March 25, 2010

March 26, 2010

HTML clipboard

Ngày 22 tháng 3 năm 2010

Bạn ta,

Tôi không biết tiếng Ba Lan. Không muốn học mà cũng không dám học. Thấy tên của mấy ông Ba Lan (như Zbigniew Brzezinski) viết với vài ba phụ âm dắt díu nhau, đọc líu cả lưỡi lại cũng vẫn còn sai nên không dám đụng tới. Để thì giờ học thứ tiếng khác có lý hơn.

Cũng vì không biết tiếng Ba Lan nên tôi không có cách nào biết được cái khẩu hiệu mới đây ở một bệnh viện tại thị trấn Ople thực sự ý nghĩa như thế nào nên đành phải nhờ vào bản dịch tiếng Anh vậy.

Theo một vài tờ báo địa phương thì cái khẩu hiệu này đang bị các phụ nữ Ba Lan chống đối dữ lắm. Các phụ nữ này nói rằng khẩu hiệu, tuy là để tạo ý thức và khuyến cáo mọi người quan tâm nhiều hơn tới căn bệnh làm thiệt mạng rất nhiều phụ nữ, nhưng nó lại có thể khuyến khích những hành vi sách nhiễu tình dục tại những nơi làm việc.

Tổ chức Feminoteka coi khẩu hiệu này đầy nét "sexist"và có thể khiến cho người đọc nó (tưởng bở rồi) quay ra làm những chuyện rất không nên làm với phụ nữ. Câu ấy được dịch sang tiếng Anh như thế này: "I check the breasts of my workers on my own".

Câu tiếng Anh chắc chắn phải được dịch rất khéo. Đọc nó, người nói tiếng Anh cũng thấy ngay các phụ nữ giải phóng ở Ba Lan phẫn nộ là phải.

Joanna Piotrowska thuộc tổ chức Feminoteka nói rằng khẩu hiệu đó coi phụ nữ như những thứ đồ vật và có thể khiến cho những người đàn ông đọc xong rồi cứ thế mà làm theo để xúc phạm phụ nữ như ý của câu khẩu hiệu.

Tôi nghĩ Joanna Piotrowska nói có lý. Đọc xong, người đọc liền đóng vai chủ từ ngôi thứ nhất và cứ thế mà đích thân (on my own) đi kiểm soát, xem xét, khám … các phụ nữ làm cùng sở hay các nhân viên cấp dưới (my workers) thì phiền toái vô cùng.

Tưởng tượng những người làm việc trong cái sở làm nào đó cứ trông thấy các đồng nghiệp hay nhân viên của mình đi qua, lại chặn lại và đích thân khám một cái thì còn gì là sở làm nữa.

Câu khẩu hiệu chỉ muốn nói với các phụ nữ là nên đi khám vú (?) thường xuyên để sớm tìm ra bệnh ung thư mà chữa trị kịp thời.

Joanna Piotrowska sau đó nói thêm rằng cô rất bất mãn về câu khẩu hiệu đó. Cô nói với nhà báo rằng người ta sẽ nghĩ sao nếu câu khẩu hiệu đó được đổi đi một chút để khuyến khích khám tuyến tiền liệt với câu "I check the penises of my workers on my own."

Cám ơn Joanna Piotrowska. Nhờ cô, tôi thấy câu treo ở bệnh viện Opole là kỳ cục.

Là một người đàn ông trên 50 (đã lâu), tuổi có thể có vấn đề với tuyến tiền liệt, đọc câu khẩu hiệu cô đề nghị, tôi hốt hoảng.

Tôi vẫn còn đi làm. Ở sở làm của tôi, tôi là thanh gươm hiếm hoi lạc giữa rừng hoa (toàn là hoa đẹp hết Trung quốc, lại Đại Hàn). Bằng ấy bông hoa mà cứ làm đúng theo lời khuyến khích của câu khẩu hiệu thì làm sao mà tôi sống nổi.

Hay là vì biết chuyện đó nên từ hơn một năm nay, sở của tôi cho tôi ngồi ở nhà telecommute, khỏi phải lết cái thân già đến sở.

Bị các đồng nghiệp "check" thường xuyên mà lại "đích thân" như trong khẩu hiệu thì cách gì sống nổi.


Ngày 23 tháng 3 năm 2010

Bạn ta,

Một bồi thẩm đoàn tại Greensboro thuộc tiểu bang North Carolina đã quyết định đòi một phụ nữ phải bồi thường 1 số tiền lên đến 9 triệu đô la cho nguyên đơn vì người phụ nữ này đã làm hỏng cuộc hôn nhân của nguyên đơn.

Nguyên đơn tên là Cynthia Shackelford 60 tuổi. Cynthia nói rằng chồng của bà, một luật sư ở Greensboro, đã có liên hệ tình ái ngoài hôn nhân với Anne Lundquist. Liên hệ ngoài hôn nhân này đã đưa tới sự tan vỡ của hai người năm 2005.

Cynthia Shackelford đưa Anne Lundquist ra tòa về tội đã làm cho tình cảm của vợ chồng bà không còn nữa. Người chồng hết thương yêu người vợ vì sự có mặt của người phụ nữ kia, the other woman.

