March 4, 2010

March 5, 2010

Ngày 1 tháng 3 năm 2010

Bạn ta,

Hôm qua, Chủ Nhật, tôi đi ăn sáng ở một tiệm ăn quen. Tôi kiếm được cái bàn ở trong góc, hy vọng có thể được để cho yên thân để ăn cho xong bữa sáng, uống ly cà phê, liếc qua tờ báo mà không bị những cuộc đối thoại của những người khách hào phóng cho chúng tôi nghe chung những câu chuyện của họ, và cũng không phải nghe tiếng bát đũa, thìa muỗng khua vang, những món đồ chơi mới của những cậu bé, những cô bé dùng tiệm ăn để chạy đuổi nhau, chơi đi trốn đi tìm dưới những cặp mắt đầy hãnh diện và sung sướng của những người cha, người mẹ có được những đứa con khỏe mạnh, vui vẻ, quần áo đẹp đẽ đem ra phố khoe với mọi người.

Tôi vừa được nhà hàng đưa ra ly cà phê thì ngoài cửa một người phụ nữ và hai đứa bé mà tôi nghĩ là con của cô bước vào. Tôi nghĩ thế, vì hai đứa bé, khoảng 7 và 9 tuổi đi phía sau, nép vào người phụ nữ rõ ràng không phải là chị của chúng.

Họ ngồi xuống bàn bên cạnh bàn của tôi.

Tôi liền nghĩ ngay là buổi sáng bình yên của tôi không còn nữa. Những tiếng la thét của hai đứa bé, của người mẹ sẽ lấp đầy góc tiệm ăn buổi sáng Chủ Nhật.

Cả ba đọc thực đơn và gọi các món ăn. Và lúc ấy, tôi bắt đầu thấy được một điều: họ nói rất khẽ, chỉ vừa đủ cho nhau nghe và chờ nhân viên của nhà hàng đến phục vụ tại bàn. Đó là chuyện không thường thấy ở rất nhiều tiệm ăn ở đây.

Nhân viên nhà hàng đi vào bếp. Ba người tiếp tục nói chuyện với nhau. Vẫn chỉ vừa đủ cho nhau nghe. Tôi không thể biết họ nói với nhau những gì mặc dù có cố gắng nghe họ. Cố gắng nghe họ không phải vì tò mò muốn nghe lén chuyện của họ, mà chỉ để xem họ tiếp tục cuộc đối thoại như thế nào, có giống như những câu chuyện tôi vẫn thường bị cho thưởng thức về những chuyến đi Việt Nam, những trò vui chơi ở cái quốc gia họ vừa về, về những thành đạt to lớn của con cháu ở nước Mỹ vân vân.

Tôi không nghe được họ nói gì với nhau.

Tôi ăn xong bữa sáng, cầm tờ báo lên đọc. Họ cũng đang ăn ở bàn bên cạnh. Họ vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau. Và tôi vẫn không biết họ nói gì với nhau.

Hai đứa bé không nhẩy lên đùng đùng, leo lên ghế, lấy những chiếc đũa ra chơi đấu kiếm như một lần cách đây không lâu tôi đã được xem. Mấy chiếc đũa bị rơi xuống đất. Người cha nhặt lên, bỏ lại vào ống đũa làm như không có gì xẩy ra. Khách vào sau khôn hồn thì biết thân biết phận lấy giấy lau cho sạch trước khi cho vào miệng…

Tôi bỗng thấy mình có những suy nghĩ rất sai trong buổi sáng hôm qua. Người phụ nữ cho thấy cô có một nửa Việt Nam của mẹ, và một nửa của một người đàn ông chắc chắn đã từng đến Việt Nam và để lại. Nửa ấy làm cho mầu da của cô có đậm hơn khá nhiều. Dấu tích đó cũng còn thấy ở trên mái tóc của cô.

Nhìn cô, quần áo của cô mặc, tôi đã nghĩ hoàn toàn sai về hai con của cô. Tôi nghĩ chúng sẽ rất ồn ào, nói như hét, chạy rầm rầm trong tiệm. Nhưng không. Chúng rất im lặng, ăn uống gọn gàng, nói với nhau, với mẹ vừa đủ nghe.

Tôi đứng dậy trả tiền. Đi qua bàn, tôi đứng lại, đặt tay lên vai cô. Có có vẻ ngạc nhiên. Hai đứa bé cũng ngó lên. Tôi nói với cô rằng cô có hai đứa con rất ngoan. Cô nên kiêu hãnh về chúng. Cô đã dậy cho chúng những điều rất tốt đẹp để cư xử khi ra đường… Vừa nói xong, thì tôi thấy trên mặt cô nở ra một nụ cười rạng rỡ đẹp vô cùng. Cô cám ơn, bảo hai con "chào ông". Hai đứa bé cúi đầu chào tôi. Tôi bắt tay chúng, nói chúng là những đứa bé tử tế và ngoan ngoãn.

Để chuộc lại cái lỗi đã nghĩ sai, nghĩ không tốt về cô, về hai con của cô, tôi đã (không nói cho cô biết) mời mấy mẹ con cô bữa sáng hôm qua.

Tôi quả thực là có lỗi lớn về lối suy nghĩ đó.


Ngày 2 tháng 3 năm 2010

Bạn ta,

Hôm nay, trong mục Personals Plus, mục tìm bạn của tờ nhật báo ở đây, tôi đọc được trong tiểu mục Seniors Seeking Seniors, mục các thành phần cao niên tìm nhau, một đoạn lời rao tôi nghĩ bạn phải đọc.

Đọc xong đoạn lời rao này, tôi phục người đặt lời thứ nhì cho một bài hát tôi nghe đã phải gần bốn mươi năm nay vô cùng.

Tôi không biết ông là ai, nếu còn ở với chúng ta, chắc bây giờ ông phải trong hạng tuổi sáu mươi hay bẩy mươi, nếu không ở cuối tuổi năm mươi. Ông ở đâu, tôi không biết nhưng vẫn hy vọng ông còn đâu đó trong thế giới này, để tôi xin gửi tới ông những lời cám ơn chân thành nhất, và những sự mến mộ vô biên. Nhờ ông, tôi không rõ những người khác nghĩ về ông như thế nào, nhưng riêng tôi, đã có được biết bao nhiêu nụ cười mỗi lần hát những lời ca ông đặt mấy câu đầu trong ca khúc của Lam Phương, một bài hát về đất nước quê hương, có nắng lên thơm nồng, có đàn cháu con Lạc Long, được ông sửa thành một chuyện tình hết sức lãng mạn của một cặp cao niên mỗi chiều ra bờ sông ngồi tình tự với nhau rồi ôm nhau té xuống đống sình của con sông.

