April 8, 2010

April 9, 2010

Ngày 5 tháng 4 năm 2010

Bạn ta,

Trong suốt hơn 30 năm qua, tôi cứ tưởng đã tìm được bà cố tổ của tôi -- thực ra, bà cũng là bà cố tổ của cả bạn nữa -- nơi người phụ nữ mà các nhà khảo cổ đặt cho cái tên khá tối tân là Lucy, khi Donald Johanson và toán phụ tá làm việc chung với ông tìm được sọ của nàng ở một bờ sông thuộc Ethiopia.

Lucy nằm chết trên một bến cát đã hóa thạch, còn in nguyên những dấu chân của nàng sau một chuyến đi có lẽ là nhọc nhằn lắm. Buổi chiều của 3 triệu 200 ngàn năm trước vẫn còn nóng bên bờ sông, cây cối xác xơ trơ trụi lá như những vết tích tìm được trong các phiến đá cho thấy.

Lucy có cái đầu nhỏ, bộ óc cũng nhỏ, răng to, mặt phẳng, khác hẳn những anh chị em họ xa là loài hắc tinh tinh và đười ươi sống quanh đó với cái trán hẹp, vẹt về phía sau, phần hàm to, xoải ra phía trước. Theo bức chân dung do một họa sĩ dựa trên những mô tả của các nhà nhân chủng học vẽ lại, nàng trông thảm lắm, nên mãi một hồi sau tôi mới đủ can đảm nhận là có liên hệ họ tộc với nàng. Buổi sáng đứng... trang điểm trong buồng tắm, thật khó mà có thể tin rằng tấm nhan sắc nhìn thấy trong gương như thế lại là giòng giõi của Lucy, một người đàn bà tay dài gần chấm đầu gối, hai chân ngắn, cặp vú mướp teo tóp sẵn sàng lăng mạ những kích thước và kiểu cách của các sản phẩm trong những cuốn catalogue mà Victoria's Secret không biết vì lý do gì cứ gửi mãi đến địa chỉ của tôi sau hai ba lần dọn nhà.

Lucy chỉ còn có cái sọ. Những khúc xương khác của nàng có thể đã bị sư tử, linh cẩu tha đi gặm ở những nơi khác. Hay cũng có thể gia đình nàng chẻ ra lấy tủy ăn cho khỏe.

Chiếc sọ của Lucy đưa tới một thuyết cho rằng giống Ardipithecus ramidus là thủy tổ của chúng ta, và từ Ethiopia, khu vực thường được gọi là cái sừng của Phi châu, tổ tiên chúng ta đã ra đi khắp nơi trên thế giới. Vừa đi vừa đẻ, hồi sau thì đến vùng Vân Nam, Lạng Sơn, Cao Bằng để thành chúng ta ngày nay...

Mấy năm trước, tôi cứ tưởng tượng một ông già lem luốc chân lấm tay bùn ở đâu đó tại Bắc Trung Việt một hôm quyết định đi về phía Bắc và lập ra giòng họ chúng tôi. Phải mất nhiều ngày tôi mới dám nhận cụ là họ hàng liên hệ với mình. Nhưng cụ thì chắc dễ nhận họ hàng với một người tóc tai, quần áo không đến nỗi nào như tôi.

Chúng tôi vừa nhận được ra nhau , đang vui với cụ, nỗi vui mừng thiết lập được liên hệ họ tộc sau bao nhiêu khó khăn, thì các nhà nhân chủng và khảo cổ lại đưa ra Lucy thì có chán không. Làm sao dám nghĩ nàng, trông vẫn giống khỉ hơn là giống loài homo sapiens ngày nay, lại là tổ tiên của chúng ta.

Nhưng rồi sau khi an ủi rằng hồi đó làm gì có các thẩm mỹ viện của các ma-đam để vào căng, kéo. bơm, hút... được như phụ nữ ngày nay, mà Lucy trông đã như thế thì thực ra đã là khá lắm rồi, đòi hỏi chi nhiều, gây khó khăn cho Lucy! Nên tôi đã vui vẻ nhận Lucy, người phụ nữ giống khỉ ấy làm bà cố tổ. Còn đang vui với niềm an ủi ấy, thì gia đình khảo cổ và nhân chủng học Richard Leaky cho biết Lucy vẫn chưa phải là bà cố tổ của tôi và của bạn. Cái sọ mới tìm ra ở Kenya mới là ông cố tổ của chúng ta. Lucy chỉ là hậu duệ của người đàn ông thuộc giống Australopithecus anamesis. Chính người đàn ông sống cách đây 3 triệu 500 ngàn năm mới là tổ tiên của chúng ta. Cái sọ vỡ nát như quả trứng gà bị những bánh xe bus chạy cán qua cán lại nhiều lần được chắp lại, và dựa trên những mảnh xương sọ này, tuy óc vẫn nhỏ như Lucy, nhưng răng lại nhỏ hơn, tôi vẫn khó có thể tin người đàn ông thô lậu, xấu trai này là tổ tiên của chúng ta.

Tưởng tượng trên người ông là tấm da dê, tay lăm lăm cục đá để ném mấy con thú đem về cho mẹ cháu ăn chiều, nói năng kỳ lạ, không ra tiếng, chỉ là vài âm thanh khọt khẹt, tóc tai, râu ria bù xù cả mấy tháng không tắm gội, thỉnh thoảng lại gãi rột rột, đầu chỉ nghĩ được mấy miếng thịt rừng đã có mùi ở một hốc núi nào đó và món quà (niềm vui truyền giống) bố cháu định tặng cho mẹ cháu đang nằm chờ ở cái ổ rơm... thì nản biết là chừng nào. Không văn học nghệ thuật chút nào hết có nản chí bầu cua không cơ chứ.

Nhưng biết đâu nhờ những hình ảnh mà các nhà khảo cổ dựng lại về Lucy và và về người đàn ông mới tìm được này, các bố cháu của ngày hôm nay bỗng thấy các mẹ cháu đẹp một cách não nùng, và các mẹ cháu thì chợt thấy các bố cháu trông cũng không đến nỗi nào.

