tôi mua được ở một tiệm bán đồ kỷ niệm ở Picadilly Circus mấy năm trước không?
Nếu không thì nữ hoàng dùng cuộn giấy có in hình ai? Hình mấy cô con dâu hay hình hoàng tế Philip?
Có phải vì phải mang theo những thứ như thế mà thành hai mươi tấn không?
Ngày 10 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Tôi chỉ còn nhớ rất lờ mờ về chuyến đi ấy. Từ phi trường Phú Bài, chúng tôi dùng trực thăng đi Quảng Trị vì đường bộ lúc ấy không còn dễ đi nữa.
Chúng tôi được trực thăng thả xuống Hải Lăng, và từ đó, dùng xe jeep đi tiếp. Trên đoạn đường mà một phóng viên chiến trường đặt cho cái tên là Đại Lộ Kinh Hoàng, chúng tôi còn thấy rất nhiều, nếu không nói là còn nguyên tất cả những vết tích của những trận đánh của mùa hè năm 1972. Lỗ chỗ vết đạn cầy nát mặt lộ, xác những chiếc xe cháy bị đẩy sang hai bên đường, qua khỏi mặt đường nhựa một chút, là cát nóng, trắng, phản chiếu ánh nắng lóa mắt. Không một bóng cây và trời nóng như đổ lửa xuống lưng người.
Ở chỗ có một ngôi nhà trơ trụi đứng cách quốc lộ khoảng vài chục thước, đoàn xe ngừng lại. Chúng tôi ghé vào căn nhà dựng bằng đủ mọi thứ vật liệu phế thải người ta có thể kiếm được. Bên trong là một bà cụ già, ba đứa bé, lớn nhất khoảng trên mười tuổi. Ðứa bé chừng hai tuổi, còm cõi, nhếch nhác, rách rưới. Bà nội chúng cho biết cha chúng đi lính chết trận đã hơn một năm, mẹ chúng và ông nội chúng phải đi mót củi bán sống qua ngày... Căn nhà vẽ ra một cảnh nghèo khổ không thể nào tưởng tượng được. Tôi không mang theo nhiều tiền, chuyến đi lại bất chợt không dự tính từ trước, moi móc hết các túi còn được mấy ngàn, tôi tặng bà cụ. Không bao giờ tôi quên nổi khuôn mặt của bà cụ. Chúng tôi chắc sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa trong cuộc đời mà tôi biết bà cụ và tôi không thể có cơ hội đi chung thêm một đoạn nào nữa.
Buổi tối hôm ấy, tôi đã ở Sài Gòn, trong quán nước tôi ra ngồi với bạn bè mỗi ngày. Và lúc đó, tôi thấy chỉ cần ở Sài Gòn đã là một hạnh phúc vô cùng lớn. Hải Lăng, Quảng Trị là một thế giới trước đó tôi không bao giờ biết là có.
Tôi không bao giờ mường tượng ra được một đời sống như thế. Một trong ba đứa bé chỉ bằng tuổi con trai lớn của tôi. Con tôi lúc ấy đang học ở một trường mẫu giáo tại Sài Gòn, sáng tôi đưa đi, trưa ông ngoại cháu đón về. Nhưng đứa bé ở Hải Lăng, ông bà nó, dẫu có để cho trí tưởng tượng bay bổng lắm, cũng không thể nghĩ ra được đời sống của con tôi.
Mà hai đứa đều là những đứa trẻ Việt Nam, cùng ra đời trong khoảng năm 1968.
Mấy chục năm rồi mà thỉnh thoảng tôi vẫn cứ thắc mắc không biết những đứa bé ấy bây giờ ra sao. Chúng nó được học hành thế nào? Đứa lớn, con gái, hai đứa em trai của nó bây giờ cũng phải ba bốn mươi tuổi. Chúng nó được mấy năm đến trường? Chúng nó sách vở, bút mực ra sao? Những cuốn vở quăn góc loang lổ mực tím, những chiếc mũ sờn rách, những bộ quần áo vá chằng vá đụp... Chúng học được bao nhiêu, những gì...
Mười mấy năm trước, Terry Anderson ghé ngang chỗ tôi làm việc. Người đàn ông Mỹ này đã qua vài năm biệt giam trong những căn nhà bí mật ở Beirut khi ông bị du kích Hồi giáo bắt cóc ở Li Băng. Ông được thả, và trong cuốn sách ông viết cũng như những lần nói chuyện, không bao giờ ông tỏ ra thù hận những người lấy đi của ông mấy năm tự do. Ông là đồng chủ tịch của Vietnam Children Fund, một hội mà mục đích là giúp những đứa trẻ bất hạnh chính mắt ông đã nhìn thấy rất nhiều trong những năm làm phóng viên ở Việt Nam bằng cách xây cho chúng những ngôi trường khiêm tốn để chúng có chỗ học. Một trong những nơi đầu tiên ông nghĩ tới, tình cờ, lại là tỉnh Quảng Trị.
