April 1, 2010

April 2, 2010

Ngày 29 tháng 3 năm 2010

Bạn ta,

Tuần trước, vào Internet để tìm một bài báo cũ cần cho một bài viết, tôi đọc được một bài báo thuật lại câu phát biểu của ông Bush trong một chuyến đi vận động bầu cử về Adam Clymer, một phái viên của tờ The New York Times.

Bài báo viết lại nguyên văn lời của ông Bush về Adam Clymer. Viết nguyên văn, không viết tắt hay né tránh gì hết.

Bài viết nhắc lại đầy đủ câu nói của ông Bush. Câu nói đó cho thấy ông Bush chắc chắn đã phải có vài ba điều hậm hực về Adam Clymer của tờ The New York Times, nên khi vừa trông thấy ông nhà báo này, ông Bush liền nói với ông Cheney rằng: "There's Adam Clymer, major league asshole from the New York Times."

Chữ mà một số người cho là nặng, là chữ "asshole." Chữ này là một danh từ lóng có nghĩa là cái lỗ mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài. Khi dùng nó để mô tả hay để gọi một người, thì sự khinh miệt, ghê tởm, thù ghét người đó phải lên đến mức không thể nào cao hơn được nữa.

Ông Bush chỉ cho ông Cheney khi nhìn thấy nhà báo của tờ The New York Times và nói đại khái coi kìa, thằng cha Adam Clymer, cái lỗ to tổ chảng mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài của tờ The New York Times.

Vì ghét ông Adam Clymer nên chắc chắn ông không dùng những chữ văn vẻ (?) như câu tiếng Việt ở trên. Muốn trung thực, bỏ đi nét văn vẻ, thì phải nói ông Bush đã gọi ông Clymer là cái lỗ đít.

Nhưng cũng lại có thể ông Bush rất mến mộ ông Clymer thì sao?

Ở các sở, người ta hay chuyển cho nhau đọc tờ giấy kể lại vụ tranh luận của các bộ phận trong cơ thể con người về câu hỏi bộ phận nào là boss, là xếp chúa, oai hơn, mạnh hơn, quyền uy hơn tất cả. Cuộc tranh luận chưa đi đến đâu vì bộ phận nào cũng cho mình là boss hết. Cái đầu, hai tay, hai chân, mắt, miệng... tất cả đều nhận là xếp, là boss, không bộ phận nào chịu nhượng bộ. Lên tiếng cuối cùng là cái lỗ mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài. Các bộ phận kia chưa nghe phát biểu đã khinh bỉ cười lớn. Cái lỗ bực quá, bèn quyết định dậy cho các bộ phận kia một bài học. Nó liền đình công, bế quan tỏa cảng, không mở cửa hoạt động. Một ngày, hai ngày, ba ngày cơ thể còn chịu được. Qua ngày thứ tư, thứ năm thì cơ thể bắt đầu nổi điên. Đến ngày thứ bẩy, thứ tám thì cơ thể khủng hoảng nặng. Ngày thứ chín, thứ mười thì cơ thể chịu hết nổi, bèn xuống nước, nhượng bộ và công nhận cái lỗ mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài là boss.

Vậy thì theo câu chuyện vừa kể, thì rất có thể ông Bush vô cùng quí mến ông Adam Clymer thì sao?

Thỉnh thoảng, khi lái xe ngoài đường, chính tôi cũng được gọi là asshole bởi ít nhất ba hay bốn người lái xe. Có lần một người đàn bà trẻ và xinh đẹp còn giơ ngón tay giữa lên, ngoắc ngoắc cho tôi thấy rõ làm tôi mừng muốn chết, vì cứ tưởng là được mời làm vài ba chuyện khác hào hứng hơn là những việc vẫn làm là làm thinh, làm biếng, làm bộ, làm bảnh, làm reo, làm phách, làm ẩu, làm báo, làm bậy, làm... bé, làm lớn, làm càn, làm cao, làm cha, làm dáng, làm dữ, làm điệu, làm giặc, làm khách, làm khó, làm lành, làm lẽ, làm liều, làm mai, làm mưa, làm gió, làm ngơ, làm oai, làm phúc, làm sang, làm tàng, làm tin, làm trời...

Vậy thì gọi người khác là cái lỗ đít có khi lại là một việc làm đầy ngưỡng mộ thì sao?


Ngày 30 tháng 3 năm 2010

Bạn ta,

Khiêm tốn, cái đức tính mà chúng ta bị nhồi vào đầu ngay từ những năm còn rất bé, đến nay vẫn không chịu bỏ đi hay bớt bớt đi như những điều dậy dỗ khác.

Bao nhiêu năm rồi mà hễ cứ đưa cái ý của mình ra thì phải gọi nó là "ngu" (ý), hay "thiển"(ý); nói về mình, tự xưng thì là "thiểm" hay "thiệm", đề cập đến văn chương của mình thì "chuyết bút", cây bút vụng về của tôi; nhắc tới vợ thì "chuyết thê", chị vợ nhà quê thô lậu, vụng về, ấm ớ hội tề của tôi vân vân...

Cứ cái gì xấu xí, đần độn, ngốc nghếch, dở ẹc thì nhận là của mình cái đã. Bần tăng, bần đạo, bần sĩ cũng là những lối nói về mình một cách khiêm cung vậy. Hay nhận nhà mình là "nhà tôm", là tệ xá, là hàn gia, trong khi gọi tôn người khách đến thăm là "rồng".

Mỗi người Việt đi ra đường, mặc dù đi bộ, ai cũng cầm theo mấy cái... ống nhún thật tốt để mà nhún nhường, mà phải là ống nhún MacPherson hạng nhất chứ không chịu hạng nhì bao giờ.

Nhưng có những lúc thái độ khiêm cung ấy cũng làm điên đầu không biết bao nhiêu người.