North Carolina là một trong số hơn một chục tiểu bang còn cho phép những vụ kiện nại ra lý do kể trên: alienation of affection.

Như vậy, sau khi giải quyết xong với người chồng: chia tài sản, cấp dưỡng vân vân, Cynthia quay sang người đàn bà kia.

Đừng tưởng là cứ phá nhà người ta xong rồi là có thể vui chơi với "nó".

Chồng cũ của Cynthia nói rằng Anne Lundquist không hề phá cuộc hôn nhân của ông với Cynthia. Ông cho biết gia đình đã không yên từ nhiều năm. Hai người đã rất chán nhau. Ở nhà có cái nón thì tình yêu đã lấy đội lên đầu, bước ra khỏi cửa từ lâu.

Chuyện đó có thể đúng. Cả hai có thể đã hết yêu nhau. Người đàn ông không còn có được bao nhiêu tình cảm của vợ nữa. Ông ta là một thứ củi mục, vô ích. Đem đốt trong lò sưởi thì nhiều khói. Cũng không thể dùng để đóng một hai món gia dụng được. Quăng nó vào cái thùng sau nhà đã mấy năm.

Nhưng có ai muốn xin thì nhất định không cho:

Củi mục bà để trong rương
Ai mà đụng đến: trầm hương của bà

Nó không ra gì, thậm vô ích, vô tích sự. Nhưng cứ để đó. Cấm động đậy. Có người muốn mua thì không bán. Có người muốn xin thì không cho.

Đụng đến thì kiện cho tan xác. Cynthia Shackelford đã làm đúng bài bản.

Phe bên kia dĩ nhiên là phải kháng án. Chính luật sư của Cynthia cũng nhận là khó mà Cynthia sẽ nhận được đủ số tiền 9 triệu đó. Nhưng kiện thì cứ kiện, để cho con ngựa biết tay bà.

Vụ kiện alienation of affection , nếu muốn diễn tả chính xác sang tiếng Việt thì chắc phải gọi nó là vụ kiện củi mục là đúng hơn hết.


Ngày 24 tháng 3 năm 2010

Bạn ta,

Phim Fatal Attraction có một cảnh tôi cứ nhớ mãi. Trong phim, Michael Douglas đóng vai một người đàn ông có liên hệ ngoài hôn nhân với một phụ nữ do Glen Close đóng. Khi người vợ, do Ann Archer thủ diễn, biết được chuyện, người chồng liền bị đuổi ra khỏi nhà. Chàng bỏ vài ba thứ vào cái túi và đến một khách sạn ở tạm.

Căn nhà quen thuộc từ mấy năm bỗng thành xa lạ. Chàng bước ra cửa chỉ mang theo được có vài ba thứ cần thiết. Cũng may chuyến đi của chàng không kéo dài lắm. Người chồng sau đó lại có thể về nhà.

Nhưng cũng có những chuyến đi không có chuyến trở lại. Những chiếc khóa mới được thay cho những chiếc cửa. Chùm chìa khóa cũ trở thành vô dụng. Bỗng nhiên thấy thiếu cái bàn ủi, cái lò nướng bánh mì, cái mở nút chai, cái radio nghe tin tức, cái TV … không mang theo được. Chỗ ở mới thiếu đủ mọi thứ. Ồn định được cái địa chỉ xong, người ta bắt đầu kiếm lại những thứ kể trên. Phải mất lâu lắm mới có đủ lại những thứ tầm thường nhưng lại rất cần thiết đó.

Trong khi chờ để mua lại những thứ ấy, thì hãy … chịu cảnh thiếu thốn vậy.

Người đàn ông bỗng trở thành như một phụ nữ về nhà chồng. Tay không. Không mang theo được bất cứ gì. Phải làm lại từ đầu. Bao nhiêu thứ trong nhà cần đến là có ngay thì nay không có nữa.

Một cửa hàng bách hóa ở Anh, cửa hàng Debenham vừa có sáng kiến giúp cho những người đàn ông như thế.

Cũng như dịch vụ giúp các cặp hôn nhân, bạn của những người vừa qua một vụ ly dị, có thể đến ghi tên của chàng hay nàng tại Debenham, và bạn bè sẽ giúp cho người ấy làm lại cuộc đời, cũng nồi niêu xoong chảo, bàn ủi, ấm đun nước, lò nướng bánh mì …

Tiệm cũng bán cả những tấm thiệp để báo tin cho thân bằng quyến thuộc về tình trạng sống mới của đương sự. Nếu muốn, Debenham cũng sẽ giúp tổ chức tiệc mừng ly dị, lo ẩm thực, và có luôn cả bánh ly dị cho party đủ bộ.

Đây là một sáng kiến hay tuyệt. Debenham đã bắt đầu dịch vụ này từ tháng đầu năm nay vì tháng 1 ở Anh là tháng có nhiều vụ ly dị nhất trong năm. Có thể vì hai người cố ở lại với nhau cho đến sau ngày đầu năm mới quyết tâm dứt áo ra đi.

Phải nhận đó là một sáng kiến chu đáo và có ích, giúp được biết bao nhiêu người trong cơn lao đao khốn khó.

Nhưng đã có party mừng ly dị mà thiếu những tin vui, tin mừng đăng trên báo thì chưa thể coi là đủ được.