Tôi không rành địa dư tỉnh Quảng Trị lắm nên không biết mấy ngôi trường mà hội của ông xây có ở gần căn nhà tôi ghé lại trong chuyến đi mùa hè năm 1973 không. Cầu cho là có. May ra, con cái của những đứa trẻ tôi gặp thoáng qua mấy mươi năm trước, nhờ đó mà được cắp sách đi học, một việc mà cha mẹ chúng, ba đứa bé tội nghiệp mồ côi cha ở Hải Lăng, có thể đã không làm được.
Terry Anderson nói với tôi rằng hội của ông không giúp đại học Việt Nam mà chỉ giúp xây một số trường tiểu học. Những đứa bé đi học các trường tiểu học do hội của Anderson xây giúp, khi lớn lên, như trào lưu hiện nay cho thấy, sẽ không bước vào cái guồng máy của Cộng sản nữa. Cộng sản chắc chắn không còn khi những đứa bé này khôn lớn. Đó là lối suy nghĩ của những người trong hội.
Cũng có người không đồng ý với việc làm của Vietnam Children Fund, nói rằng tại sao lại giúp xây trường học cho Việt Nam, cho dù với mục tiêu nào đi chăng nữa.
Nhưng tại sao phải thù những đứa bé Việt Nam sáu, bẩy tuổi ấy, tại sao phải trừng phạt chúng về những điều chúng không hề gây ra? Tại sao ghét chúng chỉ vì chúng ra đời và lớn lên ở cái đất nước khốn khổ này và bọn đầu trâu mặt ngựa thì đã ngồi sẵn ở đó?
Tôi rất đồng ý với Terry Anderson trong việc làm của ông. Và luôn cả với Kiều Chinh, đồng chủ tịch Vietnam Children Fund với Terry Anderson. Họ đang làm những chuyện mà tôi không làm được cho những đứa bé ở Hải Lăng, Quảng Trị.
Tôi vẫn nghĩ tới những đứa bé tôi gặp mấy chục năm trước mỗi khi đi thăm con trai tôi và gia đình của nó. Cũng cùng là người Việt Nam cả...
Ngày 11 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Là một trong những người " thực sự " đọc (?) tờ Playboy, tôi nghĩ là có rất nhiều người không đọc hết những chi tiết của trang Playmate Data Sheet trong mỗi số báo.
Trang Playmate Data này nằm ở sau tấm hình lớn của Playmate of the Month người phụ nữ được tờ báo chọn để làm người đẹp trong tháng.
Lý do là vì khi mở trang này ra, người ta quên luôn nó, mà quay sang đọc những thứ khác dễ... đọc hơn. Nhưng chính trang Playmate Data mới là trang đáng đọc nhất.
Thực ra thì một số độc giả cũng có liếc mắt qua trang này, nhưng chỉ sau hai hay ba dòng đầu thì thôi không đọc nữa. Nghĩa là sau khi biết tên của người phụ nữ, kích thước, ngày sinh và nơi sinh thì người ta lại quay sang xem những bức hình. Có thể là để coi mặt mũi như thế mà sinh năm 1990, 1991 hay sao... Làm thế nào có thể như thế được... Như vậy là năm 2009, con bé trong hình mới chín, mười tuổi thôi sao? Những gì đã xẩy ra từ đó, để hôm nay, cầm tờ báo trên tay, thì "nó" đã như thế này, đã 34B-23-33, đã cao 5 feet 11 inches, đã nặng 125 cân Anh rồi? Trong mười năm qua, những gì đã xẩy ra, để từ một con nhãi không ai thèm ngó, đến bây giờ, nó đã ra... nông nỗi này?
Có người đọc xong mấy chi tiết ấy thì cứ thắc mắc đại khái như thế này mà 34B làm sao được, phải 34C chứ... những lối suy nghĩ bí hiểm như thế, tôi không cách gì hiểu được.
Nếu không... đọc những bức hình đi kèm, mà theo dõi tiếp những dòng sau đó, người đọc sẽ thấy được nhiều điều lý thú khác.
