Ngày 1 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Cho đến ngày hôm nay, vẫn còn có nhiều người cho rằng thế giới đối xử không mấy công bằng với phụ nữ thì lạ thật. Không công bằng trong ý nghĩa đàn ông vẫn được trọng dụng hơn đàn bà, một số công việc vẫn là độc quyền của đàn ông, lương lậu của đàn ông cao hơn đàn bà làm cùng một công việc vân vân.
Nhưng trong một vài khía cạnh, sự đối xử dành cho phụ nữ thì lại cao hơn, cao hơn là cách đối xử với đàn ông không biết bao nhiêu mà kể thì chẳng thấy ai nói gì.
Thí dụ đàn ông mỗi lần ghé thăm cái tinh tử khố (sperm bank) bán một ít tinh trùng, cho dù các chàng có thông minh cách mấy, bề ngoài cao ráo, đẹp trai đến đâu đi chăng nữa thì cũng chỉ bỏ túi được khoảng trên dưới năm chục đô la. Đưa cô bạn đi ăn cơm Tầu thì được. Cao hứng một bữa cơm Tây rượu chát là không đủ. Đúng là tay làm (?) hàm nhai, tay quai miệng trễ là thế.
Trong khi đó, mấy quả trứng của các nàng thì giá bán ít nhất cũng phải là bẩy, tám ngàn. Cao hơn thì là hai chục ngàn đô la như chơi, nếu các nàng học tại các đại học danh tiếng, lại còn thể dục thể thao, da trắng, mắt xanh và tóc vàng.
Các chàng đem của mình đi bán, thì bán đến chết cũng không bằng các nàng bán một lần.
Một bản tin mới đây lại càng cho thấy những cách đối xử chênh lệch khủng khiếp hơn thế nữa.
Một phụ nữ 19 tuổi ở Wellington, thủ đô Tân Tây Lan vừa rao bán lần đầu tiên(?) để lấy tiền đi học. Cô cho biết là chưa bao giờ biết chuyện đời, nay cần tiền đóng học phí, cô muốn bán cái lần đầu tiên ấy cho ai muốn mua để lấy tiền đóng học phí. Chắc cô định đi học tại đại học Victoria ở trên đường Kelburn chứ không đâu.
Cô không nói tên. Điều ấy cũng đúng. Cô cho biết là người có nhan sắc. Cô muốn đi học, nhưng học phí quá cao, không xoay đâu ra tiền nên có cái vốn gìn giữ (?) bao nhiêu lâu nay, cô quyết định bán quách. Để nguyên, cô lên đại học thế nào cũng mất. Chi bằng đem bán, trước mua (?) vui, sau đi học. Lý do đem bán nó như vậy là hợp lý. Nếu không, rồi cũng phải (theo một nhân vật của Nguyễn Thụy Long) cho chúng nó ủi (?) phước thiện, không vớt vát được một đồng cắc nào.
Cám ơn Trời Phật, hình như cô đã kiếm được người muốn mua nó. Thế là hai phía được mua, vừa bán. Hai bên vui vẻ. Người đàn ông có tiền có thể trong đời chưa bao giờ được bóc cái tem nào. Nay tiền bạc có thừa, phải mua một cái cho bõ những ngày cơ cực. Chết xuống âm phủ biết có hay không, như miếng giồi chó trên dương gian này.
Mà kiếm một cái ở cái xứ Tân Tây Lan bây giờ cũng khó. Đụng đóa trà mi nào cũng thấy "con ong đã mở đường đi lối về" cả rồi. Cứ ra vô thong thả hệt như ở nhà (?) thì chán chết. Nay có người rao bán, liên lạc qua lại mấy lần, được chủ nhân bảo đảm còn "gin", có giấy chứng hẳn hoi thì tại sao bỏ lỡ cơ hội.
Không hiểu chàng có biết làm như nhân vật Thân trong Đoạn Tuyệt loay hoay trải tấm khăn trắng lên giường để bị Loan nhìn khinh bỉ không. Không trải cái khăn thì làm sao có được chút bằng cớ để ra le lói với đời? Có lẽ cần có người dậy chàng làm như thế. Chẳng may nàng … xong rồi nhưng giấu chàng thì làm sao chàng biết trong khi phải tiêu tới 32 ngàn đô la Mỹ.
Có điều chàng nên xem xét kỹ lại vì tại sao nàng chịu bán với giá 32 ngàn tức ba vạn hai nghìn trong khi thực ra, cái ấy chúng ta gọi là ba vạn chín nghìn cơ mà.
Trong khi đó, những người đàn ông khi mất cái lần đầu tiên ấy (nhiều khi lại phải bỏ tiền túi ra trả) thì lại rẻ vô cùng.
Còn cô sinh viên lấy hiệu là Unigirl, chắc là những chữ viết tắt của University Girl, chúc cô kiếm được tiền để trả học phí. Mong cô chóng học xong lấy cái bằng Bachelor về treo trên tường. Bằng của đại học Victoria không biết có được viết trên miếng da cừu như trước đây nữa không hay ngày nay trường tiết kiệm chỉ in trên giấy.
Nhưng dù sao, thì cô cũng đã có cái bằng cấp da rồi, nay thêm cái bằng cấp giấy do cái bằng cấp da (?) giúp mang lại thì cũng đúng đấy chứ có sai bao giờ đâu.