Tôi yêu lời ca thứ nhì của bài hát ấy vô cùng. Nó rất tình cảm, nó rất người (... bà già lấy le ông già...), nó rất trong sáng (...ra bờ sông...) nó rất lãng mạn (...nói chuyện tâm tình, ôm nhau...) và nó rất có hậu, kết của nó duyên dáng biết là bao (... té lộn xuống sình...) Ít có được cặp già nào còn chơi đẹp với nhau, còn tình tứ với nhau được như thế.

Thì ít nhất, chúng ta cũng cứ nghĩ là như thế. Chuyện tình ướt rượt như thế làm sao có được ở một đôi tình nhân già như thế. Tình già như trong bài thơ của Phan Khôi thì khi hai kẻ gặp lại nhau nơi đất khách quê người, ngó nhau đôi mắt còn có đuôi thì nhiều lắm tuổi tác của cả hai cũng chỉ năm mươi mấy sáu mươi mấy là cùng, nếu cộng thêm hai mươi bốn năm từ cái ngày trong căn nhà nhỏ, một ngọn đèn mờ mà tác giả kể ở đầu bài thơ.

Tuổi ấy nghĩ đã chán lắm rồi, sao còn lôi nhau ra bờ sông té xuống sình cho được. Nên mấy câu hát được đặt thêm cho lời thứ nhì đó luôn luôn làm cho người nghe phải bật lên cười.

Nhưng đoạn lời rao kiếm bạn trong tờ báo có thể sẽ khiến cho chúng ta phải nghĩ lại.

Đoạn lời rao đó nguyên văn như thế này: Young 72, retired but active, well-travelled, ISO petite, slim lady N/S, 60-65, for companionship (able to travel) plus happy LTR.

Trước hết là tuổi của người rao. Cụ khai là 72 tuổi, nhưng cụ nhất định coi mình còn trẻ, không 72 years old như cách nói tuổi thông thường, mà 72 years young. Hơn đứt ông Mai Thảo mới sáu mươi mấy đã (nhường cho em trẻ) lãnh hết mấy cái già cho mình:

Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già
...

Cụ cho biết đã về huu nhưng vẫn còn hoạt động, từng đi du lịch nhiều nơi, muốn kiếm một phụ nữ không hút thuốc, tuổi từ 60 đến 65 tuổi, nhỏ người, không to béo để làm bạn (có thể đi du lịch đó đây với cụ ông) và một liên hệ lâu dài (LTR: long term relationship).

Và chính những chữ cuối là những chữ bạn cần đọc.

Cụ 72 tuổi mà vẫn dám ra chợ mua chuối xanh, chờ tuần tới chín vàng, ăn là vừa. Vẫn tin là còn có mặt vào tuần tới, không như mấy cậu trẻ hơn cả mười mấy tuổi, chưa chi đã chỉ dám mua chuối chín để ăn trong ngày. Cụ muốn có bạn, không phải chỉ để yêu cuồng sống vội, yêu hôm nay biết ngày mai ra sao, có nhẩy lên bàn thờ ngồi không mà tính chuyện yêu nhau dài lâu, thật lâu, đậm sâu, như trâu, mọc râu, còn lâu...

Cụ 72 tuổi còn vững tin vào mộng đẹp ngày xanh trong khi mấy ông cụ non lúc nào cũng khoe có thông hành, có cả visa sẵn, chờ lúc nào Trời vừa gọi một cái là nhẩy cẫng lên hét lớn "Thưa Trời có... em đây ạ!"

André Maurois trong bức thư thứ 19 của cuốn Lettres à L'Inconnue có viết rằng Thần Chết vốn dễ tính, ai ve vãn thì cũng được Thần chiều ý liền.

Ông già kiếm bạn gái và câu hát nhảm đã cho tôi một buổi sáng tuyệt đẹp.

Phải mỗi tội chưa kiếm được người chịu ra bờ sông chứ chuyện tâm tình và sình thì thiếu gì.


Ngày 3 tháng 3 năm 2004

Bạn ta,

Một lần khhoảng cuối năm ngoái, la cà trong khu Fashion Island với người bạn, tôi thấy tiệm Sharper Image có một món quà Giáng Sinh tuyệt hảo cho chúng ta, những người sống trong thế giới văn minh và lịch sự này.

Chúng ta, sau bao nhiêu thế kỷ văn minh tiến bộ, không còn có thể hồn nhiên nói thẳng cho nhau nghe những gì chúng ta nghĩ về nhau nữa, nên những giao tế của chúng ta mới trở thành càng ngày càng rắc rối như ngày nay. Có biết bao nhiêu điều chúng ta muốn nói mà không sao nói ra được chỉ vì chúng ta quá văn minh và lịch sự.

Khi con người còn sống trong những hang động, quần áo khiêm tốn, một mảnh lông thú khoác lên cũng xong, chúng ta sống hồn nhiên hơn bây giờ nhiều. Thí dụ muốn khen miếng plastic nhét dưới mũi của một phụ nữ... đồng hang, chúng ta có thể nói ngay điều đó cho nàng biết. Muốn khen hai bịch silicone ai để cho nàng khéo ơi là khéo, chúng ta cũng có thể khen tặng chủ của chúng ngay, chứ đâu có như ngày nay, muốn khen nàng một câu cũng không dám.

Đó là khen, chứ chê thì lại càng không dám. Chúng ta trở thành nạn nhân của chính đời sống văn minh, và thái độ tế nhị của chúng ta. Người có hơi thở hôi thường ít biết điều đó bởi lẽ không ai dám nói thẳng với đương sự. Đương sự có khi lại là chính chúng ta. Hơi thở khi không mới nguyên như đồng tiền mừng tuổi của thơ Nguyên Sa thì hơi thở đó có thể làm chết cả những con ngựa vô phúc đứng gần. Nhưng vì không ai nói ra điều đó cho người có... làn hơi đó, nên loài ngựa vẫn tiếp tục chết oan uổng.

Sản phẩm bầy bán trong tiệm Sharper Image có tên là Fresh Breath Tester. Thay vì đo hơi rượu như máy của cảnh sát, thì máy đo mức hôi của hơi thở. Máy sẽ cho hiện lên những quả tim trên một màn ảnh nhỏ. Một quả tim thì người có làn hơi thiên phú đó nên đi đánh răng, xúc miệng bằng nước bạc hà, dùng những sản phẩm làm thơm hơi thở xịt vào cổ họng ngay lập tức thay vì cứ lấy tay che miệng trông bẽn lẽn như cô dâu mới.