Thí dụ cô nào cũng muốn làm tài tử, xướng ngôn viên truyền hình, kiểu mẫu, thành công, có nhiều tiền, có chồng, có con vân vân. Cô nào cũng muốn đi du lịch đây đó, làm việc phúc thiện, học hành đến nơi đến chốn để khỏi phải cởi quần áo trước máy chụp ảnh cả đời.
Rất nhiều Playmates còn kê khai những chi tiết khá kỳ lạ, thí dụ có những cô khoe có những người cha ra rất thông cảm, khuyến khích các cô cho Playboy chụp hình, và rất thích những bức hình do Playboy chụp. Ôi chao, sao lại có thứ cha kỳ lạ như thế chứ! Mẹ nói như vậy đã là ghê rợn rồi. Lại đến mấy người cha tán tụng thêm vào mới là khủng khiếp.
Và tất cả các Playmates đều đưa ra những chi tiết, điều kiện, đòi hỏi về người đàn ông lý tưởng của các cô. Cô nào cũng muốn có người thành thật, yêu thương, không gian dối, ghen tuông... Thì cũng được đi. Đó là những đòi hỏi bình thường, không có gì đặc biệt đáng nói.
Nhưng có một Playmate of the Month nọ thì còn đặt ra một điều kiện khác nữa. Người đàn ông của đời cô phải được con chó J.D. của cô chấp nhận mới được. Cô viết rõ trong trang Playmate Data như thế: ...anyone my dog J.D. doesn't like.
Thế này thì khó thật.
Chàng văn học nghệ thuật cùng mình, trong lưng lận cái MBA của trường Wharton, lái cái Rolls Royce, có cái penthouse ở New York, cái apartment ở San Francisco, nhan sắc như Brad Pitt, tướng thì du côn như Matt Damon... nhưng nếu con chó của nàng lắc đầu, bĩu môi sủa nhặng lên là chàng ra cửa ngay lập tức.
Có thật vậy không, hay chỉ lôi con chó ra nói cho nó điệu bộ một chút. Biết đâu vừa thấy chàng, đã vồ con chó ném vào tủ lạnh, đóng cửa lại cho nó khỏi sủa át tiếng máy của chiếc Rolls Royce?
Chắc không phải vậy, vì nếu chịu khó đọc tiếp ở cuối mỗi số Playboy, ở mục Playmate News, người ta sẽ thấy "đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng mệt" lắm. Một số các nàng, sau khi lên báo, thì lại tiếp tục sống nhàm chán cuộc đời của hơn một trăm triệu phụ nữ Mỹ khác. Có người chết thảm như Dorothy Straten, có người bán địa ốc, có người ăn welfare như điên...
Chắc tại mấy con chó không chịu cho gặp người tử tế.
Tôi không nghĩ cô Playmate nọ sẽ hoàn toàn nghe con chó của nàng trong chuyện chọn một người đàn ông cho nàng.
Bởi vì nghe theo sở thích của con J.D. thì có ngày cô sẽ phải rước một con chó cái về nhà mất.
Thì đã nói rằng J.D. muốn thì mới chịu mà.
Ngày 12 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Tôi được nghe bài Tình Già của Phan Khôi lần đầu tiên trong giờ Việt văn lớp đệ tam của giáo sư Vũ Hoàng Chương ở căn nhà mái tôn trường Chu Văn An.
Tuổi của tôi lúc ấy chưa bằng được số năm mà cặp tình nhân trong bài thơ ấy xa nhau. Họ gặp nhau, than thở trong đêm mưa rồi chia tay, và chỉ gặp lại nhau hai mươi bốn năm sau đó. Năm ấy tôi mười sáu tuổi.
Mười sáu tuổi mà nhìn số năm hai người xa cách nhau, hai mươi bốn năm, thì số năm ấy quả là có lớn. Bây giờ, tuổi của tôi, của bạn, đã hơn gấp đôi cả số năm mà hai người này phải sống xa nhau như Phan Khôi viết trong bài thơ của ông.
Gặp lại được nhau, mà còn nhìn ra nhau như hai người đã là rất khó:
"...Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi."
Tôi cứ nghĩ cặp nhân tình già này như thế cũng đã là hạnh phúc. Trong đêm gió mưa hai mươi bốn năm trước họ đã thấy rõ chuyện "lấy nhau hẳn là không đặng" mặc dù "tình thương nhau thì vẫn nặng". Hai người phải "buông nhau" dẫu biết "buông nhau làm sao nỡ".