Những tin vui tin buồn trên các báo Việt Nam không biết do ai nghĩ và viết ra lần đầu tiên mà hay đến là như thế. Tại sao chưa có ai nghĩ ra việc đăng những tin vui cho những người đàn ông và đàn bà vừa trở lại với đời sống một mình?

Hay là đăng cho các nàng và các chàng trang đại khái như thế này:

TIN VUI

Được tin bạn của chúng tôi

Jane Smith

Vừa được tòa Essex cho ly dị, được giải phóng khỏi tay một tên S.O.B lớn nhất thế giới sau bao nhiêu năm làm nạn nhân của nó, một tên đàn ông ở bẩn, hôi nách, lười tắm, trên giường không ra đâu vào đâu cả, ngáy to, cờ bạc, nát rượu, chỉ nói phét là giỏi…

Chúng tôi, bạn hữu của Jane xin gửi lời mừng tới Jane. Chúc bạn chúng tôi hạnh phúc trong quãng đời còn lại. Đừng bao giờ nghĩ mình là đồ cũ:

Giữa đường thấy cánh hoa rơi
Tuy là hoa rụng, cũ người mới ta…

Xe chạy 100 ngàn dặm ngày nay vẫn còn được coi là còn rất tốt và rất mới.

Phải có đoạn góp vui như vậy mới được coi là đủ.


Ngày 25tháng 3 năm 2010

Bạn ta,

Mấy hôm trước, một gia đình ở cạnh nhà dọn nhà đi tiểu bang khác có mang cho tôi một đống báo cũ, trong đó ngoài những báo về máy ảnh của chàng, gần nửa là báo làm đẹp của nàng, như Elle, Marie Claire, McCall's vân vân.

Và nhờ liếc nhanh qua bìa của những tờ báo này, tôi khám phá ra một điều, đó là người Mỹ ở dơ không thua gì người Pháp.

Mấy năm trước, tờ Le Figaro cho biết theo một thống kê, 53% người dân Pháp không tắm mỗi ngày, một nửa đàn ông Pháp không dùng deodorant bao giờ, gần nửa không thay quần áo lót mỗi ngày, và 15% thì cứ ba hay bốn ngày mới thay quần áo lót. Đó là mấy năm trước, bây giờ tình trạng có khá hơn không thì không ai biết được.

Ở như vậy là dơ lắm. Nước Mỹ tưởng khá hơn, nhưng điều đó, tôi không còn dám nói chắc nữa. Lý do là vì trong đống báo phụ nữ kể trên, gần như là tất cả, tờ nào cũng có một bài hối thúc người đọc đi tắm. Những bài báo này vẽ ra đủ chuyện chung quanh cái bồn tắm. Nào nến thơm, bình hoa, nhạc hòa tấu êm dịu, điện thoại, xà phòng tắm đủ các thứ mùi, khăn tắm đủ mọi mầu, bọt biển, bàn chải...

Tại sao lại giục độc giả đi tắm như thế? Tôi nhớ chỉ khi còn rất bé mới bị giục đi tắm. Đó thường là vào buổi chiều, sau những lúc chạy chơi, đánh đáo, đánh quay, lăn lóc đủ mọi nơi. Và chuyện tắm xong bị bắt đi tắm lại cũng là chuyện thường. Tắm lại xong vẫn còn bị khám rất kỹ, ở cổ, sau tai... Như thế, chuyện hối thúc đi tắm chỉ xẩy ra những khi ở bẩn lắm mà thôi.

Vậy thì nếu những tờ báo này phải lôi chuyện đi tắm ra nói nhiều như thế, thì chuyện ở bẩn phải kinh khủng lắm. Chứ nếu không ai nói ra làm gì, nói ra để bị giận nát người ra hay sao?

Nhưng có một điều rất lạ, là những tờ báo như GQ, Esquire... những tờ báo của đàn ông, hay ít ra cũng có thể nói đa số độc giả là đàn ông, thì tuyệt nhiên lại không có những bài báo khuyên hay kêu gọi đi tắm bao giờ. Ngay cả những tờ báo dành cho thiếu nhi, những tờ như Boys' Life, Highlight... cũng không có những bài viết kêu gọi, hô hào, cổ võ cho chuyện đi tắm.

Trong những tờ báo dành cho đàn ông, người ta không thấy những giục giã, kêu gọi trước khi các chàng đi chơi với đào, đi phỏng vấn tìm việc, đi nói chuyện, thuyết trình cho công ty, đi dự hội nghị... vào buồng tắm, tẩy sạch bụi trần một cái bằng xà phòng Brute, Ralph Lauren... Cũng không thấy có bài báo viết về một màn tắm gội đặc biệt cho ngày Father's Day bao giờ.

Hay là đàn ông Mỹ sạch hơn đàn ông Pháp? Không bị giục đi tắm thì phải sạch hơn chứ. Còn những người bị hối đi tắm bằng những bài báo thì sao?