Càng nhiều trái tim hiện trên màn ảnh, thì hơi thở càng thơm. Bốn quả tim là mức cao nhất.

Nhưng các nhà phát minh và các công ty thương mại chắc chắn sẽ không ngừng ở đó. Nhu cầu là mẹ của phát minh. Từ máy đo hơi thở sang đến những thứ máy tương tự khác chỉ là gang tấc, và có thể chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta sẽ có những thứ máy khác giúp chúng ta trở thành những con người hấp dẫn hơn, tốt đẹp hơn nhiều.

Thí dụ chúng ta vẫn chưa thể nói với người bạn chúng ta rằng đương sự nói nhiều quá, vô duyên quá, chưa nói hết câu đã cười sặc sụa, như các lãnh tụ Cộng sản cứ nói xong một câu lại vỗ tay khen mình rối rít. Cái máy tương tự như cái máy dò hôi miệng sẽ cho biết mức độ nói dai, nói dài, nói vô duyên, chưa nói đã cười... đương sự sẽ tự chữa được mấy cái bệnh ấy cho mình để khỏi làm đau lòng đồng nghiệp, tội nghiệp cái micro bị tra tấn và đám người ngồi dưới đỡ bị hành hạ và nhân quyền cũng không bị vi phạm thẳng tay như trong một cuộc họp mặt tôi vừa dự mới đây.

Lúc ấy, thế giới sẽ là nơi đáng sống hơn, loài người sẽ sống an bình hơn, và những cái micro cũng không chết thảm vì bị đối xử tàn tệ quá đỗi.

Những cái máy như thế còn có thể cho biết một câu chuyện nào đó đã được nói đến bao nhiêu lần trong ngày, những dặn dò không cần thiết đã được nhắc mấy trăm lần, những lời cáo buộc vô căn cứ về một mùi nước hoa lạ vô tình bám vào trên thang máy, những hăm dọa bỏ đi đã được đưa ra bao nhiêu lần làm những bong bóng hy vọng cứ vỡ tan một cách hết sức tội nghiệp.

Máy sẽ dùng một câu để đời của Vũ Trọng Phụng để khuyên bảo, nhắc nhở diễn giả: "Biết rồi... Khổ lắm... Nói Mãi..."

May ra, nhờ cái máy như thế, những tuyệt vọng trong đời sống vào những buổi sáng bắt đầu một ngày mới sẽ bớt đi, sẽ giảm đi, và lúc đó thì mới có bằng an dưới thế cho người thiện tâm như... bạn vậy.


Ngày 4 tháng 3 năm 2010

Bạn ta,

Mấy câu sau đây không rõ xuất xứ ở đâu, của ai và có từ thời nào, nhưng câu thứ ba mà Nguyễn Tuân dẫn trong Vang Bóng Một Thời thì có hơi không giống những bản khác tuy cũng chỉ đại để như thế này: Bán dạ tam bôi tửu / Bình minh xổ trản trà/ Nhất nhật (y như thử) ( dâm nhất độ) / Lương y bất đáo gia.

Ba cái lăng nhăng của ông Tú Xương nếu không bỏ, mà điều độ như mấy câu thơ ở trên thì các ông thầy thuốc không bao giờ phải đến nhà.

Tôi cẩn thận theo cả ông Tú Xương lẫn mấy câu ngũ ngôn ông Nguyễn Tuân dẫn để tránh không để lương y đến nhà.

Lương y của tôi, một ông đốc Mỹ ở Los Angeles, không đến nhà tôi bao giờ vì nếu cần thì tôi đến gặp chàng, không thì thôi. Chàng không đến nhà, tôi cũng không cà phê cà pháo với chàng bao giờ. Liên hệ của chúng tôi chỉ có thế. Để cho chàng ở xa như vậy cho tiện, cho chàng khỏi đáo gia, để chàng không bao giờ đến nhà tôi.

Cẩn thận như thế mà vẫn bị đáo gia mới chán. Trong khi mình vừa không muốn, lại vừa không có gì cần để phải đáo gia.

Cách đây mấy hôm, tôi đang ngồi trong nhà thì một người đàn ông lù lù đến xâm phạm gia cư của tôi một cách rất bất hợp pháp. Trong khi tôi không cần, không quen, lại chưa bao giờ vạch đít cho chàng chích, thì chàng đến.

Không biết ông ta lấy đâu ra số điện thoại của tôi. Ông gọi tôi. Qua điện thoại, tôi không thể nhận ra ông là ai, không biết có quen ông bao giờ chưa. Ông đẩy đưa vài chuyện, rồi hai lần tất cả, ông xưng ông là "bác sĩ X." Tôi vẫn không nhận ra ông là ai, gặp gỡ bao giờ, ở đâu.

Có điều chắc chắn tôi chưa bao giờ là thân chủ của ông.

Tại sao chàng xưng chàng là "bác sĩ X." với tôi? Liên hệ của chàng với tôi, nếu có, là liên hệ ở ngoài phòng mạch, hay tại nhà thương chàng làm việc chứ ở nhà tôi, qua điện thoại, tôi không là thân chủ của chàng, tại sao chàng lại xưng nghề nghiệp của chàng ra như thế? Bộ chàng muốn tôi phải "thưa bác sĩ" với chàng hay sao? Mong là không phải như vậy. Vì tôi không định làm như thế. Ông đốc tờ Mỹ của tôi ở LA sẽ buồn mất, tưởng tôi bỏ cái bảo hiểm với ông để theo ông đốc mới chăng.

Và như thế, bất kể tôi đã cố gắng theo mấy câu trong sách của Nguyễn Tuân, lương y vẫn đáo gia mới là chán. Tội nghiệp thân tôi. Chưa bao giờ lết cái xác già đến phòng mạch của ông, chưa bao giờ đưa thẻ bảo hiểm ra cho ông cà, chưa bao giờ là thân chủ của ông, vậy mà ông cứ nhất định xưng "bác sĩ X" với tôi đến hai lần.

Tôi không phải là bạn ông, lại cũng chưa bao giờ được ông chăm lo sức khỏe, cũng không cần phải nói rõ là "bác sĩ" để phân biệt với những người khác cũng tên X. vậy mà ông cứ ấn cái nhãn "bác sĩ" vào cho tôi mới chán. Hay ông muốn tôi đưa thẻ bảo hiểm ra cho ông cà? Lỡ dại mà "thưa bác sĩ X", ông bảo đưa cái thẻ để ông cà rồi mới nói chuyện tiếp thì khổ biết chừng nào.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 65)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 65 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 3 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Thưa quí vị, lớp học có học trò mới. Đây là lần đầu tiên Lãm Thúy đến với lớp. QA xin chào Lãm Thúy.

