Ngày 22 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Nó ở với tôi đã 60 năm. Tôi nhớ rõ vì trong bức ảnh đen trắng người em tìm được và gửi cho mới đây, nó đã ở đó khi chủ nó cười hở … mười cái răng. Nó là cái số 12, cái 1st bicuspid tức là cái 1st premolar của hàm trên phía trái. Bức ảnh chụp năm 1952 cho thấy nó vừa mọc ra để thay cho chiếc răng sữa ra đi vài tháng trước.
Nó ở với tôi suốt bằng ấy năm, không bao giờ gây cho tôi bất cứ một khó khăn nào, cho đến khoảng mấy tháng trước. Tự nhiên cái chân nó làm cho tôi đau suốt một tuần lễ. Nha sĩ nói cho tôi biết là sẽ không giữ được nó.
Thôi, nó ra đi cũng phải. Nó ở với tôi đã 60 năm chứ ít ỏi gì. Nó đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị của cuộc đời: chua , cay, mặn, nhạt, ngọt, bùi.
Nghĩ lại thì nó không phải làm bao nhiêu việc. Cắt thì đã có những cái răng số 6, 7, 8, 9, 10, 11. Nó và cái số 5 được dùng để xé. Nghiền thì là việc những cái 1,2,3,4 và 13,14,15,16.
Loài người văn minh không còn phải dùng nó để xé như cách đây vài chục ngàn năm nữa vì thức ăn đã được nấu chín hơn, có sống một chút thì cũng đã có dao để cắt ra cho nhỏ.
Không như Hillary Clinton khi cười cho thấy gần hết những cái răng hàm trên, cái răng số 12 của tôi ít khi xuất hiện trong lúc chủ nó cười. Chủ nó càng lớn thì lại càng có ít lý do để cười lớn để cho nó lộ ra.
Nó ở với tôi bằng ấy năm để cắn những khúc mía, cắn ghé những cái hạt dưa. Món gì chủ nó cho vào bụng nó cũng thưởng thức trước, mà nó được thưởng thức hơi nhiều. Nó cũng từng thay cho cái mở nút của những chai bia nhiều lần cho đến khi chủ nó bị cảnh cáo là có thể mất nó như chơi nếu tiếp tục làm như thế.
Nó được làm cho sạch bằng nhiều thứ sản phẩm khác nhau. Khởi đầu là những hộp Gibbs trong đựng một thứ kem đánh răng mầu hồng có cái mùi rất đặc biệt không còn thấy ai dùng nữa. Nó là mùi xà phòng của một bánh xà phòng tròn đựng trong cái hộp bằng nhôm mỗi lần dùng phải lấy bàn chải miết xuống nhiều lần. Mấy chị em chúng tôi đều dùng nó cho mãi tới khi vào Sài Gòn vài năm sau mới có những loại kem đánh răng tối tân hơn trong những tuýp bằng kẽm như Perlon và Hynos.
Nó được thưởng thức đủ mọi của ngon vật lạ mà người sinh ra chủ nó, một ông giáo nghiêm khắc và không biết đi hoang đàng quà cáp ngoài đường với những người bạn kinh khủng của tuổi trẻ. Những miếng thịt bò khô, những viên bò viên ở cổng trường, những ly đậu đỏ, những ly đá nhặn bất chấp những lời đe dọa là nước đá sẽ làm những chiếc răng ra đi sớm.
Có lẽ nhờ những muỗng nước vôi mẹ tôi pha vào những nồi cơm trong suốt những năm sống ở Sài gòn đã giúp nó ở lại với tôi được 60 năm. Cứ mỗi lần nhìn thấy hàm răng nguyên vẹn, là tôi lại biết ơn mẹ tôi, người mà mấy chị em tôi hút đi bao nhiêu là xương trong cơ thể của bà để có được những chiếc răng bền như thế.
