February 18, 2010

February 19, 2010

Ngày 15 tháng 2 năm 2010

Bạn ta,

Chuyện một người ở đầu sông Tương, con sông lớn ở tỉnh Hồ Nam, người ở cuối sông, khúc chẩy vào hồ Động Đình, nhớ nhau mà không thấy được nhau, trong khi cả hai lại uống nước của cùng dòng sông, tưởng như chỉ có thể tìm thấy trong mấy câu thơ cổ, thì lại vẫn còn ở thế giới chúng ta sống.

...sông Tương một giải nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia
...

Cảnh tội nghiệp vô cùng.

Nhưng ít ra, nếu muốn, cứ dọc bờ sông mà đi, thế nào cũng gặp nhau ngay. Trong khi đó, có những sự chia cách khác, khoảng cách tuy không bao nhiêu, không kẻ đầu sông, người cuối sông, nhưng gặp nhau thì không dễ gì. Chàng và nàng có thể phải chờ trong một khoảng thời gian vài ba năm mới có thể đi tìm nhau được. Như cặp tình nhân trong bức thư đọc được trong mục Dear Abby hồi tháng trước: chàng và nàng đều phải chờ cho mãn án tù, mới đi tìm nhau được, vì cả hai đều đang ở tù tại California.

Bức thư của nàng viết cho biết như thế. Nhưng như người ta hay nói: love will always find the way. Cứ yêu nhau, thì chuyện gì cũng giải quyết được, đường đi có khó đến mấy thì rồi cũng kiếm ra cách, cũng tìm ra lối.

Bức thư của người phụ nữ viết nhờ Abby gỡ rối cho biết nàng đang ở trong cùng một khám đường với người đàn ông mà nàng rất có cảm tình. Hai người chưa gặp nhau bao giờ -- tương tư bất tương kiến -- hệt như lời bài thơ cổ, nhưng họ đã nói chuyện với nhau bằng một cách khá kỳ lạ.

Không phải bằng điện thoại thường, cũng không phải bằng điện thoại di động, mà bằng một cách chưa ai nghĩ ra được.

Hai người, mỗi người một phòng giam, cách nhau không biết bao nhiêu hành lang. Nhưng họ vẫn nói chuyện được với nhau mỗi ngày. Trong phòng giam, theo lời người viết bức thư, họ đã dùng cái cầu tiêu để nói với nhau.

Bằng cách nào? Nàng cho biết cả hai người cùng cho nước thoát ra hết bồn cầu. Việc này dễ, không có gì khó: khóa nước lại, rồi bấm nút cho nước thoát đi. Nước thoát đi, nhưng ống dẫn vào bồn bị khóa nên nước không vào được bồn nữa. Ống nước không bị chặn lại ở con thỏ nên thông sang một cái ống khác cũng đã được khóa và không cho nước làm đầy bồn nữa. Thế là một đường dây viễn thông được mở ra. Hai người cứ úp mặt vào bồn cầu, nói với nhau, thăm hỏi nhau, tỏ tình với nhau, và sắp yêu nhau đến nơi, theo thư nàng cho biết. Sau một tháng chuyện trò với nhau như thế, chàng nói chàng yêu nàng và muốn được nàng yêu lại. Nhưng nàng có vài điều nghi ngại nên hỏi ý kiến Abby. Nàng đang ở trong tù. Nàng muốn chờ cho đến lúc ra tù, đầu óc minh mẫn, lúc đó nói yêu nhau cũng chưa muộn.

Abby đồng ý với quyết định chờ mãn án của nàng rồi hãy bước hẳn vào mối tình mới mày.

Nhưng cũng như mọi thứ khác trên đời, chuyện của hai người không phải là không có khó khăn.

Thứ nhất là ngay ở phương tiện thông tin đang sử dụng.

Nói với nhau mà dùng cái bồn cầu đã là kỳ rồi. Lúc đang nói chuyện, một trong hai người bị thiên nhiên réo gọi, phải trả lời tiếng gọi của thiên nhiên thì kỳ lắm. Chàng phải xin lỗi nàng, hay nàng phải xin lỗi chàng để tạm ngưng cuộc đối thoại rất lãng mạn để thò tay mở cái khóa nước. Nước sẽ chẩy vào thùng nước phía trên. Quả cầu nhỏ trong thùng nước bị nước đẩy lên và bịt ống nước lại. Bấm nút cho nước thoát đi, một thùng nước khác được làm đầy. Chàng hay nàng lúc ấy ngưng úp mặt vào bồn cầu để quay lại ngồi lên bàn cầu. Phía bên kia hồi hộp chờ đợi bên này xong việc để nối lại câu chuyện. Có thể bên kia cũng lợi dụng bên này bận để giải quyết cùng một vấn đề tuy lúc đó có thể chưa thúc bách lắm. Ít phút sau, việc giấy tờ (paper work) xong xuôi(?), lại bấm nút cho nước thoát đi, khóa ống nước lại, đường ống... thông tin được thiết lập trở lại, hai bên nói tiếp câu chuyện tình ái...

... Sông biển nào nghe thấu nỗi niềm?
Sóng đâu cồn khóe mắt thâm nghiêm?
Lòng ơi! hoài vọng bao giờ nói
Thăm thẳm trùng dương một tiếng "em"...

Hai người sẽ không bao giờ cãi nhau, giận nhau trong những lúc nói chuyện như thế. Tức lắm cũng không ai dám nói người kia là "Này, đừng có dở khắm, dở thối ra nhá. Ăn nói cái kiểu gì mà thối quá vậy..."

Bởi vì trong cách nói chuyện đó, thì cả hai đều... thối cả. Nói ra dễ làm mất lòng nhau lắm...