Mấy cục hột soàn nặng chình chịch kéo cái tay dài xuống gần chạm đầu gối là dấu hiệu của sự giầu sang, tiền bạc chứ không hề là nét thừa hưởng của Lucy và người đàn ông ở Kenya bao giờ.

Nên các bố cháu có ăn nói như chó cắn ma, thì các mẹ cháu cũng chẳng nên đòi hỏi chi nhiều. So với người đàn ông ở Kenya, các bố cháu như thế là được lắm rồi. Còn các mẹ cháu thì cũng hơn Lucy... mấy lần ấy chứ.


Ngày 6 tháng 4 năm 2010

Bn ta,

Hồi mới sang Mỹ, chiếc xe đầu tiên tôi mua là chiếc Volkswagen Beetle của một ông già ở gần nhà bán lại với giá rất nhân nhượng.

Chiếc xe mới chạy chưa tới hai chục ngàn dặm, máy móc còn rất tốt. Chủ cũ ghi đầy đủ những lần thay nhớt, sửa chữa cho chiếc xe, chi li không thiếu bất cứ chi tiết nào. Ông là người rất cẩn thận. Ông gượng nhẹ với chiếc xe, giữ gìn nó, tôi chưa thấy ai đi xe kỹ như thế. Bán nó cho tôi rồi, khi giao xe, ông còn căn dặn đủ chuyện như nên dùng xăng của hãng nào, bảo trì đúng ngày, ở đâu, đừng mạnh chân, mạnh tay với nó quá, vân vân. Mãi rồi tôi mới lái được nó ra khỏi sân nhà ông.

Sau đó, thỉnh thoảng gặp tôi đi bộ qua nhà để mua tờ báo cuối tuần, ông lại hỏi thăm nó, và lần nào tôi cũng cám ơn ông đã giữ nó cẩn thận cho tôi được... nhờ. Hai năm sau, tôi bán chiếc Beetle đi, mua chiếc xe mới. Ông có vẻ không vui, mỗi lần gặp tôi, ông không còn thăm hỏi vồn vã như trước nữa.

Chiếc Beetle ông bán lại cho tôi là một chiếc xe tốt. Tôi thành thực cám ơn ông chứ không phải chỉ gặp ông mới nói ra điều ấy cho ông vui.

Tôi rất biết ơn ông đã giữ nó cẩn thận để tôi được nó giúp đỡ trong suốt hai năm mà không gây phiền nhiễu khó khăn gì. Có lúc tôi nghĩ nếu không thỉnh thoảng gặp ông, có thể tôi phải viết cho ông vài dòng để nói là cái xe của ông tốt với tôi ra sao và cám ơn ông.

Bây giờ, nghĩ lại, có thể đối với ông, tôi làm điều đó được, nhưng với những người khác, liệu tôi có làm được công việc đó hay không? Tôi nghĩ là không.

Trong hai mươi mấy năm qua, tôi cũng thay xe bao nhiêu lần. Có cái rất tốt nhưng cũng có cái làm khổ tôi biết là bao nhiêu. Cái Pinto với đủ các thứ bệnh chẳng hạn. Hay cái Chevrolet Nova uống xăng như uống nước lã, hết hư cái này, lại hỏng cái kia, đủ mọi thứ rắc rối.

Những cái xe đó, tôi đành phải bán đi, kiếm cái khác. Nhưng biết đâu như người Anh vẫn nói, thuốc bổ của người này là thuốc độc của người khác, tôi khốn khổ với cái Pinto và cái Nova nhưng có thể những người mua lại chúng lại hoàn toàn vui vẻ với chúng thì sao?

Như người đàn ông El Salvador mua lại chiếc Nova của tôi. Ông ta hí hửng ra mặt. Vài tháng sau tình cờ trông thấy ông lái nó ngoài đường, chiếc nắp thùng sau của nó đã có dán lá cờ El Salvador mầu xanh trắng để che vết trầy trong một tai nạn nhỏ trước đó. Ông rõ ràng là vui vẻ với chai... thuốc độc của tôi. Nếu ông cám ơn tôi, thì tôi biết nói gì?

Chẳng lẽ dừng xe, mở nắp máy ra, chỉ đủ mọi chứng tật của nó? Hay cười sung sướng nhận ngay rằng chiếc xe bán cho ông là chiếc xe tốt không thua gì chiếc Lexus của bạn.

May quá, tôi không bị đẩy vào hai trường hợp khó xử như vậy.

Tôi nhớ đến mấy cái xe cũ này vì một người bạn của tôi ở đây có ý định viết thư cho chủ "chiếc xe cũ" mà ông vừa mua được, cám ơn ông vì nhờ ông chán "chiếc xe cũ", quyết định... bỏ nó, nên bạn tôi mới có cái may mua được "chiếc xe cũ" đó.

Tôi nói với bạn tôi rằng viết lá thư đó có thể làm cho "chiếc xe cũ" vui lòng, cho "chiếc xe cũ" thấy là ông rất mừng có được nó. Nó có thể là thuốc độc của người chủ cũ nhưng nó là thuốc bổ, thuốc tiên, thuốc trị bá chứng, thần dược của bạn tôi.

Nhưng lỡ người chủ không vui, bức thư khơi lại đủ mọi vết thương lòng của ông, ông nổi giận tam bành lục tặc lên, kiếm bạn tôi gây sự cho một trận thậm tệ, rồi đưa ra một phúc trình như của bộ ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền ở Hoa lục có biết nó là quả chanh (a lemon, tiếng Anh để chỉ cái xe năm chứng, mười tật) chạy thì bữa được, bữa không, nay đòi vào gara tu bổ cái này, mai đòi sơn sửa, nâng, căng, bơm, hút cái khác, máy (?) thì dai như hủ tiếu lúc tắt vẫn còn rú lên một lúc mới thôi, còi thì... to, cả xóm nghe mệt nghỉ... rằng vui với nó, "chiếc xe cũ", thì cứ vui, không cần phải cám ơn cám huệ gì hết... thì sao?

Do đó, không nên viết một bức thư như thế. Ðâu phải ai cũng như ông chủ cũ của chiếc Volkswagen Beetle đâu.