Cuối tuần qua, ở nhà người bạn, chúng tôi bị một người rất khiêm từ trong cách ăn nói tra tấn hành hạ trong gần nửa tiếng đồng hồ. Sau mấy câu khiêm nhượng mở đầu, ông làm ngược hẳn lại những điều khiêm tốn đó. Ông nhất định không tự xưng là một ca sĩ, ông thề sống thề chết ông không biết hát, ông quả quyết ông không hát trước đám đông bao giờ. Mọi người bắt đầu hơi tin ông, vì thấy ông quần áo kim tuyến sáng lóng lánh ghê quá, không hát thì mặc mấy thứ ấy làm gì... thì ông cất tiếng hát.

Ông hát không phải chỉ một bài để chứng minh ông không phải ca sĩ, mà ông hát liên tiếp bốn bài. Đến bài thứ tư, thì không ai còn dám vỗ tay nữa, sợ bị phục kích ở ngoài cửa, trùm poncho lên đầu đánh cho chừa cái tật hay vỗ tay làm hiểu lầm, gây ngộ nhận, tạo bực mình, phiền nhiễu cho những người khác. Chúng tôi chờ ông đi xuống rồi mới quyết định ở lại vui tiếp với chủ nhà, nhưng trong lòng vẫn nơm nớp sợ ông hát cho một trận nữa đáng đời bọn khách khứa không biết đem cái tấm thịnh tình ra yêu cầu ông hát thêm.

Ông khôn kinh khủng. Ông rào trước rằng ông không phải là ca sĩ nên nếu ông hát dở nhiều thì phải tha thứ cho ông, mà nếu ông hát dở ít, thì phải nâng đỡ ông. Nhưng đằng nào ông cũng được lên hát cho bọn khách chết với giọng ca vàng của ông.

Trò chơi của ông rất nguy hiểm. Nó có thể lan sang những sinh hoạt khác nữa thì khổ chúng ta. Thí dụ sẽ có người nói rằng không phải là thợ cưa, rồi lôi cây vĩ cầm ra kéo. Người nghe sẽ không biết phản ứng cách nào. Ông không nhận là thợ cưa. Nên ông không cưa. Ông chỉ kéo violin. Ông kéo vĩ cầm chứ ông cưa hồi nào mà đòi làm khó ông?

Người khác có thể không nhận là nhà thơ, nhưng vẫn cứ ra mắt một tập thơ, thì làm sao bắt lỗi là thơ dở như thế mà vẫn in. Hay nhất định cãi rằng không phải là nhà văn mà cứ viết truyện đăng báo. Khiêm tốn thì có đấy nhưng tại sao làm thơ, in thơ lại không nhận là nhà thơ và viết văn thì lại không nhận là nhà văn? Cứ làm như thế, thì ở tòa sẽ có người không nhận là luật sư, ở phòng mạch cầm cái ống nghe luồn vào ngực áo bệnh nhân và nói không là y sĩ có được không?

Không được.

Cầm cái micro lên sân khấu, cứ hát. Không cần cà chua mang về cho vợ nấu canh thì đừng lên hát. Không nhận là thi sĩ thì đừng in thơ để cứu lấy những cái cây trong rừng. Không nhận là nhà văn thì cứ làm con... vịt. Chứ đi như vịt, kêu như vịt thì là con vịt, không thể là nhà văn hay nhà thơ được. "He walks like a duck; quacks like a duck... He must be a duck" như bạn tôi vẫn nói.

Muốn hát, cứ lên mà hành hạ người ngồi dưới. Muốn ra mắt sách thì cứ là nhà thơ, nhà văn. Dõng dạc, đường bệ. Muốn làm Hemingway thì nên làm nhà văn. Không nên vác súng đi bắn sư tử ở Phi châu rồi nhận là giống Hemingway-nhà-văn và bắt phu khuân vác gọi mình là nhà văn như trong The Snows of Kilimanjaro...

Hemingway sống, viết và chết luôn luôn, mãi mãi là một nhà văn.

Không cần vờ vịt khiêm tốn gì hết.


Ngày 31 tháng 3 năm 2010

Bạn ta,

Bạn thấy có chán không, lúc chúng ta vừa bắt đầu biết "làm trai", thì ba chuyện cần phải biết làm để có thể được coi là con người văn học, lịch thiệp, hào hoa gần như đã hoàn toàn biến mất.

Tổ tôm, trò chơi với 120 quân bài, không còn ai trong hạng tuổi chúng ta biết chơi nữa. Thứ chè sản xuất ở châu Mạn Hảo thuộc tỉnh Vân Nam không tìm đâu ra được để uống. Và bản Nôm Thúy Kiều thì khó kiếm hết sức, mà nếu có kiếm ra, cũng chỉ để bầy trong tủ sách thỉnh thoảng lôi ra phủi bụi chứ mấy ai còn đọc được.

Cả ba thứ có thể làm nên con người sành sỏi không còn ở với chúng ta nữa:

Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống chè Mạn Hảo, xem Nôm Thúy Kiều

Đứng cạnh câu ca dao tả cảnh ăn chơi ngày trước, chúng ta cù lần, nhà quê, thiếu văn hóa một cách thảm hại. Tổ tôm không biết đánh, chè Mạn Hảo không có để uống, phải uống trà Tầu trong tiệm mì và truyện Kiều thì đọc đến bản Kiều chú giải của Trần Trọng Kim đủ để đi thi tú tài là hết sức.

Chúng ta sinh sau đẻ muộn, nghe ông Tú Xương đi ăn chơi ở phố hàng Thao với ngón trống chầu bay bướm mà thèm. Bít tất tơ thì không có, giầy Gia Định như của ông Tú cũng không nốt. Làm sao mà chơi cho lịch, chơi cho đài các như Uy Viễn tướng công để đời biết tay cho được.

Đến chuyện uống thì cũng quanh đi quẩn lại mấy thứ ấm ớ: hết Heineken thì Bud, Miller hay Michelob... hay Tsing Tao, Alsace, Molson, Dominion của Tầu, Pháp, Gia Nã Đại hay Tân Tây Lan là cùng.