Nó cũng được giữ gìn cẩn thận, bằng những chiếc bàn chải lúc ấy đã bán đầy ở Hà Nội, rồi lại bằng những chiếc bàn chải chạy pin, chạy điện, chiếc sonic care tự chà sát lấy khỏi làm bận bàn tay già này.
Những chiếc tăm, không có thì tạm cái que cũng xong, rồi những sợi chỉ để floss.
Cũng những sợi chỉ đã giúp cho tiền nhiệm của nó ra đi nhanh hơn. Lần chiếc tiền nhiệm của nó ra đi, chiếc tiền nhiệm được đem đi chôn ở ngoài cửa cẩn thận để chiếc thay thế mọc xuống. Sợi chỉ giật một cái giúp chủ nó không có nụ cười quá quắt của cô ca sĩ Hồng Nhung, nhưng lại thiếu đi phần nào cái duyên dáng của những người có cái răng khểnh. Nhưng có được như thế, sang đến Bắc Mỹ cũng phải đi nhổ để sửa lại.
Bây giờ nó không còn bị đem ra chôn nữa. Nó sẽ không được thay thế bằøng một cái khác nữa. Vì thế, nó được ném vào cái ngăn kéo. Tội nghiệp nó, cả đời tiếp xúc với toàn những của ngon vật lạ, không lẽ bị ném vào sọt rác để rồi phải ra nằm chung với những thứ chẳng ra gì ngoài bãi rác.
Thôi thì để nó trong ngăn kéo, thỉnh thoảng thấy lại nó cho nó đỡ tủi. Mấy lần trước đến phòng nha sĩ, tôi đã bỏ lại vài ba cái. Nghĩ đến chúng lại thắc mắc không biết chúng đã về đâu.
Chúng không được như người thiếu nữ của ông Lê Trọng Nguyễn trong bài Nắng Chiều để được ông thắc mắc một chút: " … duyên ghé về đâu…"
Nên ném nó vào cái ngăn kéo là đúng nhất. Thỉnh thoảng lia cái lưỡi, là lại nhớ nó hết sức là nhớ.
Ngày 23 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Trong cuốn Thư Gửi Ngươi Đàn Bà Không Quen, André Maurois kể chuyện một diễn giả được mời đến nói chuyện về một đề tài văn học. Ông được mời nói về một tác giả trong văn học Pháp, nhà văn Stendhal. Ông đến thị trấn nơi ông được mời nói chuyện sau một chuyến đi dài mệt mỏi. Ông muốn được về khách sạn nghỉ ngơi trước khi lên diễn đàn. Nhưng người ra đón ông lại có những sắp xếp khác. Ông thấy, qua lời của người đàn ông ra đón ông, sẽ bị đưa đi gặp người này người nọ, toàn là những người ông không quen, lại cũng không dính dáng gì tới đề tài văn học ông định nói. Buổi nói chuyện, ông được cho biết, sẽ chỉ có được vài ba chục người. Tổ chức đứng ra mời ông nói chuyện lại không phải là một tổ chức văn học nghệ thuật mà chỉ là một thứ hội vớ vẩn ở địa phương , khách khứa toàn những thứ đào mấy ngày cũng không tìm ra được lấy một chút văn học nào…
Tội nghiệp diễn giả. Ông không thể chạy ra ga đón xe lửa về nhà. Đi nói chuyện mà gặp phải cảnh như thế thì thà nằm nhà ngó cái trần nhà còn có lý hơn.
Lá thư của ông già Maurois tuy thế, nghe ra còn đỡ hơn những vụ ra mắt sách ở đây. Ít nhất diễn giả Maurois cũng có được một cử tọa mong được gặp ông, mong được nghe ông nói và giữ im lặng trong khi ông nói. Tôi cứ tin là như thế, vì André Maurois không nói là cử tọa giống như tại những buổi ra mắt sách như buổi ra mắt sách của nhà văn Võ Phiến cách đây không lâu.