Một cái bằng cấp da bằng ba cái bằng cấp giấy mà. Người ta vẫn nói đổi bát mồ hôi lấy bát cơm để kể những khổ nhọc của người làm ruộng trong khi kiếm sống. Trường hợp của cô thì không biết phải nói thế nào. Đổi vài giọt máu đào lấy cái bằng cấp giấy chăng?
Ngày 2 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Nếu những gì tổng thống Á Căn Đình, bà Cristina Fernandez nói là đúng, thì những con heo sẽ khốn khổ đến nơi chứ không đùa.
Một tờ báo ở Nam Mỹ, tờ La Nacion, tuần trước cho biết là tổng thống Kirchner có nói với các cơ quan thông tấn rằng thịt heo rất tốt cho chuyện ấy. Bà nói rõ là trong mấy hôm cuối tuần trước đó, bà và phu quân, cựu tổng thống Nestor Kirchner, đã qua những ngày tuyệt vời sau khi hai người ăn một chầu heo quay. Bà nói là thịt heo đã giúp chồng bà rất đàn ông trở lại trong mấy ngày đó. Bà khẳng định là thịt heo tốt hơn Viagra rất nhiều. Sau khi những câu tuyên bố của bà được truyền đi khắp nơi thì tại Á Căn Đình, dân chúng bắt đầu xôn xao về việc có nên bỏ thịt bò quay sang thịt heo hay không.
Những con heo ngay sau đó, được nhìn bằng những con mắt khác . Á Căn Đình có một bầy bò rất lớn. Người dân Á Căn Đình ăn thịt bò rất nhiều. Bình quân mỗi cái dạ dầy của người Á Căn Đình tiêu thụ khoảng 70 kg thịt bò mỗi năm. Ăn không hết, Á Căn Đình xuất cảng rất nhiều thịt bò sang Mỹ và các nước khác. Dân Á Căn Đình vì ăn nhiều thịt bò nên máu rất nóng. Sau những trận túc cầu ở Á Căn Đình, thế nào cũng có đánh lộn.
Bỗng nhiên, vì câu nói của bà Fernadez , chỉ qua một đêm bầy heo được phục hồi danh dự lập tức.
Tội nghiệp mấy con heo. Cho đến tận ngày hôm nay, hễ nhắc đến chúng là y như rằng người ta chỉ nhắc toàn những chuyện không ra gì. Nào là trò con heo, bẩn như lợn, ngu như heo, đồ mặt lợn, đồ mắt lợn luộc, đồ heo nọc, đồ cẩu trệ, đồ lái heo, đồ heo nái, trai tơ mà lấy nạ dòng, như nước mắm thối, như lòng lợn thiu… Chao ôi, bao nhiêu điều xấu xa đem đổ hết lên đầu những con heo.
Nhưng nay, những con heo sẽ được yêu quí hơn. Chúng không còn bị nhắc tới bằng những nét xấu xa như trước nữa. Thịt heo sẽ hấp dẫn hơn. Thế giới sẽ ăn thịt heo nhiều hơn. Hủ tiếu heo sẽ đánh bạt phở bò. Bún bò Huế sẽ hiên ngang kèm theo những miếng chân giò, không cần phải lấy bún che lên trên để khỏi phải trả lời những câu hỏi ấm ớ rằng bún bò sao lại có giò heo vân vân.
Nhưng có thật là như thế không?
Nếu như Cristina Fernadez nhan sắc như nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsberg ở Tối Cao Pháp Viện với cặp kính xấu nhất Hoa kỳ, đứng chụp hình thì cứ co rúm lại thì có thể còn cần tới thịt heo quay … hộ mạng. Đằng này Cristina Fernandez trông cứ như Claudia Cardinale thì việc quái gì phải nhờ mấy con heo giúp.
Trong vụ này, người ta không biết thịt heo quay có thực sự giúp cựu tổng thống Nestor Kirchner làm được việc như Cristina Fernandez nói hay không nhưng chắc chắn nhiều phụ nữ sẽ không bắt chồng kiêng thịt heo quay như trước đây nữa.
Và câu "ba vợ nằm chuồng heo" không còn là một hăm dọa nữa. Lúc ấy, nhà nào chẳng có cái chuồng heo cho vui cửa vui nhà.
Và câu thà làm một Socrates khốn khổ còn hơn làm một con heo tự mãn sẽ mất hết ý nghĩa.
Nhất là con heo đã quay thật kỹ, mỡ chẩy ròng ròng. Cảnh bạo chúa Nero của La Mã tay cầm tảng thịt heo cắn nhai nhồm nhoàm, thỉnh thoảng lại lấy bàn tay đầy mỡ heo chùi lên mái tóc người phụ nữ bên cạnh sẽ lại được thấy trở lại, và sẽ không có ai phản đối cả.
Biết là sắp được thưởng thì phản đối làm cái quái gì cho mệt. Nếu Em Khoái Em Nằm Im Em Hưởng chứ Hôn Em Ít Nên Em Khóc Em Nhéo như chai bia ôm HEINEKEN thì nguy.