Chán những thứ vừa kể thì uống gì đây?

Chẳng lẽ uống nước trung tiện như tờ Playboy giới thiệu ?

Người lịch lãm, tay chơi thứ thiệt có thể vào web site: fusion.com mua một thùng 12 lon giá $21.95. Loại nước này do công ty Jones Soda sản xuất, và tên của nó là Whoop Ass. Mà Whoop Ass, theo chỗ tôi hiểu, là cái trung tiện. Công ty Jones Soda gọi nó là energy drink, loại nước uống tăng cường sinh lực. Và các tay chơi sành sỏi đọc Playboy nay có một thức uống mới, nước trung tiện, vừa thanh lịch, vừa để giúp tăng cường sinh lực.

Nước trung tiện làm bằng gì, pha chế ra sao, mùi vị như thế nào, uống như thường hay khi thưởng thức phải bịt mũi? Whoop Ass có phải là loại nước hơi không? Uống loại nước này có hay ợ như khi uống các loại nước có gas khác không? Khi ợ, tiếng (?) có bình thường không, mùi ra làm sao?

Thoạt nghe nói về loại nước uống có cái tên đó, ai mà chẳng có những thắc mắc hợp lý như thế.

Nhưng tìm hiểu để giải tỏa những thắc mắc trên, dẫu cho là hợp lý cách mấy thì cũng đành chịu. Và vì thế, chúng ta lại cứ phải tiếp tục sống một cách cù lần và buồn nản như từ bao nhiêu năm nay. Vẫn không biết đánh tổ tôm, vẫn không có chè Mạn Hảo, và xem Nôm, hay xem lông (?) Thúy Kiều như một cụ ông tôi quen đã có lần đọc cho nghe và giải thích đó là dị bản (?) của câu ca dao vẽ hình ảnh một tay tài tử hào hoa trước cụ vài ba thế hệ.

Và chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ, quê hương ruồng bỏ, lạc loài, bị khinh rẻ, muốn cho lịch lãm con người, không đánh được tổ tôm, không kiếm được chè Mạn Hảo, không xem được Nôm cũng như lông(?) Thúy Kiều, lại bị đề nghị uống nước trung tiện thì làm sao chạy theo kịp văn minh?

Uống cái gì bây giờ?


Ngày 2 tháng 4 năm 2010

Bạn ta

Lĩnh, thứ hàng tơ mặt bóng đã có một thời được quí lắm: không phải ai cũng có thể váy lĩnh mặc chơi cho mát được.

Người đã khó kiếm cái váy lĩnh huống chi mấy con chó. Bởi thế, khi nói "chó có váy lĩnh" thì đó là chuyện chắc phải khó lắm, phải hoang đường lắm, ít khi, nếu không nói là không thể, xẩy ra được.

Trong những năm thơ ấu, đó là một trong những câu tôi thù ghét nhất. Bị nói câu đó vào mặt là bị ném cho một đảm bảo chắc chắn một chuyện gì không thể có được, không thể xẩy ra được. Cho đó là khả năng là một việc gì, hay một ao ước.

"Như thế thì đến chó cũng có váy lĩnh." Chỉ một câu đó, mọi ước muốn, toan tính lập tức tan tành.

Nhưng chuyện chó có váy lĩnh để mặc ngày nay không còn là điều khó xẩy ra được nữa. Chó không những đã có áo lông đắt hơn váy lĩnh rất nhiều lần, mà còn có được nhiều thứ khác hơn nữa chúng ta khó có thể tưởng tượng ra được để cập nhật hóa câu tục ngữ đã cũ.

Ngày nay, chó đã có thể có kim cương để đeo, được chủ cho hưởng gia tài, đánh bạt con cái của người viết di chúc để trở thành thừa kế duy nhất như đã nhiều lần xẩy ra. Chúng còn có thể nước hoa thơm lừng làm đau lòng biết bao nhiêu người nữa là khác.

Từ mấy chục năm trước, khi mới vào đại học, từ khi được tặng chai eau de Cologne Old Spice đến nay, lúc nào tôi cũng có một chai trong buồng tắm, tuy thỉnh thoảng cũng thay đổi bằng Brut, Aqua di Giò, Eau Sauvage, Clinique... Old Spice không gắt như Clinique, không ngọt như Eau Sauvage, không ngựa như Aqua di Giò của Giorgio Armani. Old Spice không bám quá lâu ở người dùng cũng như ở những người không dùng nó. Nhưng nó theo tôi lâu nhất là vì cái giá rất thoải mái của nó. Cái giá thoải mái đó khiến lúc nào cũng có hai, ba chai trong nhà, trong ngăn kéo bàn giấy ở sở.

Thế mà nay, chó cũng không thèm có nữa mới đau lòng những người dùng Old Spice từ bao nhiêu năm nay.

Chó đã có eau de Cologne riêng của chúng. Chai eau de Cologne 100ml của chó được bán với giá gần ba chục Mỹ kim là một sự nhạo báng độc ác với những người đàn ông dùng Old Spice.

Oh My Dog! là tên của eau de Cologne chó. Tôi thấy nó sáng hôm qua trong chương trình Good Morning America. Buổi sáng bỗng không còn đẹp nữa. Bước vào cái buồng tắm, ngó chai Old Spice Limited Edition mà tủi thân không sao nói hết được.

Old Spice, đến chó cũng không thèm dùng thứ eau de Cologne rẻ tiền như thế. Mặt mũi như thế mà... eau de Cologne còn rẻ hơn eau de Cologne của chó. Những câu như thế làm sao không vang vang trong hai tai suốt cả buổi sáng cho được.

