Ngày 15 tháng 3 năm 2010
Bạn ta,
Lần đầu tiên nó xuất hiện trong mục Style Watch của tờ People ở trên người toàn những thứ dữ dằn như Heidi Klum, Deborah Gibson, Patricia Manterola, Leslie Mann, Jennie Garth, và Samantah Cole.
Nó là cái yếm của phụ nữ Việt Nam, được cho cải biến đi một chút. Vì được cải biến đi chút ít nên có thể có người sẽ nói rằng chưa chắc đã là cái yếm Việt Nam. Thí dụ nó không có cổ, mà cũng không có dải.
Nhưng trong mục Style Plus của tờ Washington Post thì nó nhất định là cái yếm Việt Nam, cái yếm thắm của một trong ba cô đội gạo lên chùa rồi bỏ bùa cho nhà sư, cho nhà sư ốm tương tư lăn lóc, cho trọc cả đầu, "cho dạ sư sầu, cho ruột sư héo như bầu đứt dây," những cực tả trong mấy câu ca dao mà chúng ta vẫn còn thuộc cho đến ngày hôm nay.
Và theo những chỉ dẫn để may nó mà tờ People viết, thì nó cũng nhất định phải là cái yếm: made of a triangle of fabric tied around the torso, V pointing down...
Cũng hình chữ V nhọn xuôi xuống dưới, dây buộc ngang lưng để còn "trễ xuống giữa nương long" như cảnh thiếu nữ ngủ ngày của Hồ Xuân Hương. Cái halter mà tờ Post có hình chụp thì đúng là cái yếm Việt Nam, đủ cả cổ yếm, để nếu muốn, có thể đeo thêm cái bùa vào cho đủ … mười thương. Không thể cãi rằng nó không phải là cái yếm Việt Nam được.
Và như thế, sau hơn ba mươi năm người Việt có mặt ở Mỹ, thì các nhà vẽ kiểu thời trang cũng đưa được một món thời trang của chúng ta vào tủ quần áo của các phụ nữ Mỹ để đóng góp với thời trang xứ này.
Trong khi cái sari của các phụ nữ nam Á như Ấn độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka thì vẫn không. Và luôn cả y phục của phụ nữ Đại Hàn, Nhật cũng không làm được.
Thế mới biết các cụ ông, cụ bà Việt Nam ngày xưa của chúng ta giỏi. Cái yếm các cụ vẽ kiểu, rồi may và mặc từ mấy thế kỷ nay, đến bây giờ, các chuyên gia về thời trang vẫn còn thấy vô cùng sexy như tờ People đã viết.
Sexy và rất kiểu cách. Bên ngoài chỉ có cái áo dài tứ thân, thắt vạt ở phía dưới, trong khi phía trong, là cái yếm hờ hững. Yếm có thể trắng, có thể hoa tằm, có thể hồng đào ( em đeo dải yếm đào)... như trong thơ Nguyễn Nhược Pháp) có thể nhuộm hoa nương (yếm thắm mà nhuộm hoa nương / cái răng hột đậu làm tương anh đồ )...
Kiểu cách và hết sức lãng mạn. Cái nịt vú của phụ nữ Tây phương không thể lãng mạn như thế được. Có phụ nữ nào mặc nịt vú mà nói được mấy câu lãng mạn và tình tứ như thế này:
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi...
Hay là:
Trời mưa gió rét kìn kìn
Đắp đôi giải yếm hơn nghìn chăn bông...
Quăng cái dải yếm sang thì sông rộng cách mấy mà chàng... tha. Hay trời lạnh, có cái dải yếm lôi ra đắp thì sợ gì lạnh...
Rồi bây giờ, cái yếm đã vượt biển sang Bắc Mỹ hội nhập vào với các thứ quần áo của phụ nữ Mỹ, cạnh tranh thẳng với những cái nịt vú của thời trang Tây phương. Nhưng các nhà sản xuất quần áo ở Mỹ có thể sẽ không ngừng ở đó. Có thể Victoria's Secret sẽ nhẩy vào, đưa thêm một vài chế biến và những cuốn catalogue mà công ty này, không biết vì một lý do nào vẫn gửi đến nhà tôi đều đặn, sẽ là những thứ văn chương đọc không bao giờ có thể bỏ xuống được. Và chúng ta lại càng có thêm lý do để đọc nó kỹ hơn mà không sợ bị hạch hỏi lôi, vớ vẩn và vô cớ.
Ngày 16 tháng 3 năm 2010
Bạn ta,
Đầu tháng tới, như luật pháp Hoa kỳ đòi hỏi mỗi mười năm, chính phủ Mỹ sẽ lại phải thực hiện một cuộc kiểm kê dân số. Cuộc kiểm kê không chỉ cho biết có bao nhiêu người đang sinh sống trong lãnh thổ nước Mỹ, mà còn đưa ra những hình ảnh chính xác hơn về quốc gia này, thí dụ về các sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội của Hoa kỳ, người Mỹ sinh sống và làm việc như thế nào, đời sống gia đình của họ ra sao vân vân.