Nhưng tại sao lại không thích tắm? Buồng tắm là chỗ lý tưởng để hát. Hát trong khi tắm là lúc giọng hay nhất. Trong diện tích nhỏ và cái trần thấp đó, vọng âm rất tốt, tiếng không bị loãng mặc dù có nước chẩy. Hơn nữa, sau khi hát đã đời trong buồng tắm, thì không ai còn nghĩ tới việc phải gây phiền nhiễu cho những người khác tại các đám cưới hay các party bằng giọng thính phòng của mình nữa. Tại sao không bắt chước Trần Bình Trọng(?) khi ông nói rằng thà làm vua trong buồng tắm còn hơn làm tôi mọi cho cả một đám cưới bằng giọng hát của mình?

Hay là ở bẩn thì sống lâu như bà nội tôi vẫn nói khi bênh vực cho chuyện ở bẩn của chúng tôi trong những năm còn bé?

Nước Mỹ có nhiều cụ bà cao niên hơn các cụ ông cao niên là vì nhờ thế chăng?


Ngày 26 tháng 3 năm 2010

Bạn ta,

Benjamin Franklin, một trong những cha đẻ của nước Mỹ, trong những lúc không giúp soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa kỳ, thì hình như ông chỉ có một trò chơi ưa thích, đó là thả diều trong những khi trời nổi dông bão để đến nỗi suýt bị sét đánh, và thì giờ còn lại, có vẻ như ông chỉ dùng để nghĩ ra những câu nói làm khổ đời không biết bao nhiêu đứa bé trong những năm thơ ấu ngắn ngủi của chúng.

Thí dụ những câu như đi ngủ sớm, dậy sớm sẽ làm cho người ta vừa giầu có vừa khôn ngoan (Early to bed and early to rise makes a man rich and wise), hay việc hôm nay đừng để đến ngày mai (Never put off until tomorrow what you can do today)... Ông không bao giờ đồng ý với những chuyện vô cùng thích thú đó của bọn trẻ con. Ông toàn nói những điều ngược lại với những chuyện đem lại quá nhiều niềm vui của chúng.

Ông cụ tôi là người thuộc rất nhiều câu dậy đời quái ác đó của ông, và thường xuyên đem ra cho chúng tôi nghe. Tôi ghét cay ghét đắng ông già Franklin là vậy. Ông già Ben suýt bị sét đánh chết trong một buổi chơi diều và nhờ đó, chế ra cái thu lôi tiên để lại cho đời, không hề biết rằng thói quen để việc hôm nay đến ngày hôm sau, cái tính hay diên kỳ, trì hoãn, lần lữa, triển hoãn, để lại đến ngày khác mà ông khuyên nên bỏ, cũng có cái khía cạnh tốt đẹp của nó, đó là chúng ta luôn luôn có vài ba việc để làm trong ngày mai.

Nên con số những người hay để việc hôm nay đến ngày mai có vẻ khá đông.

Một lần, khi còn sống, mẹ tôi sang chơi với tôi mấy ngày. Khi về, cụ để quên trong tủ áo phòng tôi chiếc khăn quàng lụa, không biết quà của ai trong mấy chị em chúng tôi biếu cụ. Tôi định gửi lại cho cụ, nhưng rồi cái tính mà Benjamin Franklin ghét lại nổi lên đùng đùng trong người, và chiếc khăn treo trong tủ áo vẫn tiếp tục được treo ở chỗ cũ đó.

Ít lâu sau, thì tôi quên luôn là trong tủ áo còn có cái khăn quàng của mẹ. Khi dọn nhà, xếp quần áo vào thùng, tôi thấy nó, định gửi đi, nhưng những việc lặt vặt khác lại thình lình hiện ra sau chuyến dọn nhà, đẩy chuyện gửi cái khăn quàng sang Gia Nã Đại xuống một ưu tiên dưới, vả lại, mẹ tôi nhất định còn có vài chiếc khăn khác.

Hôm nay, nhiệt độ thình lình giảm đi hẳn hơn hai mươi độ, và buổi sáng đi làm đã cần chiếc áo lạnh. Mở tủ áo, thì tôi thấy từ chiếc mắc áo treo chiếc áo lạnh, rơi ra chiếc khăn quàng mầu nâu có in những chiếc lá vàng, chiếc khăn quàng mẹ tôi để quên ở nhà tôi hơn một năm trước.

Hơn một năm rồi, mà mùi nước hoa mẹ tôi dùng vẫn còn mơ hồ thoang thoảng trong những thớ lụa. Cái mùi mẹ tôi dùng đã bao nhiêu lâu nay, mùi Coco Chanel, vẫn còn nguyên một cách kỳ lạ. Chiếc khăn lúc vắt trên vai, lúc trùm mái tóc, mùi mẹ tôi, mùi tay, mùi tóc... tìm kỹ chắc cũng còn nguyên trong đó.

Tôi nghĩ những cái mùi mà mấy chị em chúng tôi đã biết, đã quen từ mấy chục năm nay vẫn còn trong những sợi tơ dệt chiếc khăn quàng lụa đó.

Mới vừa hôm nào...

Bây giờ thì tôi không cần phải gửi cái khăn ấy đi đâu nữa. Và lương tâm cũng không còn cắn về cái tội trì hoãn, không gửi lại cho mẹ tôi cái khăn quàng ngay nữa.

Trái lại, chuyện trì hoãn, lần lữa khiến tôi không gửi ngay chiếc khăn cho mẹ tôi lại hóa ra hay, một việc rất đáng làm, hay nói đúng ra, là rất đáng trì hoãn, rất đáng để không làm.