Tưởng tượng cảnh sau khi làm ướt cái cột đèn, cậu chó chạy về nhà, lôi chai Oh My Dog! ra, xịt vài cái vào những vị trí chiến lược trên dưới, rồi ưỡn ẹo chạy ra đường kiếm mấy chị trong khu phố, tiếng huýt sáo bỗng vang lừng nổi lên, hòa lẫn với những tiếng sủa ủng oẳng từ bốn phương tám hướng vọng đến thì còn gì có thể tạo nhiều đau đớn, lăng mạ hơn được nữa?

Những Old Spice, Aqua di Giò, Clinique... đã bao giờ làm được những điều đó chưa? Chắc chắn là chưa.

Vào lúc váy lĩnh trở nên lỗi thời, mất đi những thái độ trọng vọng, và loài chó cũng có thể có được dễ dàng, thì váy lĩnh được thay thế bằng eau de Cologne, niềm vui cuối cùng của những người đàn ông trong buồng tắm những buổi sáng, sau khi những chiếc dao cạo lướt trên da mặt, cũng bị xâm phạm và lấy đi vĩnh viễn.

Cái mặt như thế mà dùng thứ eau de Cologne rẻ tiền hơn là Cologne của chó.

Chán cho chính mình thì không thể có sự chán nản nào lớn hơn và bi thảm hơn được nữa.


Ngày 3 tháng 4 năm 2010

Bạn ta,

Trong những năm trung học, tôi nói dối rất dở. Thí dụ khi không làm bài tập, bị giáo sư gọi lên khám vở thì chỉ biết có một câu cả trường đã dùng nát bấy: để quên ở nhà.

Học sinh Mỹ có câu hay hơn: the dog ate my home work, bài tập làm ở nhà bị con chó ăn mất rồi. Dĩ nhiên là không ai tin, nhưng ít nhất nó cũng khá hơn câu để quên vở ở nhà. Tuy thế, dẫu cho nói thế nào thì cũng vẫn bị cho ăn hai con zéro, cuối tháng tha hồ mà giải thích với ông cụ khi trình học bạ lấy chữ ký, nếu không biết bắt chước, giả mạo chữ ký của ông cụ như những chàng trai thế hệ (?) khác.

Chó nào ăn bài tập làm ở nhà? Nhưng chó quả có ăn nhiều thứ rất lạ.

Cách đây hai hôm, trong phần tin tức buổi sáng của ABC, tin closer -- một bản tin thường có nội dung vui một chút, tạo chút "ấn tượng" cuối cùng còn lãng đãng với người nghe sau khi nghe xong tin tức --là chuyện một con chó nuốt mất chiếc nhẫn cưới mà chú rể định đeo cho cô dâu tại buổi lễ ở nhà thờ.

Con chó nuốt chiếc nhẫn thì nhiều người thấy, không thể lầm được, mà cũng không có chuyện chú rể nói dối cô dâu như khi bị giáo sư đòi xét vở bài tập.

Nhưng con chó không nhả ra, cho dù có dỗ dành cách mấy đi chăng nữa. Mà lễ cưới thì chỉ còn vài tiếng nữa sẽ diễn ra.

Chiếc nhẫn vào một đường, không thể ra cùng một đường đã dùng để đi vào. Nếu ra, chiếc nhẫn sẽ ra bằng đường khác. Mà cũng không dễ gì, muốn là ra ngay được.

Chiếc nhẫn đã ở trong dạ dầy cùng với nhiều thứ khác. Dạ dầy bóp, nghiền, nhào các thứ, tiết ra cường toan để tiêu đi. Nhưng chiếc nhẫn thì không thể tiêu hay nghiền bóp nát ra được. Nó sẽ tiến ra khỏi dạ dầy, vào ruột non, đoạn ruột luộc lên, ăn với lá húng rất ngon đó để các chất bổ dưỡng được hút ra nuôi cơ thể con chó. Lần nữa, chiếc nhẫn không bị sứt sát gì, vẫn còn nguyên viên kim cương to mà chú rể đã phải moi móc hết tiền bạc trong nhà mới mua được để đeo lên ngón tay áp út bàn tay trái của nàng. Khi không rút được gì từ cái vòng platine đó, cơ thể con chó sẽ đẩy chiếc nhẫn sang khúc ruột lớn hơn mà người ta hay nhồi mỡ, tiết, hạt tiêu, đậu phọng vào, nướng lên ăn với lá mơ, thứ lá miền Nam đặt cho cái tên hơi kỳ quái đó cùng với những thứ cặn bã khác để chờ khi chủ cột cái xích vào cổ, dẫn ra đường, lén tặng cho hàng xóm một bãi cho đáng đời thằng cha Á châu trung niên ghét chó ở sân cỏ đằng trước.

Con chó yêu quí lúc ấy hơi khuỵu chân sau xuống, mặt mũi đau khổ như ông Tố Hữu nghe tin Sít-ta-lin chết, thân run lên, và từng khúc ngắn được tống ra ngoài, rơi lăn lóc trên những lá cỏ.

Lúc ấy, chủ chiếc nhẫn mới đến bên đống cứt chó còn đang nóng hổi đó, lấy cái que, khều thật khéo, mắt không chớp, tìm cái vòng làm bằng platine và cục kim cương to có thể ném vỡ đầu con chó... Tìm thấy, lau qua cho sạch là có thể đem đeo vào tay cho nàng được.

Lý thuyết là như thế.

Nhưng để đón chiếc nhẫn chạy ra ngoài, đám cưới có thể sẽ phải hoãn lại. Mà có hoãn thì cũng không biết hoãn đến bao giờ, vì việc hoàn tất chu trình vận hành của chiếc nhẫn qua những khúc ruột ấy không thể biết là sẽ mất bao nhiêu thì giờ. Chỉ có cách phải bám sát con chó, chờ con chó rít lên, cào cửa, quíu cẳng lại đòi ra đường thì chạy theo mà thu hồi cái nhẫn.

Còn đám cưới? Ðám cưới vẫn phải diễn ra đúng ngày giờ. Khách khứa xa gần đã đến, không thể hoãn lại. Thế còn cái nhẫn, vật tượng trưng cho tình yêu của chàng dành cho nàng, vẫn phải có chứ.