Võ Phiến là một nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam. Ông xứng đáng được dành cho một thái độ tôn kính. Nếu không, về tuổi tác, Võ Phiến cũng đáng được kính trọng.
Nhưng tại buổi ra mắt sách, người ta không thấy một sự tôn kính nào dành cho ông.
May mà vẫn còn một số ngồi ở những hàng ghế đầu.
Hôm ấy, trong phòng họp, có một bầy vịt đuợc thả ngay ở cuối phòng. Hay ít nhất, là khi nghe những âm thanh vọng từ phía cuối phòng lên, người ta cũng đã phải nghĩ như thế. Một bầy vịt được thả để cứ thế mà kêu càng cạc lên gần như suốt cả buổi ra mắt sách. Mặc kệ cho các diễn giả với những bài viết công phu của họ. Mặc kệ cho tác phẩm của ông Võ Phiến được đem ra phân tích, phê bình, mặc kệ cho ông Võ Phiến ngồi đó lắng nghe các diễn giả. Bầy vịt cứ thế càng cạc át giọng những người nói chuyện về cuốn sách. Tiếng càng cạc của bọn vịt khiến cho cả những hàng ghế đầu cũng không nghe được các diễn giả nói gì.
Một hai người quay lại phía sau, hy vọng những con vịt ấy nhìn thấy và kêu nhỏ lại. Nhưng không có kết quả. Vẫn càng cạc tiếp. Một hai tiếng xùy cũng không ăn thua gì. Có người nói rõ: Im đi! Cũng không ăn thua gì.Cứ càng cạc, càng cạc mãi.
Thôi thì đành phải cố gắng mà chịu đựng cái bực mình, phiền nhiễu của xã hội vậy. Không biết họ càng cạc những gì. Có điều chắc chắn họ càng cạc không phải là về cuốn sách, về tác giả Võ Phiến, về các diễn giả. Họ càng cạc về những chuyện chẳng ra cái gì hết. Tại buổi ra mắt sách khác cách đây không lâu của một giáo sư, người ta cũng đi đông lắm. Tôi ngồi ở cuối phòng nên phải nghe những đoạn đối thoại của hai người đàn ông đã lớn tuổi. Họ chỉ thắc mắc về có một điều: ông X tới chưa? Chắc ông X phải là người quan trọng lắm. Quan trọng đến nỗi cả hai người đàn ông này thỉnh thoảng lại hỏi nhau về ông X đến chưa…
Họ đến buổi ra mắt sách đó làm gì? Tôi không biết. Tại sao họ lại chỉ kiếm ông X ở chỗ ra mắt sách? Tại sao họ không thể gọi điện thoại cho ông X mặc dù cả hai đều có điện thoại cầm tay, đều để cho điện thoại reo mấy lần trong buổi ra mắt sách. Nhưng cả hai đều không điện thoại cho ông X để hỏi ông có ra không, mà chỉ thỉnh thoảng hỏi nhau ông X đến chưa…
Có thể nào vì lúc sinh thời, ông Volatire chưa được cầm cái máy điện thoại cầm tay nên ông mới nói câu để đời này: Tôi có thể không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết cái quyền để bạn nói ra điều đó.
Ông có bao giờ nghe bầy vịt càng cạc hay chưa, thưa ông Voltaire. Nghe rồi, ông có còn chê tiết canh vịt nữa hay không?
Ông Maurois tuy thế mà cũng vẫn còn ngon lành hơn nhiều. Ông không bị bầy vịt càng cạc phá quay.
Ngày 24 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Tục ngữ Việt Nam có câu "câm như hến", trong tiếng Anh, thành ngữ "to clam up" là làm con "clam", làm con hến, con sò, con nghêu, con ngao, là không nói năng gì hết, là câm miệng, là ngậm miệng.
Tưởng đã là hến, là ngao, hay sò thì đều kín tiếng cả, nhưng cũng có thứ hến, ngao, sò... nói được, mà lại nói rất nhiều nữa mới kỳ lạ.