LÃM THÚY

Kính chào quí vị khán giả của Hồn Việt TV. Chào ông thầy, chào chị Quỳnh Anh.

QA

Cám ơn Lãm Thúy, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa quí vị, tuần qua, QA nhận được một câu hỏi của ông Nguyễn Xuân Hiểu nhờ giải đáp một thắc mắc của ông. QA thấy đó cũng là thắc mắc của QA và luôn cả Lãm Thúy nên QA xin ông thầy giải đáp giùm. Ông Nguyễn Xuân Hiểu nói là ông muốn biết sự khác biệt giữa SHALL và SHOULD. Ông biết SHOULD là quá khứ của SHALL. Ông muốn biết SHOULD còn được dùng trong những trường hợp nào khác nữa không.

BBT

SHOULD là quá khứ của SHALL khi dùng trong những câu INDIRECT SPEECH hay REPORTED SPEECH mà chúng ta sẽ thảo luận trong một dịp khác. SHOULD còn có những nghĩa và cách dùng khác nữa.

SHOULD có thể dùng để nói lên một đề nghị, một gợi ý, một điều mà chúng ta tin là nên làm. Thí dụ chúng ta nói nếu đi Paris thì nên ghé bảo tàng viện Louvres. Nếu ghé Louvres thì nên đến xem bức Mona Lisa. Cô Lãm Thúy, tiếng Anh gọi chung những đề nghị, hay gợi ý, hay những điều nên làm đó là gì?

LÃM THÚY

RECOMMENDATION phải không thưa anh? Thúy có tiệm bán sách báo, hôm tuần trước có ông khách vào hỏi là muốn biết phong tục miền nam thì nên đọc cuốn sách nào. Thúy RECOMMEND đọc cụ Vương Hồng Sển.

BBT

Cám ơn cô. TO RECOMMEND như cô vừa nói là đề nghị. Cô QA cho nghe một câu với SHOULD dùng để RECOMMEND một chuyện gì đó coi.

QA

WHEN DINING OUT, YOU SHOULD TRY VIETNAMESE CREPE OR BÁNH XÈO AT SONG LINH.

BBT

Cám ơn cô QA. Cô Lãm Thúy…

LÃM THÚY

IF YOU PLAN TO READ ONLY ONE BOOK THIS SUMMER, YOU SHOULD READ VÕ PHIẾN.

BBT

SHOULD cũng được dùng để đưa ra một lời khuyên. Lời khuyên mạnh hơn đề nghị một chút. Thí dụ nói trong lúc kinh tế khó khăn thế này, chúng ta nên cẩn thận với tiền bạc. Đó là một lời khuyên, không phải là một đề nghị hay gợi ý.

QA

QA thấy rõ ràng câu này mạnh hơn câu đề nghị ăn bánh xèo hay đọc ông Võ Phiến. QA nói thử nhé: IN THIS ECONOMY, WE SHOULD BE VERY CAREFUL WITH OUR MONEY.

BBT

Mời cô Lãm Thúy cho nghe một câu dùng SHOULD như một lời khuyên.

LÃM THÚY

I OFTEN TELL MY SON THAT HE SHOULD PAY MORE ATTENTION TO MATH AND SCIENCES AT SCHOOL.

BBT

Đó là lời khuyên, là ADVICE. Nhân đây cũng nhắc hai cô ADVICE là danh từ luôn luôn số ít. Nó là danh từ không đếm được, nên chúng ta không bao giờ nói MANY ADVICES. Số nhiều là PIECES OF ADVICE, số ít là A PIECE OF ADVICE.

LÃM THÚY

Thúy nhớ là SHOULD còn được dùng với nghĩa mạnh hơn là lời khuyên nữa. Nhưng SHOULD nhẹ hơn MUST.

Thí dụ nói I SHOULD BE AT WORK AROUND 9 AM. Nghĩa là muộn một chút cũng không sao. Sớm thì càng tốt. MUST là phải, là bắt buộc. SHOULD là nên.

QA

QA nghĩ dùng SHOULD thế này thì chưa đủ mạnh: WE SHOULD HELP OUR PARENTS IN THEIR OLD YEARS. Phải nói WE MUST HELP THEM IN THEIR OLD YEARS.

BBT

Hoàn toàn đồng ý. Lãm Thúy, cho tôi nghe thí dụ của cô đi.

LÃM THÚY

Thúy nghĩ trong những trường hợp vừa kể, SHOULD được dùng để nói lên những OBLIGATION, những bổn phận, mà bổn phận thì mạnh hơn là ADVICE, lời khuyên. Đây là thí dụ của Thúy, với SHOULD được dùng để nói lên trách nhiệm hay bổn phận: PEOPLE SHOULD VOTE IN THE ELECTIONS. BUT IN AUSTRALIA, PEOPLE MUST VOTE.

BBT

Còn một cách dùng khác nữa của SHOULD, đó là khi chúng ta muốn diễn tả một kỳ vọng, một EXPECTATION, một điều mà chúng ta tin là sẽ xẩy ra, sẽ diễn ra. Thí dụ BY TONIGHT, HE SHOULD FINISH HIS BOOK REPORT, nghĩa là chúng ta kỳ vọng là vào buổi tối hôm nay, anh ấy sẽ viết xong bài điểm sách. Mời cô QA.

QA

PEOPLE BELIEVE THAT OUR ECONOMY SHOULD BE STRONG AGAIN BY THE END OF 2010.

BBT

Nghe cô nói cứ như nghe phát ngôn viên tòa Bạch Ốc vậy. Còn Lãm Thúy?

LÃM THÚY

YOU SHOULD GET THE LETTER THIS SATURDAY. Như vậy, SHOULD được dùng để nói về một chuyện mà chúng ta nghĩ là phải xẩy ra trong tương lai phải không thưa anh?

BBT

Đúng rồi thưa hai cô. Bây giờ chúng ta qua một cách dùng khác của SHOULD mà chúng ta đã phải gặp nhiều lần. SHOULD được dùng với HAVE và PAST PARTICIPLE của động từ chính.

QA

Để QA nói thử coi có đúng không. SHOULD+HAVE+ PAST PARTICIPLE. QA nhớ The Beatles có bài hát tựa đề là I SHOULD HAVE KNOWN. Nhưng QA thấy là nhân vật trong bài hát đâu có hiểu mặc dù nói I SHOULD HAVE KNOWN BETTER WITH A GIRL LIKE YOU.

