Ngày 24 tháng 4 năm 2010
Bạn ta,
Ðọc kỹ mục Playboy Advisor, mục trả lời các thắc mắc của độc giả tờ Playboy, người ta thấy ra được một điều: độc giả của tờ báo này không lịch lãm, giỏi giang và đàn ông như nhiều người có thể tưởng lầm sau khi bị tuyên truyền nhảm suốt bao nhiêu năm và dại dột tin vào những huyền thoại hoàn toàn trái ngược do tờ báo dựng lên.
Những bức thư gửi đến mục này để vấn kế thì chỉ hỏi toàn những chuyện nhà quê, nhà mùa như vào tháng này, nếu đi Bahama, Trinidad, Jamaica thì mang theo những thứ quần áo gì, làm sao xếp quần áo trong va ly cho ít bị nhăn, phòng nghe nhạc nên có nhiệt độ như thế nào để đĩa CD hay hơn... Toàn là những thứ không vớ vẩn thì cũng là ngu dốt.
Nhưng lá thư mà tôi đọc được cách nay không lâu có thể là lá thư cù lần nhất, ngớ ngẩn nhất, và không có lấy một chút đàn ông nào mà tôi đã đọc được trong hơn mấy chục năm đọc tờ báo này.
Bức thư của một người đàn ông ký tên tắt là T.D. ở thị trấn Aspen tiểu bang Colorado. Người độc giả này muốn biết phải phản ứng như thế nào cho đúng cách khi bị vợ thách kéo tay và bị hạ thê thảm. Ông nói trước rằng khóc bù lu bù loa, hay la hét ầm ỹ thì đều không là những phản ứng đích đáng... crying and screaming does not seem appropriate. Ông cũng đã thử nói với nàng rằng "Thôi được, từ nay cô khuân rác ra và di chuyển bàn ghế đồ đạc trong nhà nhé... để tôi lau chùi và hút bụi vậy." Nhưng chàng cho biết nàng chỉ lạnh lùng lừ mắt ngó chàng mà thôi.
Như vậy, chấp nhận thua trận cũng không được. Chuyện kéo tay là kéo tay, chuyện vác cái thùng rác ra trước cửa, khuân vác những thứ nặng nề là chuyện khác. Trong những lúc ấy, nàng lại trở về làm phái yếu - the weaker sex.
Ðây là một người đàn ông dở vô cùng: đã bị vợ hạ sát ván trong trò kéo tay, rồi cũng không biết phản ứng lại nữa. Khóc lóc, la hét, xuống nước nhận là mình chân yếu tay mềm lại chỉ càng bị lườm lệch nhà, lệch cửa, và sau đó, công việc nặng vẫn bị ấn vào tay như thường.
Những điều chàng làm toàn là những sai lầm tệ hại, sai lầm từ đầu mà sai đi.
Sai lầm ngay từ đầu là thấy hai cánh tay cuồn cuộn những bắp thịt, lông tay như lông khỉ cũng vẫn bưng về. Ðã thế còn nhận kéo tay với nàng để bị thảm bại. Tưởng tượng nàng xắn tay áo lên đến tận vai, miệng méo đi, nghiến răng ken két, thở phì phò, vừa kéo tay vừa hò hét chọc quê chàng thì tại sao phải tiếp tục ở lại để làm phu khuân vác cho nàng.
Không cần phải phân công lại những việc làm trong nhà làm gì để bị lườm nghiêng trời lệch đất như thế nữa. Không cần phải đẩy việc nặng sang cho vợ như chàng đã viết trong thư. Chờ đến lúc nó cần đến sức vóc đàn ông (?) của mình nhất, thì hãy nhẹ nhàng gạt tay nó ra, nói rất khẽ: "Buổi chiều kéo tay bây giờ vẫn còn đau ê ẩm cả người". Rồi chấm câu bằng một tiếng thở dài thì nhất định sẽ có đứa lôi dầu nóng ra xoa bóp, lôi keo Salompas ra dán lia lịa, giơ tay thề không bao giờ dở cái trò thi kéo tay hạ nhục chồng nữa. Và nhiều khi còn tình nguyện khuân rác, kê dọn đồ đạc trong nhà, lau chùi hút bụi mà không mè nheo la hét gì nữa cho đáng đời thứ người vũ phu, bắp thịt trước đã, tay chân lông lá sáng nào cũng phải quăng đi ít nhất một chiếc dao cạo...