Mà cũng không thể nói "đồng ẩm Tương giang thủy" được. Lúc nhớ nhau, nói chuyện với nhau bằng cách ấy thì khó mà nghĩ tới chuyện uống nước được lắm.

Tôi muốn chúc lành cho cặp tình nhân. Họ là những người đầy sáng kiến. Trong những tình cảnh đầy khó khăn như thế mà họ vẫn yêu được nhau thì họ xứng đáng được hạnh phúc.

Chỉ sợ trong đời sống bình thường sau này, lối tỏ tình nhạt nhẽo, thiếu hương vị như của chúng ta sẽ làm cho họ chán nhau mà thôi.


Ngày 16 tháng 2 năm 2010

Bạn ta,

Tôi nghĩ ông Tú Xương, tay chơi của làng Vị Xuyên tỉnh Nam Định, nếu còn sống chắc ông sẽ thích cái sản phẩm này lắm.

Ông có ở xa xôi đến đâu, thế nào tôi cũng phải gửi cho ông, như người phụ nữ gửi rau sắng chùa Hương đến tận nhà cho ông Tản Đà để ông già núi Tản khỏi phải lặn lội lên tận chùa Hương, hay ngồi ở nhà mà than "con đò ngại tốn, con đường ngại xa" vậy.

"Hoa hoa công tử ", hay là Playboy theo cách dịch của mấy ông bạn đồng văn của chúng ta, "giầy giôn anh diện, ô Tây anh cầm " là người xứng đáng để nhận món quà lịch lãm và hào hoa này hơn ai hết.

Chàng là tay chơi, mà lại thích chơi cho lịch, cho đài các thì phải có nó.

Nó đây là cái áo mưa của Prada.

Người tử tế như bạn, nghe nói cái áo mưa của Prada, chắc đã nghĩ ngay đến một cái trench coat mầu kaki nhạt, hai hàng nút phía trước, ngực cài chéo, cầu vai, thắt lưng như chiếc trench coat của bạn. Nhưng bạn lầm to.

Prada tung ra loại áo mưa này để chỉ dùng một lần rồi bỏ chứ không phải như cái trench coat có cái nhãn London Fog mà bạn mặc đi mặc lại mấy mùa thu vừa qua. Nó là thứ cần thiết còn hơn là cái ô mà ông Tú bị mất rồi chỉ lo "rầy gió mai mưa, lấy gì đi sớm về khuya với tình".

Không có nó thì phiền lắm, phiền hơn là cái ô ông mất ở nhà cô đầu nhiều. Nhất là vào thời đại hiện nay. Không có nó thì ông còn vất vả hơn là đã có lần ông từng đau khổ thú nhận:

Thua bạc ra đi với mẹ nhà
Bệnh gì không bệnh, bệnh tim la...

Ông Tú cần những chiếc áo mưa, không phải bất cứ áo mưa gì cũng được, "hoa hoa công tử " thì phải áo mưa Prada.

Làm sao một người đã khăn nhiễu tím, ô lục soạn, bít tất tơ, giầy Gia Định bóng... mà lại chịu dùng mấy thứ áo mưa nhà quê của những hãng latex vô danh tiểu tốt được.

Phải là áo mưa Prada. Tay chơi mà. Áo mưa cũng phải có tên hiệu nổi tiếng, do các nhà vẽ kiểu thời trang sản xuất thì mới được.

Chẳng lẽ nàng mặc toàn St. John, Versace, Dior... còn chàng thì Hugo Boss, nếu không cũng là Ralph Lauren, hay hạng bét ra cũng là Banana Republic mà đến lúc ấy lại móc túi lấy ra cái của Sheik, hay Trojan, Lifestyles, Prime, Magnum, Gold Circle Coins... thì nhà quê nhà mùa quá. Có thể vì cái áo mưa cù lần, không có tên tuổi nổi tiếng, bị đuổi về nhà nhìn trần nhà thì còn gì chán bằng.

Và do đó, Prada đưa ra sản phẩm của họ.

Tưởng tượng với cái sản phẩm của Prada ấy, những tiếng suýt soa sẽ nghe thấy lớn hơn. Có thể còn có cả tiếng huýt sáo cùng với vài ba tràng pháo tay (mà không cần phải nhờ em-xi khẩn khoản nài nỉ xin quí vị một tràng pháo tay cho các nghệ sĩ (?) trình diễn) đầy ngưỡng mộ và thán phục thì còn gì vui hơn. Tự ái được vuốt ve tối đa. Ego được cho lên tầu bay, bay vòng quanh thế giới vài ba vòng. Cái tên Prada , như thế, có thể cứu nguy được cho những tự ái bầm dập bao nhiêu lâu nay.

Prada nhất định sẽ thành công với sản phẩm mới này, như tờ TIME cách đây mấy số cũng phải lôi ra giới thiệu.

Nhưng không phải là những chiếc áo mưa Prada này không gây rắc rối cho người tiêu thụ.

Thí dụ nhìn thấy cái nhãn hiệu Prada, biết đâu chẳng có người đề nghị đừng dùng, phí của, xin mang về làm kỷ niệm thì sao? Vất vả đấy.

Hay cũng có khi đương sự không ưa Prada, cho dù là ví tay, hay quần jeans, mà đòi của Versace hay Diane Von Furstenberg, Gucci... mới chịu thì biết làm sao giải quyết đây?

Giữa đêm đông Bắc Mỹ đang đổ chụp xuống thì khổ quá đấy. Mà không có thì cứ nghĩ đến cái nạn của ông Tú là lại sợ điên người lên mất thôi.


Ngày 17 tháng 2 năm 2010

Bạn ta,

Benjamin Franklin, một trong những cha đẻ của nước Mỹ, trong những lúc không giúp soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa kỳ, thì hình như ông chỉ có một trò chơi ưa thích, đó là thả diều trong những khi trời nổi dông bão để đến nỗi suýt bị sét đánh, và thì giờ còn lại, có vẻ như ông chỉ dùng để nghĩ ra những câu nói làm khổ đời không biết bao nhiêu đứa bé trong những năm thơ ấu ngắn ngủi của chúng.