BBT

Cách dùng này có điểm đặc biệt đó. Chúng ta không thấy chữ NOT ở đâu, vậy mà câu nói vẫn có nghĩa phủ định ở trong. SHOULD+HAVE+PAST PARTICIPLE được dùng để nói về một việc đã không xẩy ra trong quá khứ. Nhưng đáng lý đã phải xẩy ra, lẽ ra đã nên xẩy ra. Trong tiếng Việt chúng ta nói là ĐÁNG LẼ ĐÃ. Khi nói như vậy, chúng ta hiểu ngay là chuyện đó đã không xẩy ra. Thí dụ hôm qua tôi bị lỡ tầu bay vì đến phi trường muộn. Cô Lãm Thúy dùng SHOULD HAVE để nói câu ấy như thế nào?

LÃM THÚY

I SHOULD HAVE LEFT HOME EALIER.

I SHOULD HAVE USED THE SHUTTLE.

I SHOULD HAVE TAKEN THE SHORT CUT.

BBT

Còn cô QA?

QA

HE SHOULD HAVE STUDIED HARDER FOR THE TEST.

SHE SHOULD HAVE TAKEN SPANISH IN HIGH SCHOOL.

WE SHOULD HAVE LISTENED TO PRESIDENT THIEU.

BBT

Nhưng SHOULD+HAVE+PAST PARTICIPLE cũng được dùng để nói về một chuyện CÓ THỂ hay KHÔNG CÓ THỂ ĐÃ XẨY RA.

Thí dụ tôi xem đồng hồ thấy đã 10 giờ, có thể anh ấy đã dậy, và cũng có thể chưa dậy: I THINK HE SHOULD HAVE BEEN UP BY NOW. Cô Lãm Thúy cho một thí dụ về một chuyện có thể hay không có thể đã xẩy ra coi.

LÃM THÚY

LET US TRY TO CALL HER. THE PLANE SHOULD HAVE LANDED 10 MINUTES AGO.

COME INSIDE, DINNER SHOULD HAVE BEEN READY NOW.

I WANT THE BOOK BACK. SHE SHOULD HAVE FINISHED READING IT.

BBT

Các cô thấy câu I SHOULD HAVE LEFT EARLIER như thế nào? Đáng lẽ tôi phải đi sớm, nhưng tôi đã không đi sớm. Nói như vậy là nói có, tức là AFFIRMATIVE thành không phải không nào?

Bây giờ chúng ta sẽ…

LÃM THÚY

Nói không thành có phải không thưa thầy?

BBT

Đúng vậy. SHOULD+NOT+HAVE+PAST PARTICIPLE là nói không thành có. Cô QA thử cho nghe một thí dụ coi.

QA

Thưa anh, cách dùng này, QA nghĩ là được dùng để nói lên một điều chúng ta tiếc, chúng ta ân hận là ĐÃ XẨY RA phải không? Nếu vậy thì đây là thí dụ của QA:

HE SHOULD NOT HAVE TREATED HER LIKE THAT.

WE SHOULD NOT HAVE TRUSTED HIM.

YOU SHOULD NOT HAVE HELPED THEM.

BBT

Nhưng tất cả các chuyện cô nói đều đã xẩy ra. Đã xẩy ra nên tiếc hùi hụi. Cô Lãm Thúy …

LÃM THÚY

I SHOULD NOT HAVE BOUGHT THE TOYOTA CAMRY.

HE SHOULD NOT HAVE PUT TOO MUCH SUGAR IN HIS COFFEE.

THEY SHOULD NOT HAVE SHOUTED AT HIM.

BBT

Nhưng SHOULD+NOT+HAVE+PAST PATICIPLE cũng được dùng để nói về những việc có thể hay không có thể đã xẩy ra. Thí dụ cô Thúy xem đồng hồ, thấy đã 5 giờ rưỡi, cô nghĩ có thể con trai cô đã lên máy bay, mà cũng có thể là chưa. Cô gọi liều một cái xem sao thì cô nói thế nào?

LÃM THÚY

HE SHOULD NOT HAVE BOARDED. WE CAN TRY CALLING HIM ON HIS CELL PHONE.

QA

QA hôm qua đang lái xe từ Los về thì muốn nhờ con gái đặt hộ nồi cơm. Lúc ấy khoảng 3 giờ 20, có thể con gái QA đã về mà cũng có thể chưa. QA có thể nói: SHE SHOULD NOT HAVE ARRIVED HOME. Hay hôm cuối năm, QA gửi tờ báo xuân cho anh của QA bằng express mail. Hai hôm sau, QA điện thoại cho anh, nghĩ là có thể báo đến rồi mà cũng có thể là chưa thì QA nói thế này: THE MAGAZINE SHOULD NOT HAVE REACHED HIS MAIL BOX.

LÃM THÚY

Thúy có một câu muốn nhờ anh chỉ cách dùng. Đó là câu Thúy hay nghe có khúc cuối THAT I HAVE EVER gì gì đó. Câu ấy dùng như thế nào?

BBT

Cám ơn câu hỏi của cô. Đây là một lối nói cường điệu một chút. Có thể hơi phóng đại nhưng cũng chẳng sao.

Kiểu như nói đó là cuốn sách hay nhất từ bé đến bây giờ mới được đọc.

Vế trên là mệnh đề dùng cách so sánh nhất SUPERLATIVE thí dụ IT WAS THE BEST MOVIE… HE IS THE STRONGEST MAN … SHE IS THE MOST BEAUTIFUL WOMAN …

Và vế sau là mệnh đề dùng PRESENT PERFECT thí dụ I HAVE SEEN … WE HAVE MET … HE HAS DATED.

Ghép lại với nhau, chúng thành những câu này:

IT WAS THE BEST MOVIE I HAVE SEEN.

HE IS THE STRONGEST MAN WE HAVE MET.

SHE IS THE MOST BEAUTIFUL WOMAN HE HAS DATED.

LÃM THÚY

Thúy nghe còn có chữ EVER nữa. Chữ này đặt vào đâu nhỉ QA?

QA

QA nhớ là sau HAVE và HAS để thành HAVE EVER hay HAS EVER. Vậy thì QA sẽ nói: IT WAS THE BEST MOVIE I HAVE EVER SEEN phải không Lãm Thúy?

LÃM THÚY

Và hai câu kia phải là:

HE IS THE STRONGEST MAN WE HAVE EVER MET.