Ngày 3 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Tôi tin là nhiều người cầm tờ Esquire lên chỉ để đọc những bài viết về Ashley Judd, Debra Messing, Catherine Keener, Amanda Peet, Alicia Witt và Monica Belucci... những tên tuổi mà tờ báo này gọi là Women We Love, những người phụ nữ mà chúng ta (độc giả của tờ Esquire) yêu mến.
Đọc xong những bài viết có hình những phụ nữ này xong, chắc không ai còn mở tiếp những trang kế của tờ báo tự nhận là tờ báo của người đàn ông lịch sự, thành công, tài giỏi nhất -- man at his best -- nữa. Nên có thể các độc giả sẽ bỏ qua những trang quảng cáo của những người đàn với rất nhiều thứ nhất đó.
Đó là những quảng cáo cho những món như chiếc áo khoác ngoài bằng cashmere giá $4,695; hay chiếc sơ mi giá $520; hay chiếc áo cổ rùa $730... ở những trang 145 và 148 của tờ Esquire.
Nhưng tiếp theo sau những bài viết về các phụ nữ mà các độc giả của tờ báo này yêu quí, là 12 trang báo, từ trang 176 đến 187, viết về thời trang ở tiểu bang Iowa, vùng mệnh danh là heartland, trung tâm của nước Mỹ, khu vực có những nông trại lớn sản xuất thực phẩm đứng vào hàng đầu của Hoa kỳ.
Thay vì những sân khấu, những catwalk của các trung tâm trình diễn thời trang ở New York, Paris, Milano, Monaco... nơi các kiểu mẫu của Versace, Yves St Laurent, Dior, Prada, Donna Karan... ưỡn ẹo đi lên, đi xuống, thì 12 trang báo viết về thời trang ở Iowa gồm những bức ảnh đen trắng và mầu chụp ở các nông trại của tiểu bang Iowa. Trong những bức ảnh này, là những người đàn ông, đàn bà đi giữa những ruộng ngô, trên con đường đất, những cánh đồng vừa gặt hái xong, hay trước những đống rơm dành cho mục súc trong mùa đông, những kho lúa... đúng là cảnh miền đồng quê nước Mỹ.
Có điều là các nông dân, các thôn nữ Mỹ trong hình mặc toàn những thứ quần áo không ai tưởng tượng ra được. Những lời dè bỉu, những con mắt khinh thường, những thái độ coi rẻ những người nông dân Mỹ chắc chắn sẽ không còn được tỏ bầy một cách dễ dàng, bình thản như trước nữa.
Bởi lẽ tất cả những nông dân mà tờ Esquire trình bầy trong những trang báo, đều mặc trên người những chiếc sơ mi trên dưới 500 Mỹ kim, những chiếc quần jeans 300 Mỹ kim, những chiếc jacket cả ngàn, những chiếc ca vát $200, những bộ suit trên một ngàn, những chiếc áo khoác ngoài ba, bốn ngàn.
Mặc những bộ quần áo như thế không để đến những dạ hội, những cuộc họp, những hội nghị, những sảnh đường sáng ngập ánh đèn treo pha lê... mà chỉ để đi làm công việc đồng áng, gặt hái, tựa lưng vào những cuộn rơm, lùa bầy lợn về chuồng. Trang 184 là một người đàn ông trẻ tuổi mặc sơ mi, blazer, ca vát, hình ảnh mà tờ Esquire gọi là "the classic look of the farmer", hình ảnh cổ điển của một nhà nông. Để có cái hình ảnh cổ điển ấy, người nông dân Mỹ này mặc trên người những thứ trang bị của Bill Blass, Dickies, TSE Men, Corneliani... trị giá gần một ngàn bạc. Mặc hết bằng ấy thứ chỉ để ra đồng, đứng giữa ruộng ngô, chung quanh toàn những lá ngô, bắp ngô, sản phẩm giúp Iowa nổi tiếng khắp nước Mỹ.
Như vậy là hình ảnh mà người thành thị có về đồng quê qua những show truyền hình như Hee Haw là hoàn toàn sai. Nông dân Mỹ không hề mặt mũi nhà quê như Joe Clark, như bà già Minnie Pearl quần áo lạ kỳ, không quần jeans yếm, có giải đeo, không áo ca rô, khăn quàng cổ, mũ cao bồi bằng rơm, chiếc banjo 5 dây trên cổ hát nhạc đồng quê rên rỉ được phụ họa bằng ghi ta Hạ Uy Di nỉ non sướt mướt, nói giọng như Festus trong loạt phim Gun Smoke. Thời trang của những người nông dân trong Esquire nhất định làm đỏ mặt những người đàn ông xưa nay vẫn tự coi là quần áo lịch sự, đắt tiền nhất làm việc cho những văn phòng luật, những ngân hàng, những công ty đầu tư ở New York, Chicago, Los Angeles.
Có thật là nông dân Mỹ bây giờ quần áo như thế không? Nếu có thể ăn mặc như vậy, thì tại sao chính phủ liên bang vẫn phải tiếp tục tài trợ những khoản hết sức lớn để giúp các tiểu bang nông nghiệp mỗi năm, giữ cho giá nông phẩm khỏi lên quá cao, giúp các trang trại khỏi phá sản, nông gia khỏi bỏ trại ra thành phố làm nghề cầu thủ bóng bầu dục?
Nếu không, thì tại sao tờ Esquire lại bêu những củ khoai, những cái bắp ngô của nước Mỹ như thế?