Trong khi đó, âm thầm đi học thái cực đạo, môn võ chủ yếu dùng chân nhiều hơn để đối phó với những cánh tay thép của nàng. Sau đó, về nhà thỉnh thoảng bay lên đá vào cành cây sau vườn cho rụng vài chiếc lá xuống sân chơi cho bõ ghét là phía bên kia sẽ nhận ra thông điệp lập tức.
Tờ Playboy cố vấn chàng rằng nên chấp nhận thua kéo tay một cách lịch sự như một người đàn ông, và đảm bảo với chàng rằng ở ngoài đường, có rất nhiều phụ nữ chàng có thể thắng trong trò chơi kéo tay.
Cố vấn như vậy là tầm bậy, các độc giả có thể sẽ hiểu lầm mà lấy đó làm chỉ nam cho các liên hệ trong đời sống thì hỏng hết. Biết đâu những người đàn ông Mỹ rồi đây, trong cái hẹn đi chơi đầu tiên, sẽ rủ bạn gái về nhà - your place or mine? - để kéo tay một phùa xem ai thắng ai thua rồi mới quyết định là nên hay không nên tiến sang giai đoạn thứ nhì của liên hệ hai người?
Trong một truyện ngắn của Ernest Hemingway tôi đọc đã lâu không còn nhớ nổi chi tiết, có một nhân vật tối nào cũng tới một quán rượu để thách kéo tay lấy tiền nhậu. Phải chi ông già này còn sống, thì đi hỏi Papa, tên gọi thân mật của Hemingway, xem cái quán đó có thực không, và nếu thực thì ở đâu, sau đó, chàng chỉ cần lôi chị vợ đến tận nơi, đẩy vào trong và chạy nhanh ra xe, lái đi tiểu bang khác làm lại cuộc đời là xong ngay chứ gì. Việc quái gì phải viết thư hỏi báo Playboy cho quê cùng mình như thế.
Ngày 25 tháng 4 năm 2010
Bạn ta,
Khi cho chúng ta những hạch nước mắt, Thượng Ðế không bao giờ nghĩ thứ chất lỏng tiết ra từ những cái hạch ở hai khóe mắt sẽ được dùng vào một việc gì khác hơn là giữ cho đôi mắt không bị khô, dính vào mi mắt.
Nhưng những giọt nước từ hai hạch nước mắt đã được loài người đem dùng vào nhiều việc khác hơn là công việc nguyên thủy được Thượng Ðế trao cho
Nước mắt được dùng vào những chuyện khác hoàn toàn không dính dáng gì tới việc làm cho đôi mắt ướt nữa. Thí dụ chúng có thể được dùng để đòi mua cục hột soàn ném vỡ đầu con chó và to hơn cục của con mẹ X. chẳng hạn. Hay để đóng cải lương, đóng phim như các đào hát, đào xi nê. Không nhỏ nước mắt khi đạo diễn ra lệnh thì khó trở thành tài tử lớn mà cũng khó đòi được cục kim cương hay cục này, cục nọ. Cũng có khi lãnh tụ lớn chết mà khóc không có nước mắt thì rất phiền cho sự nghiệp chính trị và thi ca của mình, như ông Tố Hữu chẳng hạn.
Thiếu những giọt nước mắt như trong trường hợp vừa kể cũng còn có thể là một đe dọa cho loài cá sấu. Loài động vật bò sát này có thể bị mù mắt vì nước mắt của chúng bị gạn, bị vắt cho kiệt để dùng cho những vận động chính trị cũng như tài chính, tình cảm của những người không sản xuất ra được những giọt nước mắt chân tình và có thật.
Nước mắt được dùng trong những trường hợp mang lại thuận lợi như thế nên tục ngữ Việt Nam có nói: "Trai khôn lắm nước đái, gái khôn lắm nước mắt". Ðoạn dưới thì dễ hiểu nhưng đoạn trên thì đến nay vẫn chưa ai đưa ra một lối giải thích nào nghe hợp lý ngoài lý do âm vận (đái vần với... gái), và để cho câu tục ngữ có được hai vế quân bình. Trai nhiều nước đái thì chỉ hay đi đái, không biết khôn ở chỗ nào. Gái lắm nước mắt thì muốn gì được nấy, như vậy là gái khôn.