SHE IS THE MOST BEAUTIFUL WOMAN HE HAS EVER DATED.

BBT

Kiểu nói như vậy cũng còn một hình thức này nữa: IN THE WORLD hay IN THE WHOLE WIDE WORLD. Chắc hai cô thế nào chẳng đã có lúc nghe câu này: MOM, YOU ARE THE BEST MOM IN THE WHOLE WIDE WORLD.

QA

Cái đó thì Lãm Thúy và QA đều đã được nghe ít nhất vài lần.

LÃM THÚY

Nhất là trong những ngày Mother’s Day khi các cô các cậu còn bé. Mấy năm gần đây khi đã mười lăm, mười bẩy thì càng ngày mẹ càng ít được nghe câu đó.

QA

Và thưa quí vị, đến đây là kết thúc bài học thứ 65. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.


BẨY NĂM KHOÁI LẠC
Bùi Bảo Trúc


1955-1962
(Tiếp Theo Và Hết)

CÁC ÔNG THẦY KHÔNG THỂ QUÊN

Giáo sư Nguyễn Văn Lộc là một trong những ông thầy chúng tôi khó mà quên được. Cụ dậy chúng tôi môn Anh văn. Cụ hút thuốc mỗi lần chỉ nửa điếu. Cụ bẻ điếu Bastos làm hai, cất đi một nửa, hút một nửa. Cụ dậy rất kỹ cuốn Anglais Vivant. Vào lớp bao giờ cụ cũng thọc chân vào hộc bàn của bàn đầu và bắt chúng tôi "Take down these expressions!" Lũ học trò mất dậy của cụ thỉnh thoảng lại bị cụ mắng "Học trò tôi nó đi những đâu những đâu rồi chứ đâu có như các cậu!" Không một đứa nào trong lớp ghét cụ.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh dậy Vạn Vật với tài vẽ hai vòng tròn bằng tay phải và tay trái cùng một lúc. Thầy Quỳnh đi một chiếc Renault 4, rồi sau là một chiếc Ford Taunus mầu xanh lá cây nhạt. Thầy vẽ rất đẹp trong những giờ Vạn Vật bằng những viên phấn mầu thầy đựng trong một chiếc hộp. Thầy dậy tôi ít nhất cũng phải ba năm đệ nhất cấp.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Cầu dậy chúng tôi môn Công Dân. Đứa nào cũng được thầy phê vào thông tín bạ mấy chữ "Hạnh kiểm tốt" với lời hăm là không ngoan ngoãn, thầy lấy thông tín bạ lại sửa "tốt" thành "tồi" ngay lập tức. Nhưng thầy không biết là học trò của thầy cũng có thể sửa "tồi" thành "tốt" dễ không kém.

Giáo sư Đỗ Khánh Hoan mới ra trường đại học sư phạm thì dậy chúng tôi ở đệ Tam C, rồi lại đệ Nhất C. Giữa hai năm Tam C và Nhất C, chúng tôi học Anh ngữ với giáo sư Phạm Đình Thắng. Cả hai đều là những ông thầy tận tâm, dậy rất văn sách, không ra ngoài và bay bướm như giáo sư Nguyễn Văn Linh dậy Pháp Văn bằng giọng Parisien, nghe không hiểu cũng thấy là hay.

CÁC GIÁM HỌC

Trong 7 năm , từ năm 1955 đến năm 1962, Chu Văn An có 3 giáo sư giám học. Đó là các giáo sư Vũ Đức Thận, Nguyễn Hữu Văn và Nguyễn Văn Kỷ Cương.

Chúng tôi vẫn không biết nhiệm vụ của các giáo sư giám học là gì. Các giám học thường thì ít tiếp xúc với chúng tôi. Cụ Thận thì chúng tôi hoàn toàn không biết cụ. Chúng tôi chỉ biết cụ qua cuốn Vạn Vật đệ Tứ. Cụ làm giám học dưới thời cụ Vũ Ngô Sán. Cụ Nguyễn Hữu Văn là thân sinh Nguyễn Hùng học cùng lớp. Cụ lúc nào cũng bảnh bao, grande tenue trắng. Chúng tôi gọi cụ là "Cụ (?) Văn" từ khi cụ mới tuổi tứ tuần. Các giáo sư giám học không trực tiếp với chúng tôi nên tình thân không có.

ÔNG TỒNG GIÁM THỊ

Suốt 7 năm trung học của tôi, ông Nguyễn Hữu Lãng giữ chức tổng giám thị. Ít có một học sinh nào học ở Chu Văn An có cảm tình với ông. Nguyễn Đức Nam trong một số báo xuân có viết trong một bài báo câu "không ra cái tổng lãnh nào hết" khiến tờ báo bị đem từ nhà in về trường để xóa hết câu phạm húy đó đi trước khi phát hành.

CÁC ÔNG GIÁM THỊ

Lớp của tôi qua 4 ông giám thị tất cả, cả 4 đều hiền. Thầy Biền, thầy Dự, thầy Tự và, thầy Thái. Thầy Dự đã tha tôi 4 giờ consigne của thầy Thanh . Đó là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng tôi bị consigne trong 7 năm trung học. Lần đầu là năm đệ thất, do giáo sư Đặng Ngọc Thiềm tặng. Cái giấy phạt còn kèm theo một trận đòn quắn đít ở nhà đến bây giờ còn nhớ.

Năm đệ lục, mới đầu năm, thầy Biền đem sổ phạt vào lớp cho một học sinh ký tên. Một tên ngồi bàn đầu nói khá lớn "A! Ký sổ lương!" thầy liền cho tên này 4 giờ consigne. Thiên tài này liền nhái chữ ký của thầy hiệu trưởng Trần Văn Việt để ký vào sổ phạt. Chàng lãnh thêm 4 giờ nữa. Nhưng sau đó, thầy Biền gọi lên văn phòng xá tội vong nhân, xé hai tấm giấy phạt cho chàng.

Thầy Dự cũng là một thầy giám thị rất hiền. Chúng tôi trốn học thầy không nói gì. Thỉnh thoảng thầy vào lớp ngó cả bọn rồi lại đi.

Lũ chúng tôi khi biết được ông thầy nào có con gái thì liền gọi ông là bố. Đinh Ngọc Mô chữa cái bệnh ấy của mấy tên cùng lớp khi nói rằng cụ Tự còn đẹp trai hơn mấy cô con gái của cụ. Cả bọn từ đó im hết.