Thí dụ những câu như đi ngủ sớm, dậy sớm sẽ làm cho người ta vừa giầu có vừa khôn ngoan (Early to bed and early to rise makes a man rich and wise), hay việc hôm nay đừng để đến ngày mai (Never put off until tomorrow what you can do today)... Ông không bao giờ đồng ý với những chuyện vô cùng thích thú đó của bọn trẻ con. Ông toàn nói những điều ngược lại với những chuyện đem lại quá nhiều niềm vui của chúng.

Ông cụ tôi là người thuộc rất nhiều câu dậy đời quái ác đó của ông, và thường xuyên đem ra cho chúng tôi nghe. Tôi ghét cay ghét đắng ông già Franklin là vậy. Ông già Ben suýt bị sét đánh chết trong một buổi chơi diều và nhờ đó, chế ra cái thu lôi tiên để lại cho đời, không hề biết rằng thói quen để việc hôm nay đến ngày hôm sau, cái tính hay diên kỳ, trì hoãn, lần lữa, triển hoãn, để lại đến ngày khác mà ông khuyên nên bỏ, cũng có cái khía cạnh tốt đẹp của nó, đó là chúng ta luôn luôn có vài ba việc để làm trong ngày mai.

Nên con số những người hay để việc hôm nay đến ngày mai có vẻ khá đông.

Khi còn sống, có lần mẹ tôi sang chơi với tôi mấy ngày ở Virginia. Khi về, cụ để quên trong tủ áo phòng tôi chiếc khăn quàng lụa, không biết quà của ai trong mấy chị em chúng tôi biếu cụ. Tôi định gửi lại cho cụ, nhưng rồi cái tính mà Benjamin Franklin ghét lại nổi lên đùng đùng trong người, và chiếc khăn treo trong tủ áo vẫn tiếp tục được treo ở chỗ cũ đó.

Ít lâu sau, thì tôi quên luôn là trong tủ áo còn có cái khăn quàng của mẹ. Khi dọn nhà, xếp quần áo vào thùng, tôi thấy nó, định gửi đi, nhưng những việc lặt vặt khác lại thình lình hiện ra sau chuyến dọn nhà, đẩy chuyện gửi cái khăn quàng sang Canada xuống một ưu tiên dưới, vả lại, mẹ tôi nhất định còn có vài chiếc khăn khác.

Một hôm, cũng trong khoảng thời gian giữa tháng Hai, ở Virginia nhiệt độ thình lình giảm đi hẳn hơn hai mươi độ, buổi sáng đi làm cần chiếc áo lạnh, mở tủ áo, thì tôi thấy từ chiếc mắc áo rơi ra chiếc khăn quàng mầu nâu có in những chiếc lá vàng, chiếc khăn quàng mẹ tôi để quên ở nhà tôi trong lần đi thăm tôi năm trước.

Hơn một năm rồi, mà mùi nước hoa mẹ tôi dùng vẫn còn mơ hồ trong những thớ lụa. Cái mùi mẹ tôi dùng đã bao nhiêu lâu nay, mùi Coco Chanel, vẫn còn nguyên một cách kỳ lạ. Chiếc khăn lúc vắt trên vai, lúc trùm mái tóc, mùi mẹ tôi, mùi tay, mùi tóc... tìm kỹ chắc cũng còn nguyên trong đó.

Tôi nghĩ những cái mùi mà mấy chị em chúng tôi đã biết, đã quen từ mấy chục năm nay vẫn còn trong những sợi tơ dệt chiếc khăn quàng lụa đó.

Mới vừa hôm nào...

Bây giờ thì tôi không cần phải gửi cái khăn ấy đi đâu nữa. Và lương tâm cũng không còn cắn về cái tội trì hoãn, không gửi lại cho mẹ tôi cái khăn quàng ngay nữa.

Trái lại, chuyện trì hoãn, lần lữa khiến tôi không gửi ngay chiếc khăn cho mẹ tôi lại hóa ra hay, một việc rất đáng làm, hay nói đúng ra, là rất đáng trì hoãn, rất đáng để không làm.

Chứ mau mắn, không để việc hôm nay đến ngày mai mà làm ngay, gửi lại cho cụ chiếc khăn thì làm sao bây giờ tôi có một kỷ niệm rất đẹp của mẹ tôi ở với tôi. Gửi rồi phải... tranh giành với mấy chị em tôi sau khi mẹ tôi mất hồi đó hay sao?

Ông già Benjamin Franklin lần nữa, lại sai lầm nặng.


Ngày 18 tháng 2 năm 2010

Bạn ta,

Cuốn sách vừa phát hành tại Anh quốc của David Weeks và Jamie James, Secrets of the Superyoung, bí mật của những người trẻ lâu, có thể sẽ khiến các ma đam chủ thẩm mỹ viện phải đổi nghề, hay nếu tiếp tục, thì các thẩm mỹ viện sẽ chỉ còn thứ khách hàng cơm đường cháo chợ, hằng đêm không biết làm gì hơn là nằm ngó trân trân lên chiếc trần nhà đầy mạng nhện.