Mà biết đâu ông già gần nhà chỉ là cố tình nói tốt cho cái Beetle cũ của ông cho tôi vui bụng, yên trí với nó, một trường hợp cả trăm ngàn mới có một. Chứ những ông, bà chủ xe cũ, nhất là các bà, thì làm sao nói tốt cho "chiếc xe cũ" mà bà đã thải ra đường, đã quăng đi không thương tiếc được?

Những trường hợp đó, những trường hợp nói xấu "chiếc xe cũ" thì kể sao cho hết.

Trong khi trong rất nhiều trường hợp, chính người chủ sau của "chiếc xe cũ" đã biến nó thành chiếc xe rất tốt nhờ chăm sóc nó cẩn thận, nhẹ tay với nó, yêu nó, bảo trì nó đúng hạn... thì sao?

Thế thì tại sao phải viết thư cám ơn chủ cũ? Tha... đánh kẻ hành hạ "chiếc xe cũ" là may rồi mới phải chứ!


Ngày 7 tháng 4 năm 2010

Bạn ta,

Khi ông Vicente Fox lên cầm quyền ở Mễ Tây Cơ sau khi phá vỡ được sự liền lạc mấy chục năm cầm quyền của đảng Partido Revolucionario Institucional. Ông là người đầu tiên không thuộc đảng này lên nắm chức vụ cao nhất Mễ Tây Cơ từ khi đảng PRI ra đời năm 1929.

Nhiều người cho rằng ông đem được một luồng gió mới, sạch sẽ và sinh động vào các sinh hoạt chính trị ở Mễ Tây Cơ.

Ðiều đó có thể đúng.

Nhưng người dân Mễ Tây Cơ, sau khi có được tổng thống mới không thuộc đảng PRI, vẫn tiếp tục vượt biên giới phía bắc để vào nước Mỹ, bỏ trốn cái nghèo khốn khó ở xứ của họ. Việc ông Vicente Fox lên làm tổng thống chưa thuyết phục được người dân ở lại với quê hương. Họ vẫn lên đường vượt sông Rio Grande, vượt sa mạc nắng cháy lưng, đào hầm qua biên giới... Những chuyến đi như thế không phải chuyến nào cũng thành công, không phải chuyến nào cũng giúp người ta kiếm được việc rửa chén ở Little Saigon, học nói tiếng Việt ở những tiệm phở Việt Nam để vài ba năm sau về Mễ Tây Cơ xí xố vài câu tiếng Việt do những ông bà khách sai lấy hành giấm, ớt bột, tương đen... dậy cho.

Nhiều người đã chết ở dọc đường. Năm ngoái, 369 người đã bỏ mạng trong những chuyến vượt biên giới vào Mỹ bất hợp pháp, hầu hết vì đói và khát.

Chính phủ Mễ đã làm gì để tránh cho người dân những cái chết như thế?

Cải thiện đời sống trong nước để dân chúng không phải đi kiếm sống ở nước ngoài? Khó quá.

Can thiệp với Hoa kỳ để Hoa kỳ mở biên giới cho dân Mễ qua lại tự do? Chắc không bao giờ chuyện như vậy xẩy ra.

Vậy thì chỉ còn cách là giúp những người vượt biên lậu những phương tiện để họ khỏi bỏ mạng dọc đường.

Ông Juan Hernandez, người cầm đầu văn phòng trợ giúp di dân của tổng thống Vicente Fox đã có một sáng kiến khá độc đáo. Văn phòng của ông dự tính chi một số tiền tương đương với khoảng hai triệu Mỹ kim để mua hai trăm ngàn chiếc hộp đựng mấy thứ cần dùng tặng cho những người dự tính vượt biên giới nhập cảnh lậu vào Hoa kỳ.

Những chiếc hộp này đã được đặt cho cái tên là hộp hạnh phúc (Happy Box) theo tờ tuần san The Economist.

Mỗi chiếc hộp như thế có đựng vài viên thuốc cảm mạo, băng keo, nước, thực phẩm để giúp những chuyến băng qua sa mạc giữa biên giới hai nước.

Nhưng tại sao lại có cả 25 chiếc bao cao su ngừa thai?

Vùng biên giới ít mưa mà tại sao lại 25 cái áo mưa?

Trời không mưa, anh vẫn mặc áo mưa?

Ừ thì qua sa mạc, cần nước. Trời nắng đại hạn thì cần thuốc cảm, nhức đầu. Ðói thì cần thức ăn. Nhưng tại sao lại 25 cái áo mưa?

Ông Juan Hernadez có quá lo xa cho những người vượt biên lậu không?

Ði một chuyến như thế, một đằng lo đường xa dặm thẳm, đồi núi chập chùng, sông to nước cả, sa mạc ngày nóng đêm lạnh, qua biên giới thì sợ cảnh sát, nhân viên di trú Mỹ, lúc nào là lúc dùng mấy cái áo mưa đó?

Ðầu óc, bụng dạ đâu để mà nghĩ tới việc dùng những cái áo mưa đựng trong hộp?

Có đi thoát được sang bên này biên giới Mỹ thì cũng phải khôn hồn chạy thục mạng đến Little Saigon lo kiếm việc chứ ở đó mà cười ngỏn ngoẻn với 25 cái áo mưa mời ông đi qua bà đi lại cho dùng thử.

Hay là người Mễ giỏi hơn chúng ta?

Hay là ông Juan Hernadez cảm thương cho nước Mỹ đang lo điên cuồng vì theo cuộc kiểm kê dân số mới nhất, số dân Hispanic đã vượt quá số dân Mỹ da đen, và kèm vào cái hộp hạnh phúc đó 25 chiếc áo mưa để giúp ngăn chặn bớt mức gia tăng của khối dân Hispanic mà Mễ Tây Cơ cũng đóng góp một phần không nhỏ.

Nhưng phải nói rằng lo cho dân, có lẽ không ai bằng chính phủ của ông Vicente Fox. Những người bỏ nước ra đi cũng vẫn được lo lắng như vậy thì còn nước nào xứng đáng ở lại hơn là Mễ Tây Cơ?

Nhưng tại sao lại vẫn cứ bỏ đi sang Mỹ... học tiếng Việt?