Ngày 4 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Hôm nay, Abby, người phụ nữ cái gì cũng biết, cái gì cũng có câu trả lời của báo chí Mỹ, lại sai lầm thêm một lần nữa khi gỡ rối cho một nữ độc giả ở Texas.
Độc giả này chắc còn trẻ, cô cho biết cô có người bạn trai, hai người định thành hôn trong một ngày rất gần. Người bạn trai của cô cái gì cũng được, chỉ có một điều làm cho cô khó chịu, đó là trong ngăn kéo đựng áo sơ mi của chàng, chàng vẫn còn giữ chiếc áo ngủ bằng sa tanh của người bạn gái cũ. Những thư từ hình ảnh của người bạn gái cũ của chàng mà chàng vẫn giữ không làm cho cô khó chịu bằng chiếc áo ngủ. Khi cô nói với chàng rằng cô thấy không ổn khi chàng tiếp tục giữ chiếc áo ngủ của mối tình cũ thì chàng nói rằng đó là một đoạn quá khứ của chàng và cô nên chấp nhận.
Nhưng chấp nhận thế nào được khi nó là cái áo ngủ kiểu Baby Doll, hay của Frederick's, của Victoria's Secrets... vừa thơm, vừa mỏng, vừa có vẻ chưa được giặt sau lần gặp gỡ cuối cùng.
Abby mách nước là không nên thắc mắc, hỏi han, nhắc, đề cập đến chiếc áo ngủ đó nữa, nó sẽ lặng lẽ biến mất, và khi nó biến mất, cũng đừng hỏi là nó đi đâu, vì có thể nó đã bị ném vào đống bít tất cũ của chàng.
Dở ẹc. Không bao giờ có chuyện đó. Phải vùng lên, không thể thụ động, không thể đợi bất chiến tự nhiên thành được. Muốn... thành, phải vạn cốt khô, phải máu chẩy thành sông, xương chất thành núi mới được.
Chàng giữ cái áo ngủ để trong ngăn kéo để làm gì? Chắc chắn không để làm giẻ đánh giầy. Giữ là giữ mùi hương. Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh, trùng phong khâm tử hộ dư hương... Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi... Hết Trần Danh Án thời Lê mạt, lại Dực Tông đời Nguyễn cũng chỉ muốn giữ lại mùi hương.
Vậy thì đó là mùi hương. Quăng nó vào máy giặt, đổ vào nửa thùng thuốc giặt, vặn nút heavy duty, nước nóng sôi là khử hết trùng, luôn cả mùi hương con đĩ để lại. Xong rồi, lấy ra, ném vào máy sấy, vặn nút normal, sấy một tiếng đồng hồ, đem ra, ủi thẳng thớm, để vào ngăn kéo trở lại. Cam đoan thằng chả sẽ mê mẩn... bình thuốc giặt Wisk, ban ngày nhớ, ban đêm ôm bình Wisk vào giường, ú ớ gọi Wisk lia lịa.
Lúc ấy, chắc chẳng ai còn thèm đòi quăng bình thuốc giặt mầu đỏ đó vào thùng rác nữa. Một công đôi ba việc, giao cho nó công tác giặt ủi cho nó được gần gũi mùi thuốc giặt có phải đỡ bận tâm, là có phải không còn bực bội nữa không nào.
Ghen với mùi thuốc giặt làm gì cho khổ tuổi xuân.
Cách thứ hai là khi dọn đến nhà chàng, trong va ly nhớ bỏ thêm vào một chiếc quần lót kiểu boxer, xếp vào ngăn kéo, có ai thắc mắc tại sao phụ nữ lại có cái quần lót quái đản ấy trong tủ áo, thì chỉ cần nhún vai nói khẽ đó là một phần đời quá khứ, chàng nên chấp nhận cho vui.
Cam đoan trong nửa phút, cái quần boxer và cái áo ngủ sẽ được chàng bịt mũi, lấy cái mắc áo khều bỏ vào bao rác cho lên xe, chạy đi kiếm cái thùng rác công cộng nào ném vào ngay lập tức. Trong khi đó, mình lái xe chạy theo sau, chờ cho chàng ném vào thùng rác, lôi ra, xé tan tành, ném xuống đất, nhẩy lên lấy chân chà, đạp, đá, nhổ bọt, vác đá chọi cho... chết luôn, đáng cái đời áo ngủ tầm bậy tầm bạ.
Và về nhà thơ thới hân hoan như đi xi nê thời đệ nhất cộng hòa không bị người bên cạnh hút thuốc lá thở vào mặt nữa.
Trả lời như vậy mới là... trả đũa chứ. Hơn thế nữa, những đề nghị như vậy sẽ có thể dùng cho cả các nam cũng như nữ độc giả, kiểu tử vi nam nữ xem chung, ai xem cũng sai hết chứ.
Abby càng ngày càng lẩm cẩm bạn thấy không?
Ngày 5 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Trong những năm trung học, tôi nói dối rất dở. Thí dụ khi không làm bài tập, bị giáo sư gọi lên khám vở thì chỉ biết có một câu cả trường đã dùng nát bấy: để quên ở nhà.