Chứ mau mắn, không để việc hôm nay đến ngày mai mà làm ngay, gửi lại cho cụ chiếc khăn thì làm sao bây giờ tôi có một kỷ niệm rất đẹp của mẹ tôi ở với tôi. Gửi rồi phải... tranh giành với mấy chị em tôi sau khi mẹ tôi mất hay sao?

Ông già Benjamin Franklin lần nữa, lại sai lầm nặng.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


DỊCH ANH VIỆT

(Bài học do Quỳnh Anh ghi lại)

QA

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách.

Lãm Thúy, Bùi Bảo Trúc và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Trong chương trình hôm nay, Lãm Thúy và QA sẽ vẫn đóng vai học viên để truy bài, khảo bài ông giáo Trúc và để hỏi vấn đáp ông thầy về những chuyện liên quan đến tiếng Anh. Lãm Thúy và QA mời quí vị đặt câu hỏi với ông giáo và QA sẽ chuyển lại để cho ông giáo phải nặn óc trả lời, bù lại những lần ông khó khăn với học sinh hồi ông còn đi dậy học ở Việt Nam.

Trong chương trình hôm nay, Quỳnh Anh muốn thầy Trúc nói về những cái khó và nhũng cái vui trong việc dịch Anh Việt.

LÃM THÚY

Thúy biết là anh sống nhiều năm với tiếng Anh, phiên dịch tin tức khi làm cho đài VOA, rồi nay lại cho mấy đài truyền thanh, truyền hình và báo chí ở đây. Anh cũng dịch một tác phẩm của Tagore, cuốn The Lover’s Gift mà Thúy có ở tiệm của Thúy do nhà xuất bản Văn Nghệ in năm 2000, cuốn HOUSE OF THE SLEEPNG BEAUTIES của Kawabata in ở Sài Gòn năm 1972, cuốn LE PETIT PRINCE của St Exupery chưa in. Nhưng anh có bao giờ thông dịch trực tiếp Anh Việt, Việt Anh không?

BBT

Có, đó là những năm 1969, 72, 73 tại mấy hội nghị quốc tế ở Sài Gòn, ở Hán Thành, ở Đài Bắc, cùng với giáo sư Đỗ Đình Tuân chủ nhà sách Văn Khoa và tiến sĩ Cung Thúc Tiến tức là nhạc sĩ Cung Tiến, chúng tôi đã thông dịch cho thủ tướng Phan Huy Quát, cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Đó là những lần thông dịch trực tiếp, simultaneous translation.

LÃM THÚY

Thông dịch có khó không thưa anh?

BBT

Khó, vì bác sĩ Quát và tổng thống Thiệu đều biết tiếng Anh. Dịch sai bị chỉnh liền nên chúng tôi phải rất cẩn thận khi dịch trực tiếp. Khi dịch diễn văn của tổng thống Thiệu, chúng tôi xé ra làm mấy đoạn chia cho nhau rồi cuối cùng, một người đúc kết lại, thống nhất toàn bản văn, đó là một phụ nữ rất giỏi nay không còn nữa, làm việc trong dinh Độc Lập.

QA

Thôi bữa khác Lãm Thúy và QA sẽ hỏi thầy về những lần làm thông dịch với các vị vừa kể. Bây giờ QA muốn hỏi thầy về một số những trường hợp QA thường nghe nhưng thấy không tự nhiên chút nào. Khi anh làm công việc phiên dịch Anh Việt, anh làm thế nào để dịch nghe cho xuôi?

BBT

Người làm công việc thông dịch phải nhớ là làm việc đó cho độc giả, thính giả. Đó là hai mục tiêu, hai mục đích của bản dịch Việt ngữ. Đang dịch, phải ngừng lại và hỏi NGƯỜI VIỆT CÓ NÓI, CÓ VIẾT NHƯ THẾ KHÔNG? Nếu câu trả lời là KHÔNG thì dịch lại. Một điều nữa là phải thông thạo hai ngôn ngữ ngang nhau.

LÃM THÚY

Thầy Trúc cho nghe một thí dụ. Thúy hôm qua đọc tin thời tiết thấy câu này: THE STORM IS EXPECTED TO COME ASHORE ON THURSDAY. Thúy dịch là TRẬN BÃO THÌ ĐƯỢC CHỜ ĐỢI SẼ ĐỒ BỘ TRONG NGÀY THỨ NĂM. Dịch như thế có gì sai không?

BBT

Sai thì không sai. Rất chính xác. TO BE EXPECTED là ĐƯỢC CHỜ ĐỢI. Nhưng nếu cô Thúy đang sống tại Jacksonville tiểu bang Florida trong những ngày mưa bão thì cô có CHỜ ĐỢI trận bão kéo tới gây đổ nhà, đổ cửa, ngập lụt hay không? Chắc là không rồi. Vì thế chắc không ai chờ đợi trận bão. Trận bão không được ai chờ đợi hết. Bây giờ nhờ QA dịch coi ra sao.