Vì thế, nước mắt vẫn được dùng vào những việc mà Thượng Ðế không thể tưởng tượng ra được.
Không có nước mắt thì không thể đưa điều kiện ra được, mức độ nhõng nhẽo chưa tới mức thì áp lực không cao và những đòi hỏi sẽ yếu xìu, khó mà hy vọng được thỏa mãn.
Có nước mắt thì dĩ nhiên nỗ lực vận động dễ thành công hơn, nhưng cũng không phải là không tạo ra những phiền toái.
Thí dụ nước mắt chẩy ra ngoài mi mắt sẽ khiến cho mascara bị tan, theo những giọt lệ chẩy xuống, đôi mắt đang đẹp bỗng nhiên có hai vệt đen trông giống hệt lối hóa trang hề Harlequin hay ông bạn Pierrot trong bài đồng dao Clair De Lune. Trông vừa thảm vừa tức cười.
Nước mắt làm mascara chẩy nhoẹt ra trông đã kỳ, nước mắt còn khiến cho phần lót nền - foundation - trôi đi khiến khúc thì đen vì hòa với mascara, khúc thì nâu vì hòa với foundation chẩy ngoằn ngoèo xuống má trông không văn học nghệ thuật chút nào hết. Giữa những tiếng nức nở, nghẹn ngào lại có tiếng cười phá lên thì những giọt nước mắt đó làm hỏng luôn cái mục đích của nó.
Ðể tránh cho những giọt nước mắt khỏi mang lại những nụ cười (Tears And Laughter của Gibran?) hãng mỹ phẩm Lancôme đã bán ở khắp nước Mỹ một sản phẩm mới mang cái tên Tây là Fausses Larmes. Ðó là những hạt pha lê nhỏ (5 hạt) trông giống như những giọt nước mắt, cũng long lanh phản chiếu ánh sáng có thể dùng một thứ keo cũng do Lancôme cung cấp để dán vào má. Thế là chẳng cần chạy vào bếp cắt củ hành, hay cho chút dầu Nhị Thiên Ðường vào mắt, cũng có ngay được 5 giọt lệ long lanh trên má. Lôi cái khăn giấy xì mũi một cái thật to để tạo sự chú ý, rồi đưa lên chậm chậm trên má, đứng dưới ánh đèn cho lóng lánh rồi bắt đầu than thở về cục hột soàn của con mụ X., về cái vòng đeo tay của nó, về cái đồng hồ Cartier, về cái áo soirée hết sức dễ ghét của nó... Rồi sụt sịt một cái, lại đưa cái khăn giấy lên mặt, lau khẽ trên má trong khi mascara, eye shadow, foundation, phấn hồng vẫn còn nguyên như vừa đi mỹ viện về thì nhất định các rào cản phải hạ xuống hết. Vài ba cái thẻ mua chịu được quăng xuống bàn thì may ra mới thoát nợ được.
Hộp nước mắt giả Fausses Larmes với 5 viên pha lê giả nước mắt cùng với cả hộp keo được bán với giá $18.50. Rẻ chán. Không phải vận dụng mất đi một giọt nước nào mà vẫn đòi được đủ thứ. Sau khi xong việc, chạy cái ào vào buồng tắm, tháo 5 hạt pha lê giả nước mắt ra, cất vào bóp là sẵn sàng lên đường đi shopping ngay lập tức.
Nhưng nếu phía bên kia cứ nhất định đòi phải được đích thân "lau khô nước mắt và đổi điệu bài ca" như một đoạn thơ Tagore, hay cứ đòi xem "giọt nước mắt lăn nỗi buồn" như trong một ca khúc của Lê Uyên Phương thì làm thế nào.
Và nếu có người tinh mắt, thay vì dỗ dành, xin "lau nước mắt", mà cứ đòi nằng nặc xin "cậy" hay "bóc" hay "lột" hay "cạo" mấy... cục nước mắt đi thì còn gì có thể phiền hơn nữa.
Lúc ấy có còn nhanh trí mà "cậy" mấy cục nước mắt đó ra để... ném cho nó chừa cái tật tinh mắt của nó không đây?