Nhưng vẫn còn một khía cạnh mà cuộc kiểm kê dân số này không ghi lại. Những câu hỏi trong tài liệu của Văn Phòng Thống Kê gửi đến từng nhà có thể đề cập đến tình trạng gia đình của người dân như ly dị, độc thân hay góa chồng, góa vợ... Nhưng có một chi tiết khác khá quan trọng thì lại không thấy ghi trong bản câu hỏi trong khi con số người trong tình trạng này không phải là ít. Không những không được "đếm" trong cuộc kiểm tra dân số, mà họ cũng không có một cách nào để cho những người khác biết về tình trạng của họ. Những người đồng tính luyến ái có thể nhận ra nhau qua vị trí của những cái bông tai: ở tai trái thì thế gian thường tình, ở tai phải là "phe ta". Chỉ cần nhìn cái bông tai đeo ở tai phải hay tai trái là biết ngay. Hay nếu không thì cái dây chuyền với chữ Lamda của mẫu tự Hy Lạp đeo ở cổ. Nhưng những người đàn ông đã cắt ống dẫn tinh thì không có cách nào để nói lên được tình trạng "an toàn" của họ. Chẳng lẽ lại in vào danh thiếp, gặp ai cũng phát một tấm, hay vừa được giới thiệu, xưng tên họ ra thì kèm theo một câu nói về tình trạng đó: "Hân hạnh được biết cô, bà, ông... tôi là XYZ... tôi rất an toàn, tôi tin vào nỗ lực giữ cho mức gia tăng dân số thế giới ở con số zero và đã có hành động để duy trì niềm tin đó."
Trong xã hội cởi mở, công khai hóa mọi việc (transparent) như nước Mỹ, việc tự quảng cáo(?) như thế vẫn chưa được chấp nhận. Trong khi đó, việc thông tin cho mọi người là điều rất cần thiết mà nếu muốn làm công tác thông tin ấy, lại phải đăng lên báo những lời rao như thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc được: I am not responsible for the debts I do not incur.
Thì nhất định là như thế rồi, tại sao phải chịu trách nhiệm về những món nợ mình không tạo ra? Những lời rao trong mục Official Notices nghe vừa vô lý vừa nực cười.
Trong cuộc chiến ở vùng vịnh, sau khi không lực Đồng Minh oanh tạc gây gián đoạn cho đường ống dẫn dầu của Iraq thì cả thế giới đều biết mặc dù chuyện ống dẫn dầu của Iraq bị cắt đứt không đưa ra những hiểu lầm như sự kiện ống dẫn tinh đã bị cắt, đốt hay cột.
Nhưng những người đàn ông có trách nhiệm này, một con số đang càng ngày càng gia tăng, mới đây đã có một cách kín đáo để nói cho phía liên hệ biết rằng họ đã có đóng góp thiết thực vào việc kiểm soát sự gia tăng dân số thế giới. Bernie Forestell, một công dân Canada sống ở thủ đô Ottawa, sau khi nhờ giải phẫu cắt ống dẫn tinh hồi tháng 10 năm ngoái, đã tìm ra được một cách để thông báo về tình trạng của ông. Ông vẽ kiểu và cho sản xuất tung ra thị trường những chiếc ghim kẹp ca vát. Những chiếc ghim này có hình chữ "V", chữ tắt của vasectomy (cắt đốt cột) hay victory (chiến thắng) tùy theo quan điểm của người đeo nó.
Coi nó là một sự công bố của tình trạng an toàn hay coi nó là một thắng lợi đều được cả. An toàn để không gây rắc rối cho mình và cho phía bên kia. Thắng lợi là không để cho bất cứ ai gây khó khăn cho mình vì một sinh hoạt có thỏa thuận của cả hai bên.
Ở dưới chữ "V" là biểu tượng của một con tinh trùng đã bị vô hiệu hóa nằm chết đứ đừ.
Chiếc kẹp ca vát, ở vị trí rất dễ thấy của nó giúp người đeo nó kín đáo thông báo cho các phía liên hệ về tình trạng của người đeo, thành phần không sản xuất của một thế giới đang càng ngày càng teo tóp lại. Việc thông báo này nhất định sẽ giúp cho cả hai bên. Không bên nào có thể lừa, đánh bẫy bên kia được.
Chuyện uống cà phê decaf, uống sữa nonfat, hút thuốc có đầu lọc... cũng không thể được nói lên một cách dễ dàng như thế.
Nhờ sản phẩm bán với giá trên dưới năm chục Mỹ kim này, người ta không còn phải xuất trình giấy chứng nhận của y sĩ hay cho phía liên hệ xem cái sẹo rất khó thấy nữa. Chỉ cần đeo cái kẹp ca vát trước ngực là được.
Nhưng trong những lúc không có cái ca vát trên người thì làm thế nào đây?
Ngày 17 tháng 3 nam 2010
Bạn ta,
Hôm nay, cả hai hãng thông tấn AFP lẫn Reuters đều loan tin về một người đàn ông Ai Cập bị tòa bác đơn xin ly dị vợ.
Vậy mà trước đây, tôi cứ tưởng tại quốc gia Hồi giáo này, đàn ông luôn luôn được dành cho mọi sự dễ dãi khi muốn lấy vợ cũng như khi muốn ly dị vợ. Chẳng phải là theo luật Hồi giáo, người đàn ông chỉ cần nói ba lần câu "Tôi ly dị cô. Tôi ly dị cô. Tôi ly dị cô" là chấm dứt những rắc rối giữa hai người như tôi đọc được trong những tài liệu về Hồi giáo hay sao?