QA

Nếu phải dịch thì QA sẽ KHÔNG theo đúng từng chữ trong tiếng Anh vì theo quá sát thì nó sẽ không Việt Nam chút nào. QA sẽ dịch là THEO DỰ BÁO THỜI TIẾT, BÃO SẼ ĐỒ BỘ VÀO SÁNG THỨ NĂM. Trong nguyên bản không hề có ACCORDING TO THE WEATHER FORECAST, nhưng QA nghĩ là chắc chắn phải có những bản tin dự báo thời tiết nên QA nghĩ câu tiếng Việt không đi quá xa khỏi ý nghĩa của nguyên tác.

BBT

Cô QA thêm mấy chữ vào rất hợp lý. Câu tiếng Việt rất dễ hiểu, không lai căng như câu dịch đề nghị của Lãm Thúy. Tôi biết cô Thúy chỉ cố tình làm cho câu tiếng Việt nghe kỳ quái ra mà thôi.

LÃM THÚY

Câu này cũng là một câu kỳ quái Thúy đọc được trong quảng cáo của một nhật báo ở đây: CHÚNG TÔI NỢ QUÍ VỊ MỘT LỜI XIN LỖI. Thúy nghĩ mãi mà không biết nguyên tác là như thế nào.

BBT

Thì cô cứ dịch ngược lại sang tiếng Anh, từng chữ một coi.

LÃM THÚY

CHÚNG TÔI là WE. NỢ là OWE. QUÍ VỊ là YOU. MỘT LỜI XIN LỖI là AN APPOLOGY.

QA

Như vậy, nguyên tiếng Anh là WE OWE YOU AN APPOLOGY phải không thưa anh?

BBT

Đúng. Phải nói như vậy mới là lối nói của người Việt Nam. Cụ Nguyễn Hiến Lê là một dịch giả rất thận trọng. Cụ dịch rất sát nguyên bản mà lại rất gần với tiếng Việt. Cụ dịch một cuốn sách nhan đề HOW TO STOP WORRYING AND START LIVING. Nếu dịch như thế này thì cũng đã nghe được rồi: LÀM SAO NGƯNG LO LẮNG VÀ BẮT ĐẦU SỐNG. Nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là QUẲNG GÁNH LO ĐI VÀ VUI SỐNG. Tựa đề tiếng Anh của cuốn sách thì làm gì có QUẲNG , làm gì có GÁNH, làm gì có VUI. Nhưng cụ thêm vào nghe hay hơn.

LÃM THÚY

Như vậy là nếu cần cứ thêm vào cho xuôi tai phải không thưa anh? Thúy nhớ cụ Nguyễn Hiến Lê còn dịch một câu rất hay mà Thúy quên mất câu tiếng Anh rồi. Câu ấy là ĐẾM HỌA, ĐỪNG ĐẾM PHÚC. Anh nhớ câu tiếng Anh không?

BBT

Câu ấy ở trong cuốn sách vừa nhắc ở trên. Nguyên tiếng Anh là một câu người ta hay nói lắm. Thí dụ khi bị chuyện không may, đừng than thở sầu bi làm gì, quên đi mà nhớ lại những lúc may mắn hạnh phúc trong đời. COUNT YOUR BLESSINGS. COUNT là ĐẾM. BLESSINGS là ÂN SỦNG. Cụ Nguyễn nếu chỉ dịch ĐẾM PHÚC thì cũng đủ. Nhưng câu ấy nghe hơi cụt, hơi hụt hẫng. Cụ thêm vào đoạn sau ĐỪNG ĐẾM HỌA làm cho câu có quân bình hơn, lại nhắc người nghe đừng khổ sở vì những chuyện xui sẻo kia nữa.

QA

Trong một chương trình trước, anh có nói về PASSIVE VOICE, tức là THỤ ĐỘNG CÁCH, anh nói là người Việt ít khi dùng lối nói này. Vậy mà ở đây, mở báo ra đọc là thấy tiếng Việt cũng dùng thụ động cách quá nhiều. Tại sao vậy anh?

BBT

Tôi nghĩ là người dịch quá nô lệ vào bản tiếng Anh khi làm công việc dịch thuật. Tôi cũng thấy nhiều lắm. Thí dụ NHÀ BÁN BỞI CHỦ. XE BÁN BỞI CHỦ. Ngày trước, đọc báo Tự Do hay Chính Luận đâu có thấy những rao vặt viết như vậy.

SELL BY OWNER có thể dịch như thế này cũng được: XE DO CHỦ BÁN. Nhưng có cần nói như thế không? Không lẽ xe do ông ăn trộm đăng bán? Tại sao không Việt hóa nó đi : XE BÁN, LEXUS 1 ĐỜI CHỦ, 25 NGÀN MILES.

Câu này tôi vừa đọc thấy trong một số báo cũ: NGOẠI TRƯỞNG CONDOLEEZA RICE ĐƯỢC GỬI ĐI GEORGIA BỞI TỒNG THỐNG BUSH. Ý nghĩa thì không có gì đáng nói nhưng nghe như cơm thổi chưa chín. Tại sao không viết là TỒNG THỐNG BUSH PHÁI NGOẠI TRƯỞNG CONDOLEEZA RICE ĐI GEORGIA.

QA

Tại sao nguyên tác phải dùng PASSIVE VOICE, tại sao không viết theo lối ACTIVE VOICE?