Học sinh Mỹ có câu hay hơn: the dog ate my home work, bài tập làm ở nhà bị con chó ăn mất rồi. Dĩ nhiên là không ai tin, nhưng ít nhất nó cũng khá hơn câu để quên vở ở nhà. Tuy thế, dẫu cho nói thế nào thì cũng vẫn bị cho ăn hai con zéro, cuối tháng tha hồ mà giải thích với ông cụ khi trình học bạ lấy chữ ký, nếu không biết bắt chước, giả mạo chữ ký của ông cụ như những chàng trai thế hệ (?) khác.
Chó nào ăn bài tập làm ở nhà? Nhưng chó quả có ăn nhiều thứ rất lạ.
Cách đây hai hôm, trong phần tin tức buổi sáng của ABC, tin closer -- một bản tin thường có nội dung vui một chút, tạo chút "ấn tượng" cuối cùng còn lãng đãng với người nghe sau khi nghe xong tin tức -- là chuyện một con chó nuốt mất chiếc nhẫn cưới mà chú rể định đeo cho cô dâu tại buổi lễ ở nhà thờ.
Con chó nuốt chiếc nhẫn thì nhiều người thấy, không thể lầm được, mà cũng không có chuyện chú rể nói dối cô dâu như khi bị giáo sư đòi xét vở bài tập.
Nhưng con chó không nhả ra, cho dù có dỗ dành cách mấy đi chăng nữa. Mà lễ cưới thì chỉ còn vài tiếng nữa sẽ diễn ra.
Chiếc nhẫn vào một đường, không thể ra cùng một đường đã dùng để đi vào. Nếu ra, chiếc nhẫn sẽ ra bằng đường khác. Mà cũng không dễ gì, muốn là ra ngay được.
Chiếc nhẫn đã ở trong dạ dầy cùng với nhiều thứ khác. Dạ dầy bóp, nghiền, nhào các thứ, tiết ra cường toan để tiêu đi. Nhưng chiếc nhẫn thì không thể tiêu hay nghiền bóp nát ra được. Nó sẽ tiến ra khỏi dạ dầy, vào ruột non, đoạn ruột luộc lên, ăn với lá húng rất ngon đó để các chất bổ dưỡng được hút ra nuôi cơ thể con chó. Lần nữa, chiếc nhẫn không bị sứt sát gì, vẫn còn nguyên viên kim cương to mà chú rể đã phải moi móc hết tiền bạc trong nhà mới mua được để đeo lên ngón tay áp út bàn tay trái của nàng. Khi không rút được gì từ cái vòng platine đó, cơ thể con chó sẽ đẩy chiếc nhẫn sang khúc ruột lớn hơn mà người ta hay nhồi mỡ, tiết, hạt tiêu, đậu phọng vào, nướng lên ăn với lá mơ, thứ lá miền Nam đặt cho cái tên hơi kỳ quái đó cùng với những thứ cặn bã khác để chờ khi chủ cột cái xích vào cổ, dẫn ra đường, lén tặng cho hàng xóm một bãi cho đáng đời thằng cha già Á châu ghét chó ở sân cỏ đằng trước.
Con chó yêu quí lúc ấy hơi khuịu chân sau xuống, mặt mũi đau khổ như ông Tố Hữu nghe tin Sít-ta-lin chết, thân run lên, và từng khúc ngắn được tống ra ngoài, rơi lăn lóc trên những lá cỏ.
Lúc ấy, chủ chiếc nhẫn mới đến bên đống cứt chó còn đang nóng hổi đó, lấy cái que, khều thật khéo, mắt không chớp, tìm cái vòng làm bằng platine và cục kim cương to có thể ném vỡ đầu con chó... Tìm thấy, lau qua cho sạch là có thể đem đeo vào tay cho nàng được.
Lý thuyết là như thế.
Nhưng để đón chiếc nhẫn chạy ra ngoài, đám cưới có thể sẽ phải hoãn lại. Mà có hoãn thì cũng không biết hoãn đến bao giờ, vì việc hoàn tất chu trình vận hành của chiếc nhẫn qua những khúc ruột ấy không thể biết là sẽ mất bao nhiêu thì giờ. Chỉ có cách phải bám sát con chó, chờ con chó rít lên, cào cửa, quíu cẳng lại đòi ra đường thì chạy theo mà thu hồi cái nhẫn.
Còn đám cưới? Đám cưới vẫn phải diễn ra đúng ngày giờ. Khách khứa xa gần đã đến, không thể hoãn lại. Thế còn cái nhẫn, vật tượng trưng cho tình yêu của chàng dành cho nàng, vẫn phải có chứ.
Và bạn biết người đàn ông nhanh trí và đầy sáng tạo đó đã làm gì để có chiếc nhẫn tại đám cưới không? Chàng nhờ người đem con chó vào bệnh viện, đặt lên bàn, dùng máy quang tuyến chụp cái bụng nó. Tấm phim cho thấy rõ chiếc nhẫn trong bụng chó. Tấm phim được đem tới nhà thờ, và khi chàng tuyên bố: With this ring, I thee wed -- với chiếc nhẫn này, tao cưới mày (theo kiểu dịch Anh Việt của người Việt tị nạn ở Mỹ), thì ring bearer, người mang chiếc nhẫn trao cho chú rể đeo vào tay cô dâu trong các lễ cưới ở đây, đưa ngay tấm phim cho cô dâu thấy... lòng thành của chú rể.