Nhưng có thể luật Ai Cập, quốc gia Hồi giáo tương đối ít cuồng tín nhất, người phụ nữ cũng được đối xử khác với lối đối xử kiểu trung cổ ở các nước Hồi giáo khác như Yemen, Afghanistan chăng?
Bản tin cho biết một toàn án ở tỉnh Qena thuộc miền nam Ai Cập đã phán rằng người đàn ông này không được phép ly dị vợ với lý do mà ông ta nại ra trong đơn. Người đàn ông này đưa vợ ra tòa xin chấm dứt cuộc sống vợ chồng vì người đàn bà này chỉ có một vú. Người chồng nói rằng người phụ nữ mà ông cưới về làm vợ cách đây 20 tháng đã không cho ông biết về chi tiết bất thường này nơi cơ thể, và ông sợ rằng vợ ông sẽ không thể nuôi con được như những người đàn bà bình thường khác. Tòa bác đơn của ông, nói rằng vợ ông có sức khỏe tốt và tòa thấy là không có lý do gì bà không thể là một người vợ và một người mẹ tốt.
Trường hợp không thể là mẹ tốt, theo ca dao Việt Nam là phải thiếu cả hai, chứ nếu có một, thì vẫn có thể được, và vì thế, người đàn bà này, như phán quyết rất có lý của tòa án, vẫn có thể làm mẹ như những phụ nữ khác.
Có thể người chồng có những lý do khác để không muốn ở với người phụ nữ này.
Rất có thể ông có nghe nói về một bộ lạc phụ nữ tên là Amazon sống ở gần Hắc hải, mà theo thần thoại Hy Lạp, để bắn cung cho giỏi, tất cả những người phụ nữ này đều cắt bỏ vú bên phải của họ cho khỏi vướng dây cung, và vì thế, ông sợ người vợ một vú của ông có thể là một chiến sĩ Amazon tạm xếp cung tên lo chuyện chồng con nên ông muốn bước ra trước khi quá muộn chăng?
Ông lo xa hơi quá, vì giỏi như Penthesilea, nữ hoàng của bộ lạc Amazon vẫn bị Archilles giết trong trận đánh ở thành Troie cơ mà. Nỗi lo sợ của ông không có cơ sở.
Hay ông cũng đã bị nghe một câu đay nghiến như câu mà ông hàng xóm cũ của tôi ở Sài Gòn bị vợ tặng cho chăng? Người đàn ông ở bên cạnh nhà tôi một hôm vui chơi với bạn bè, về nhà sau giờ giới nghiêm mà bà vợ ban hành, bà đổ cho ông gian díu với một phụ nữ khác và nói thẳng với ông rằng bà saün sàng để cho ông đi theo con đĩ ấy nếu nó có 3 "cái trên" và 2 "cái dưới" chứ nếu nó chỉ có 2 "cái trên" và 1 "cái dưới" thì nó có khác gì bà ở nhà đâu mà ông phải đi kiếm ở bên ngoài cho mất công.
Tôi nghe được câu phát biểu đầy chân lý đó, đến nay vẫn còn phục những câu nói của các phụ nữ miền Nam yêu quí, những câu nói vừa hợp lý vừa thẳng thắn.
Tưởng tượng người đàn bà Ai Cập này cũng nói một câu tương tự, nhưng trừ bớt đi một "cái trên", tức là 2 "cái trên" thì trách sao ông chồng chẳng đòi ra đi.
Hay ông thỉnh thoảng lại bị bà sai làm việc nọ việc kia rồi đâm ra chán cuộc sống với bà đến nỗi phải xin chấm dứt cuộc sống ấy? Ông đã thiệt thòi so với những người đàn ông khác, lại bị vợ lâu lâu vô tình đụng phải sự thiệt thòi đó, thí dụ sai, nhờ chồng làm vài ba việc trong nhà thì cứ sai, cứ nhờ, nhưng có cần phải nhắc ông về những thiệt thòi đó không? Chẳng hạn bắt đầu câu có cần phải nói "Anh rảnh tay, tắt hộ em cái đèn, rồi rảnh tay, anh đưa cho em tờ báo... rảnh tay anh lấy cho em ly nước trên bàn ngủ, rồi rảnh tay anh gãi lưng cho em đi..."
Có cần phải nhắc ông ta mãi về sự rảnh tay của ông không?
Ông tòa ở Qena khi bác đơn xin ly dị của người chồng có lẽ cũng nên nhắc người vợ mấy điều ở trên thì mới hy vọng hai người ở được với nhau lâu dài.
Tôi rất mong điều đó.
Ngày 18 tháng 3 năm 2010
Bạn ta,
Mới đây, cuộc thăm dò ý kiến hơn một ngàn người của Zogby đã đưa người ta lại gần hơn với câu chuyện mà mấy năm trước gần như ai cũng nghĩ là chỉ có thể xẩy ra ở Hollywood với Demi Moore trong phim Indecent Proposal.
Demi Moore, vai chính trong cuốn phim, được một người đàn ông đề nghị qua một đêm với ông ta, và để đổi lại, ông ta sẽ trả cho cô và chồng cô một triệu Mỹ kim. Đề nghị kể trên, sau đó đã trở thành điều suy nghĩ cho khá nhiều người xem cuốn phim. Cuộc thăm dò của Zogby cũng đặt ra câu hỏi là nếu có người hứa sẽ trả một triệu Mỹ kim để được qua một đêm với chồng hay vợ của người được hỏi, thì câu trả lời sẽ như thế nào.