Ngày 8 tháng 4 năm 2010

Bạn ta,

Số chữ Hán của tôi, như bạn biết, theo lối nói của các cụ ngày xưa, đựng không đầy một chiếc lá mít. Nghĩa là ít lắm, nhưng chữ nào đã biết rồi thì không thể chữ "tác" đánh chữ "tộ", chữ "ngộ" đánh chữ "quá" được.

Nhất định không có chuyện lầm lẫn như những người nhiều chữ. Lý do là phải biết cả chữ "tác" lẫn chữ "tộ", biết cả chữ "ngộ" và chữ "quá" mới có chuyện lầm chữ nọ thành chữ kia được.

Tôi phải nói với bạn như thế để bạn khỏi nghĩ tôi đọc chữ nọ thành chữ kia như chuyện tôi sắp kể cho bạn nghe đây.

Hôm đó tôi đi ăn trưa với người bạn ở Little Saigon. Quán chúng tôi ngồi ăn là một quán ăn Việt Nam. Bát đũa sạch sẽ và rất đẹp. Ðồ ăn cũng rất được. Và chính chi tiết về mấy cái bát nhà hàng dọn ra là điều lý thú hơn cả trong bữa ăn trưa ấy.

Cái bát trước mặt tôi có bốn chữ Hán mà tôi... biết. Tôi không thể lầm được vì đã bao nhiêu lần trông thấy chúng ở cửa ra vào của những ngôi nhà, nhất là trong những ngày đầu năm. Bốn chữ ấy thường được viết bằng kim nhũ vàng trên nền mầu đỏ. Ðó là những chữ cầu xin những điều tốt đẹp cho những ai đi ngang qua cửa: Xuất Nhập Bình An. Những chữ nói lên ước mong giản dị: đi ra hay đi vào thì cứ bình an là tốt rồi.

Nhớ được mấy chữ này không có gì khó. Chữ "an" thì dễ: dưới cái mái nhà, có người phụ nữ thì... an. Chữ "bình" thì cũng không khó: cứ trông thấy hai phía cân bằng thì phải là chữ "bình". Không lầm là chữ... "mộc" được. Còn hai chữ "xuất" "nhập" thì cần nhớ hai chữ "sơn" chồng lên nhau là "xuất", bên cạnh nó, nhất định là chữ "nhập", chỉ cần không lầm với chữ... "nhân" hay chữ "bát" là được rồi.

Vốn liếng chữ Hán như thế thì ngay cả việc mài mực cho các thầy đồ cũng không được, nói chi đến những chuyện khác. Nhưng bằng ấy chữ cũng vẫn đủ đọc được bốn chữ Hán viết bên trong miệng bát.

Ðiều khó hiểu là từ trước tới nay, những chữ "Xuất Nhập Bình An" chỉ thấy dán trên cửa, hay trên bức tường vây quanh nhà để mong những chuyện tốt lành cho người đi kẻ về chứ tại sao những chữ ấy lại xuất hiện ở trong miệng bát?

Có ai ra, ai vào đâu mà chúc ra vào bình an?

Chúng tôi ngồi ăn được nửa bữa, thì tôi hiểu. Người nào nghĩ ra việc viết những chữ "Xuất Nhập Bình An" trong miệng bát là người rất có lý. Không những thế, còn là một tay hài hước ghê gớm.

Hành động cầm hai chiếc đũa lùa thức ăn vào miệng, đó không phải là chuyện dính dáng đến "nhập" hay sao? Chuyện "nhập" này cũng cần bình an đấy chứ. Thí dụ chiếc xương cá mà mắt không nhìn thấy có thể gây khó khăn cho thực khách lắm. Không bình an, nó chắn ngang thực quản, nhất định không ra mà cũng không vào là khổ đời ngay. Vậy thì chuyện "nhập" rất cần được bình an. Ấy là chưa nói đến bao nhiêu nguy hiểm khác. Các chất độc vào theo có thể làm khổ cái thân. Cholesterol, mỡ, các chất béo cũng làm cho chuyện "nhập" trở thành vấn đề nữa chứ.

Còn "xuất" thì sao? Cũng cần rất nhiều bình an ngang ngửa như "nhập" vậy. Thứ nhất, nếu không "xuất" là nguy to. Không thể chỉ "nhập" mà không "xuất".

Nhưng "xuất" cũng phải... bình an mới được. Thí dụ "xuất" quá nhiều hay quá ít cũng là không tốt. "Xuất" mà phải ngồi dỗ dành cả hai ba tiếng đồng hồ mới chịu "xuất"... chút xíu là không bình an. Mà nhanh quá, không thu xếp được để cho "xuất" đúng chỗ, hay đúng lúc cũng hỏng. Tất cả các hình thức "xuất" như vửa kể đều là không bình an.

Như vậy, chuyện xuất nhập bình an đâu phẩi chỉ cần cho những chuyến đi ra, đi vào qua chiếc cửa nhà. Ngồi ăn trưa ở cái quán ăn ở quận Cam cũng cần xuất nhập bình an lắm đấy chứ.

Không biết có phải nhờ lời chúc viết bằng bốn chữ Hán ở cái miệng bát hay không, mà sau bữa trưa ấy, lên máy bay trở lại miền đông, về tới nhà, ngủ một giấc sáng hôm sau đi làm, tôi vẫn bình an như thường, và những chuyện "xuất nhập" mà nhà hàng lo xa hộ cho thực khách đã... rất bình an như những lời chúc được viết bằng chữ Hán trên miệng bát.


Ngày 8 tháng 4 năm 2010

Bn ta,

Tờ Los Angeles Times có một mục bao giờ tôi cũng tìm đọc đầu tiên, đó là mục Only In L.A. của Steve Harvey, mục viết về những chuyện mà Steve cho là chỉ xẩy ra ở Los Angeles, mà không thể ở một nơi nào khác tại nước Mỹ.

Thực ra thì nhiều chuyện mà mục này chép lại cũng là những chuyện có thể xẩy ra ở bất cứ một thành phố nào khác chứ chẳng riêng gì chỉ ở Los Angeles. Nhưng trong số đề ngày hôm nay, chuyện mà mục Only In L.A. ghi lại thì quả là chỉ có thể xẩy ra ở miền tây của bạn mà thôi.