Cả hai thứ tiếng chúng ta quen dùng, tiếng Việt và tiếng Anh, đều gọi nó là... hến. Có thể vì hình thù của nó. Và cũng có thể nó ít nói. Thực ra thì là vì nó không nói năng gì hết. Nhưng theo Eve Ensler, tác giả của vở kịch (?) nhan đề The Vagina Monologues, thì nó nói nhiều lắm. Nó nói một mình. Nó độc thoại, như trong tên của vở kịch: Những Đoạn Độc Thoại Của Con Hến.
Vở kịch này đầu tiên diễn ở New York, không ở Broadway như các danh tác khác. Nhưng nó cũng rất thành công.
The Vagina Monologues đã được đưa đi Chicago, Los Angeles, San Francisco... diễn tiếp. Như thế, rõ ràng là nó được hoan nghênh dữ lắm.
Và theo tờ Eastern Economic Review, nó đã được đem đi diễn ở Manila, Hongkong và luôn cả ở Singapore.
Tác giả Eve Ensler cho biết chất liệu dùng để viết vở Những Đoạn Độc Thoại Của Con Hến được lấy từ hơn 200 cuộc phỏng vấn các phụ nữ, về những con... hến của họ. (Nhưng có lẽ phải nói là CÁI hến thì mới đúng. Cụ Phan Khôi nói rằng trong tiếng Việt, hễ vật gì động đậy được thì dùng mạo tự "CON", không động đậy gì hết, thì dùng mạo từ "CÁI". Tuy nhiên hến trong kịch biết... nói, vậy thì dùng CON hay CÁI đều được chăng?)
Vở kịch có ba vai, tất cả đều do phụ nữ đóng gồm những đoạn độc thoại kể lại cuộc đời, kinh nghiệm, ái tình và sự nghiệp của hến.
Tưởng tượng ba người đàn ông trong một tiếng rưỡi đồng hồ ngồi trên sân khấu, mô tả những khu vực cơ thể kín đáo nhất của họ, nói rõ họ dùng chúng như thế nào, thì nhất định khán giả sẽ đùng đùng đứng dậy, bước ra khỏi rạp hát để khỏi phải nghe những đoạn độc thoại thô tục và như trẻ con mới lớn đó.
Nhưng đó chính lại là những gì người ngồi xem vở The Vagina Monologes được nghe từ sân khấu vọng xuống. Vì nó là những tâm sự của hến. Vì hến nói được nên cũng làm cho nhiều người lo. Nó nói được, nó đem chuyện của mình đi kể thì xấu hổ chết mất.
Những ông thầy địa lý phong thủy tha hồ nói láo vì các ông thừa biết cái gọi là long mạch, khu đất có hình con hổ ngồi, có con rồng phục... đều không lên tiếng nói được. Ông thầy muốn khen, muốn chê sao cũng tha hồ, không sợ bị phản đối. Chứ "hòn đất mà biết nói năng / thì thầy địa lý cái răng không còn".
Cũng thế, nếu loài hến biết nói như vở kịch The Vagina Monologues gợi ý, thì nhiều người đàn ông trên thế giới này sẽ vất vả lắm. Chuyện phét lác, khoe khoang, nổ bậy bạ của phe đàn ông cũng bớt đi nhiều.
Những thứ chuyện đại khái để tuyên dương thành tích của chính mình, nào là đánh đông dẹp bắc, xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan sẽ không còn được đem ra để huênh hoang nữa.
Lỡ những con hến nghe được, chúng hét lên rồi lêu lêu thì mắc cở lắm. Những vụ "khóc ngoài biên ải" sẽ được tường thuật ngay tình và đầy đủ, cảnh đánh cờ "pháo nổ đùng" sẽ được nói lại cho rõ nét bi thảm thì phiền vô cùng.