Con chó ăn mất chiếc nhẫn rồi. Bằng cớ đây. Ai mà giận được chàng.
Nhưng có điều sau khi lấy được chiếc nhẫn đeo cho nàng, có lẽ phải lâu lắm chàng mới dám hôn tay nàng, hôn ngón tay đeo nhẫn của nàng, hôn chiếc nhẫn chứng tích tình yêu của đôi ta.
Rửa cách mấy mà cứ nghĩ chuyến đi của nó từ đầu này sang đầu kia của con chó là lại thấy thoang thoảng mùi rất lạ.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 63)
Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 63 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 2 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
NHÃ LAN
Thưa anh, hôm nay Nhã Lan có thắc mắc này xin nhờ anh giải đáp. Nhã Lan biết quá khứ của động từ khiếm khuyết CAN là COULD. COULD được dùng để nói tới một khả năng, một việc có thể, có đủ sức, có khả năng làm được trong quá khứ. Thí dụ Nhã Lan có đứa cháu khi nó mới có 3 tuổi đã biết đọc. Vậy thì Nhã Lan nói MY NEPHEW COULD READ WHEN HE WAS ONLY THREE YEARS OLD là đúng phải không anh?
BBT
Đúng vậy. Thế thì thắc mắc của Nhã Lan là gì?
NHÃ LAN
Nhã Lan từ trước tới nay vẫn dùng CAN với thì hiện tại PRESENT TENSE trong trường hợp thế này: CAN YOU OPEN THE DOOR FOR ME? Nhã Lan nghĩ không có gì sai cả. Nhưng tại sao Nhã Lan lại thấy có người nói COULD YOU OPEN THE DOOR FOR ME?
Chuyện nhờ mở cái cửa là vào lúc này, lúc đang nói, lúc hai người đang đứng trước cửa chứ nào phải là chuyện hôm qua, hôm kia đâu. Nhờ thì nhờ lúc này chứ ai lại nhờ làm một chuyện trong quá khứ? Xin anh cho biết nghĩ như vậy có đúng không?
BBT
Cô nói rất đúng. Nhưng CAN YOU OPEN THE DOOR? đúng, mà COULD YOU OPEN THE DOOR ? cũng đúng luôn. Cô QA thấy như thế nào?
QA
QA thấy câu sau COULD YOU OPEN THE DOOR? nghe nhẹ hơn là CAN YOU OPEN THE DOOR? phải không thưa anh?
BBT
Cô QA nói đúng. Dùng COULD nghe nhẹ hơn CAN. Khi cần lễ phép, nhẹ nhàng một chút, chúng ta dùng COULD thay vì CAN. Đó là lối nói một cách lễ phép.
Hai cô nhớ là khi mới học tiếng Anh, chúng ta được dậy để nói những câu giản dị, dễ hiểu, dễ dùng, dễ nói, rồi sau mới đến những cách nói khác khó hơn, bóng bẩy hơn, và lịch sự hơn.
Những đứa bé mới học nói cũng vậy. Chúng nói I WANT THIS, I WANT THAT… Năm sáu tuổi, bố mẹ chúng mới nhắc chúng : SAY PLEASE… Nhưng phải đến tuổi mười lăm, mười bẩy chúng mới biết cách để nói lễ phép hơn: WOULD YOU MIND GIVING ME THIS… DOING THAT vân vân.
Thí dụ động từ WANT chẳng hạn. WANT là muốn. Khi tôi ngồi một mình, nghĩ tới sóng biển, gió biển, những cây cọ, trời nắng và nói với chính mình rằng I WANT TO RETIRE IN FLORIDA thì tôi không phải lễ phép với ai hết. Hay khi nói với mấy đứa cháu ở nhà, thì có nói I WANT MY COFFEE WITHOUT SUGAR cũng sẽ không có ai bắt bẻ cả. Nhưng nếu mẹ tôi đang đứng dưới bếp, mà nói như vậy thì không được. Câu ấy nghe như là một đòi hỏi, một mệnh lệnh vậy. Với người trên, với khách, bạn bè cũng thế, hay nhiều khi với con, với cháu thì lịch sự, lễ phép một chút chắc phải là tốt hơn là I WANT MY COFFEE WITHOUT SUGAR, A VERY LIGHT WHIFF OF MILK AND ON A TRAY, NOW!
NHÃ LAN
Nếu muốn lịch sự, không nói I WANT MY COFFEE NOW thì phải nói thế nào, thưa anh?
BBT
Không dùng WANT. WANT nghe rất khó chịu, nghe như một mệnh lệnh, như một đòi hỏi. Trừ khi muốn ra lệnh thì hãy dùng.
LIKE nhẹ hơn. I WANT BACK COFFEE. I LIKE BLACK COFFEE thì LIKE nhẹ hơn là WANT. LIKE là thích. WANT là muốn. Muốn REQUEST, yêu cầu, xin, nhờ vả chuyện gì thì không nên dùng WANT và LIKE. Nếu quả thực muốn cho lễ phép thì dùng WOULD LIKE TO thay vì WANT TO hay LIKE TO.
Hai cô tưởng tượng điện thoại reo, nhấc máy lên trả lời mà nghe phía bên kia trịch thượng thế này: I WANT TO TALK TO THE CURRENT RESIDENT… thì hai cô sẽ trả lời như thế nào? Còn tôi thì sẽ hết sức từ tốn mà nói rằng: GET LOST!