Một độc giả, Carole Brooks ở Ventura kể là mới đây bà bị một tai nạn xe hơi, chiếc xe của bà bị một chiếc pickup đụng nát ở phía sau. Xe của Carole bị hư nặng, không sửa được. Nhưng điều đáng kể không phải là mức độ hư hại của chiếc xe, mà là người lái chiếc xe kia. Người gây tai nạn là một thiếu nữ 16 tuổi, sau khi đụng phải xe của Carole Brooks, mãi một lúc sau mới mở cửa xe bước xuống để gặp Carole. Cô vừa giải thích vừa xin lỗi Carole là đã không xuống xe ngay được vì cô đang bận mặc quần. Lý do là trước khi tai nạn xẩy ra, cô đang tìm cách thay chiếc quần jeans để mặc chiếc quần của đội bóng chuyền vào. Và khi loay hoay làm việc đó, chân cô trượt ra khỏi bàn thắng, chiếc pickup cô lái húc vào xe của Carole .

Chuyện này, tôi nghĩ, đúng là chỉ có thể xẩy ra ở Los Angeles mà thôi. Tôi đã thấy những người ở miền đông vừa lái xe vừa chơi ô chữ, vừa cạo râu, kẻ lông mày, bôi mascara, đánh phấn, tô son, đọc báo, thắt ca vát, nói chuyện điện thoại... Nhưng vừa lái xe vừa thay quần áo thì chưa bao giờ.

Trong khi ở California thì chuyện này có vẻ xẩy ra hơi nhiều.

Cách đây mấy năm, mục Metro của tờ Orange County Register cho biết là nhân viên của Caltrans lo việc dọn dẹp và giữ sạch các đoạn xa lộ 5, 91 và 405 chạy ngang qua quận Cam ngày nào cũng nhặt được khá nhiều quần lót, mà hầu hết là của phụ nữ. Các nhân viên Caltrans nói là thảng hoặc mới có ngày họ không nhặt được các món này.

Ðem hai chuyện đặt cạnh nhau, ai cũng hiểu ngay rằng phụ nữ California nhiều người vừa lái xe vừa thay quần. Thỉnh thoảng, thấy cái quần lót cũ, không đáng để mang về nhà giặt, thì lập tức mở cửa xe, "gửi gió cho mây ngàn bay," cho nó "cuốn theo chiều gió " luôn cho tiện việc sổ sách.

Nhưng tại sao lại vừa lái xe vừa thay quần? Không thể làm việc đó ở chỗ khác hay sao? Và tại sao lại nhiều người làm công việc đó như thế?

Không thể hiểu được. Hay là... yêu nhau cởi áo cho nhau?

Nhưng làm thế là khi đang đi trên cầu gió lồng lộng chứ. Sao lại ở trong xe?

Còn người lái xe gây tai nạn thì cảnh sát sẽ cho cái giấy phạt như thế nào?

DWI (Driving While Intoxicated) lái xe trong khi say rượu hay DWG (Driving While Getting Changed) lái xe trong lúc đang thay quần áo?

Thế những trường hợp son phấn trên xe thì phải làm gì? Cảnh sát có cần lôi thơ ông Hoàng Anh Tuấn ra nhắc nhở không:

Có đi qua xin em đừng đánh phấn
Tóc buông dài lứa tuổi thích ô mai...

Hay quất cho cái giấy phạt là đủ?

Những người này, khi bị hỏi là "có bận gì không," nhiều khi nói "không bận gì," thì đúng là "không bận gì" thật, nhất làø trong lúc đang lái xe ở Los Angeles vậy.

Ðang thay quần thì đúng là "không bận" thật đấy chứ.

Mà có trả lời là đang "bận" thì cũng có sai đâu! Ðang "bận" lái xe và mặc quần đấy thôi...

Nhưng lúc ấy thì có "bận" gì đâu...


Ngày 9 tháng 4 năm 2010

Bạn ta,

Sợi tóc bạc đầu tiên bạn tìm thấy trên đầu là lúc nào, bạn nhớ không? Saint-Exupéry ví nó như mối tình đầu tiên trong đời. Không bao giờ quên được sợi tóc bạc thứ nhất đó.

Nhưng cũng thật là kỳ: trong khi nó là sự kiêu hãnh thầm kín của bao nhiêu người đàn ông, thì cũng chính nó là sự hốt hoảng của không biết bao nhiêu phụ nữ.

Tôi có người bạn, cách đây mười mấy năm, sinh nhật thứ ba mươi không làm cho cô khóc nhiều bằng hôm tìm thấy sợi tóc bạc đầu tiên sau đó vài ngày, mặc dù thanh toán nó thì cũng đâu có khó khăn gì. Nhiều lắm là một đường nhíp, một cái nhăn mặt là xong chứ việc gì phải hốt hoảng như vậy.

Nhưng đã có sợi đầu tiên, thì sẽ có những sợi khác sau đó. Có lẽ sự hốt hoảng phát sinh từ điều lo sợ đó.

Tuy vậy, một hôm, đi cắt tóc, cắt xong, ngó xuống chân, thấy đống tóc vừa rơi khỏi chiếc khăn choàng trắng xóa trong khi người khách duy nhất trong tiệm là mình, thì chẳng chỉ riêng người bạn mười mấy năm trước, bất cứ ai cũng sẽ phải hốt hoảng.

Ðứng trước mặt là hai lựa chọn: chai thuốc nhuộm hay một cái nhún vai.

Ối giào ơi, mối sầu như tóc bạc / cắt mãi lại dài ra... Phan Khôi mà cũng ngán ngẩm như thế huống chi.

Trên bàn, lọ tiêu càng ngày càng vơi, và lọ muối thì cứ mỗi ngày lại đầy hơn.

Nhưng vẫn không dùng giải pháp chai thuốc nhuộm. Nhuộm mái tóc có thể đẩy tạm lọ muối qua một bên. Nhưng chừng một hai tuần sau, lọ muối lại đòi xuất hiện. Cơn gió mạnh một chút, mái tóc bị gió làm ngả nghiêng, những chân tóc lộ ra, những che dấu bỗng trở thành vô ích.

Còn xuân đâu nữa. Mùa đông đã quá nửa rồi đó. Nên không nhuộm vẫn là hay hơn cả.