Cho nên khán giả lại yên trí ngồi xem nốt, biết rằng hến chẳng bao giờ đem chuyện đi kể trên sân khấu, dẫu cho hến có buồn, có đau, có chán đời mấy đi chăng nữa.
Có điều chưa biết bao giờ thì có một vở để phản bác lại. Như đã có Tây Hồ Phú của Nguyễn Huy Lượng thì sau phải có Chiến Tụng Tây Hồ Phú của Phạm Thái để đả lại chứ.
Lúc ấy "thủy hỏa tương giao sôi sùng sục" như cảnh hút thuốc lào mới là... đã điếu chứ!
Ngày 25 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Trong Đông Dương Tạp Chí số 22, cụ Nguyễn Văn Vĩnh có viết một bài nhan đề "Gì Cũng Cười" về cái "thói lạ" của chúng ta, đó là thế nào cũng cười. Hay, dở, phải hay quấy cứ nhăn răng ra hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.
Cụ bực bội viết vài ba chục dòng nữa để nói về sự bất bình của cụ đối với cái cười mà cụ coi là không đúng chỗ của người Việt Nam chúng ta.
Cụ Vĩnh rõ ràng là không ưa cái thói hay cười kỳ lạ ấy. Cụ xếp bài viết của cụ vào loạt bài có tựa chung là "Xét Tật Mình". Đã coi đó là cái tật, thì nó phải xấu lắm. Cụ không thích những cái cười ấy của chúng ta.
Cụ Vĩnh mất khi còn trẻ, mới ngoài năm mươi tuổi. Cụ không hay cười, lại có vẻ ghét tiếng cười. Điều đó làm người ta nghi có thể cụ mất vì bệnh tim. Những người bị bệnh tim, theo Trung Tâm Ngăn Ngừa Bệnh Tim Mạch tại đại học Maryland ở gần thủ đô Mỹ, là nhưng người bị bệnh làm mất đi óc hài hước và không thích cười. Và vẫn theo những khám phá mới đây của trung tâm y khoa này, óc hài hước giúp ngăn chặn được các bệnh về tim. Cụ Vĩnh không thích cười, cụ còn ghét cả những người hay cười nữa. Điều đó cho thấy những người bị bệnh tim thường không nhanh chóng nhìn ra được khía cạnh hài hước của vấn đề và do đó, họ cười ít hơn. Ngay cả trong những hoàn cảnh tốt đẹp, họ cũng nhìn ra những điều không tốt và thường dễ nổi cáu, bực tức hơn là những người bình thường.
Phải viết nguyên một bài để nói về sự bực bội trước tiếng cười như cụ Vĩnh đã làm thì đúng là cụ có vấn đề với quả tim, như khám phá mới đây của khoa học đã cho thấy.
Tiếng cười là thang thuốc bổ -- Laughter, The Best Medicine -- không phải chỉ là tên một mục trong tờ Reader's Digest nữa, mà cười có thể thực sự giúp người ta khỏe mạnh, yêu đời, lạc quan, giảm bớt được căng thẳng tâm thần, ưu sầu và nhờ đó, tránh được những khó khăn về tim.
Nhưng cười được nhiều khi cũng khó lắm khi mà chung quanh, cảnh trí bầy ra như trong hai câu của Nguyễn Đức Sơn:
Mẹ con bản mặt lầm lì
Bà con mắc chứng xầm xì suốt đêm...
Cảnh như thế, thì khó cười quá. Muốn tim mạch khỏe mạnh không phải là dễ. Đóng vai Tí Quạu có vẻ dễ hơn.
Tưởng tượng buổi tối đang ngồi xem Tonight Show của Jay Leno hay Late Show của David Letterman cười thoải mái để đối xử tử tế một chút với quả tim theo lời khuyến cáo của đại học Maryland, thì cái TV yêu quí bị tắt, người tắt máy ngồi xuống bên cạnh để đóng vai nàng thơ của Nguyễn Đức Sơn (...bản mặt lầm lì...) ngó vào khoảng không, hứ một cái rồi mới vừa chê vừa mắng cả hai tài năng chọc cười của Mỹ là "vô duyên" thì trái tim không ngủ yên đó biết ngay là gió bão sắp kéo tới.