QA
QA cũng bực mình lắm. Có cách nào nói nhẹ hơn, lễ phép hơn không thưa thầy?
BBT
À như thế thì nếu tôi có khó chịu cũng là thế gian thường tình. Vậy thì thay vì nói I WANT TO TALK TO THE CURRENT RESIDENT, cô Nhã Lan sẽ nói thế nào?
NHÃ LAN
I WOULD LIKE TO TALK TO …
BBT
Đúng vậy. Cũng có thể nói là I WOULD LOVE TO TALK TO … Cô QA, muốn ly cà phê không đường một cách lễ phép thì cô sẽ nói như thế nào?
QA
I WOULD LIKE A CUP OF COFFEE WITHOUT SUGAR.
BBT
Hay I WOULD LIKE MY COFEE WITHOUT SUGAR cũng được.
Cô Nhã Lan, cô hỏi bạn cô là muốn 1 muỗng đường hay 2 muỗng đường, thay vì DO YOU WANT YOUR COFFEE WITH ONE OR TWO SPOONS OF SUGAR? cô sẽ nói thế nào?
NHÃ LAN:
HOW WOULD YOU LIKE YOUR COFFEE? WOULD YOU LIKE IT WITH ONE OR TWO SPOONS OF SUGAR?
BBT
Cám ơn cô Nhã Lan. Còn cô QA, thay vì cô hỏi WHEN DO YOU WANT YOUR COFFEE? cô sẽ hỏi sao cho lịch sự hơn?
QA
QA sẽ nói thế này: WHEN WOULD YOU LIKE YOUR COFFEE?
BBT
Vậy hai cô nhớ là đừng dùng WANT, mà dùng WOULD LIKE TO cho dễ nghe hơn. Chuyện kể là một nhà ngoại giao Anh có lần nói với một nhà ngoại giao Pháp rằng sự lịch sự của người Pháp chỉ là một chút gió thoảng, A LITTLE AIR chứ có gì quan trọng đâu. Nhà ngoại giao Pháp nói là đúng thế, nhưng chút AIR đó bơm vào cái vỏ xe hơi thì xe chạy sẽ êm hơn nhiều. Do đó, ngay cả khi nói với con cái, với người dưới thì cũng cứ dùng WOULD LIKE TO thay vì WANT TO.
WHAT DO YOU WANT? nghe đằng đằng sát khí hơn là …
NHÃ LAN
WHAT WOULD YOU LIKE?
BBT
Cô QA cho nghe mấy câu hỏi với WHERE và WHEN coi.
QA
WHERE WOULD YOU LIKE TO SIT ?
WHEN WOULD YOU LIKE TO HAVE DINNER?
NHÃ LAN
Nhã Lan sẽ dùng WHAT và HOW coi có đúng cách không… WHAT WOULD YOU LIKE TO WEAR FOR THE NEW YEAR PARTY OF HONVIET TELEVISION?
HOW WOULD YOU LIKE TO HAVE YOUR EGGS DONE?
BBT
Đúng lắm. Nhân thí dụ của cô Nhã Lan, tôi nhớ một cách nói tôi muốn chỉ cho hai cô mà tôi nghĩ là nếu dịch thẳng từ tiếng Việt sang tiếng Anh, hai cô có thể sẽ sai.
Trong tiếng Việt, chúng ta nói TÔI MỚI CẮT TÓC. Câu này hoàn toàn đúng trong cách nói của chúng ta. Nhưng hai cô đều biết rằng có cố gắng lắm, gắn cho mấy cái gương, uốn éo cả vài ba tiếng trước gương thì tôi cũng không thể tự cắt tóc mình được. Tôi phải tới tiệm cắt tóc, ngồi xuống ghế, lấy tờ báo có mục tìm bạn bốn phương, cách làm món nghêu xào lá quế đọc… và để cho một người khác cắt tóc cho tôi. Nhưng trong tiếng Việt, không bao giờ chúng ta nói hôm qua, tôi đi đến tiệm hớt tóc gần nhà để cho người ta cắt tóc cho tôi. Nói năng như thế thì sẽ bi chê là ăn nói vớ vẩn. Nói hôm qua tôi đi cắt tóc là đủ. Nhưng tiếng Anh thì không nói I CUT MY HAIR. Trừ khi là Robinson Crusoe lạc lên hoang đảo thì mói phải làm điều đó.
QA
QA thì nghĩ là QA làm được điều đó. Tỉa bớt hai bên, cắt cho ngắn lại.
BBT
Đồng ý, nhưng trong trường hợp của tôi thì không. Và vì thế, tôi không thể nói I CUT MY HAIR được. Tôi trả tiền, nhờ người khác làm việc đó cho tôi thì trong tiếng Anh phải là TO HAVE SOMETHING DONE. Hay rõ hơn là TO HAVE SOMETHING + PAST PARTICIPLE.
Thí dụ I HAVE MY HAIR CUT ONCE A MONTH.
CUT là PAST PARTICIPLE của động từ TO CUT.
QA dọn vào nhà mới cách đây mấy tháng, cô có sơn lại nhà không?
QA
YES, I HAVE THE HOUSE REPAINTED. REPAINTED là PAST PARTICIPLE của TO REPAINT.