BBT

Lý do có thể là để nhấn mạnh vào người đi Georgia là bà Rice. Không nhấn mạnh vào ông Bush.

Dịch thuật nhiều khi cũng không nên quá bám sát vào nguyên bản. Đọc hay nghe, hiểu rồi diễn lại cho xuôi là việc cần. Khoan nói tới việc làm cho nó văn chương lên.

LÃM THÚY

Thúy thích người dịch tựa tác phẩm của Margaret Mitchell vô cùng: CUỐN THEO CHIỀU GIÓ. Có lần anh nói dịch như thế là thơ, không chỉ là chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

BBT

Đúng như cô nhận xét. GONE WITH THE WIND. GONE là ĐÃ ĐI. WITH là VỚI. THE WIND là GIÓ. ĐÃ ĐI VỚI GIÓ thì ai dịch cũng được. Nhưng CUỐN THEO CHIỀU GIÓ thì tuyệt. Mấy chữ này thì không phải là dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, mà từ tiếng Pháp sang tiếng Việt: AUTANT EN EMPORTE LE VENT. Chắc hai cô cũng đã nghe những chữ này: MÉO MÓ NGHỀ NGHIỆP. Đó là những chữ để chỉ trường hợp một người làm một công việc nào đó, như dậy học chẳng hạn, ra khỏi lớp, đi đâu, gặp ai ông cũng đem kinh nghiệm dậy học của mình ra để nhìn ngắm, phê phán các sự việc chung quanh. Tiếng Pháp là DÉFORMATION PROFESSIONELLE. Không ai có thể dịch hay hơn được. Và thêm hai chữ này nữa: NỊNH ĐẦM . Người đàn ông Việt Nam thời ấy không dịu dàng, lễ độ, chiều chuộng người đàn bà. Cảnh ấy chỉ thấy nơi những người đàn ông Tây phương. Thế là đem chữ đầm vào cho rõ, nịnh không chỉ nịnh đàn bà, mà nịnh theo kiểu Tây. Đầm là do danh từ DAME của tiếng Pháp .

QA

QA mới đây có đọc một tài liệu về CHILD SEXUAL ASSAULT có bản dịch tiếng Việt nguyên văn : XÂM PHẠM TIẾT HẠNH TRẺ THƠ. QA thấy không ổn . Anh thấy thế nào?

BBT

Đồng ý vớI QA. Nghe XÂM PHẠM TIẾT HẠNH thì không đúng TIẾT HẠNH vừa là trinh tiết vừa là phẩm hạnh của người phụ nữ. Nhiều khi tội này chưa hẳn là như thế. Có lẽ TẤN CÔNG TÌNH DỤC thì đúng hơn. Có thể hành động xâm phạm ấy chưa thực sự diễn ra.

QA

Còn câu sau trong tập tài liệu này nguyên văn : IT’S OFTEN CLOSER TO HOME THAN YOU THINK được dịch là "chuyện này thường ở gần nhà hơn bạn nghĩ". QA thấy nên dịch là "những hành động này có thể diễn ra ở ngay gần nhà chúng ta" thì dễ hiểu hơn chăng?

BBT

Rất đồng ý với cô QA. Có những trường hợp cố theo sát nguyên bản chỉ trở thành ngây ngô mà thôi. Đó là khi dịch những lối nói đặc biệt của người Anh và người Mỹ. Thí dụ THE MAN WAS SHOT TO DEATH thì không cần dịch là NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ BẮN ĐẾN CHẾT. Tại sao không viết là NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ BẮN CHẾT.

TO LIE ON ONE’S STOMACH là nằm sấp. Tại sao phải dịch là NẰM SẤP TRÊN BỤNG? TO LIE ON ONE’S BACK là NẰM NGỬA . Tại sao phải dịch là nằm ngửa trên lưng?

Một tài liệu Anh Việt mà tôi đọc được đã lâu ở một phòng mạch có tựa tiếng Việt rất kinh hồn: EM BÉ LÀ CÁI GÌ? Thực ra đó chỉ là một tập tài liệu dậy cách nuôi con cho các bà mẹ: WHAT IS A BABY?

Tại sao phải theo đúng nguyên văn tiếng Anh trong khi chỉ cần viết: CÁCH NUÔI CON là đủ.

LÃM THÚY

Những trường hợp như thế cứ mở báo tiếng Việt ra là thấy ngay. Anh khuyên khi dịch Anh Việt phải chú ý đến những chi tiết nào?

BBT

Nói trong vài phút thì không đủ. Tôi chỉ nhấn mạnh vào điểm là viết thế nào để tránh cách hành văn quá Anh, quá Mỹ, không gần với tiếng Việt, đánh mất đi linh hồn tiếng Việt trong khi cố giữ cho sát với tiếng Anh. Gặp chữ nào hơi nghi ngờ thì tra tự điển ngay. Ngay cả những người sống chết với việc dịch Anh Việt vẫn phạm phải những lỗi kinh khủng. Thí dụ một bài viết về NHỮNG CON HẢI CẨU MÙA PHỤC SINH trong khi đó chỉ là nhũng con tem để quyên tiền cho một tổ chức y tế trong dịp Phục Sinh: THE EASTER SEALS. SEALS có nhiều nghĩa, là con hải cẩu, là huy hiệu, là niêm phong, là con tem.