Bản tin sáng nay của Reuters gửi đi từ Luân Đôn về quyển sách này cho biết là những phương pháp căng kéo bơm hút, những loại kem dưỡng da, xóa vết nhăn sẽ không còn được dùng nữa trong nỗ lực tuyệt vọng để níu kéo thêm chút thanh tân khi "Tuổi hoa niên úa dần mỗi năm, ngày xuân len lén bỏ đi, những đóa hoa ẻo lả chết vô ích " (Youth wanes year after year; the spring days are fugitive; the frail flowers die for nothing / bài 46, The Gardener của Tagore)

Tất cả các kỹ thuật cũ vừa tốn kém vừa mang lại không bao nhiêu kết quả, ấy là chưa nói đến việc làm cho bạn bè thân quen không cách nào nhận ra với những cái mũi mới bằng plastic... nam nữ dùng chung, mắt hai mí, cằm chẻ một kiểu rập khuôn của những bàn tay giải phẫu thiếu sáng tạo.

Theo David Weeks, một nhà tâm lý học, và Jamie James, một khoa học gia, thì cách hay nhất để trẻ thêm được bẩy tuổi, quăng đi những đường rãnh quái ác mỗi ngày mỗi rõ thêm, sâu thêm, những cái chân quạ nhất định không chịu... bước ra khỏi khóe mắt, những buổi sáng buồn khi soi gương thấy những sợi tóc mai đã đổi mầu là chịu khó mỗi ngày yêu bố cháu một cái bằng tất cả sự hăng hái có được (vigourous regular sex).

Theo hai tác giả của cuốn sách, thì sinh hoạt đó giúp làm giảm những chất mỡ, đồng thời làm cho não tiết ra endomorphins, một chất giúp giảm đau và đánh tan những lo âu phiền não. Hai ông đã đi đến kết luận như vừa kể sau khi nghiên cứu trường hợp của 95 người có bề ngoài trẻ hơn tuổi thật trong căn cước rất nhiều. Tất cả đều cho biết sex là yếu tố lớn nhất đem lại nét trẻ trung của họ.

Bởi thế nên không cần phải kem dưỡng da như Melanie Griffith mới có thể thách đố thời gian mà chúng ta thỉnh thoảng thấy trong những quảng cáo trên màn ảnh truyền hình. Cứ cơm nhà, quà... cũng ở nhà là trẻ ra tới bẩy tuổi ngay tức thì.

Cuốn sách của David Weeks và Jamie James còn đưa tới những chuyện khác nữa. Thí dụ tối tối, mẹ cháu có thể cầm viên aspirine đứng trước mặt bố cháu nuốt cái ực, rồi nói lớn: "Cho nhức đầu đi chơi chỗ khác nhá..." Hay cũng có khi vuốt mái tóc điểm sương của bố cháu rồi âu yếm: "Bố già quá rồi, mà lại không là... xếp của Mafia được... thôi để em làm cho bố trẻ đi bẩy tuổi nghe..."

Thế là lại làm ma đam chủ thẩm mỹ viện cho cả bố cháu lẫn mẹ cháu cho cả hai thành... đôi trẻ trở lại. Nhưng cứ giúp bố cháu trẻ lại như thế thì cũng mệt quá. Thế nào chẳng xẩy ra chuyện những cuốn sách quái ác đó bị đem đốt ngay từ khi được chở từ Anh sang nước Mỹ, trước khi chúng được đưa tới các tiệm sách để giúp những người đàn ông khốn khổ ở nước Mỹ tiếp tục già cho đỡ... mệt.

Ai cần bỏ đi bẩy năm trên mặt để mất đi bẩy năm ở những chỗ khác?


Ngày 19 tháng 2 năm 2010

Bạn ta,

Một người bạn ở đây thấy trí nhớ của tôi bắt đầu lung tung, vừa gửi cho tôi một cái organizer để yểm trợ cho bộ nhớ cũ với 8 megabytes giúp ghi xuống những chuyện không thể quên được trong đời sống.

Như bạn biết, sau cái tuổi năm mươi quái ác, trí nhớ bắt đầu bỏ chúng ta mỗi ngày. Có khi đang nói giữa câu thì quên hẳn định nói gì, không sao nhớ ra được. Thình lình ai hỏi hôm qua làm gì, mặc cái áo nào, cái ca vát mầu gì, tối ăn gì, với ai, là chịu thua. Cái hẹn đến rồi đi, mãi mấy ngày sau mới nhớ. Một khuôn mặt rất quen mà cái tên thì biến mất. Hai tháng trước, một người bạn cũ của thời đi học gặp tôi ở một quán ăn. Vẫn cái giọng nói đó, vẫn tiếng cười đó, người bạn còn giúp trí nhớ bằng hai ba chi tiết khác, rốt cuộc đành mang tiếng là "thiên hạ đệ nhất bạc tình lang" vì không cách gì nhớ ra nổi. Mãi đến khi có tấm danh thiếp, mới... mừng mừng tủi tủi ôm nhau cứ như cảnh quán bên đường trong bài thơ của Bình Nguyên Lộc.

Cái organizer cầm gọn trong bàn tay ngoài khả năng lưu giữ 12 ngàn cái địa chỉ, một số hình ảnh (để đề phòng trường hợp một người bạn cũ khác trắc nghiệm trí nhớ), còn giữ được trong bộ nhớ của nó những cái hẹn trong mười năm sắp tới.

Mười năm sắp tới, là từ nay đến năm 2020. Tất cả những cái hẹn, từ hẹn tới phở Nguyễn Huệ ăn sáng với ông chủ tiệm có những cái ca vát rất đẹp, đến bữa ăn tối ở Laguna, chuyến đi San Jose đầu năm tới, sinh nhật mấy đứa cháu nội, ngoại, cái đám cưới con người em, thay nhớt máy xe, gia hạn báo Time, thượng thọ 70 của... mình... tất cả đều có thể được giữ trong bộ nhớ, đến ngày đến tháng phải làm những chuyện đó, một tràng tiếng bíp, màn ảnh hiện ra hàng chữ nhắc người đàn ông đãng trí việc phải làm. Trong mười năm sắp tới.

Mười năm là xong tới hai kế hoạch ngũ niên của nhiều nước thích dùng con số 5 để hoạch định những chương trình hoạt động quốc gia.