Không biết đó là chuyện gì, mắt bão nằm ở đâu, tuần trước hay tuần này, đã lỡ miệng nói cái gì, hay vừa có ai báo cáo nhảm, ném lựu đạn, pháo kích lầm, oanh tạc trải thảm bừa bãi trúng bậy vài ba nơi hiểm yếu... Mấy câu khôi hài không thấy có tiếng cười phụ họa. Không khí đầy thuốc súng còn hơn tình hình Trung Đông.
Muốn cứu vãn cho sức khỏe quả tim một chút mà cũng thấy khó quá.
Đứng dậy đi lên lầu với quyển sách thì bị gọi giật lại. Tưởng là những câu đay nghiến như thường lệ, nhưng lần này, là những tiếng khóc, than rằng không còn communicate nữa, không còn đối thoại, chia xẻ, không còn dành thì giờ cho nhau nữa, sống như thế thì thà đừng ở chung với nhau nữa...
Biết thừa chỉ là những hăm dọa, chứ hạnh phúc có bao giờ dễ như ăn cơm sườn vậy. Cứ cho nhau mừng hụt mãi mà làm gì.
Thế là ngồi xuống, trái tim không được để ngủ yên thì bóp cho nó chết luôn đi cho rảnh nợ.
Chao ơi, trong cảnh như thế thì làm sao cười được mà cụ Vĩnh cứ bực bội chúng tôi mà làm gì thưa cụ?
Và cả đại học Maryland nữa, tìm ra chuyện cái cười là thang thuốc bổ tim, mà không thuyết phục được những người và việc làm héo hắt nụ cười làm niềm vui thì khám phá làm gì cho... tủi?
Ngày 26 tháng 2 năm 2010
Bạn ta,
Chiếc cell phone tôi mang trong mình không lúc nào rời, hệt người tiết phụ đeo đôi ngọc sáng dưới chiếc áo lót mình mầu sen -- hệ tại hồng la nhu -- trước khi hoàn quân minh châu song lệ thùy, như trong thơ của Trương Tịch, hóa ra lại còn làm được bao nhiêu việc khác hơn chỉ là phương tiện để những người bạn quí liên lạc rủ đi nhậu như từ bao nhiêu lâu nay.
Ngoài việc đọc và gửi e-mail, xem tin tức, giá chứng khoán trong ngày (tôi không có) nó còn giúp làm được nhiều chuyện khác mà không cần phải mất công chạy tới chạy lui mất rất nhiều thì giờ như trước đây nữa.
Mới đây, một tờ báo cho biết là một công ty Đức (www.zappybaby.de), với một khoản lệ phí nào đó, sẽ thông báo cho người cần dịch vụ của họ lúc nào là lúc dễ trở thành nhà sản xuất nhất. Việc này sẽ giúp khỏi phung phí(?) sức người đi rất nhiều, vẫn theo lời của công ty trong tài liệu đọc được ở web site.
Người có tiềm năng sản xuất trước hết phải cung cấp một số dữ kiện liên quan đến hoạt động của bộ phận sản xuất trứng trong người. Thí dụ như ngày giờ nào thì những quả trứng sẽ được cho rụng.
Việc này dễ. Các y sĩ chuyên khoa có thể cho biết rất chi tiết về quá trình và thành tích rụng trứng của nhà sản xuất. Các dữ kiện này được cho vào máy điện toán để máy phân tích và dựa trên những lần trứng rụng trước đây, tiên đoán ngày giờ của những lần trứng sẽ rụng trong tương lai.