Một hôm có người hỏi tại sao không... chai thuốc nhuộm? Mà nhuộm có đem lại lợi ích gì không? Cái mái mùa đông tuyết phủ, có cào đi cho sạch, mà trong nhà lạnh tanh thì có ích gì. Nhưng nếu trên mái tuyết phủ mà trong nhà, lò sưởi vẫn cháy hừng hực thì giải pháp nào hay hơn?

Trả lời người hỏi: Ấy để mãi mới được đấy... nuôi hơn năm mươi năm mới được mái tóc có mầu như thế, tại sao lại nhuộm đi?

Thế là mái tóc Giáp Thân (?) đà nhuộm tuyết... Nghe gần như câu Trần Tế Xương thăm Phan Sào Nam. Ừ không nhuộm đấy, có sao không?

Sao đấy chứ. Thỉnh thoảng đi chơi với người bạn, lại bị hỏi là dẫn con (gái) đi chơi đấy ư. Câu hỏi làm cả hai người cùng sướng điên lên. Một người thì vui vì có mái tóc... đẹp. Một người thì được khen là trẻ. Nhưng một trong hai người bị nói dối mà không muốn tin.

Mái tóc chưa bạc hết, thì gọi là hoa râm. Người bạn đồng nghiệp trong sở thì tóc không bạc đều như hòa bình tại chỗ, kiểu da beo. Một hôm chàng tức quá, ra tiệm nhờ cô thợ cắt tóc -- bằng giọng Huế chay của chàng -- tui không ưa dài nữa... tui ưa cắt ngắn.

Muốn cắt ngắn, có... cắt ngắn. Về nhà, mái tóc loang lổ da beo bị mẹ cháu lăn ra cười, gọi chàng là con Dalmatian thứ 102...

Thế là theo tướng... chó, chàng đứng hạng tư: Nhất bạch, nhị hoàng, tam khoanh, tứ đốm. Rõ ràng là hoa râm thì chẳng ra làm sao cả. Nửa nạc, nửa mỡ, nửa quê, nửa tỉnh, nửa phân, nửa cỏ. Già lắm thì chưa, mà trẻ thì không còn nữa. Hay là nhuộm trắng luôn, cho thành bạch kim, cho sexy như Jean Harlow, như Kim Novak đã có thời? Cũng không được.

Tuần qua, trong một tờ báo tôi đọc được một lời rao kiếm bạn. Người đăng nói rõ muốn kiếm một người "bạn nam tuổi từ 55-58, tóc hoa râm, cao trên 5'5"..."

Những mái tóc hoa râm bỗng thấy không còn bị xếp hạng... tư nữa.

Lời rao tuy không đưa đến việc ngồi xuống viết lá thư xin kết bạn, nhưng nhất định những người đàn ông tóc hoa râm bỗng thấy... không còn là hạng bét nữa. Cũng còn được lắm đấy chứ.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 69)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 69 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, trong một bài học hơn một năm trước, anh có kể ra một số tục ngữ của người Anh và người Mỹ và đặt chúng bên cạnh những câu tục ngữ của tiếng Việt với ý nghĩa rất gần. Thúy muốn học thêm những câu khác để khi cần còn đối đáp lại với mấy đứa con đang tuổi rất hay lý sự của Thúy ở nhà.

QA

Cám ơn Lãm Thúy, QA cũng muốn học thêm những câu tục ngữ giống những câu trong tiếng Việt. Bữa nọ, cậu con lớn không biết nghe ở đâu về nhà hỏi mẹ câu "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" nghĩa là gì. Nếu biết một câu tương đương trong tiếng Anh, thì QA đã không … phải quá mỏi tay để giảng cho con.

BBT

Có một câu rất giống câu của con QA hỏi mẹ. Đó là đang ở trong cái chảo, nóng quá, nhẩy ra khỏi cái chảo để thoát thì rơi đúng ngay vào ngọn lửa. Cái chảo là gì cô QA?

QA

Cái chảo là FRYING PAN. Vậy thì có phải là TO JUMP FROM THE FRYING PAN INTO THE FIRE không? Dễ như vậy mà sao QA không nghĩ ra. À còn câu này nữa: năm ngoái QA dọn đến căn nhà mới, được một tháng, ông hàng xóm cạnh nhà làm cái hàng rào ngăn cách hai nhà lại thay vì cái giậu … mồng tơi xanh rờn như cũ và đề nghị QA trả một nửa. QA đồng ý vì cái hàng rào khá đẹp. Nhờ đó, con chó của nhà ông sẽ không thể để kỷ niệm trong sân nhà QA được nữa. Đỡ cãi nhau. Ba QA nói "yêu nhau rào giậu cho kín". Đó là câu tục ngữ lần đầu tiên QA nghe. Không biết người Mỹ có nói như vậy không Thúy?

LÃM THÚY

Thúy biết câu này. GOOD FENCES MAKE GOOD NEIGHBORS. Nghĩa là những cái hàng rào kín và tốt thì giúp hai bên hàng xóm ở với nhau yên lành, để tiếp tục là hàng xóm tốt của nhau. Thúy biết câu này là nhờ đọc một bài báo viết về biên giới phía nam của nước Mỹ và hàng rào điện tử mà Hoa kỳ muốn dựng lên để chặn mấy ông di dân lậu. Có đúng vậy không anh?

BBT

Không thể sai vào đâu được. Bài này rất khó trình bầy vì những câu tục ngữ mà tôi tìm được không thể xếp thành nhóm được. Thôi cứ gặp câu nào, nhớ ra câu nào thì đem ra nói vậy. Đố cô QA biết nếu muốn tìm một câu trong tiếng Việt gần câu BEGGARS CANNOT BE CHOOSERS thì câu tục ngữ ấy là câu gì?

QA

Ăn mày không được là những người lựa chọn. Ai cho gì thì nhận nấy. Không được quyền đòi hỏi. Cho chén cơm thì nhận ngay, đừng có hỏi nhà ông bà có xôi gấc không? Có mà cho một đĩa thì hay quá nhỉ. Chắc đó là câu "Ăn mày mà còn đòi xôi gấc" phải không ông thầy?