Nhưng chuyện nghĩ đến hai kế hoạch ngũ niên bây giờ hình như ít người dám làm. Chuyến ra đi của những người bạn trên dưới tuổi chúng ta bắt đầu làm cho chuyện nghĩ cho năm năm, mười năm trở nên hơi... khó nghĩ. Mà toàn là những người sống mực thước, điều độ, lành mạnh cả. Tất cả đều đã "bất hứa nhân gian kiến bạch đầu" trong mấy năm trở lại đây.

Thế nên cứ mỗi năm, đứng trước một năm mới, là lại thấy như ông Mai Thảo chờ quà:

Sáu mốt cùng ta đứng trước thềm
Đợi trời thả tặng chút xuân thêm
Trời thôi tặng phẩm, xuân còn hết?

Quà của trời, của xuân cũng có khi hết, làm sao biết chắc sẽ xong nổi... hai cái kế hoạch ngũ niên?

Thì người bạn gửi cho cái organizer giúp khỏi quên những cái hẹn của 10 năm tới.

Mấy năm trước, tôi đọc được một câu nói của James Garner rất lý thú. Ông tài tử 72 tuổi lúc ấy, khi được hỏi có những dự tính gì trong hai chục năm tới, đã trả lời rằng ông không hề dự phóng ra một tương lai xa như thế. Hãy cứ hỏi tuần tới có lẽ tiện hơn. Rồi ông cho biết ông lâu nay, khi đi chợ, không còn mua chuối xanh nữa.

Vậy mà hôm qua, ghé chợ mua ít trái cây và bình sữa để uống cà phê, tôi đã mua mấy quả chuối chưa chín, hy vọng còn có thể ăn được trong mấy ngày tới.

Như vậy là cũng đã chủ quan và yêu đời lắm rồi. Nhưng món quà của bạn gửi cho thì có phải là lạc quan quá đáng không?

Chắc không, cái organizer do hãng sản xuất đã có sẵn bộ nhớ khá lớn đó. Người mua không đặt ra cái khả năng ghi nhớ những cái hẹn mười năm. Và người dùng thì lại càng vô can.

Cũng như những quả chuối còn xanh mua về chẳng phải là một suy nghĩ lạc quan gì. Chuối chín thì ăn với Danish blue cheese rất dở. Vậy thôi.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 64)

Bản chuyển tả do NHÃ LAN thực hiện. Bài học số 64 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 3 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

NHÃ LAN

Thưa anh, đã mấy lần Nhã Lan thấy mình cần phải nói ra một câu gì đó, có thể là để cho đỡ tức, mà cũng có thể chỉ để nói ra điều mình nghĩ thôi mà không biết nói thế nào cho đúng. Mà toàn là những điều không thể dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh được. Dịch có sát cách mấy đi chăng nữa thì chắc người Anh , người Mỹ nghe cũng thấy ngô nghê lắm. Mà như thế thì làm sao nói được đúng ý của mình được. Thí dụ nói thế này thì làm sao người Mỹ người Anh hiểu được ý của mình: YOU ARE WORTH IT! Nhã Lan chắc chắn anh cũng không hiểu Nhã Lan nói gì nữa.

BBT

Để tôi coi nhé. YOU ARE WORTH IT! dịch đúng từng chữ thì phải nghĩa là ông thì đáng giá nó. Tôi không hiểu. Có lẽ cũng chẳng ai nói như thế bao giờ. Thực ra thì cô muốn nói gì với phía bên kia?

NHÃ LAN

Nguyên hôm ấy, Nhã Lan đang lái xe đi làm thì có một chiếc Porsche vượt ở dưới lên, rồi qua mặt Nhã Lan ở phía bên phải, lại cũng không chớp đèn hiệu gì hết. Nhã Lan chạy tiếp được một lúc thì thấy chính chiếc xe Porsche đó bị tai nạn, chui hẳn vào gầm một chiếc 18 bánh. Nhã Lan chỉ muốn dừng xe lại, đến tận nơi và hét vào mặt người đàn ông lái xe ấy một câu. QA biết Nhã Lan muốn câu gì không nào?

QA

Nếu là QA thì QA nghĩ sẽ phải đến tận xe của ông ta, chỉ vào mặt ông ta trong lúc ông ta còn đang nằm kẹt dưới gầm chiếc xe vận tải 18 bánh đó rằng " Đáng đời nhé!" Nhưng phải nói thế nào mới đúng tiếng Anh, mới làm phía bên kia tức điên lên thưa anh?

BBT

À bây giờ tôi mới thấy là hai cô cũng dữ lắm chứ không phải là hiền đâu. Muốn nói "Đáng đời nhà ông, nhà cô, nhà bà" thì tiếng Anh nói THAT SERVES YOU WELL! Hay THAT SERVES HIM/ HER/ THEM WELL nếu những người ấy là ngôi thứ BA số ít hay số nhiều, chứ không thể nói YOU ARE WORTH IT! Câu THAT SERVES YOU WELL là câu dùng để sát muối vào vết thương phía bên kia, ý nghĩa hệt như câu RUB SALT IN THE WOUND hay RUB SALT IN AN OLD WOUND nghĩa là cố ý gây đau đớn cho một người bằng cách khơi lại vết thương cũ. Thí dụ có người bị ngân hàng tịch thu nhà, nhà ông ấy bị foreclosed, mà bạn bè thấy ông ngồi đó lại cứ đem những chuyện mua hai ba căn nhà ngân hàng tịch thu đem bán đấu giá để đầu tư thì đó là việc sát muối vào vết thương vậy.

QA

Không cần phải nói ra cũng biết việc đó làm đau lòng người nghe nhiều lắm chứ không phải là không.