Năm đệ Nhất, giám thị coi lớp chúng tôi là ông Thái. Ông hiền lành, không bao giờ làm "phiền" chúng tôi. Tôi gặp lại ông tại Luân Đôn lúc ấy ông đã là một tham vụ ngoại giao. Ông hiền, lại có vẻ sợ chúng tôi, vì lúc ấy chúng tôi đang học đệ Nhất, lại nghịch ngợm có hạng.

CÁC ÔNG TÙY PHÁI

Trong những năm tôi học, trường có hai ông tuỳ phái là ông Ban và ông Tất. Ông Ban đã lớn tuổi là người mở quán chè đầu tiên, lúc ấy còn ở ngay sân trước của trường cũ. Sau hàng chè dọn về phía ngang dẫy nhà xe. Ông chỉ có một món duy nhất là chè đậu đen có bỏ chút đá vụn. Các món khác là mấy thứ bánh như bánh bông lan, bánh dừa và vài ba thứ kẹo. Ông Ban hiền lành hơn ông Tất, chỉ lo quán chè của gia đình nhiều hơn. Chúng tôi, khoảng năm đệ Nhất 1961-1962 nghe ông có cô con gái bị một chàng trong trường vồ mất. Tin đúng hay sai thì không thể kiểm chứng được. Ai là thủ phạm hãy thành thật khai báo.

Ông Tất rất Bắc kỳ di cư. Bà Tất vấn khăn, răng đen chỉ lo quán chè. Ông Tất mắt có hơi toét một chút, nói giọng vùng biển, thỉnh thoảng bực bội bọn học trò lại văng ra các thứ rất Bắc kỳ ( thí dụ: " Ông thì dí buồi vào!") Ông quét các hành lang thì quấn một chiếc khăn bịt mặt, chúng tôi gọi ông là cao bồi, ông chửi nhắng lên "Con nhà ai mà mất dậy thế này hở ..."

Quán chè của hai ông được Lê Đình Điểu, hơn chúng tôi hai lớp, gọi là salon littéraire nơi chúng tôi đàm đạo chuyện văn chương bên những ly chè đậu đen. Chúng tôi gọi hai ông là phụ tá hiệu trưởng không biết các thầy hiệu trưởng có biết không.

NHỮNG NGƯỜI BẠN

Nguyễn Quốc Trụ ngồi cạnh tôi suốt từ khi đi thi tiểu học, rồi thi vào Chu Văn An và liên tiếp 4 năm đệ nhất cấp. Trụ vẽ đẹp, chữ viết lằng ngoằng như dây thép. Cùng với Trụ, tôi có Nguyễn Hữu Truyền ngồi cạnh. Ba đứa tên bắt đầu bằng TR nên bất cứ giờ nào cũng một trong ba phải lên đọc bài.

Trụ học xong tú tài thì vào Đà Lạt, chọn nhẩy dù. Trụ đánh trận Hạ Lào. Tôi tưởng Trụ chết trận đó. Nhưng Trụ bị bắt, và sau nhiều năm tù ở Bắc Việt. Ra tù, Trụ đi Mỹ. Tôi tìm hỏi thăm nhưng không gặp. Đến khi Trụ qua đời mới biết chàng sống ở San Jose. Trụ rất can đảm, ít nói. Năm đệ Thất, Trụ đã kể cho tôi nghe ở xóm Thăng Long, Phú Thọ, có một bà bán hột vịt lộn rao hay vô cùng: "Ai dzậc lổng dzậc ngửa không!"

Đó là năm đệ Thất. Sao mà giỏi chi lạ.

Vũ Kiện học chung với tôi suốt 4 năm đệ nhất cấp. Hồi ấy Kiện cận thị nặng nhưng chưa đeo kính, cứ chữ nào khó đọc trên bảng thì chàng lại tự nhiên quay sang, giật cặp kính của tôi ra đeo vào để đọc. Kiện là con nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí. Con nhà nòi nên Kiện, tức Kiện Béo, Kiện Củ Khoai, Kiện Phệ làm thơ rất hay. Năm chúng tôi học đệ lục, Kiện đã viết mấy câu thế này:

Hương,
Giáng Hương mình ta chờ em
Từ khi hoa mới gẫy bên thềm
Vẫn chờ em dù trời xa đất
Vẫn chờ em dù ngày là đêm...

Kiện du học Canada về nước làm cho nhà máy giấy Biên Hòa. Sau năm 1975 qua Canada và mất năm 1997.

Ngô Tử Hải

Nếu có một người bạn đúng nghĩa là hiền thì phải là chàng. Tôi ngồi cạnh Hải năm đệ Tam, rồi đệ Nhị và đệ Nhất. Hải là vegetarian thứ thiệt. Đi ăn phở bao giờ cũng gắp thịt bỏ sang tô của tôi. Nhà Hải ở góc Hiền Vương và Hai Bà Trưng, nơi Đinh Ngọc Mô và tôi đã đến trú ngụ không biết bao nhiêu lần. Cùng với Đỗ Thế Quang, chúng tôi trốn học như điên, kéo nhau đến quán Kinh Đô của cô Yến ngồi uống nước và dòm cô Yến năm đệ Nhất C. Hải chỉ mê kìm búa, mê hơn mê các cô nên đến nay vẫn một mình ở New Jersey.

Nguyễn Thế Toàn vào học đệ Thất Chu Văn An cùng với tôi. Toàn Hòa Hảo tự là Toàn Bò sau đó đổi sang Nguyễn Trãi. Sang đến Mỹ tôi mới gặp lại Toàn. Toàn là thành phần "thánh giá há mồm" – đeo thánh giá, đi tầu há mồm của Mỹ vào Nam. Toàn thẳng tính nhưng rất tốt với bạn. Ghét ai thì nói vào mặt người ấy. Toàn mang biệt danh là Toàn Hòa Hảo vì hay mặc bà ba đen đi học. Lớn lên làm thầy cãi ở tòa thượng thẩm. Ở Virginia chàng là chủ tiệm phở Xe Lửa nên còn mang danh là Toàn Xe Lửa nổi tiếng là sợ vợ và sợ con.

Đỗ Diễn Nhi tự là Nhi Táo Tầu học với tôi năm đệ Nhất. Lúc đó chàng đã bắt đầu hói và nhăn nheo sớm nên có tên là Nhi Táo Tầu.

Trần Khánh tự là Khánh Shakespeare. Khánh lớn tuổi hơn tụi tôi, vào học năm đệ Tam C sau khi từ Thái Lan về nước. Khánh viết chữ đẹp, học tiếng Anh rất kỹ, nói tiếng Anh bằng giọng mũi. Lúc ấy hình như Khánh đã có vợ. Khánh o bế mái tóc bồng bềnh từ thuở đi học. Khánh đang ở San Francisco, có con gái làm radio và truyền hình ở quận Cam và gọi bạn của bố bằng "anh" rất tự nhiên.