BBT

Đúng vậy. Nhưng câu sau đây thì lại ngược hẳn về ý nghĩa với câu tục ngữ Việt : BETTER A LIVE COWARD THAN A DEAD HERO. Thà làm một kẻ nhát gan mà sống còn hơn làm một người anh hùng mà chết. Chúng ta thì nói thà chết vinh còn hơn là sống nhục. Nhưng trong truyện cổ thiếu gì những người như thế. Phải hèn để sống. Sống thì mới báo thù được.

LÃM THÚY

Câu này không biết tương đương trong tiếng Anh là câu gì thưa anh? "Gần chùa gọi Bụt bằng anh". Không lẽ lại nói "Living next door to a pagoda, one calls Buddha "brother"!

BBT

Tôi nghĩ là câu này: FAMILIARITY BREEDS CONTEMPT. Familiarity là sự quen biết, thân tình. Breeds là làm sinh ra, đẻ ra, gây ra, làm thành. Contempt là sự thất lễ, khinh khi, khinh thường. Quen nhau quá hóa thành lờn mặt. Cũng như mỗi ngày gặp ông Bụt, quen nhau hơn rồi quay ra anh em với Bụt.

LÃM THÚY

Cái điện thoại cầm tay thật là dễ sợ. Tuần trước Thúy nhận được điện thoại của một người bạn ở Việt Nam kể một câu chuyện không có gì vui về một người khác. Có một câu tục ngữ nào để nói ra điều đó không thưa anh?

BBT

BAD NEWS TRAVELS FAST nghe có ổn không? Tin xấu đi nhanh. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa chắc diễn tả đúng điều cô hỏi chứ? Bây giờ đố cô Thúy: THE FIRST STEP IS ALWAYS THE HARDEST ở Việt Nam chúng ta sẽ nói thế nào?

LÃM THÚY

Bước đầu bao giờ cũng là bước khó nhất. Chắc không phải vậy. Tục ngữ là phải cô đọng, ngắn và gọn nhưng lại chuyên chở được rất nhiều. Thúy chịu. QA biết là câu gì không?

QA

Để QA thử xem chữ Hán của QA như thế nào nhé: "Vạn sự khởi đầu nan". Thực ra thì QA chữ "NHẤT" bẻ đôi không biết. Nhưng nhờ nghe ba QA nói nhiều lần nên nhớ được dăm ba câu thôi.

BBT

Vạn sự khởi đầu nan nghĩa là mọi chuyện trên đời bao giờ lúc đầu cũng khó. Như vậy thì đúng là bước đầu bao giờ cũng là bước khó nhất. THE FIRST STEP IS ALWAYS THE HARDEST. Đầu xuôi thì đuôi lọt. Bây giờ hai cô tưởng tượng một con bò đang gặm cỏ ngoài đồng. Nó thấy bên kia đồi cỏ coi bộ xanh hơn, mướt hơn, ăn chắc ngon lắm. Nó đi qua bên kia đồi thì thấy cỏ cũng thường thôi, không hơn gì cỏ ở cánh đồng của nó. Nhìn qua quả đồi trước mặt, nó lại thấy cỏ ở đó xanh hơn. Cô Thúy nói thử câu này bằng tiếng Anh coi: CỎ Ở ĐỔI BÊN CẠNH BAO GIỜ CŨNG XANH HƠN.

LÃM THÚY

THE GRASS ON THE OTHER SIDE OF THE HILL IS ALWAYS GREENER, là "Đứng núi này trông núi nọ".

BBT

Bây giờ để hỏi QA. Cô đứng nấu bếp. Hai cô con gái cũng muốn xuống giúp mẹ. Lại còn cô em mới sang chơi. Tất cả đều có ý kiến, người thêm mắm, người thêm tiêu, người muốn nhỏ lửa, người muốn chóng chín, vặn lò nóng hơn. Như thế, món canh của cô có còn ngon không? Canh tiếng Anh là BROTH. Mấy người trong bếp đều là đầu bếp … thứ dữ cả. Tất cả là CHEFS. Cô nói tiếng Anh thế nào?

QA

TOO MANY CHEFS WILL SPOIL THE BROTH phải không thưa thầy?

LÃM THÚY

Câu TOO MANY CHEFS WILL SPOIL THE BROTH có giống như câu "lắm thầy thối ma" không thưa anh?

BBT

Giống chứ. Đám ma có nhiều ông thầy quá. Ông thì nói phải chôn ngay. Ông thì chờ giờ Hoàng Đạo. Ông thì đòi phải đúng phong thủy. Cái thây ma cứ tiếp tục nằm đó.

Nhân nói chuyện bếp nước, tục ngữ Anh có câu này cũng hay tuyệt: IF YOU CANNOT STAND THE HEAT, GET OUT OF THE KITCHEN. Hai cô thử tìm một câu tương đương trong tiếng Việt coi.

LÃM THÚY

Nếu không chịu nổi cái nóng thì hây ra khỏi cái bếp. Là "muốn ăn thì lăn vào bếp" phải không thưa anh?

BBT

Không. Cô QA thử thời vận coi.

QA

"Có cứng mới đứng đầu gió". QA nghĩ ý nghĩa của câu là có đủ sức thì hãy làm một việc nào đó. Sợ nóng thì đừng đứng trong bếp. Nhân nói chuyện trong bếp, anh cho hỏi câu tiếng Anh tương đương với câu này là gì, "vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm".

BBT

Trước hết, tôi phải sửa cô QA một chút. Câu tục ngữ đó đúng ra phải là "vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm" mới đúng.

Tương đương với câu này là WHEN THE CAT IS AWAY, THE MICE WILL PLAY nghĩa là khi con mèo đi chơi thì lũ chuột cũng vui đùa thỏa thích.

LÃM THÚY

Tại vì chúng ta cũng vẫn chưa ra khỏi cái bếp nên xin cho Thúy hỏi câu "không có lửa sao có khói" có câu tương đương trong tiếng Anh không?

BBT

Có. Câu tiếng Anh nghĩa là nơi nào có khói thì nơi đó có lửa. Cô dịch sang tiếng Anh là có câu tương đương ngay, việc gì phải hỏi tôi?

LÃM THÚY

WHERE THERE IS SMOKE, THERE IS FIRE. Cám ơn thầy.