BBT

Cô QA, cô có biết cô vừa mới dùng đúng một câu mà tôi định nhắc hai cô không? Câu đó trong tiếng Anh là IT GOES WITHOUT SAYING. Câu tiếng Anh giống hệt như câu cô QA vừa dùng: không phải nói ra, nhưng ai cũng thừa biết.

Thí dụ không cần phải nói ra, ai cũng biết cô Tấm trong truyện Tấm Cám bị mẹ ghẻ hành hạ. Cô Nhã Lan nói thử bằng tiếng Anh câu này coi.

NHÃ LAN

IT GOES WITHOUT SAYING THAT POOR LITTLE TẤM WAS ABUSED BY HER STEP MOTHER.

BBT

Như vậy, IT GOES WITHOUT SAYING là câu được dùng để giới thiệu một sự thật hiển nhiên, một điều ai cũng coi là đúng, một chuyện không ai là không biết, như chúng ta nói trong tiếng Việt là chẳng phải nói, ai cũng thừa biết rằng thế này, thế nọ. QA cho nghe một câu dùng IT GOES WITHOUT SAYING coi.

QA

IT GOES WITHOUT SAYING THAT OSAMA BIN LADEN WANTS TO HURT AMERICA BADLY.

BBT

Cám ơn hai cô. Như vậy, hai cô thấy đó là những câu rất có ích mà lại rất dễ dùng. Nói OSAMA BIN LADEN WANTS TO HURT AMERICA BADLY thì cũng được. Nhưng thêm mệnh đề IT GOES WITHOUT SAYING ở đầu thì chúng ta có ngay được sự chú ý của người nghe. Sau đó chúng ta mới nói điều chúng ta muốn nói ra, và lúc đó, câu nói của chúng ta, điều mà chúng ta muốn nói sẽ được lắng nghe nhiều hơn.

NHÃ LAN

Trong Anh ngữ có chữ gì để gọi những câu đó không thưa anh?

BBT

Những câu như thế gọi chung là ATTENTION GRABBERS. Danh từ GRABBERS là xuất xứ từ động từ TO GRAB nghĩa là chiếm lấy, nắm lấy, giật lấy, chụp lấy. ATTENTION GRABBERS là những câu dùng để gợi sự tò mò, tạo sự chú ý của người nghe để khuyến khích họ nghe chúng ta kỹ hơn, cẩn thận hơn những điều chúng ta nói sau đó.

QA

QA nhớ có hôm mấy đứa con tranh luận nhau dữ dội lắm, cuối cùng một đứa bật ra nói IT DOES NOT TAKE A ROCKET SCIENTIST TO DO gì đó. Đó cũng là một câu ATTENTION GRABBER phải không anh?

BBT

Đúng. Trong câu đó cũng còn có một ý nghĩa mỉa mai nữa. Có khi người ta nói một câu gần giống như thế: IT DOES NOT TAKE A PH.D. TO … Một đằng thì nói rằng không cần phải là một kỹ sư hỏa tiễn mới làm được chuyện đó, đằng kia thì nói rằng không cần phải có bằng tiến sĩ mới biết, mới làm được chuyện đó. Nghĩa là dễ ợt, dễ như trở bàn tay, dễ đến như con nít cũng làm được. Cô QA cho một thí dụ coi.

QA

Vài hôm sau đó mấy con QA lại tranh luận về chuyện Iran. Con em út nói IT DOES NOT TAKE A ROCKET SCIENTIST TO KNOW WHAT IRAN REALLY WANTS.

BBT

Đúng rồi, mấy cái lò nguyên tử của Iran đâu phải để dùng nướng bánh mì. Con nít cũng thừa biết Iran muốn có mấy quả bom nguyên tử để hù dọa các nước bên cạnh như Iraq, Ả Rập Sauđi … và đốt cháy tiêu Israel như chính tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã từng nhiều lần nói. Có câu này hai cô cũng nên biết. Trước khi nói ý kiến của mình, muốn nhắc mọi người nghe kỹ, người ta có thể dùng câu này: CORRECT ME IF I AM WRONG. Câu này nghĩa là ông bà nghe tôi nói nhé, nếu sai thì sửa giùm nghe… Nghe vậy thì ai mà lại chẳng muốn lắng nghe xem chúng ta nói gì, coi có nói tầm bậy tầm bạ không để sửa lưng. Vào đề như vậy thì ai mà lại không giỏng tai lên nghe. Mời cô Nhã Lan cho nghe một thí dụ.

NHÃ LAN

Để Nhã Lan thử coi câu CORRECT ME IF I AM WRONG có ăn nhịp vào với câu sau không nhá QA: CORRECT ME IF I AM WRONG BUT THE KENNEDY FAMILY WAS FROM IRELAND.

BBT

Rất đúng. Ai cũng biết gia đình Kennedy là gốc Ái Nhĩ Lan. Cô Nhã Lan biết chắc mình không sai, nhưng vẫn nhờ người khác nghe và sửa giùm. Nói để chơi vậy thôi chứ có cần ai sửa đâu, thực ra chỉ cốt để người nghe chú ý hơn mà thôi. Cô QA cho nghe một câu khác đi.

QA

CORRECT ME IF I AM WRONG BUT CANADA IS LARGER THAN THE U.S.

BBT

Đúng lắm. Nhưng cô còn nói nhún đi một chút, nhờ người nghe nếu thấy sai thì sửa giùm trong khi đó, cô vừa mở sách địa lý ra coi diện tích của Canada và Hoa kỳ rồi mới giả bộ khiêm tốn như thế. Có một câu người Việt Nam cũng hay nói nhưng không nên dịch nó sang tiếng Anh để nói vì nó không còn thích hợp trong đời sống của chúng ta ở thế giới ngày nay nữa. Đó là câu không chết thằng Tây đen nào cả. Ý nghĩa của câu đó là chuyện không quan trọng là bao, làm cũng được, không làm cũng được, đúng cũng hay mà không đúng cũng không sao.