Nhờ dịch vụ này, người ta không còn phải viết những ký hiệu bí mật, khó hiểu trên những trang lịch trong buồng tắm và cũng sẽ không cần phải làm những sự tính toán nhiều khi sai lạc, lầm lẫn rất tai hại nữa.
Khi tới ngày, công ty sẽ thông báo cho thân chủ biết lúc nào là lúc... chạy trời cũng không thoát đó.
Thông báo bằng cách nào? Thì chiếc cell phone đeo trong áo lót mình mầu sen chứ còn gì nữa.
Tưởng tượng lúc ấy, chuông sẽ reo nhè nhẹ. Thân chủ lôi cell phone ra, bấm nút TALK, áp máy vào tai, thì phía bên kia, www.zappybaby.de, sẽ đưa ra lời nhắc nhở đại khái: "Này, tới cữ rồi nghe ông / bà. Ở đâu, đang làm gì thì cũng ngừng tay, về nhà ngay lập tức... nếu ông / bà muốn trở thành nhà sản xuất".
Thế là quân ta quăng tất cả mọi thứ đang làm, chạy bay đến nơi hẹn để làm nhà sản xuất. Hay cũng có thể sẽ ù té chạy đến một thành phố khác nếu không muốn làm nhà sản xuất, vì công ty này thông báo cho cả phía bên kia nếu phía bên kia cũng cần dùng dịch vụ báo động đó.
Nếu hai bên cùng muốn trở thành nhà sản xuất, nhất định không tin vào những cảnh cáo về nguy cơ nhân mãn của các nhà dân số học và kinh tế học, thì sẽ có cảnh cả hai vừa chạy, vừa đọc nhanh cuốn sách chỉ cách đặt tên cho em bé, chọn cái tên nào thích nhất để đem dùng đúng chín tháng mười ngày sau...
Khi dịch vụ này trở nên thịnh hành hơn, mọi người đều dùng, thì con số những vụ chửa hoang, đẻ lung tung của các thiếu niên Mỹ, của các bà mẹ welfare có thể sẽ giảm đi. Được thông báo, các nhà sản xuất sẽ bị ba má hay sở xã hội đến canh chừng không rời mắt nửa giây, cho đến khi trứng bị hư, không còn hy vọng biến thành những cái của nợ cho xã hội nữa, các đương sự mới thả cho đi lại tự do. Chi phí đó nhất định sẽ thấp hơn là tiền trả cho các bà mẹ welfare rất nhiều.
Và khi đó, ai cũng sẽ tài giỏi như chuyện hai chú bé mà tôi đọc được đã lâu. Hai chú cùng năm tuổi, khoe sự hiểu biết về đời sống cho nhau nghe. Một chú khoe biết cách... làm sao có em bé và tưởng như thế là tiến bộ lắm. Người bạn nhỏ cũng năm tuổi đó liền đáp lễ rằng chú biết làm thế nào để... không có em bé, và như thế mới thực sự là giỏi.
Nhưng bây giờ, chuyện đó dễ ẹc. Ai chẳng biết, nếu nhờ www.zippybaby.de giúp cho một tay. Nhưng ở tuổi tôi và những sự quen biết của tôi, thì chúng tôi không bao giờ còn phải tốn tiền cho www.zippybaby.de nữa. Còn Grade A, Jumbo... nữa đâu mà lo. Chẳng cũng khoái ư?
Nói theo kiểu ông Thánh Thán.
CHỮ NGHĨA CHÚNG TA
Dannguyen
Bà Đanh tên ngôi chùa ở Châu Lâm thuộc làng Thụy Chương nay là làng Thụy Khuê gần Hà Nội do một phụ nữ tên là bà Đanh xây vào đời vua Lê Thánh Tông. Trong thời Pháp thuộc, người Pháp chiếm ngôi chùa này để xây trường trung học Bảo Hộ khiến cho ngôi chùa này phải dọn đi Phúc Lâm và vì thế, người đến chiêm bái vắng hẳn đi nên có thành ngữ vắng như chùa Bà Đanh.