Kết quả của cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ vẫn là một dân tộc có một trình độ đạo đức cao, một số lớn vẫn coi trọng hôn nhân và coi những ràng buộc trong hôn nhân là những cam kết thiêng liêng, cao quí. Trong số hơn một ngàn người được hỏi, thì khoảng 3/4 không chấp thuận đề nghị đó. Chỉ có 11.5% đồng ý, và 9.1% nói là có thể chấp thuận nhưng còn phải suy nghĩ kỹ.
Nhưng đó là những câu trả lời trong một tình trạng kinh tế không khả quan của nước Mỹ hiện nay.
Gia đình Kiều kín cổng cao tường, bố làm viên ngoại, gia tư bậc trung, êm đềm trướng phủ màn che, vậy mà lúc gia đình gặp khó khăn, với bốn trăm lượng, Kiều phải bán mình cho thanh lâu, luân lạc suốt mười lăm năm trời.
Mà bốn trăm lượng, theo giá vàng hôm nay, chỉ được gần một trăm ngàn Mỹ kim.
Một triệu một đêm là một đề nghị có thể sẽ làm nhiều người nghĩ lại.
Tưởng tượng Raquel Welch, hay Demi Moore, hay Meg Ryan, hay Catherine Zeta-Jones, hay Gwyneth Paltrow, hay Brooke Shields, hay Charlize Theron... một hôm đem đề nghị ấy đưa cho mẹ cháu để mượn bố cháu một đêm, hôm sau mang trả tận nhà, không sứt mẻ khúc nào, trong túi có tấm lệnh phiếu ngân hàng trả cho mẹ cháu một triệu Mỹ kim thì mẹ cháu nghĩ sao?
Tôi nghĩ mẹ cháu có thể không nhận, mẹ cháu sẽ hét lên câu ca dao... hủ lậu "chồng em nào phải trâu cầy / mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!" để từ chối phắt cái đề nghị đó.
Mẹ cháu từ chối vì yêu, vì thương bố cháu, sợ bố cháu cố quá rồi quá cố nên một triệu Mỹ kim mẹ cháu cũng không thèm.
Nhưng một triệu Mỹ kim thực ra có thể làm được rất nhiều thứ. Cái condo ở La Jolla chẳng hạn. Sáng sáng chạy sang bên kia đường, đánh răng, xúc miệng, nhổ xuống biển, rửa chân một cái rồi bước về nhà ăn sáng cũng được đấy chứ. Hay cùng với bố cháu đi một chuyến tới chân núi Kilimanjaro bắn một con sư tử như Hemingway đã làm cũng đâu có dở lắm. Nếu không thì một chuyến đi Paris, ngồi bateau mouche chạy dưới dạ cầu, đọc cho mẹ cháu nghe vài bài thơ ngắn của Prévert cho bõ những ngày cơ cực cũng được quá chứ... Chưa hết, còn có thể có cục đá vài carat đeo vào tay mẹ cháu cho mẹ cháu đi lệch người sang một bên mà không được hay sao?
Chỉ cần một đêm, là sáng hôm sau có thể huy hoàng như thế đấy. Mà có mất mát bao nhiêu đâu.
Nếu bố cháu trình bầy cho mẹ cháu những điều có thể thực hiện được với một triệu Mỹ kim, thí bỏ cho những con mụ đàn bà kể trên một buổi tối, sau đó, bà lại quản lý tiếp đời bố cháu, thì biết đâu mẹ cháu chẳng chịu. Bố cháu mà có "lạng quạng thì cũng chẳng mòn / chính chuyên thì cũng chẳng sơn son mà thờ" chi bằng thả cho đi một đêm, sáng hôm sau mang về một triệu cho rồi.
Nhưng chỉ sợ mẹ cháu bác hết, từ chối hết mấy chị có tên ở trên mà nhất định chỉ cho bố cháu qua đêm với Whoopi Goldberg thì sao?
Lúc đó, liệu bố cháu có còn sẵn sàng bán mình để kiếm một triệu cho mẹ cháu không? Hay là bố cháu sẽ bĩu môi, xua tay, nhất định gìn vàng giữ ngọc (?) cho riêng mẹ cháu?
Ngày 19 tháng 3 năm 2010
Bạn ta,
Chiếc Isuzu Rodeo hồi ấy đã rất tử tế với tôi trong suốt mấy mùa đông . Những hôm trời tuyết "mãn thiên hoa vũ" những tối "tuyết ủng Nam quan" nó vẫn không bao giờ phụ tôi. Hệ thống vận hành bốn bánh của nó bao giờ cũng đưa tôi đi đến nơi, về đến chốn.
Vậy mà đã có lần, tôi suýt nghĩ đến chuyện xa nó.
Chỉ vì cái quảng cáo chiếc Jeep Cherokee mà tôi thấy trong tờ Time.
Quảng cáo dùng bức hình chụp một chiếc Cherokee mầu đỏ đậu giữa một vùng núi đồi cây cỏ xanh tươi, cửa trước phía người lái mở toang, không thấy người lái xe ở đâu. Quảng cáo cho biết những đặc trưng của chiếc xe như máy 4 lít 7, thắng không khóa bánh lại, rất an toàn trên những đoạn đường trơn tuyết hay đá. Sàn xe cao, rất tiện cho những chuyến đi trên đường xấu có ổ gà hay mấp mô đá tảng, không kể những túi hơi để bảo vệ người lái xe cũng như hành khách khi xẩy ra tai nạn.