Họ rời nhau, cuộc sống đưa đẩy mỗi người một chiều, rồi hai mươi bốn năm sau, ở một nơi xa quê cũ, hai người gặp lại nhau, rồi lại rời nhau, và khi rời nhau, "con mắt còn có đuôi", còn ngó theo, tiếc. Nhưng họ vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều người.
Nếu cụ Phan còn sống (cụ đã mất tại Hà Nội năm 1960) chắc tôi phải gửi cho cụ bài báo về một cặp già khác, và nếu cụ làm thêm bài Tình Già nữa, thì cụ sẽ phải viết là:"Bẩy mươi sáu năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa..." mới đúng với thời gian xa cách của hai người này.
Cụ ông Paul Johnson 95 tuổi, cụ bà Lula Marschat 94 tuổi gặp lại nhau sau bẩy mươi sáu năm xa cách. Năm 1923, hai người tốt nghiệp sư phạm ở Idaho và được bổ đi hai trường cách nhau 150 dặm. Thời ấy, chưa có điện thoại viễn liên, hai người cũng không có xe hơi để thăm hỏi nhau. Hai người có yêu nhau trong thời gian đi học ở sư phạm thật, nhưng xa mặt, cách lòng, như cụ ông nói, It was out of sight, out of mind.
Bốn năm sau, năm 1927, hai người đều lập gia đình với những người khác. Năm 1997, cụ ông góa vợ. Năm 1989, cụ bà góa chồng mà không ai biết. Mãi tới khi cụ ông tìm đọc những cáo phó trên báo cũ, mới biết người em bé bỏng lại phòng không chiếc bóng. Cụ ông tìm cách liên lạc với cụ bà, thì cụ bà phản ứng cũng có hơi khác thường: cụ kêu lên "Trời đất, chàng còn sống" My Goodness, he's still alive. Người bình thường ít ai phản ứng dễ sợ như thế.
Cụ mời cụ ông đến chơi. Bốn ngày sau, cụ ông chính thức xin bàn tay cụ bà. Cụ bà cho luôn cụ ông bàn tay với tất cả những gì dính cùng với bàn tay ấy. Mấy tháng sau, "đôi trẻ" đã cử hành hôn lễ tại nhà thờ ở Woodburn.
Bạn có thể sẽ hỏi tại sao?
Tôi xin trả lời: tại sao không?
Lại xin mượn câu đầu bài Sonnet 116 của Shakespeare để nói với bạn:
Let me not to the marriage of true minds
Admit impediments.
Chúng ta không có quyền xen vào giữa sự tác hợp của những cặp yêu nhau. Mà hai cụ thì nhất định là có yêu nhau. Tình cũ chẳng rủ cũng tới. Có điều chắc là hai người sẽ ở với nhau cho đến lúc đầu bạc (hơn) và răng long (hơn).
Và cặp tình nhân già trong bài thơ của cụ Phan Khôi, hai cụ chắc đã qua đời cả rồi, nhưng nếu còn sống, chuyện đám cưới ở Woodburn không thể là một khích lệ nhỏ cho bốn đôi mắt có đuôi sao?
Chín mươi mấy còn vậy, huống chi mới nửa số tuổi ấy...
BẨY NĂM KHOÁI LẠC: 1955-1962
Bùi Bảo Trúc
Tôi vào học đệ thất trường Chu Văn An sau chuyến di cư một năm, năm 1955, và năm cuối của tôi ở Chu Văn An là năm đầu tiên trường dọn về Ngã Sáu Chợ Lớn, năm 1962.
Trong bẩy năm ở Chu Văn An, tôi học ở đủ mọi nơi của trường. Năm đầu, lớp 7 B1 của tôi học ở dẫy nhà tôn, dẫy có ba căn nằm thẳng góc với tòa nhà chính ba tầng của trường Petrus Ký nhường cho. Sau đó hai năm đệ lục và đệ ngũ, lớp tôi dọn vào tòa nhà chính. Năm đệ tứ thì lớp B-1 của chúng tôi chuyển sang học ở chuồng bò, sau trở thành Trung Tâm Học Liệu của bộ Giáo Dục. Năm đệ Tam C và đệ Nhị C thì tôi học ở căn nhà tôn ở giữa tòa nhà chính và dẫy nhà tôn. Và cuối cùng, năm đệ Nhất C, chúng tôi qua trường mới.
Tôi là Chu Văn An "rặt giống", không từ trường khác vào ngang , hay bỏ Chu Văn An đi học tại các trường khác.