VỊ HIỆU TRƯỞNG MUA DÂM
Vị, theo tự điển, là chữ dùng để gọi người một cách kính trọng. Thí dụ Nguyễn Khuyến là một vị quan triều Nguyễn.
Nhưng chữ này nhiều khi cũng thừa, không cần thiết. Bỏ nó đi, sự kính trọng không mất đi phần nào. Thí dụ " Tại cuộc họp có ba vị sĩ quan cấp tướng" và "Tại cuộc họp, có ba sĩ quan cấp tướng". Ý nghĩa của hai câu không hề thay đổi.
Nhưng không thấy ai dùng chữ "vị" này trong những trường hợp sự tôn kính không cần thiết. Thí dụ: một vị can phạm , một vị hung thủ từng giết nhiều người, hai vị phạm nhân từng mang tội hiếp dâm.
Không có ai dùng chữ "vị" trong những trường hợp vừa kể trên.
Cho đến khi người ta đọc được ở trang A-5 nhật báo Việt Herald số đề ngày 22 tháng 2 năm 2010 trong bài viết về một người đàn ông tên là Sầm Đức Xương. Người đàn ông này bị truy tố về tội cưỡng dâm một số nữ sinh theo học tại trường của đương sự.
Và đây là nguyên văn đoạn phụ đề bức hình chụp Sầm Đức Xương:
Vị hiệu trưởng mua dâm nữ sinh Sầm Đức Xương.
Lạm phát nay đã lan sang cả chữ nghĩa nữa hay sao!
Bà Nguyễn Ngọc Liên Hương, Santa Ana, California
Đây là bài thơ của Trần Tế Xương do Nguyễn Ngọc Bích và W. S. Merwin dịch sang tiếng Anh:
Tea is one, wine another, women the third:
My three follies that leave me no peace
I shall have to give up whichever I can .
I should be able to give up tea, I think. And wine.
Los Angels được người Hoa phiên âm và đọc theo lối Việt Hán là Lạc Sam Cơ..
Một thính giả qua e-mail
Cát là điều may, chuyện hên. Tường là điều tốt lành. Cát tường là những chuyện may mắn tốt lành.
Vạn sự cát tường là lời cầu chúc đầu năm mong mọi việc trong năm mới đều tốt đẹp, may mắn.
Cát Tường cũng là tên của họa sĩ vẽ kiểu áo dài cho phụ nữ Việt Nam hồi năm 1934. Họa sĩ Nguyễn Cát Tường đặt tên cho kiểu áo này là áo Lemur. Tường trong tiếng Pháp là mur.
Ông Phạm Mạnh, Arlington , Virginia
Liệt là những, chữ để chỉ số nhiều. Liệt vị, liệt quí vị…
Liệt cường là các nước mạnh, các cường quốc.
Liệt quốc là các nước.
Samizdat là danh từ tiếng Nga nghĩa là văn chương chui, sách vở không được xuất bản, ấn hành hợp pháp và chính thức tại Nga trong những năm còn chế độ Cộng Sản. Pasternak, Brodsky, Solzhenitsyn … đều có tác phẩm xuất bản và lưu hành lậu dưới thời Cộng sản.
Perestroika là tái tổ chức. Chủ trương của Mikhail Gorbachev năm 1987, được coi là bước khởi đầu đưa tới sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết.
Ông Trần Lam Hải, Orlando, Florida
Oanh liệt nguyên từ những chữ oanh oanh liệt liệt . Oanh là những tiếng ầm ỹ.
Liệt là công nghiệp. Oanh oanh liệt liệt hay oanh liệt là công nghiệp hiển hách. Cũng có nghĩa là khí thế mãnh liệt đáng nể, ai cũng phải nể phục.
Phiền dâm là thứ nhạc lộn xộn tục tằn.
Sexual harassment được được dịch là sách nhiễu tình dục. Không thể dịch là phiền dâm được.