Chiếc Isuzu của tôi lúc ấy cũng không còn mới nữa, nếu so với chiếc Jeep Cherokee của Daimler Chrysler, nên đã có lúc tôi muốn bán quách, mua cái SUV mới chạy cho sướng cái thân già, và khi xem cái quảng cáo của chiếc Jeep, tôi đã định đổi chiếc Isuzu Rodeo lấy chiếc Jeep.
Thứ nhất, máy chiếc Cherokee lớn hơn, chạy phải khỏe hơn, mấy chỗ thỉnh thoảng tôi đi câu rất cần một lòng máy lớn như thế. Quảng cáo khoe là kiểu Jeep Cherokee mới này có những bộ phận an toàn cho hầu hết mọi trường hợp. Tôi rất cần một chiếc xe như thế trong những chuyến đi câu hay đi chơi xa. Nhưng đọc tiếp thì thấy chiếc Jeep Cherokee vẫn không bảo vệ người lái chống lại một mối đe dọa nguy hiểm khác, đó là nếu người lái chiếc Jeep Cherokee này bị Montezuma trả thù.
Except Monterzuma's revenge. Chiếc Jeep Cherokee này không bảo vệ người lái nó chống lại được sự trả thù của Montezuma. Montezuma mà trả thù thì Jeep Cherokee cũng chẳng làm gì được.
Và đọc đến đó, thì tôi hiểu tại sao trong hình, tìm mãi tôi vẫn không thấy người lái xe ở đâu, trong khi cửa trước mở toang, và chung quanh, chỉ có cây cối mọc um tùm, xa xa là một ngọn núi.
Tôi tin chắc ông ta đang ở đâu đó sau một lùm cây, không muốn cho ai bắt gặp trong cơn thịnh nộ trả thù của Montezuma.
Montezuma là ai mà hành động trả thù lại kinh khiếp đến như thế?
Montezuma là hoàng đế của đế quốc Aztec, nay thuộc Mễ Tây Cơ từ năm 1502 đến 1520. Khi Cortez, nhà thám hiểm chinh phục đất đai người Tây Ban Nha tiến chiếm Mễ Tây Cơ, thì Montezuma bị bắt, bỏ tù khi quân Aztec tấn công lực lượng Tây Ban Nha khi lực lượng này sửa soạn rời Tenochtitlán, thủ đô của Aztec. Montezuma dĩ nhiên đã chết trong tù từ lâu, nhưng hồn của Montezuma vẫn lẩn quất đâu đó ở Mễ Tây Cơ, và thỉnh thoảng những người tới Mễ Tây Cơ chơi vẫn bị Montezuma rượt chạy gần chết, nhất là ghé Mễ Tây Cơ mà ăn uống bậy bạ.
Người lái chiếc Jeep Cherokee chắc cũng uống nước không tinh khiết hay ăn nhiều tamales, tacos quá, lại còn phá phách, khuấy lộn những phế tích của người da đỏ Aztec khiến Montezuma giận điên lên và tung đòn thù ra cho biết thân mà lần sau chừa đi.
Ông Carter hồi còn làm tổng thống Mỹ, trong một chuyến đi thăm Mễ Tây Cơ cũng bị Montezuma trả thù, chạy có cờ... hoa.
Có điều chúng ta thì không gọi là bị Montezuma trả thù. Chúng ta không có bất cứ một liên hệ nào với Montezuma, mà cũng chẳng bao giờ làm cho Montezuma phải bực bội như khi bị quân Tây Ban Nha bắt hạ ngục.
Cái quảng cáo đó, nếu qua Việt Nam, hay quảng cáo qua báo chí Việt Nam, thì Montezuma sẽ không bị lôi ra để gây sự chú ý của người đọc. Vì người Việt Nam không có lý do gì để chọc quê hoàng đế của đế quốc nay đã bị diệt vong là Aztec như thế.
Nếu cần, chúng ta đã có một nhân vật Đông phương gánh hộ để Montezuma khỏi bị lôi ra làm cho vất vả.
Montezuma trả thù những người đến Mễ Tây Cơ thì có thể hiểu được. Đang là một đấng quân vương oai hùng, thì bị quân Tây Ban Nha bắt bỏ tù chàng phải tức chứ. Do đó người ta mới nói là bị Montezuma trả thù. Chứ chúng ta thì mắc mớ gì tới Mễ Tây Cơ đâu mà bị ông ta trả thù như trong lối nói của người Bắc Mỹ?
Chúng ta liền lôi ông Tào Tháo, một nhân vật trong Tam Quốc, người đời Hán, làm tới chức thừa tướng, là một nhân vật giỏi nhưng gian hùng và rất đa nghi ra để thay cho Montezuma. Chúng ta không nói là bị Montezuma trả thù, mà nói là bị Tào Tháo đuổi. Nhưng bị trả thù hay bị đuổi thì cũng đều phải tông cửa xe chạy ra kiếm cái lùm cây mà ra phía sau giải quyết cho kín đáo.
Và như vậy thì Jeep Cherokee cũng chẳng thể cứu được.
Nhưng tại sao lại đổ cho ông Tào Tháo cái trò ác đức như thế thì tới nay tôi cũng không biết.