Bẩy năm học ở Chu Văn An là những năm hạnh phúc, sung sướng nhất của đời đi học. Trong 7 năm ấy, tôi vừa đủ lớn để biết nhiều thứ nhưng vẫn chưa phải lo là gì ngoài những kỳ thi lục cá nguyệt cuả đệ nhất và đệ nhị cấp, ngoại trừ năm đệ tứ thì phải thi trung học phổ thông, và sau đó, hai cái tú tài. Học chơi chơi mà vẫn đậu, lại có chút "râu ria " để xin học bổng xuất ngoại.
CHUYỆN NGOÀI SÂN
Trong những năm học đó, những sinh hoạt ngoài sân mới là sinh hoạt chính của chúng tôi. Tôi học được không biết bao nhiêu điều ở sân trường.
Chính ở ngoài sân trường, chúng tôi mới được biết ông thầy nào giỏi, ông thầy nào không giỏi, ông thầy nào hiền, ông nào ác.
Ở những cái tuổi ấy thì bọn chúng tôi nhiều khi cũng rất ác.
Thí dụ ngay sau khi có phái đoàn Mỹ đến thăm trường thì lập tức có tin nói rằng thầy X thấy Mỹ sợ quá, trốn mất. Thầy Y nghe Mỹ nói không hiểu gì hết. Thầy Z là thầy duy nhất dám đứng lại nói chuyện với Mỹ.
Rồi thầy nào mới lấy vợ, vợ còn "gin" không hay là thừa của người khác. Đại khái là những thứ chuyện như thế.
Chúng tôi cũng học được vô số những chuyện khác, khoảng năm đệ ngũ, đệ tứ là chúng tôi đã được những người bạn rất uyên bác dậy cho những bài học về đàn ông, đàn bà, chẳng cần phải qua những lớp giáo dục sinh lý nào hết.
XE CỘ CỦA CHÚNG TÔI
Chúng tôi đa số đi xe đạp. Nhưng từ khoảng năm 1957, trong nhà để xe cũng có thêm một vài chiếc velo solex, mobylette . Và năm đệ tứ, ba tên trong lớp tôi đã có những chiếc xe ác liệt hơn.
Nguyễn Anh Tùng nay ở San Diego có một chiếc máy Sachs rất đẹp.
Phạm Công Khanh một chiếc motto Guzzi, Vũ Thư Thanh một chiếc Puch máy nổ kêu xẹt xẹt là những thứ công tử quí tộc.
Chúng tôi vẫn xe đạp. Ghét tên nào thì xì lốp xe cho bõ ghét.
Chiếc khoá xe trở thành món võ khí khủng khiếp của những Chu Bá Xương , Lê Chiêu Hiền tức là Tư Cóc... các tay du côn lừng danh một thời.
HỌC THẦY KHÔNG TẦY…
Có thể nói là không một học sinh trường Việt nào trong những năm 60 lại không biết tác phẩm để đời của một phụ nữ trẻ người Pháp sau đám cưới đi hưởng tuần trăng mật viết thư về cho em gái.
Nhớ lại những chi tiết trong tập giấy đánh máy nét chữ mờ nhạt vì qua mấy lần giấy carbon đó, tôi thấy tập tài liệu học tập toàn là những chuyện tầm bậy. Nhưng thời ấy, chúng tôi cần gì đến sự chính xác. Cốt đọc cho vui mà thôi.
Năm đệ Lục, Đinh Quang Huy sau này học Quốc Gia Hành Chánh là người mượn được tập giấy đánh máy nhan đề Bẩy Đêm Khoái Lạc của một tên trong xóm nhà lá biết thương người(?) với điều kiện chép lại cho y một bản. Huy rủ tôi nhẩy qua tường nghĩa địa Tây trước sân vận động Cộng Hòa ngồi dựa lưng vào tường đọc cho hết trước khi về nhà. Thỉnh thoảng chàng lại hét lên vì tôi đọc nhanh hơn chàng, đòi sang trang trước khi chàng nghiền ngẫm xong.
Học thầy không tầy học bạn. Vỡ lòng toàn học được những nghề nghiệp hay là như vậy.
SILENCE, ON TOURNE ...
Nền điện ảnh Việt Nam tại sao không phát triển là một điều lạ vì chúng tôi đều là những cameramen rất giỏi.
Trong lúc những người bạn chân chỉ hạt bột của chúng tôi học thi đệ nhất, đệ nhị lục cá nguyệt, thì những người trai thế hệ khác làm phim. Bài thi được chép trong những cuộn giấy rất nhỏ, cuộn vào rồi cho vào lòng bút máy. Trong giờ thi, sách vở mang lên nộp hết nhưng mấy cái bút thì còn nguyên. Người ta chia nhau ra làm phim vì một người không thể chép hết được. Bàn trên, bàn dưới trao phim cho nhau. Phim địa lý, sử, công thức hóa học, vật lý, công dân giáo dục ... tất cả đều có thể viết thành kịch bản để dựng thành phim.