Thí dụ hai cô giúp một người viết cái résumé kèm vào đơn xin việc. Người ấy nói là có biết tiếng Pháp và tiếng Nhật, vậy có nên ghi chi tiết đó trong đơn xin việc không. Hai cô đồng ý là viết chi tiết đó vào cũng được, không viết vào cũng không chết ông Tây đen nào cả. Hai cô sẽ dùng câu IT DOES NOT HURT TO…

NHÃ LAN

IT DOES NOT HURT TO INCLUDE FRENCH AND JAPANESE IN THE RÉSUMÉ.

BBT

Nghĩa là cho biết thêm chi tiết nói được tiếng Pháp và tiếng Nhật cũng chẳng chết ai. Còn câu này là câu tôi nghe con gái nói chỉ sau khi cháu đến Canada và đi học ở trường Birchcliff ở Toronto có vài ba tháng, câu I WAS NOT BORN YESTERDAY. Tôi nghe mà phục nó vô cùng. Lúc ấy nó mới có 6 tuổi mà đã nói được một câu chính xác và chanh chua như vậy. Thay vì nói DON’T FOOL ME hay DO YOU THINK I AM STUPID? thì nó nói rằng tôi đâu có phải là người vừa ra đời hôm qua.

Cô QA, nếu có muốn dùng câu I WAS NOT BORN YESTERDAY để mở đầu cho một câu khác thì cô sẽ nói như thế nào?

QA

THE FENG SHUI MASTER SAID HE COULD SHOW ME HOW TO WIN THE LOTTERY BUT I TOLD HIM I WAS NOT BORN YESTERDAY.

BBT

Cám ơn cô. Câu kế tiếp cũng là một câu rất hay. Thí dụ chúng ta ngồi nghe một người nói toàn những chuyện viển vông hệt như cô gái đội liễn sữa trong ngụ ngôn của La Fontaine. Chúng ta muốn ông ta đừng có mơ mộng nữa. Tiếng Anh có một câu hay tuyệt: Thức dậy, ngửi cà phê đi, đừng có mơ ngủ nữa. Hãy tỉnh dậy và nhìn kỹ thực tế đi. Đó là câu WAKE UP AND SMELL YOUR COFFEE. Cô Nhã Lan đã có bao giờ ở trong trường hợp phải nói câu đó chưa?

NHÃ LAN

Thưa có rồi. Hôm ấy có một người đến nhà Nhã Lan chơi. Ông ấy nói toàn triệu này, triệu kia không à. Ông nói là định sang Haiti làm nghề xây cất, vài năm là về hưu, rủ Nhã Lan đi cruise khắp thế giới rồi về xây căn nhà bên suối. Nhã Lan muốn nói câu ấy quá mà không nỡ nên chỉ nghĩ thầm thôi. HE TALKED ABOUT MAKING TENS OF MILLIONS OF DOLLARS BUT I ONLY WANTED TO TELL HIM TO WAKE UP AND SMELL HIS COFFEE.

BBT

Nhưng thôi, đừng lay chàng nhé, cuộc đời chung quanh, hãy cứ để cho chàng mơ tiếp.

QA

QA nhớ có một câu ý nghĩa đại khái là thôi, để nói tóm lại, không muốn dài dòng nữa … mà QA không sao nhớ nổi nguyên văn câu ấy như thế nào. QA nhớ lơ mơ câu ấy có đề cập tới LONG STORY với SHORT STORY gì đó. Anh giúp trí nhớ QA đi.

BBT

Chắc đó là câu TO MAKE THE LONG STORY SHORT. Chúng ta dùng câu đó khi không muốn đi vào chi tiết để phải đầu cua tai nheo nữa, đểø nói qua phần cuối của câu chuyện. Những chi tiết đó có thể vô ích, lại dài dòng quá. Để đi thẳng vào vấn đề, vào ngay đoạn cuối, nói thẳng vào chi tiết quan trọng và đáng kể nhất, chúng ta nói rằng thôi để tóm lại, để rút ngắn câu chuyện lại…

Thí dụ HE STAYED IN VIETNAM AFTER THE FALL OF SAIGON AND SPENT MANY YEARS IN PRISON. BUT TO MAKE THE LONG STORY SHORT, HE ESCAPED TO INDONESIA AND CAME TO THE U.S. IN 1991.

QA

Có thể nói TO SUM UP được không thưa anh?

BBT

Được chứ. Tôi còn một câu nữa muốn bầy cho hai cô.

NHÃ LAN

Nhưng trước khi anh dậy câu đó, Nhã Lan nhớ một câu cũng ly kỳ lắm: YOU DO THE MATH. Câu này dùng thế nào thưa anh? Có phải là đề nghị mình làm tính không thưa anh?

BBT

Gần như thế. Nhưng câu ấy không đòi cô phải lấy giấy bút ra làm toán. Nó chỉ có nghĩa là hãy thử tính, thử suy nghĩ một chút coi. Thí dụ ông ta cho biết là muốn thuê thay vì mua cái Lexus. Ông ấy sẽ phải trả trước 5 ngàn. Bảo hiểm, tiền trả mỗi tháng là 1 ngàn 800 đô la. Sau 3 năm mang trả xe lại, ông còn phải trả thêm mỗi dặm 50 xu chẳng hạn. Trong khi đó, ông đi làm, mỗi tháng mang về nhà được có trên dưới 2 ngàn, cô sẽ nói gì với ông ấy sau khi đã đưa ra những con số vừa kể?

QA

NOW YOU DO THE MATH!