Vũ Khắc Dụng

Dụng từ Luân Đôn về nước và vào học lớp đệ Ngũ với chúng tôi. Cậu Dụng còn tiếp tục mặc đồng phục của học sinh Anh cả một hai năm. Tiếng Anh của chàng thì không thể chê được. Dụng đỗ tú tài ban C, đi học bổng Mỹ, có MBA về nước làm thứ trưởng tài chính, cha đẻ thuế TVA của Đệ Nhị Cộng Hòa. Dụng hiện sống ở gần New York. Qua Mỹ Dụng là hổ được thả về rừng. Gặp lại đã giầy wingtip, ăn nói như một ông chủ ngân hàng nhà ở ngoại ô New York, đi làm trong thành phố, weekend về hầu vợ và con , nhất định không thèm về Việt Nam.

Nguyễn Văn Uy ngồi sau lưng tôi trong hai năm đệ Tam và đệ Nhị C. Nguyễn Văn Uy đi Thủ Đức, viết văn và bắt đầu nổi tiếng với bút hiệu Y Uyên thì tử trận ở Phan Thiết khi còn rất trẻ.

Đinh Ngọc Mô ngồi cạnh tôi trong hai năm dệ Nhị C và đệ Nhất C. Mô rất thông minh, ăn nói duyên dáng. Giáo sư Nguyễn Văn Kỷ Cương một lần đã gọi Đinh Ngọc Mô lên văn phòng, bắt giải thích tại sao lại viết hai chữ Đ.M. trong thẻ học sinh. Mô giải thích Đinh Mô thì ký là Đ.M.

Mô học đại học sư phạm Đà Lạt ban Pháp Văn, dậy học ở Cà Mâu trước khi về Sài Gòn làm việc tại Trung Tâm Học Liệu, phụ trách chương trình Đố Vui Để Học mà đến nay vẫn chưa ai thay thế được. Mô được cử đi Anh để học thêm về truyền hình. Học xong, Mô sang Pháp rồi sang Canada. Mô qua đời năm 1980 ở Montreal.

Ngọc Hoài Phương là người mê làm báo từ thời còn đi học. Đến bây giờ vẫn còn mê. Ngọc Hoài Phương làm báo mà rất hiền.

Trương Trọng Trác cũng mê báo và vẫn tiếp tục là một hướng đạo sinh đến tận cuối đời.

NHỮNG CÁI BIỆT DANH

Chúng tôi học được một điều là về sau có con thì đừng bao giờ đặt tên con có vần ÔN như Đôn , Tôn, Môn hay Paul mà khổ cho con cái. Những cái tên kể trên lập tức có thêm những cái đuôi như Lò, Lành, Lù … Những cái biệt danh đó theo chúng suốt đời như những người bạn của tôi.

Khi trong lớp có hai người cùng tên, cùng họ, cùng chữ lót thì một người sẽ là A như Hùng A, một người là Hùng B. Nhưng nếu tên là Hải thì nên ngồi chung bàn, cùng một dẫy để khỏi bị gọi là Hải Trên và Hải Dưới. Người tên Hải Dưới thì khổ không ít.

NHỮNG MỐI TÌNH ĐẦU

Năm đệ Tứ, tôi có yêu trộm nhớ thầm một cô nhà ở đại học xá Minh Mạng. Tên cô là Lan mà tôi nghĩ là đẹp lắm. Nhưng thuở ấy người yêu (tôi) kẻ hững hờ (nàng). Chưa kịp "phong thư tình ngây dại" thì nàng đã biến mất. Bóng chim tăm cá biết đâu tìm

Lan ơi ... bây giờ Lan ở đâu... Trúc vẫn nhớ mái tóc, tà áo của Lan vẫn bay về nhớ suốt đêm.

Lan là bà nội bà ngoại mấy lần rồi... có biết trai già Chu Văn An này vẫn dấu trong tim (chữ TÊ đấy nhá) bóng một người không hở Lan?

Năm đệ Nhất, tôi hay tới một căn nhà của gia đình Mô ở Xóm Chùa học thi. Học thì ít, nói nhảm thì nhiều. Mỗi chiều, trước khi về nhà, chúng tôi hay vác đàn ghi ta ra cửa ngồi hát. Một thiếu nữ trong xóm chiều nào cũng đi qua đúng lúc Đinh Ngọc Mô hát câu " Đại lộ hoàng hôn, hoàng hôn, hoàng hôn, hoàng hôn nhiều quá..."

Hai chữ hoàng hôn được nhắc đi nhắùc lại nhiều lần . Và Đinh Ngọc Mô chỉ hát có một câu đó khi cô đi qua. Cô nghe xong thì ù té chạy. Mãi sau tôi mới biết cô tên là Hoàng.

Ngoài ra, chúng tôi thỉnh thoảng cũng lấy xe chạy lên lượn trước hai trường Trưng Vương và Gia Long mà chẳng nên cơm cháo gì. Nhìn lại mình hồi ấy chính minh còn chán mình nữa là mấy cô.

BẨY NĂM KHOÁI LẠC

Bài viết được đặt tựa là Bẩy Năm Khoái Lạc là để nhắc lại một tài liệu "học tập" mà không một học sinh trường Việt nào không từng đọc qua.

Năm đệ Tam, chúng tôi mới 16 tuổi thì giáo sư Vũ Hoàng Chương dậy bài Tình Già của Phan Khôi...

Hai mươi bốn năm xưa
Một đêm vừa gió lại vừa mưa...

Chiều dài của sự xa cách của đôi tình nhân hồi ấy hơn số tuổi của chúng tôi tới 8 năm . Bây giờ, tuổi của tôi đã hơn gấp đôi số năm xa cách đó từ 14 năm trước. Những người bạn cũ người còn, người mất, người đâu đó ở Việt Nam, tất cả đều đã già, tóc mai đã bạc như Hạ Tri Chương khi về quê cũ. Nhưng vẫn nhận ra người đàn ông già kia chính là chú bé mặc quần shorts đứng dưới gốc cây trong sân trường cũ thao thao về những bài tập trong cuốn Lebossé… Hay một chàng khác với cuốn Carulli.

Hồi tưởng lại 7 năm ở Chu Văn An là lại nhớ Đinh Ngọc Mô và Trương Trọng Trác vô cùng.