Chỉ biết rằng bị Tào Tháo đuổi thì nên chạy, không chạy thì vất vả nặng, kìa như Đổng Trác mà cũng còn phải sợ, còn phải khó khăn mấy phen như trong Tam Quốc Chí đã ghi lại, huống chi là chúng ta. Bị Tào Tháo đuổi thì chỉ có tìm đường chạy mới thoát.
Lúc ấy thì quả thật Jeep Cherokee hay Isuzu Rodeo thì cũng làm sao mà bảo vệ được.
Nghĩ vậy nên tôi ở lại với chiếc Isuzu này vậy. Dẫu sao, nó cũng đâu có thua chiếc Jeep Cherokee mấy.
Montezuma hay Tào Tháo đuổi thì ai mà chẳng phải chạy kiếm cái lùm cây mà nương náu! Trong những lúc như vậy thì Rodeo hay Cherokee cũng chẳng hơn gì nhau. Chịu khó bỏ thêm vài cuộn giấy Charmin hay White Cloud trong thùng xe là hết sợ Montezuma trả thù hay Tào Tháo rượt ngay.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 67)
Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 67 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, kỳ này QA muốn xin anh nói về so sánh, về cách dùng so sánh của các tĩnh từ.
BBT
Cám ơn hai cô. Đây có phải là thắc mắc của cả hai cô không? Hay chỉ là thắc mắc của một mình cô QA?
LÃM THÚY
Thưa của cả hai.
BBT
Tôi không ngạc nhiên vì phụ nữ thì ai cũng thích so sánh cả. Nhưng thắc mắc của hai cô rất hợp lý.
Trong Anh ngữ có hai thể so sánh là so sánh giữa HAI DANH TỪ và so sánh giữa BA DANH TỪ TRỞ LÊN.
QA
QA nhớ so sánh giữa HAI DANH TỪ là COMPARATIVE và so sánh giữa BA DANH TỪ TRỞ LÊN là SUPERLATIVE.
BBT
Làm sao so sánh những danh từ này, cô Lãm Thúy còn nhớ không?
LÃM THÚY
Thực ra, chúng ta không so sánh danh từ, mà so sánh các tĩnh từ mô tả các danh từ này như QA nói ở trên. Chúng ta nói khó hơn, nguy hiểm hơn, đẹp hơn, nóng hơn, lạnh hơn. Thúy nhớ là văn phạm chia ra hai loại tĩnh từ là tĩnh từ ngắn và tĩnh từ dài. Tĩnh từ ngắn là tĩnh từ có MỘT âm, một SYLLABLE. Tĩnh từ dài là có HAI âm trở lên có đúng không thưa anh?
BBT
Đúng. Nhưng trên đời, bao giờ cũng có biệt lệ. Để lát nữa chúng ta sẽ nói về các biệt lệ này. Mời cô QA cho nghe vài tĩnh từ ngắn …
QA
Tĩnh từ ngắn là tĩnh từ có MỘT SYLLABLE. Thí dụ STRONG, WEAK, COLD, WARM, TALL…
BBT
Còn cô Thúy ?
LÃM THÚY
Đây là vài tĩnh từ có 2 SYLLABLES: MODERN, HONEST, COMPLEX…
BBT
Và đây là vài tĩnh từ có 3 SYLLABLES mà chắc hai cô đều đã biết: EXPENSIVE, DIFFICULT, LIBERAL … và 4 SYLLABLES như DEMOCRATIC, 5 SYLLABLES như CONSTITUTIONAL vân vân.
Bây giờ nói qua một trường hợp ngoại lệ. Có những tĩnh từ có 2 SYLLABLES nhưng vẫn được coi là tĩnh từ ngắn khi dùng để so sánh nếu chúng tận cùng bằng chữ "Y".
QA
QA biết hai tĩnh từ như thế, đó là PRETTY và COSTLY.
LÃM THÚY
Thúy nhớ cũng trong trường hợp đó là WEALTHY và HEALTHY.
BBT
Cám ơn hai cô. Trong cách so sánh hơn (COMPARATIVE), chúng ta thêm ER vào cuối của tĩnh từ ngắn đó. Thí dụ mùa hè ở Sài Gòn nhiệt độ có thể lên đên104 độ trong khi ở California, nóng nhất chỉ là 100 độ là cùng. Như vậy, nói Sài Gòn nóng hơn California thì cô QA nói thế nào?
QA
SAIGON IS WARMER THAN CALIFORNIA.
BBT
Đúng rồi . WARM là tĩnh từ ngắn. Thêm ER vào cuối để thành WARMER. Thế còn cô Lãm Thúy?
LÃM THÚY
MY SON IS NOW STRONGER AND TALLER THAN I AM.
BBT
Cám ơn hai cô. Đó là so sánh hơn với tĩnh từ ngắn có 1 SYLLABLE. Nhưng như đã nói ở trên, những tĩnh từ có 2 SYLLABLES nhưng tận cùng là chữ "Y" vẫn được coi là ngắn. Với những tĩnh từ này, chúng ta cũng chỉ thêm ER ở cuối. Nhưng trước khi thêm ER, chúng ta quăng chữ "Y" đi, thay vào đó là "I". Thí dụ…
QA
PRETTY là PRETTIER; COSTLY là COSTLIER; WEALTHY là WEALTHIER…
LÃM THÚY
Còn HEALTHY là HEALTHIER; HEAVY là HEAVIER; LENGTHY là LENGTHIER.