Có những vua quay phim lên lớp đều đều. Chỉ có luận văn, các môn sinh ngữ là các chàng chịu thua.
NHỮNG ÔNG THẦY CHÚNG TÔI YÊU
Giáo sư Nguyễn Xuân Kỳ là một trong những ông thầy chúng tôi yêu nhất. Ông dịch Anh Việt hay tuyệt. Thầy Kỳ thích dậy quyển The Good Earth của Pearl S. Buck và She Stoops To Conquer của Oliver Goldsmith. Học trò thầy, tuy đa số chưa đủ sức để hiểu Oliver Goldsmith, thầy vẫn đem cuốn sách này ra dậy, chúng tôi rất cám ơn thầy. Chúng tôi lén gọi đùa thầy là Wang Lung, nhân vật chính trong The Good Earth. Mấy năm sau khi rời trường, tôi gặp thầy ở Tân Tây Lan, thầy trò kéo nhau đi uống bia, tôi kể thầy nghe điều đó, thầy lấy làm thú vị lắm. Đi chơi với thầy, thầy bảo tôi gọi thầy là "anh". Nhưng lòng kính trọng thầy không bao giờ cho phép tôi xưng hô như thế.
Chúng tôi học được của thầy bao nhiêu chữ từ cuốn The Good Earth, những chữ gần gũi với đời sống của chúng tôi hơn là những central heating, hockey, pudding ... trong bộ Anglais Vivant.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Diễm là một ông thầy khác mà chúng tôi rất yêu. Ông dậy chúng tôi hai năm. Đệ Tam C, Nhị C . Thầy giảng văn chương Pháp cho bọn nhãi nhưng thầy vẫn giảng rất nghiêm túc mặc dù trong lớp chỉ có khoảng trên dưói 10 đứa học được những gì thầy dậy. Thầy rất giỏi, cao ngạo. Thầy vào lớp, không sách vở gì hết, cứ thọc tay túi quần, cái ceinture dài quá khổ còn thòng ra như cái đuôi. Thầy nói thao thao bất tuyệt những bài trong cuốn La Littérature Expliquée của Des Granges. Thầy còn dậy chúng tôi những câu trong những ca khúc của Dalida thời ấy mà chúng tôi nghe radio chép ra không đủ, điều mà ít thấy ông thầy nào làm với bọn học trò.
Giáo sư Diễm đi Thủ Đức năm chúng tôi học đệ Nhất C. Sau đó, giáo sư Diễm làm ngoại giao, chúc vụ cuối cùng của ông là giám đốc nha Âu châu của bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa. Ông bị tù Việt Cộng 13 năm. Đến nay ông vẫn còn mê sách vở. Ông viết xong cuốn tự điển y khoa Anh Việt nhưng chưa chịu in.
Lên đệ Nhất, môn Pháp Văn do giáo sư Nguyễn Văn Linh phụ trách. Chúng tôi yêu ông vô cùng. Tiếng Tây của ông nghe không hiểu gì hết cũng vẫn thấy hay. Ông đẹp trai, quần áo rất đẹp, hút Capstan có thấm một chút dầu Nhị Thiên Đường. Thỉnh thoảng hết thuốc, ông hỏi học trò ai có thuốc đưa ông một điếu. Không có thì ông cúi xuống nhặt mẩu thuốc vừa quăng đi hút tiếp.
Ông là một thi sĩ. Ông dậy cho chúng tôi yêu thơ Prévert từ năm ấy, năm 1961.
Giáo sư Trịnh Xuân Vụ dậy tôi toán và lý hoá trong hai năm đệ thất và đệ lục. Thầy Vụ giảng hay, tính tình hiền lành, cả lớp ai cũng yêu thầy. Thầy có cặp kính cận thị dầy không ai có thể cận nặng hơn thầy.Thầy ký tên với hai chữ X và V. Thầy hay mặc áo veston de plage bằng sharkskin bóng loang loáng. Thầy dậy chúng tôi hết lòng, nhưng có những tên đầu bổ ra không thể nhồi được một chữ nào là tôi. Tôi trượt Trung Học Phổ Thông hai lần vì bị zero toán.