Và bạn biết người đàn ông nhanh trí và đầy sáng tạo đó đã làm gì để có chiếc nhẫn tại đám cưới không? Chàng nhờ người đem con chó vào bệnh viện, đặt lên bàn, dùng máy quang tuyến chụp cái bụng nó. Tấm phim cho thấy rõ chiếc nhẫn trong bụng chó. Tấm phim được đem tới nhà thờ, và khi chàng tuyên bố: With this ring, I thee wed -- với chiếc nhẫn này, tao cưới mày ( theo kiểu dịch Anh Việt của người Việt tị nạn ở Mỹ), thì ring bearer, người mang chiếc nhẫn trao cho chú rể đeo vào tay cô dâu trong các lễ cưới ở đây, đưa ngay tấm phim cho cô dâu thấy... lòng thành của chú rể.

Con chó ăn mất chiếc nhẫn rồi. Bằng cớ đây. Ai mà giận được chàng.

Nhưng có điều sau khi lấy được chiếc nhẫn đeo cho nàng, có lẽ phải lâu lắm chàng mới dám hôn tay nàng, hôn ngón tay đeo nhẫn của nàng, hôn chiếc nhẫn chứng tích tình yêu của đôi ta.

Rửa cách mấy mà cứ nghĩ chuyến đi của nó từ đầu này sang đầu kia của con chó là lại thấy thoang thoảng mùi rất lạ.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 68)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 68 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, có một trường hợp QA thấy rất kỳ lạ. Tự nhiên khi không có ngay PAST TENSE của động từ TO HAVE mà không hề được dùng để nói về chuyện quá khứ gì hết. Đó là HAD RATHER. QA không thấy HAVE RATHER hay HAS RATHER bao giờ.

LÃM THÚY

Thúy cũng còn thấy động từ HAD BETTER nhưng không bao giờ nghe I HAVE BETTER hay SHE HAS BETTER. Bao giờ cũng là PAST TENSE của TO HAVE.

Xin anh cho biết tại sao lại có HAD, quá khứ của TO HAVE ngay như thế.

BBT

Hai cô thắc mắc rất đúng. Như cô QA nói, khi không có ngay HAD mà không có PAST TENSE gì hết. Nhưng đúng là như thế. Để tôi bắt đầu bằng HAD BETTER của cô Thúy và sẽ trở về với HAD RATHER của QA sau. Chúng ta luôn luôn dùng HAD BETTER, mà không bao giờ dùng HAVE hay HAS BETTER. Động từ này bao giờ cũng đi trước một động từ nguyên mẫu (INFINITIVE WITHOUT TO) để đưa ra một lời khuyên, một đề nghị.

QA

QA xin ngắt lời ông thầy ở đây. Nếu không dùng INFINITIVE WITHOUT TO thì người ta vẫn có đầy đủ các thì (TENSES) khác của TO HAVE chứ?

BBT

Đúng vậy. Nếu theo sau là một DANH TỪ thì chúng ta có động từ TO HAVE là một động từ thường, nghĩa là CÓ. Chúng ta được quyền dùng TO HAVE với các thì khác. Thí dụ nó HE SUGGESTS THE ZOO BUT I HAVE BETTER IDEAS. Cô Thúy cho một thí dụ với TO HAVE trong thì quá khứ coi.

LÃM THÚY

I WANTED MY SON TO GO TO BERKELEY BUT HE SAID HE HAD BETTER PLANS.

QA

I STILL THINK TOYOTA WILL HAVE BETTER CARS IN 2012.

BBT

Trong các thí dụ kể trên, hai cô đã dùng thì quá khứ và thì tương lai với TO HAVE. Hai cô đã hiểu TO HAVE đó khác với HAD BETTER mà chúng ta sắp nói. Như vậy chúng ta có thể gạt trường hợp HAVE BETTER +DANH TỪ sang một bên để nói về HAD BETTER. Hai cô đều biết HAD BETTER chỉ có một thì duy nhất là HAD. Không quá khứ tương lai gì hết. Và theo sau bao giờ cũng là một động từ nguyên mẫu không có TO.

HAD BETTER được dùng để đưa ra một lời khuyên. Một lời khuyên vào lúc này, hay một lời khuyên cho tương lai. Nhưng bao giờ cũng là HAD BETTER.

Thí dụ nói trời sắp mưa rồi, chúng ta nên đi về. Cô Lãm Thúy sẽ nói thế nào? Nhớ đây là lời khuyên cho lúc này, bây giờ, không ở trong quá khứ vì giản dị là chúng ta không thể đưa ra một lời khuyên cho quá khứ, trong thời gian đã qua.

LÃM THÚY

IT IS GOING TO RAIN. WE HAD BETTER GO HOME NOW.

QA

Như vậy, lời khuyên được đưa ra cho lúc này. Nhưng vẫn phải là HAD BETTER. QA có thể đưa ra một lời khuyên cho tương lai và cũng dùng HAD BETTER được phải không thưa anh? Thí dụ WE HAD BETTER LEAVE EARLY FOR THE AIRPORT TONIGHT.

BBT

Cám ơn hai cô. Bây giờ chúng ta dùng thử HAD BETTER trong thể hỏi coi ra sao. Thí dụ hai cô muốn hỏi, muốn biết phía bên kia có nên làm một chuyện này hay một chuyện nọ, mà những chuyện đó đều là những chuyện nên làm, cần làm, làm thì tốt, hai cô sẽ nói thế nào. Cô QA đổi thử câu này sang thể hỏi, thành câu hỏi coi: THEY HAD BETTER SAVE FOR THEIR RETIREMENT NOW.