BBT

Một câu khác nữa cũng giống câu trên về ý nghĩa mặc dù cách xếp đặt hình ảnh thì không giống nhau: THERE IS NO SMOKE WITHOUT FIRE.

QA

QA hiểu ý của câu tục ngữ này mà không sao nhớ nổi câu tiếng Việt là gì: STRIKE HARD WHEN THE IRON IS STILL HOT nghĩa là khi thanh sắt trong lò vừa lấy ra, còn nóng thì phải lấy búa đập ngay mới dễ uốn, dễ nắn.

BBT

Có phải "Dậy con từ thuở còn thơ, dậy chồng từ thuở bơ vơ mới về" không?

LÃM THÚY

Thúy nghe hơi khác một chút: dậy vợ chứ không phải là dậy chồng đâu.

BBT

Sao tôi lại nghe là dậy chồng từ thuở túm râu kéo về?

Câu STRIKE HARD WHEN THE IRON IS STILL HOT có khác với câu "dậy vợ từ thuở bơ vơ mới về". Đó là thanh sắt không rèn ngay thì nó cũng không cầm búa nện ông thợ rèn. Nhưng người vợ mà không dậy kịp, thì nàng sẽ dậy chồng luôn. Nói về kìm búa, tôi nhớ một câu tục ngữ cũng có dính một chút tới những đồ dùng của chúng ta: A BAD GARDENER ALWAYS QUARRELS WITH HIS RAKE. Hai cô có biết câu tương đương trong tiếng Việt là câu gì không?

QA

QA hiểu nghĩa đen của câu này là một người làm vườn dở thi luôn luôn cãi nhau với cái cào cỏ của ông ta.

LÃM THÚY

Có thể là câu "Múa vụng còn chê đất lệch" chăng?

BBT

Một câu khác cùng nghĩa là "BAD WORKERS ALWAYS BLAME THEIR TOOLS" nghĩa là thợ vụng thì bao giờ cũng đổ lỗi cho đồ nghề của mình. Bây giờ câu này hai cô hiểu thế nào: A LEOPARD CAN NEVER CHANGE ITS SPOTS.

QA

QA hiểu nghĩa của câu ấy là giống báo không bao giờ thay đổi được những cái đốm của nó.

LÃM THÚY

Tức là có những người không bao giờ thay đổi cái tính của họ. Có đi đâu, làm gì rồi một hồi, cuối cùng, những cái xấu cũng vẫn còn, và sẽ lộ ra.

BBT

Thay quần , thay áo, thay hơi
Thay dáng, thay dấp, nhưng người không thay

Bây giờ là câu THE SQUEAKING WHEEL GETS THE OIL hai cô hiểu ra sao?

LÃM THÚY

Thúy hiểu là cái bánh xe nào khô dầu, kêu ken két thì người ta mới lấy dầu tra vào cho hết kêu. Trong tiếng Việt có thể nói là "con có khóc mẹ mới cho bú".

QA

QA nghe câu này của ông anh, QA biết nguyên văn không phải như vậy: CẨN TẮC VÔ ÁY NÁY. Câu này nửa Tầu nửa ta. QA nghĩ không phải là áy náy. Áy náy không phải là chữ Hán. Vậy thì nguyên câu ấy là gì?

BBT

"cẩn tắc vô ưu". Câu tiếng Anh là BETTER SAFE THAN WORRY nghĩa là nên cẩn thận hơn là lo lắng.

LÃM THÚY

Có một câu Thúy không nhớ rõ nhưng nghe rất giống câu "gieo gió gặt bão" của tiếng Việt. Nhờ anh giúp trí nhớ cho Thúy.

BBT

Đó chắc phải là câu YOU REAP WHAT YOU SOW. REAP là gặt. SOW là gieo hạt. YOU REAP WHAT YOU SOW cũng rất giống câu này: AS YOU MADE THE BED, YOU MUST LIE IN IT.

Cuộc khủng hoảng kinh tế mới đây cho chúng ta thấy những công ty nào càng lớn thì lại càng khốn khổ. Trong tiếng Anh có một câu để nói lên điều đó : THE BIGGER THEY ARE, THE HARDER THE FALL. Cô QA có biết câu tương đương trong tiếng Việt là gì không?

QA

QA chắc đó phải là câu "Trèo cao ngã đau".

LÃM THÚY

Thưa anh, anh có thấy câu tục ngữ này khác hẳn với câu chúng ta hay dùng không : LIGHTNING NEVER STRIKES TWICE IN THE SAME LACE?

BBT

Sét không bao giờ đánh hai lần vào một chỗ. Câu này nói về chuyện khó xẩy ra hai lần. Nhưng vẫn có người trúng số hai lần. Vậy thì khác ở đâu, và câu chúng ta dùng là câu gì?

QA

Phúc bất trùng lai. Họa vô đơn chí.

BBT

Đúng như cô nói. Nhưng chuyện đời vẫn trớ trêu như thế. Người nghèo thì nghèo thêm. Người giầu thì giầu thêm. THE RICH GET RICHER. THE POOR GET POORER.

LÃM THÚY

Câu tiếng Việt chắc phải là "Nước chẩy chỗ trũng". Thưa anh, năm nay là năm con cọp. Thúy nhớ một câu đọc được trong tờ báo xuân đại khái không vào hang cọp sao bắt được cọp con. Người Mỹ có nói thế không?

BBT

Câu cô vừa kể thực ra chúng ta cũng đi mượn của người Trung Hoa: "Bất nhập hổ huyệt an đắc hổ tử." Nước Mỹ không có hổ làm sao bắt nên phải nói là NO PAIN NO GAIN hay NOTHING VENTURED, NOTHING GAINED.

QA

Tháng trước, bầy chim én ở Capistrano lại từ Nam Mỹ bay về San Juan Capistrano. Nhưng bầy én càng ngày càng thưa. Nếu thế rồi sẽ có lúc chỉ còn một hai con bay về thì làm gì có mùa xuân…

BBT

Ý cô định nói ONE SWALLOW DOES NOT A SPRING MAKE phải không?

LÃM THÚY

Là một con én không làm được mùa xuân

QA

Thưa quí vị, một con én cũng kết thúc bài học thứ 69. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.