NHÃ LAN
I ALWAYS HAVE MY HAIR DONE FOR THE ENGLISH LESSON. DONE là PAST PARTICIPLE của TO DO.
BBT
Đến một thành phố mới, bao giờ tôi cũng tìm một garage sửa xe tin cậy được. I HAVE MY CAR CHECKED/ LUBRICATED / FIXED / REPAIRED/ TUNED UP BY A GOOD FRIEND OF MINE, MISTER KIÊN OF SONNY AUTO REPAIR.
Như vậy, hai cô nhớ là việc gì không làm lấy được , phải nhờ, phải thuê, phải mướn người khác làm thì phải dùng cách đặt câu như trên: TO HAVE SOMETHING DONE.
TO HAVE THE LAWN MOWED/ WATERED/ RESEEDED/ TRIMMED.
NHÃ LAN
Vừa rồi anh nói A FRIEND OF MINE. Đó là cách nói mới sao anh?
BBT
Không phải. Đó là cách nói nhấn mạnh vào danh từ đi phía trước. Thí dụ khi nói MY FRIEND LIVES IN SAN FRANCISCO thì chúng ta không nhấn mạnh vào chi tiết nào trong câu đó cả.
Nhưng nếu nói A FRIEND OF MINE LIVES IN SAN FRANCISCO thì chi tiết bạn tôi, người bạn của tôi là chi tiết tôi muốn nhấn mạnh trong câu nói đó, là điều tôi muốn nói rõ hơn với người nghe.
QA
Vậy thì sau OF, QA phải dùng POSSESSIVE PRONOUNS , SỞ HỮU ĐẠI DANH TỪ phải không thưa anh?
BBT
Đúng rồi. Thí dụ A BOOK OF YOURS, A BROTHER OF OF HERS, A PENCIL OF HIS, A COUSIN OF OF OURS, A LONG LOST PICTURE OF THEIRS .
QA
QA có thắc mắc này về cách đặt câu. Hôm nọ đi chợ, QA thấy một tấm bảng có hàng chữ PLEASE CHECK YOUR MERCHANDISE BEFORE LEAVING.
QA hiểu ý nghĩa của hàng chữ trong tấm bảng. Nhưng tại sao câu ấy không có chủ từ gì hết?
BBT
Câu ấy không có chủ từ vì đó là câu IMPERATIVE, một câu để đưa ra một đề nghị, một mệnh lệnh cho người đang đối diện. Các câu mệnh lệnh cách IMPERATIVE SENTENCES không cần chủ từ. PLEASE CHECK YOUR MERCHANSISE BEFORE LEAVING là xin xem lại hàng hóa trước khi ra khỏi chợ.
NHÃ LAN
Còn tại sao lại là BEFORE LEAVING mà không phải là BEFORE YOU LEAVE?
BBT
Dùng BEFORE, AFTER, UPON, WHILE… những PREPOSTION và theo sau là PRESENT PARTICIPLE tức là động từ có cái đuôi ING phía sau khi chúng ta có hai câu độc lập nhưng có cùng CHỦ TỪ mà chúng ta muốn nối lại với nhau thành một.
Thí dụ I COME HOME. I CALL HIM ON THE PHONE.
Hai câu này có MỘT CHỦ TỪ là "I". Có hai việc trong hai câu. Tôi về nhà. Tôi gọi điện thoại cho ông ấy. Một việc trước, một việc sau. Vào nhà là việc trước. Gọi điện thoại là việc sau. Nối hai câu lại với nhau là I COME HOME THEN I CALL HIM ON THE HOME. Nhưng muốn làm cho câu ngắn lại, khỏi phải phải nhắc lại chủ từ "I" hai lần, chúng ta nói thế này: AFTER COMING HOME, I CALL HIM ON THE PHONE.
Sau những PREPOSITIONS như BEFORE, WHILE, AFTER, UPON … chúng ta có thể dùng cách nói này. Nhưng cần nhớ là chủ từ của hai việc phải là một. QA cho nghe hai thí dụ với WHILE và BEFORE coi.
QA
WHILE DRIVING TO WORK, I GOT A PHONE CALL FROM HER.
BBT
Cách nói kia là gì?
QA
I DROVE TO WORK. I GOT A CALL FROM HER.
QA đặt một câu nữa nhé: BEFORE DECIDING TO GO TO IRVINE UNIVERSITY, MY SON WAS ADMITTED TO UCI. Tức là BEFORE MY SON DECIDED TO GO TO IRVINE UNIVERSITY, MY SON WAS ADMITTED TO UCI.
BBT
Còn cô Nhã Lan. UPON và AFTER.
NHÃ LAN
UPON RETURNING TO MOSCOW, ZHIVAGO FOUND OUT LARA HAD GONE. Đáng lẽ Nhã Lan có thể nói là ZHIVAGO RETURNED TO MOSCOW. ZHIVAGO FOUND OUT LARA HAD GONE.
Và đây là câu với AFTER… AFTER FINISHING HER M.A. SHE WANTED TO PURSUE HER DOCTORATE DEGREE.
BBT
AFTER COMPLETING THIS 63rd LESSON, WE WILL CELEBRATE VIETNAMESE NEW YEAR.
QA
Và thưa quí vị, đến đây là kết thúc bài học thứ 63. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.