BBT

Đúng boong. Câu cuối cùng mà tôi muốn hai cô học để dùng là câu IT IS A FREE COUNTRY. Câu này là câu trị bách bệnh có thể dùng được trong rất nhiều trường hợp. Dùng để chê cũng được, dùng để khen cũng được. Dùng để bầy tỏ sự bất mãn, hay để nói lên thái độ kiêu hãnh cũng được.

Thấy một người ăn nói quái đản, quần áo kỳ lạ, người ta sẽ nhún vai : IT IS A FREE COUNTRY.

Không thích điều người khác nói, hay làm cũng IT IS A FREE COUNTRY. Thấy một người di dân thành công nơi miền đất mới: IT IS A FREE COUNTRY.

QA

Và thưa quí vị, đến đây là kết thúc bài học thứ 64. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Cô Huỳnh Mai (maihuynhta2004@yahoo.com)

Câu cô hỏi nguyên văn tiếng Pháp là La culture c’est ce qui reste quand on a tout oublieu. Người nói câu này là Édouard Hérriot (1872-1957), một chính trị gia từng là thủ tướng Pháp ba lần. Câu này dịch sang tiếng Anh là Culture is what is left when one has forgotten everything.

Ông Nguyễn X. Chính, San Diego, California

Nghĩa lý nguyên không có cách dùng như chúng ta vẫn thấy. Nghĩa lý theo cách hiểu là dùng hiện nay chỉ có nghĩa là nghĩa, ý nghĩa, điều muốn nói ra.

Nghĩa lý, theo ý nghĩa nguyên thủy, là đạo phải, lẽ chính (chính nghĩa và công lý) như khi nói ăn ở có nghĩa lý là sống một cách đúng theo đạo lý.

Lạp hộ hay liệp hộ là người đi săn. Nguyễn Du có hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ, người đi săn ở núi Hồng Lĩnh. Ông cũng tự đặt cho mình một biệt hiệu khác là Nam Hải Điếu Đồ, người đánh cá ở biển Nam.

Nhiếp Chính Kinh Kha là hai người, một là Nhiếp Chính, một là Kinh Kha. Cả hai đều là người thời Chiến Quốc. Cả hai đều là thích khách: Nhiếp Chính đâm Hàn Tường; Kinh Kha đâm Tần Thủy Hoàng. Hai người cùng làm một việc (thích khách) nên hai tên thường đi với nhau: Nhiếp Kinh.

Cô Phan Phi Phụng, New York, New York

Bỉ là quê mùa, thô lậu. Ồi cũng là quê mùa. Bỉ ổi là quê mùa. Hai chữ này thường được hiểu là xấu xa, tệ mạt.

Nhân vật chính trong Bích Câu Kỳ Ngộ là Trần Tú Uyên, người đời nhà Lê (Hồng Đức) . Bích câu nghĩa là cái lạch nước mầu xanh. Bích Câu là một ngôi làng ở một khu thuộc Hà Nội.

Anh em cột chèo hay anh em đồng hao là hai người rể của cùng một gia đình, lấy hai chị em ruột. Chữ Hán là liên khâm (liên là liền; khâm là áo).

Đồng tính (dấu sắc) chứ không phải là đồng tình (dấu huyền) luyến ái. Chuyện đàn ông lấy đàn ông chắc chắn đã có ở Việt Nam từ nhiều năm trước. Câu ca dao này phải có từ cả trăm năm nay là ít: Đàn ông mà lấy đàn ông / một trăm gánh đồng đúc chẳng nên chiêng.

Ông Xuân Huỳnh, Irvine, California

Xem đà đẹp đẽ cả hai
Này dâu Nam Gián, nọ trai Đông Sàng

Đây là hai câu trong Lục Vân Tiên ý nói dâu rể đều xứng đáng, tốt đẹp.

Dâu Nam Gián do hai câu trong Kinh Thi: vu dĩ thể tần, nam gián chi tân nghĩa là đi hái rau tần ở khe núi phiá nam, hình ảnh cần cù, chịu khó của người con gái, xứng đáng cưới về làm vợ.

Rể Đông Sàng là do điển gia đình Khích Giám muốn kiếm chồng cho con gái, gần đó là nhà Vương Đạo có nhiều con trai đến tuổi lấy vợ, nghe nói, các cậu đi ra đi vào, điệu bộ mong lọt mắt xanh của nhà gái, riêng có Vương Hy Chi chỉ nằm phưỡn bụng trên chiếc giường (sàng) ở phía đông tay ốc bánh kẹo ăn không thèm để ý tới khách. Ông Khích Giám nghe chuyện liền nghĩ anh chàng này đáng để lấy con mình nên gọi qua gả con gái cho. Từ đó có danh từ rể Đông Sàng.

Cha mẹ bên anh kén dâu Nam Gián
Cha mẹ bên em kén rể Đông Sàng
Hai bên phụ mẫu như đã rõ ràng
Bây giờ anh hỏi ý nàng làm sao
(ca dao)

Cụ Trần Túc (tuc34tran@yahoo.com)

Mấy câu cụ hỏi là những câu chơi chữ trong tiếng Anh kiểu như "con ruồi đậu mâm xôi đậu/ Con kiến bò đĩa thịt bò":

After a number of injections, my jaw got number : sau khi bị một số (number) mũi chích, hàm của tôi bị tê hơn (number)

The farm was used to produce produce nghĩa là trại được dùng để sản xuất (sản xuất) nông phẩm (produce)

When shot at, the dove dove into the bushes : khi bị bắn, con chim câu (dove) nhào (dove) vào bụi rậm.

Ubi bene , ibi patria là tục ngữ La Tinh nghĩa là chỗ nào sống hạnh phúc thì tổ quốc (của mình) ở đó. Người Pháp cũng nói một câu tương tự: La patrie est là où l’on est bien.

Câu tiếng Anh thì hơi xa một chút: Home is where the heart is.