QA

QA nghĩ là cứ thay đổi vị trí của CHỦ TỪ và HAD là được, là thành câu hỏi ngay: HAD THEY BETTER SAVE FOR THEIR RETIREMENT NOW? Câu này là câu QA có thể dùng ngay chiều nay để nói với con trai: HAD YOU BETTER STAY HOME AND STUDY FOR THE TEST?

BBT

Đúng vậy. Còn cô Thúy, cho nghe một câu hỏi với HAD BETTER coi.

LÃM THÚY

I KNOW HE HAD BETTER GO ON A DIET AND LOSE SOME WEIGHT. BUT HAD HE BETTER ASK HIS DOCTOR FIRST?

BBT

Cám ơn cô, vừa dùng cả AFFIRMATIVE lẫn INTERROGATIVE trong có một thí dụ. Bây giờ qua thể PHỦ ĐỊNH của HAD BETTER. Dễ thôi. Cứ thêm NOT vào sau BETTER là được. QA còn nhớ mấy câu trong bài hát chúng ta nghe suốt mấy tuần trước Giáng Sinh không?

QA

QA nhớ mấy bài hát này vì QA cũng dùng mấy câu trong bài để nhắc mấy đứa con hồi tụi nó còn nhỏ:

YOU ‘D BETTER WATCH OUT, YOU’D BETTER NOT POUT, YOU’D BETTER NOT CRY, I’M TELLING YOU WHY: SANTA CLAUS IS COMING TO TOWN

LÃM THÚY

Như vậy thì HAD BETTER cũng giống như SHOULD phải không anh?

BBT

Thực ra thì có khác một chút thôi. Các nhà van phạm nói là nếu đưa ra một lời khuyên chung chung thì chúng ta dùng HAD BETTER nhưng nếu muốn đưa ra một lời khuyên đặc biệt rõ ràng nào đó thì chúng ta dùng SHOULD.

Bây giờ hỏi hai cô trong mấy câu này, chúng ta dùng HAD BETTER hay SHOULD. Thí dụ nói chúng ta nên đầu tư vào địa ốc. Cô QA?

QA

Đây là một lời khuyên có tính cách tổng quát, chung chung. Vậy thì QA nghĩ chúng ta dùng HAD BETTER. WE HAD BETTER INVEST IN REAL ESTATE.

BBT

Cô Lãm Thúy cho nghe một lời khuyên đặc biệt chứ không tổng quát hay chung chung như thí dụ của cô QA coi.

LÃM THÚY

YOU SHOULD BUY THIS PROPERTY. Câu của QA là câu khuyên chung chung nên QA dùng HAD BETTER. Thúy dùng SHOULD mà không dùng HAD BETTER vì lời đề nghị, lời khuyên của Thúy là nhắm đặc biệt vào căn nhà mà Thúy dẫn người bạn đi coi.

BBT

HAD BETTER nghĩa là NÊN trong tiếng Việt. HAD BETTER được dùng trong trường hợp chúng ta đưa ra một lời khuyên. Nó không đưa ra một lựa chọn hay so sánh nào cả. HAD BETTER được dùng để đưa ra một lời khuyên, một lời đề nghị. Ở Mỹ, hồi những năm 1950 khi người Mỹ chống Cộng quyết liệt nhất, người ta hay nói câu này: BETTER DEAD THAN RED, nghĩa là thà chết còn hơn là để cho bị nhuộm đỏ. Thực ra, câu này là của bộ trưởng tuyên truyền của Hitler là Joseph Goebbels đưa ra khi ông tìm cách vận động quân đội và dân chúng Đức chống lại Hồng quân Liên Xô lúc ấy đang tiến về Bá Linh vào lúc trận đệ nhị thế chiến sắp tàn.

QA

Nhưng khi muốn đưa ra một lựa chọn thì chúng ta nói như thế nào?

BBT

Khi muốn nói NÊN THÌ HƠN hay THÀ RẰNG, chúng ta dùng HAD RATHER.

LÃM THÚY

Lại thêm một trường hợp khi không có PAST TENSE của động từ TO HAVE phải không thưa anh?

BBT

Đúng vậy. Có những lúc chúng ta được bầy ra những lựa chọn. Khi chúng ta chọn lấy một điều để làm, thì như thế là chúng ta thích điều đó, nên làm điều đó hơn là điều kia. Đó là lúc chúng ta cần tới HAD RATHER.

Thường thường khi nói, người ta nói tắt HAD thành I’D, YOU’D, HE’D, SHE’D, WE’D, THEY’D RATHER. Rất ít khi nói rõ ra thành I HAD RATHER hay YOU HAD RATHER.

Và cũng như HAD BETTER, sau HAD RATHER, chúng ta cũng dùng một động từ nguyên mẫu không có TO (INFINITIVE WITHOUT TO).

Cô QA, có người mời cô đi ăn. Cô được lựa chọn giữa cơm Thái và cơm Nhật. Cô thích cơm Thái hay cơm Nhật? Cô lựa đi ăn ở đâu thì nói bằng tiếng Anh coi.

QA

I’D RATHER GO TO A THAI RESTAURANT.

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

I’D RATHER HAVE SUSHI.

Bây giờ cúng ta thêm một chút nữa vào hai câu trên cho rõ. Khi nói tôi thích ăn cơm Thái thì cũng đủ rồi. Nhưng nếu muốn nói tôi thích cơm Thái HƠN LÀ cơm Nhật thì chúng ta thêm THAN và danh từ mà chúng ta không chọn đó. I’D RATHER GO TO A THAI RESTAURANT THAN… Cô QA nói hết câu cho tôi coi.

QA

I ‘D RATHER GO TO A THAI RESTAURANT THAN A JAPANESE SUSHI BAR.

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

I’D RATHER HAVE SUSHI THAN PAT THAI.

BBT

Cám ơn hai cô. Đố hai cô biết ai nói câu này: I’D RATHER BE A GOSH IN MY OWN COUNTRY THAN A KING OF THE NORTH.