Hay là lúc ấy lại "vừa khóc vừa cười, ăn mười cục... nước mắt"?
Ngày 26 tháng 4 năm 2010
Bạn ta,
Tôi nghĩ câu tục ngữ "con gái giống cha giầu ba mươi đụn" nhất định, nếu không của một con heo đực sô vanh (male chauvinist pig) nặng ký, thì cũng phải của một anh đàn ông xấu trai khủng khiếp.
Tác giả chắc chắn phải là người sống trước chúng ta nhiều lắm, phải hàng một, hai thế kỷ là ít. Chữ nghĩa chàng dùng là thứ chữ nghĩa khá cổ. Ngày nay, ít thấy được đem dùng hàng ngày.
Con giống cha giầu ba mươi đụn...
Ðụn là đống cao, như đụn rơm, đụn rạ, đụn thóc. Trong xã hội nông nghiệp, những đụn đó đều là cảnh giầu sang, tiền bạc:
Nhà anh chín đụn mười trâu
Lại thêm ao cá bắc cầu rửa chân...
Cơm chẳng lành, canh chẳng ngon
Dẫu cho chín đụn, mười con cũng lìa...
Số giầu lấy khó cũng giầu
Số nghèo chín đụn, mười trâu cũng nghèo...
Trong những câu ca dao vừa dẫn, có chín đụn đã được coi là giầu, vậy thì ba mươi đụn thì phải giầu lắm. Tác giả đề quyết rằng giống cha là ắt phải giầu vì được nhờ cái hồng phúc, cái may, cái số tốt của cha.
Ðúng là một người cha tự tin, tự cao, tự đại, tự tôn không để đâu cho hết. Chàng không căn cứ lời phát biểu trên bất cứ một dữ kiện nào về di truyền học, chàng chỉ nhất quyết rằng giống chàng là... được nhất rồi. Nhưng sự thực, chuyện giầu có, thành công trong thương trường mà chàng nói con gái của chàng sẽ có được trong đời sống không hề nhờ những cái gien của chàng mà ra. Bởi lẽ nếu cứ có cái gien tốt là sự giầu sang được đảm bảo thì tại sao lại có câu "Ai giầu ba họ, ai khó ba đời"? Rõ ràng chàng chỉ tự tôn nhảm nhí. Chàng cho rằng con gái mà giống mẹ nó thì không khá được.
Nhưng nghĩ thêm một chút, thì người ta thấy chàng không những chỉ là một con heo đực sô vanh, khinh bỉ, coi nhẹ đàn bà, cho mình là nhất, là xứng đáng, tài giỏi nhất, mà rất có thể, gần như chắc chắn, chàng còn là một nhan sắc ma chê quỉ hờn lắm lắm. Chàng phải là một người đàn ông xấu trai không thể tả được.
Người đàn ông này vào thăm vợ đẻ. Chàng bế đứa con gái vừa lọt lòng mẹ lên, chàng thấy nó không được bằng một góc của mẹ nó, một người đàn bà xinh đẹp trót trao duyên lầm cho chàng, mà giống chàng như hai giọt nước, như hai hột đậu trong cùng một quả đậu (like two peas in a pod) giống như lối nói của người Mỹ, chàng ngượng với vợ lắm. Tại sao nó không có cãi mũi của vợ, tại sao đôi mắt nó như thế kia, tại sao cái miệng nó lại thế này...
Thời ấy làm gì đã có các ma-đam để giúp nó căng kéo, độn hút, nên chàng liền an ủi bằng cách nhận là nó có giống chàng thật, nhưng rồi nó sẽ giầu to... vì nó giống chàng. Tội nghiệp con bé. Giống bố toàn những chỗ không nên giống chút nào. Tội nghiệp người đàn bà, câu an ủi chàng đưa ra lại chỉ làm cho người đàn bà đẹp ấy đau sót thêm: thế nếu nó giống mẹ thì đời sống của nó tàn tệ lắm hay sao? Là phải trao duyên lầm cho một người đàn ông vừa heo đực sô vanh, vừa xấu trai như... nàng chăng?
Câu tục ngữ đó ở với chúng ta đã lâu lắm, mà đến nay vẫn còn nghe nói tức là vẫn còn những con heo đực sô vanh và vẫn còn những người đàn ông tìm cách an ủi đưa con gái bằng câu tục ngữ thậm vô duyên đó.