Một lần tôi còn nghe câu như thế này: Một phi cơ khu trục của không lực Ấn độ ngộ nạn gây tử thương cho 80 người trên máy bay. Không có một phi cơ khu trục nào chở được nhiều người như thế. Đây chắc là A MILITARY AIRCRAFT, thế thì tại sao không dịch là PHI CƠ QUÂN SỰ? mà cắc cớ dùng danh từ phi cơ khu trục? Chắc đây là 1 vận tải cơ Antonov thì mới có sức chứa hàng mấy chục người như vậy.

Một bản tin khác thì nói là HOA KỲ ĐƯA MỘT CHIẾN HẠM TÊN LÀ ARMADA TỚI EO BIỂN ĐÀI LOAN trong khi danh từ ARMADA nghĩa là HẠM ĐỘI.

Ôi nhiều lắm. Nhưng các thính giả và độc giả thì dễ tính. Tuy thế, không phải thấy người nghe dễ tính mà cũng dễ tính theo.

LÃM THÚY

Hôm nọ Thúy đưa các con đi ăn ở 1 tiệm tại khu Little Saigon. Trong menu, các con của Thúy đọc tên một món ăn, chỉ cho nhau xem rồi cứ ôm nhau cười. Thúy nhìn kỹ thì thấy đó là món SHAKY BEEF. Anh biết nguyên ủy là sao không?

BBT

Tôi cũng đã thấy. SHAKY BEEF là bò lúc lắc. Người dịch tra tự điển thấy lắc là TO SHAKE. Thế là người dịch thêm chữ Y vào cuối để biến nó thành tĩnh từ. Do đó SHAKY BEEF. Nhưng bò lúc lắc là món bò thái nhỏ thành những miếng vuông vức trông như mấy quân lúc lắc chứ đâu có bao giờ nghĩa là cầm miếng thịt bò run rẩy đưa lên lắc lắc đâu. TO SHAKE HANDS là bắt tay.

QA

QA thấy những chữ này nghe cũng kỳ quá: TIẾT KIỆM TRÊN CÁC LOẠI HÀNG GIA DỤNG. Tại sao TRÊN?

BBT

Đó là người dịch bám sát vào giới từ ON. SAVE ON HOME APPLIANCES . Tại sao không dịch là TIẾT KIỆM KHI MUA CÁC MÓN GIA DỤNG? Cô nêu ra chữ TRÊN làm tôi nhớ đến cách dùng tương tự như các bản tin nói là NGA ĐÃ TẠO ẢNH HƯỞNG TRÊN CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG: RUSSIA HAS INFLUENCES ON HER NEIGHBORS trong khi chỉ cần nói Nga đã tạo được nhiều ảnh hưởng tại các nước kế cận.

LÃM THÚY

Thúy rất khó chịu về hai chữ CHUYỂN NGỮ. Anh thấy thế nào, thưa chuyển ngữ gia .

QA

QA cũng thấy hai chữ này bầy đặt mà cũng chẳng hay gì.

BBT

Đồng ý với hai cô. Dịch là chữ Hán. Chúng ta dùng chữ này đã bao nhiêu lâu nay. Tại sao phải dùng chuyển ngữ. Không hề có chuyển ngữ gia, chỉ có dịch giả mà thôi.

Hơn nữa, khi dịch nhũng chữ OLD TRANSLATOR thành chuyển ngữ gia cao niên thì hay ở chỗ nào .

QA

Dịch OLD TRANSLATOR là NGƯỜI DỊCH NHIỀU TUỒI nghe gọn hơn.

LÃM THÚY

Nhưng vẫn chưa gọn bằng GIÀ DỊCH phải không thưa công dân cao niên làm nghề dịch thuật? Thế thì khi anh bận túi bụi với việc dịch tin cho đài, mà nói là HE IS BUSY TRANSLATING thì dịch sao nghe cho ổn thỏa?

QA

ẢNH ĐANG MẮC DỊCH.

BBT

Cám ơn sự tử tế hai cô dành cho người dịch cao niên này khi dùng những GIÀ DỊCH, MẮC DỊCH. Cứ đừng dùng là CHUYỂN NGỮ GIA CAO NIÊN là được rồi.

QA

Còn mấy chữ này QA cũng không chịu. Ở bìa sau của những cuốn sách QA hay đọc được những chữ ẤN PHÍ. QA nghĩ ẤN PHÍ là tổn phí để in cuốn sách, là PRINTING COST. Nhưng QA biết cuốn sách in chỉ khoảng 2 đô la. Đem bán 15 đô la vì còn phải tiền nhuận bút trả cho tác giả, tiền trả cho nhà xuất bản, tiền lời cho tiệm sách. Vậy thì hai chữ ẤN PHÍ không đúng. Tại sao không dùng hai chữ GIÁ BÁN?

BBT

Nguời Mỹ có câu : IF IT AIN’T BROKE, DON’T FIX IT. Nghĩa là đừng có lợn lành chữa lợn què. Cái gì không hư hỏng thì cứ để vậy mà dùng. Đừng có tìm cách sửa chữa nó làm gì mất công.

QA

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.