LÃM THÚY

Trần Bình Trọng phải không anh? Thà làm quỷ nước Nam còn hơn là làm vương đất Bắc…

BBT

Đúng. Thế còn ai viết câu này, cô QA: I’D RATHER BE A RAIN DROP FALLING ON A STONE STATUE

QA

Thà như giọt mưa rớt trên tượng đá … Nguyễn Tất Nhiên

BBT

Bây giờ qua thể hỏi của I’D RATHER. Dễ lắm. Cô Lãm Thúy biết đổi thành thể hỏi chứ?

LÃM THÚY

Thúy hay phải đưa ra những câu hỏi như thế với lũ con nên chắc nói phải đúng: HAD YOU RATHER HAVE TOAST OR CEREAL? HAD SHE RATHER GO TO IRVINE UNIVERSITY OR RIVERSIDE?

BBT

Đúng lắm. Hai cô nhớ là trong thể hỏi, chúng ta dùng OR chứ không dùng THAN vì lúc ấy đã lựa chọn xong đâu mà đã HƠN LÀ thế này hay thế kia. Cô QA.

QA

HAD SHE RATHER BUY A NEW DRESS OR A NEW PAIR OF SHOES? HAD WE RATHER VISIT PARIS OR LONDON ON THIS TRIP?

BBT

HAD RATHER NOT là không nên. Thí dụ nói chúng ta không nên đi nghỉ ở Mexico trong lúc này thì Lãm Thúy nói tiếng Anh thế nào?

LÃM THÚY

WE’D RATHER NOT TRAVEL TO MEXICO AT THIS TIME.

BBT

Mời cô QA cho nghe thí dụ của cô.

QA

WHILE IN MEXICO, WE’D RATHER NOT EAT FOODS SOLD IN THE STREET. Đến đây thì QA hiểu câu ông hàng xóm nhà QA dán trên cản xe của ông. QA đọc thấy câu này: I’D RATHER GO FISHING. QA thấy từ cả năm nay mà không biết ông ta muốn nói gì. Nay thì QA hiểu. Ông muốn nói là ông thà đi câu, còn hơn là đẩy xe cắt cỏ, rửa xe cho vợ, dọn cái sân vườn sau… mà không tiện hay cũng có thể là không dám nói hẳn ra.

BBT

Nhân cô QA nói chuyện ông hàng xóm. Cô cho biết nếu viết đầy đủ ra thì ông ấy phải nói thế nào?

QA

QA nghĩ ông ấy đáng lẽ ra phải viết thế này: I’D RATHER GO FISHING THAN MOWING THE LAWN, (THAN) WASHING THE CAR FOR MY WIFE, (THAN) CLEANING UP THE BACK YARD…

BBT

Nhưng vì cái bumper sticker dán trên cản xe quá nhỏ nên viết đầy đủ ra không vừa. Và cũng phải để lại một nửa cho tôi còn có chuyện để nói trong bài hôm nay nữa chứ.

Vẫn nói tiếp về HAD RATHER, tôi xin nhắc thêm một điều này nữa. Đó là người ta có thể nói WOULD RATHER thay vì HAD RATHER mà ý nghĩa không khác gì nhau hết.

I’D RATHER STAY HOME THAN GOING OUT IN THIS WEATHER.

Hay nói là I WOULD RATHER STAY HOME THAN GOING OUT IN THIS WEATHER.

I WOULD nói và viết tắt cũng là I’D; YOU’D; HE’D; SHE’D; WE’D; THEY’D hệt như I HAD; YOU HAD…

nên khi nói, thì I HAD và I WOULD nghe hệt như nhau.

QA

Vậy thì làm sao phân biệt lúc nào là HAD lúc nào là WOULD?

BBT

Dễ thôi. Nếu đi sau là một DANH TỪ thì phải là HAD. Nếu là một PAST PARTICIPLE thì phải là HAD. Nếu là một động từ chưa chia không có TO (INFINITIVE WITHOUT TO) thì là WOULD. Nhưng tại sao phải tìm lối đoạn trường mà đi vì I’D có thể là I HAD và cũng có thể là I WOULD, ý nghĩa không khác nhau thì tìm cách phân biệt làm gì.

LÃM THÚY

Anh cho Thúy hỏi HAD SOONER có giống như HAD RATHER và WOULD RATHER không?

BBT

Cám ơn cô Lãm Thúy. Suýt nữa thì tôi quên. Cám ơn cô nhắc tôi. Đúng thế. HAD SOONER cũng cùng nghĩa với HAD RATHER. Thí dụ I HAD SOONER TALK TO MY KNEES thì cũng như nói I HAD RATHER TALK TO MY KNEES hay I WOULD RATHER TALK TO MY KNEES.

QA

Xin lỗi anh, câu anh vừa nói nghĩa là gì vậy?

BBT

Nghĩa là thà vạch đầu gối ra nói chuyện còn hơn. Nam Kỳ chắc không nói như thế. Mà Mỹ cũng không. Tôi đặt ra nói chơi vậy thôi. Hai cô đừng đem về nói với các con ở nhà. Thôi, I WOULD RATHER STOP HERE THAN GOING ON AND ON, FOR EVER AND EVER. WE HAD BETTER GO AND GRAB A BITE

QA

Thưa quí vị, đó là kết thúc bài học thứ 68. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Chu Tuấn, Annandale, Virginia

Tần Hoài (… Ai luyến ai ca tiếc khúc ca Tần Hoài…) trong ca khúc Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước là tên một con sông dẫn từ một bài thơ của Đỗ Mục, bài Bạc Tần Hoài.

Bạc Tần Hoài là đậu thuyền ở sông Tần Hoài:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

Tần Hoài là tên một con sông ở Giang Tô. Bài thơ viết về một đêm neo thuyền trên sông Tần Hoài gần một quán rượu trong một đêm khói lan trên sông, trăng đậu trên bãi cát. Những người ca kỹ không biết đến mối hận mất nước nên ở bên kia sông vẫn hát khúc Hậu Đình Hoa, một khúc hát viết trong bữa tiệc của vua Trần Hậu Chủ và Trương Quí Phi trong thời Nam Bắc triều.