BBT
Bây giờ hai cô cho nghe những tĩnh từ đó trong nguyên câu.
QA
HER ÁO DÀI IS PRETTIER THAN MINE
TOKYO IS COSTLIER THAN TAIPEI
HIS FAMILY IS WEALTHIER THAN HERS
LÃM THÚY
AFTER RETURNING FROM THE HOSPITAL, HE LOOKS HEALTHIER THAN BEFORE
THIS DICTIONARY IS HEAVIER THAN ALL THESE BOOKS
THE STORY OF KIỀU IS LENGHTHIER THAN NHỊ ĐỘ MAI
BBT
Chúng ta vừa nói về cách so sánh của những tĩnh từ ngắn. Bây giờ qua cách so sánh của các tĩnh từ dài, tức là những tĩnh từ có từ 2 SYLLABLES trở lên. Ở trên, chúng ta đã kể ra 3 tĩnh từ HONEST, MODERN và COMPLEX. Cả ba đều có 2 SYLLABLES. Để so sánh hơn giữa HAI người, HAI vật, HAI sự kiện, chúng ta KHÔNG thêm ER vào cuối mà dùng MORE ở trước. Theo một cuộc thăm dò mới đây, Thụy Sĩ được coi là quốc gia chân chất, thật thà hơn Ý. Cô Lãm Thúy nói câu trên bằng tiếng Anh coi.
LÃM THÚY
ACCORDING TO THE REPORT, SWITZERLAND IS MORE HONEST THAN ITALY.
BBT
Mời cô QA cho nghe thí dụ của cô với MODERN.
QA
AT THE BEGINNING OF THE LAST CENTURY, JAPAN WAS MORE MODERN THAN CHINA.
BBT
Như vậy, hai cô đã biết dùng chính xác cách so sánh hơn , COMPARATIVE với các tĩnh từ ngắn và dài.
Bây giờ chúng ta nói về so sánh hơn nhất, SUPERLATIVE. Cách so sánh này không khó. Với tĩnh từ ngắn, chúng ta cho nó cái đuôi EST là xong.
Thí dụ WARM+EST; SMALL+EST; STRONG+EST. Mời cô QA.
QA
LAST THURSDAY WAS THE WARMEST DAY OF THE MONTH.
LÃM THÚY
MY YOUNGEST CHILD IS NOW FOURTEEN
Còn trường hợp của PRETTY, WEALTHY, HEALTHY… những tĩnh từ hai SYLLABLES tận cùng bằng "Y" thì chúng ta cũng bỏ "Y" đi và thay bằng "I" trước khi thêm EST phải không? Và nếu thế thì so sánh hơn nhất của PRETTY là PRETTIEST, WEALTHY là WEALTHIEST và HEALTHY là HEALTHIEST có đúng không?
BBT
Đúng. Bây giờ lại phải nhờ cô QA cho thí dụ.
QA
THE UNITED STATES IS STILL THE WEALTHIEST NATION IN THE WORLD. BUT THE HEALTHIEST NATION IS SWEDEN. VENEZUELA HAS THE PRETTIEST WOMEN IN THE WORLD.
BBT
Đó là cách so sánh hơn nhất của các tĩnh từ ngắn. Với các tĩnh từ dài, chúng ta đặt THE MOST ở trước là xong. DANGEROUS có 3 SYLLABLES nên là tĩnh từ dài. Nguy hiểm nhất là THE MOST DANGEROUS. Cô Lãm Thúy cho một thí dụ với THE MOST DANGEROUS coi.
LÃM THÚY
THE MOST DANGEROUS PLACE IN THE WORLD NOW IS AFGHANISTAN.
BBT
Cô QA, cô đặt một câu với INTELLIGENT coi.
QA
LÊ QUÍ ĐÔN WAS THE MOST INTELLIGENT BOY IN THE VILLAGE
LÃM THÚY
Anh cho Thúy hỏi; tại sao trong cách so sánh SUPERLATIVE chúng ta lại phải dùng THE ở trước như THE MOST INTELLIGENT BOY ; THE MOST DANGEROUS PLACE?
BBT
THE là mạo tự xác định , là một DEFINITE ARTICLE. Chúng ta dùng THE trước các danh từ chúng ta đã xác nhận, đã biết, hay chỉ có một duy nhất. Khi nói Lê Quí Đôn là chú bé thông minh nhất trong làng thì Lê Quí Đôn là chú bé duy nhất (thông minh) trong làng, do đó chúng ta dùng mạo tự THE. Mặt trời chỉ có một (mặt trời) duy nhất, do đó phải nói THE SUN. Tương tự chúng ta nói THE MOON; THE FATHER OF THE FAMILY; THE JAPANESE EMPEROR; THE PRESIDENT OF THE US…
Bây giờ tôi sẽ nói về những trường hợp đặc biệt, với cách so sánh không như những qui tắc văn phạm chúng ta vừa thấy ở trên. Có hai ba tĩnh từ chúng ta hay gặp, gọi là IRREGULAR COMPARATIVES.
Một là GOOD, BETTER và BEST.
Thí dụ HYUNDAI IS GOOD. TOYOTA IS BETTER. HONDA IS THE BEST.
Cô Lãm Thúy biết tĩnh từ BAD chứ? Hai thể so sánh hơn và hơn nhất của BAD là gì, có nhớ không? Cô cho nghe luôn cả ba thí dụ coi.