Cụ Trần Văn Mại dậy chúng tôi Anh ngữ. Bọn học trò không hề biết cụ đã từng học ở Anh, ở Pháp, ở Nga. Cụ nhắc đến Rabindranath Tagore lần đầu tiên cho chúng tôi năm đệ ngũ. Cái tên ông thi sĩ Ấn này đeo tôi suốt mấy chục năm và chính cụ là người dậy cho tôi yêu Tagore từ đó.
Giáo sư Hoàng Đình Thanh dậy chúng tôi hai năm đệ ngũ và đệ tứ. Thầy Thanh dậy Anh văn rất hay. Thầy dậy chữ nào tôi còn nhớ đủ chữ ấy. Thầy dậy phiên âm quốc tế để chúng tôi tra tự điển mà biết cách phát âm. Thầy dậy rất kỹ những quyển L’Anglais Vivant, bắt chúng tôi làm bài tập cẩn thận.
Giáo sư Vũ Khắc Khoan dậy chúng tôi ba năm đệ Tam, đệ Nhị và đệ Nhất C. Thầy chỉ dậy có một bài sử duy nhất. Đi thi thì chỉ có chết với cách dậy của thầy. Chúng tôi phải học lấy, đem sách của các tác giả Nguyễn Văn Mùi, Phan Xuân Hòa và Tăng Xuân An ra để học thi. Thầy dậy cách nghiên cứu và đọc sử. Chúng tôi rất yêu thầy vì thầy coi chúng tôi là người lớn thầy mới dậy như thế. Thầy có mùi cologne rất lạ, quyện với mùi thuốc lá chúng tôi không thể quên được. Thầy hay đi giầy moccassin da lộn. Tóc thầy lúc nào cũng bồng bềnh. Thầy có đôi mắt tưởng là dữ, nhưng ở ngoài lớp, thầy rất yêu đứa nào hỏi thầy về Albert Camus. Thầy sẽ nói thao thao bất tuyệt. Năm chúng tôi học thầy là năm Camus bị tai nạn xe hơi qua đời.
Mười mấy năm sau khi ra khỏi trung học, một hôm lái xe trên đường, thấy thầy đứng đón xích lô, tôi dừng xe mời thầy lên đưa thầy về nhà. Thầy nhớ tên và hỏi thăm về Đinh Ngọc Mô, một người bạn ngồi cạnh học thầy hai năm đệ Nhị và đệ Nhất.
Linh mục Trần Văn Hiến Minh là một ông cha dễ thương vô cùng. Tội nghiệp, cha mặc cái áo chùng, chúng tôi cứ ngó lẩm nhẩm đếm xem cha có bao nhiêu cái khuy rồi tưởng tượng cha phải mất bao nhiêu thì giờ mới cài xong để đi dậy học. Cha chỉ mặt Đinh Ngọc Mô và tôi khi hai đứa đòi đi tu và nói rằng chúng tôi mà vào nhà dòng thì cha sẽ sai người lấy lá chuối lót tay quăng ra ngoài. Nhưng cha rất thương chúng tôi. Hơn một chục năm sau gặp lại cha, cha vẫn đi cái Peugeout 203 đen, ghé chào cha ở cửa truờng Nhạc, cha còn nhớ tên của mấy người học chung lớp.
Nói chuyện thầy nhớ học trò thì phải kể giáo sư Bùi Đình Tấn. Thầy nhớ đầy đủ tên của ba anh em chúng tôi ở trường Chu Văn An. Hơn mấy chục năm sau thầy vẫn còn nhớ. Thầy Tấn lúc nào cũng từ tốn, lịch sự. Thầy ăn mặc rất đẹp giầy nâu mầu gan gà, ca vát sơ mi trắng. Thầy dậy sử địa, rất nghiêm nhưng chúng tôi rất yêu thầy.
Giáo sư Vũ Hoàng Chương dậy chúng tôi hai năm đệ Tam và đệ Nhị C. Thầy Chương không dậy chúng tôi bằng sách vở. Chúng tôi phải tự học lấy. Nhưng thầy giảng Kiều thì không ai có thể giảng hay hơn. Thầy cao hứng có khi nói với chúng tôi về thơ mới, về Tự Lực Văn Đoàn, về những bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, những câu của Nguyễn Công Trứ đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi. Thầy hát một đoạn của bài dân ca ứ hự để giải thích câu "thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ không". Thầy Chương viết thư hoạ đẹp nhất Việt Nam thời ấy. Một nguời bạn, Nguyễn Tiến Sơn bắt chước rất giống chữ của thầy. Rời trung học, chúng tôi (Đinh Ngọc Mô và tôi) vẫn đến Tết lại thăm thầy. Mấy khi được gặp một nhà thơ lớn như thế.