Dương Thiệu Tước dùng những chữ "tiếng hát Tần Hoài" để nhắc lại một thời quá khứ của cố đô Huế lúc ấy không còn nữa.

Han dao, daomyhan@yahoo.com

Bạc Liêu là xứ cơ cầu
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu

Hai chữ "cơ cầu" có ít nhất hai cách giải nghĩa khác nhau nhưng không có nghĩa nào có thể dùng để giải thích cho hai chữ "cơ cầu" trong hai câu của bài Bạc Liêu Hoài Cổ dẫn ở trên.

Theo một cách giải thích thì "cơ" nghĩa là cái thúng; "cầu" là áo da cầu. Con cháu nối nghiệp ông cha thì gọi là cơ cầu. Con gia đình đan thúng thì nối nghề làm thúng; con nhà may áo cầu thì cũng làm nghề may áo cầu, có thể không giỏi, không tinh xảo bằng cha ông nhưng cũng cố theo nghiệp cũ.

Theo một cách giải thích khác thì cơ cầu nghĩa là ác nghiệt: Miếng ăn nhớ lâu, điều cơ cầu nhớ dai.

Trong ca khúc Đêm Ngắn Tình Dài của Dương Thiệu Tước có một đoạn như sau:

Còn một tối gần bên nhau
Giòng thời gian khéo cơ cầu
Rồi đêm trắng như vó câu
Giờ êm ấm còn thấy đâu

Cơ cầu trong đoạn này có thể hiểu là thời gian rất độc ác không kéo dài được lúc ở gần nhau. Nhưng "cơ cầu" trong bài Bạc Liêu Hoài Cổ thì không thể hiểu như trong các cách định nghĩa của các tự điển Đào Duy Anh, Khai Trí Tiến Đức và Lê Văn Đức.

Có phải vì thế mà các tự điển của Nguyễn Văn Khôn và Trần Văn Kiệm đều "né" hai chữ "cơ cầu" không?

Đá vàng, hay vàng đá là nguyên từ hai chữ kim thạch trong chữ Hán. Ngày xưa công trạng của những người có công, các vĩ nhân thường được ghi lại bằng cách khắc trên những quả chuông bằng kim loại và những chiếc khánh bằng đá. Kim thạch hay đá vàng về sau được hiểu là bền vững, không thay đổi, không phai nhạt. Trong tình yêu là sắt son, bền chắc.

Nghĩa hay tình đá vàng là tình yêu bền vững.

Chơi trống bỏi là thành ngữ chỉ những người đàn ông cao tuổi mà còn có đào non, vợ trẻ.

Trống bỏi là một món đồ chơi của trẻ con. Trống bỏi là một chiếc trống nhỏ có hai mặt. Tang trống có gắn hai sợi dây. Đầu những sợi dây có gắn hai cục bi tròn. Khi trống được vật qua, vật lại thì hai cục tròn gõ liên tiếp vào mặt trống. Già có vợ trẻ hầu non thì cũng như là già mà còn chơi đồ chơi của trẻ con.

Già nhân ngãi, non vợ chồng là liên hệ không chính thức, không có hôn thư giá thú nhưng hai người sống với nhau hệt như vợ chồng thật, mà vẫn lại không là vợ chồng.

Tự điển Lê Văn Đức giải nghĩa "già nhân ngãi non vợ chồng" là tán tỉnh với lời lẽ văn hoa chỉ cốt để nếm cho được mùi hoa chứ không tính chuyện vợ chồng hẳn hoi. Giải thích này nghe không xuôi lắm.

Nhân nghĩa còn đọc là nhân ngãi.

Nhân ngãi (ở sao có ngãi có nghì thì thôi) ngoài nghĩa là lòng ngay thẳng biết thương người, còn có nghĩa là nhân tình, người tình. Nhưng nhân nghĩa thì lại không có nghĩa là người tình.

Nhân ngãi mang nhiều chất lóng hơn là nhân tình, và thường thì không đứng một mình. Bao giờ cũng là "nhân tình, nhân ngãi" để nói chung, để nói về số nhiều, hay về liên hệ không chính thức, không nặng lắm.

Già nhân ngãi non vợ chồng là liên hệ giữa một người nam và một người nữ trông thì tưởng là vợ chồng nhưng thực ra chỉ là tình nhân.

Một thính giả ở Houston

Công giáo, theo định nghĩa của Đào Duy Anh ở trang 118 Hán Việt Từ Điển, là tôn giáo được quốc gia thừa nhận (réligion officielle). Xin nói rõ để khỏi bị tố là làm nhục, lăng mạ tổ tiên (?), báng bổ tôn giáo như một lần trước, khi người phụ trách mục này chép lại định nghĩa ở trên của cụ Đào.

Nguyễn Thành Bửu, Glendale, California

Ngán thay đồng bạc con cò
Tiết trong, giá trắng đen mò vì mi
(ca dao)

Đồng bạc con cò, theo cụ Vương Hồng Sển, là đồng tiền của Mễ Tây Cơ mà người Pháp đem dùng ở Việt Nam khi họ mới đô hộ Việt Nam và chưa in được tiền để tiêu ở Việt Nam.

Chén khuyên (vài tuần chưa cạn chén khuyên / Kiều) là chén rượu tiễn biệt. Khuyên còn đọc là khuyến như khuyến khích, khuyến mãi.

Chén khuyên là chữ lấy từ thơ của Vương Duy:

Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân

(mời người cạn một chén rượu / Đi phía tây tới Dương Quan không có bạn bè)

Dương Quan là tên một cửa ải ở Cam Túc. Dương Quan được dùng để nói về sự tiễn biệt: Loi thoi tơ liễu mấy cành Dương Quan (Kiều)

HAYWIRE là mát dây thí dụ trong câu "He went haywire!"