LÃM THÚY
So sánh hơn của BAD là WORSE và hơn nhất là WORST.
AMERICA’S ECONOMY WAS BAD IN 2007. IT BECAME WORSE IN 2008. THEN IT WAS WORST IN 2009.
BBT
Thôi như vậy cũng là tạm đủ về so sánh. Chúng ta còn trở lại với những cách so sánh này nhiều lần nữa trong tương lai.
Bây giờ tôi muốn chỉ các cô một vài thành ngữ dùng những cách so sánh vừa kể trên.
Trước hết là thành ngữ MY BETTER HALF. HALF là một nửa. Cái nửa tốt hơn của tôi là cách nói tâng vợ hay chồng lên. MY BETTER HALF là nhà tôi, có thể dùng để gọi vợ, hay chồng.
LÃM THÚY
Cho Thúy góp một câu tục ngữ mà Thúy nghe từ mấy đứa con ở nhà: BETTER LATE THAN NEVER là muộn còn hơn không phải không thưa anh?
BBT
Đúng ra phải là IT IS BETTER LATE THAN NEVER.
Có một câu rất giống câu của chúng ta. Đố cô QA câu này giống câu nào trong tiếng Việt: BETTER BE THE HEAD OF A DOG THAN THE TAIL OF A LION.
QA
Làm đầu gà còn hơn làm đuôi trâu.
BBT
Chứ không phải là thà làm bà lớn của ông bé còn hơn làm bà bé của ông lớn? Cô Thúy chắc đã phải nghe câu này rồi: FOR BETTER OR FOR WORSE, ở đâu vậy?
LÃM THÚY
Ở đám cưới, trước linh mục chủ lễ phải không ạ? Thế còn …IS BETTER THAN NOTHING là câu của Nguyễn Tất Nhiên phải không Quỳnh Anh?
QA
Đúng rồi, trong bài THÀ NHƯ GIỌT MƯA đúng không Lãm Thúy? Là "có còn hơn không".
BBT
BETTER cũng còn thấy trong câu này nữa: TWO HEADS ARE BETTER THAN ONE là…
LÃM THÚY
Hai ý kiến bao giờ cũng hay hơn là một.
BBT
Hai cô chắc không ai học trường Trưng Vương ở Sài Gòn chứ? Tôi chắc là không nên mới cho hai cô nghe câu này: YOU MAKE A BETTER DOOR THAN YOU DO A WINDOW.
QA
Chắc ông thầy định diễu Trưng Vương khung cửa mùa thu đây. Có DOOR, có WINDOW thì nhất định là Trưng Vương khung cửa mùa thu chứ còn gì nữa.
BBT
Không phải vậy nhưng hễ nghĩ tới câu này, thì tôi lại nhớ ngay đến câu hát đó. YOU MAKE A BETTER DOOR THAN (YOU DO) A WINDOW. Tôi vẫn không biết tại sao câu này lại có nghĩa là ông, bà, cô đang đứng chắn trước mặt, xích ra một bên hộ tôi đi. Thí dụ tôi đang ngồi xem TV, có người đứng ngay trước máy truyền hình, muốn yêu cầu ông ta đi chỗ khác, thì chúng ta nói HEY… YOU MAKE A BETTER DOOR THAN A WINDOW! chứ không phải cô đứng đó tôi không trông thấy khung cửa mùa thu… đứng ra chỗ khác được không… Dẫu sao thì cũng cẩn thận hỏi để biết chắc hai cô không học Trưng Vương mới đem câu đó ra nói. Bây giờ là mấy thành ngữ với BEST.
EAST, WEST, HOME’S BEST là gì, cô Lãm Thúy đoán thử xem…
LÃM THÚY
Đi đông, đi tây không đâu bằng nhà.
BBT
Giỏi quá. Chủ nhật mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất tiếng Pháp nói là ENDIMANCHER. Tiếng Anh cũng có những chữ tương tự: IN SUNDAY BEST. Thí dụ ANYTIME I SEE HIM, HE IS ALWAYS IN HIS SUNDAY BEST.
Tôi không biết nấu nướng, nhưng biết có một thứ sốt này nếu cho thêm vào thì món gì cũng trở nên ngon ngay: HUNGER IS THE BEST SAUCE.
QA
Chắc ông thầy nấu món mầm đá như Trạng Quỳnh nấu cho vua Lê chứ gì. Cứ đói bụng là món gì cũng thành ngon. Hàng xóm QA có một cậu con trai không cao lắm. Có lần cậu ấy nói câu này với con QA: BEST THINGS COME IN SMALL PACKAGES, QA không biết có phải cu cậu tự khoe mình , tự bào chữa cho chuyện chỉ có 5 feet 5 hay không ?
BBT
Đúng. Dịch là đồ tốt trong gói nhỏ thì không được. Nhưng tiếng Việt có câu gần giống như câu đó: bé hạt tiêu. Còn một câu này nữa cũng có chữ BEST: SAVE THE BEST FOR LAST. Các EMCEE hay nói câu này vào cuối chương trình đại khái người hát cuối không phải là ca sĩ dở, mà vì chương trình để dành cho màn cuối. Và câu này cũng được dùng để kết thúc bài học Anh ngữ hôm nay.
QA
Thưa quí vị, đó là kết thúc bài học thứ 67. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.