VÀ ÔNG THẦY CHÚNG TÔI GHÉT
Năm đệ ngũ và đệ Tứ, lớp chúng tôi bị dí cho một ông thầy mà đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi về chuyện dậy học của ông.
Thầy dậy đủ các môn, cả địa lý, công dân và Pháp văn. Tại lớp đệ ngũ, chương trình địa lý có học về sao, tinh tú, các hiện tượng thiên nhiên. Thầy giảng về trăng , về sao mà chúng tôi nghĩ thầy cũng không biết gì hơn chúng tôi. Thỉnh thoảng thầy ngừng lại hỏi chúng tôi: "Các anh có theo kịp tôi không ?" Một lần, thầy vừa quay đi, thì một người ngồi gần cuối lớp lè nhè "Vượt từ lâu rồi ... " Thầy chán quá, vừa lúc ấy, hồi kẻng cứu thầy.
Lên lớp đệ Tứ, chúng tôi lại gặp thầy. Thầy dậy chúng tôi ở chuồng bò. Sáng sáng, trước khi dậy, thầy mở cửa sổ bên cạnh bàn khạc mấy cái nhổ ra sân. Một hôm thầy mở cửa thì thấy trên cánh cửa, mà một người nào đó cố tình đóng lại để thầy phải mở trước khi khạc nhổ, mấy chữ: "Défense de cracher! " Thầy giận lắm, quay vào mắng cả lớp một trận.
Một lần thầy cho lớp làm luận với đề bài là tả con dao. Chao ôi, có bao nhiêu đề tài thầy không ra, thầy ra một cái đề tài ấm ớ đến là như thế. Cả lớp lôi hết vốn liếng tiếng Tây ra viết thành những áng văn chương "trác tuyệt". Tuần sau, thầy câu giờ bằng cách bắt một số lên bảng viết mỗi người một câu. Rồi thầy bắt chép áng văn chương đó vào vở và học thuộc lòng để tuần sau lên bảng làm récitation. Một người bạn mà nay tôi đã quên tên, chỉ còn nhớ biệt danh của chàng là Tî Bái, nhân vật trong một tiểu thuyết đăng nhiều kỳ của báo Tự Do, bị gọi lên bảng đọc bài. Bạn tôi đứng đó, lúc lắc người, đọc lớn "Mon Couteau" nhưng cố tình đọc thành "Mân Cu Tôi"...
Chúng tôi thoát thầy sau năm đệ Tứ.
Thầy không hề hiểu rằng lũ nhãi con đệ Tứ đã rất khôn, đã biết thầy nào giỏi, thầy nào dậy kỳ lạ như thế. Đến chết lũ học trò thầy sẽ không bao giờ quên trò dậy học của thầy. Năm đệ Tứ chúng tôi được dậy Trần Tế Xương và cứ nhớ mãi câu "Học trò chúng nó tội gì thế / Lỡ để cho ông túm được đầu?"
Tại sao thầy không lôi Anatole France , De Amicis ra dậy chúng tôi, cho chúng tôi học thuộc lòng mà bắt chúng tôi học cái thứ văn chương khủng khiếp của chúng tôi như bài Mon Couteau ấy?
CÁCH MẮNG CHỬI CỦA CÁC THẦY
Cụ Đỗ Trí Lễ dậy chúng tôi lý hóa năm đệ Tam C. Cụ chán chúng tôi lắm vì ban C, lại năm đệ Tam thì chúng tôi không chịu học. Một hôm, cụ tức quá, cụ chửi chúng tôi nguyên văn:" Đéo mẹ chúng mày sao mà ngu thế..." Bọn học trò cười phá lên vì cụ văng tục. Cụ càng giận, cụ chửi tiếp: "Đéo mẹ chúng mày còn cười cái gì nữa..."
Giáo sư Vũ Khắc Khoan chửi nhẹ nhưng đau hơn. Năm ấy chúng tôi học đệ Nhất C. Thầy vừa vào, có một chàng đang đùa với hàng xóm, cười khúc khích. Thầy hất hàm gọi chàng đứng dậy. Thầy bảo chàng quay lại ngó cái ghế và hỏi rằng cái ghế ấy ngồi được mấy người. Chàng trả lời là ba ngưòi. Thầy nói cái ghế dài như thế mà chỉ vừa cho ba người ngồi, như vậy là đã lớn rồi. Lớn rồi thì đừng cười cợt như trẻ con nữa ... ngồi xuống!
Chửi như thế là đau. Nhớ đời.
(Còn tiếp)