Nếu câu tục ngữ chỉ dừng ở đó thì người ta cũng có thể tạm tha chàng. Nhưng sau đó, nó còn được nối dài thêm bằng một câu vừa phản khoa học, vừa nhục mạ người mẹ nữa mới là điều đáng nói.
Câu bổ túc là: "con trai giống mẹ thì khó ba đời." Câu này, nếu không cùng là của con heo đực sô vanh đó thì chắc chắn cũng là của một con khác cũng sô vanh không kém.
Người cha tồi tệ này vào thăm vợ đẻ con trai. Bế nó lên, chàng không thấy trên khuôn mặt của nó cái mũi của chàng, đôi mắt của chàng, cái tai của chàng, mà chàng chỉ thấy một đứa bé rất đẹp, mang rất nhiều nét dễ coi của người mẹ. May cho đứa con trai của chàng vô cùng. Chàng có thể cũng đã mừng cho nó: cảnh đứng trước gương rồi bỏ đi trong tiếng thở dài chắc không xẩy ra cho nó như đã từng xẩy ra với chàng. Nhưng rồi tự ái nổi lên. Chàng không thể chấp nhận chuyện nó xinh đẹp vì nó giống mẹ nó, nên chàng chép miệng một cái rồi cầu cho nó "khó ba đời".
Rõ là một người cha vừa xấu người, vừa xấu nết . Mấy hôm nữa sẽ là ngày người Mỹ dành để tôn vinh những người mẹ. Bao nhiêu quà cáp cho những người mẹ Việt Nam có lẽ cũng không quí bằng việc nói với bà rằng có một hai câu tục ngữ rất bất công vừa được dẹp bỏ và quăng vào thùng rác để quên đi, không bao giờ lôi ra nữa.
Vì giống bố hay giống mẹ thì đều tốt cả. Giống bố thì thông minh, thì đẹp. Giống mẹ thì đẹp, lại thông minh.
Chỉ có không giống ai mới là kẹt.
Ngày 27 tháng 4 năm 2010
Bạn ta,
Ðến hôm nay thì tôi lại không tin rằng ngày 9 tháng 5 tới đây sẽ là ngày của những bà mẹ nữa. Có thể là ngày của những gì khác chứ Mother's Day thì chắc không phải.
Cứ mở những trang quảng cáo của các nhật báo ra là thấy ngay rằng những món quà mà các trang quảng cáo này gợi ý cho độc giả mua tặng mẹ thì người ta thấy đây không phải là ngày của những bà mẹ.
Quà mua cho mẹ là những thứ khác hơn là những món chúng ta thấy trong những quảng cáo trên báo.
Những món quà đích thực nhất của những đứa con tặng mẹ, theo tôi, có lẽ là những tác phẩm hội họa gắn trên những chiếc tủ lạnh (refrigerator arts), kèm theo vài ba giòng gửi mẹ, xưng tụng mẹ là số 1 trên thế giới, gọi mẹ là supermom, là best mom of the whole wide world... nét chữ còn vụng về của những đứa bé trong những năm mẫu giáo hay tiểu học, hay những bông hoa hái trộm trong vườn hàng xóm mang về biếu mẹ... Tất cả đều là những món không phải bỏ tiền ra mua bao giờ.
Những thứ quảng cáo trên báo không thể là những món quà của những đứa con tặng cho mẹ được.
Hết những món nữ trang của Cartier, của Tiffany, của Mikimoto, của D'Elia Tasaki, đến nước hoa của Creed, ví tay của Burberry, của Vuitton, của Mont Blanc, mũ của Bergdorf Goodman, tới quần áo của Versace, Ann Taylor...
Giản dị là khi những người mẹ còn thích, còn dùng được những món quà này, thì những đứa con còn bé quá. Những đứa bé mới lên 8 hay lên 9 tuổi thì chưa thể làm ra tiền để mua những món quà đắt giá và chỉ hợp cho những người mẹ cũng còn rất trẻ, tuổi chưa đến 40 đó. Yêu quí mẹ cách mấy thì chúng cũng không mua nổi, mà cũng chưa nghĩ ra được những món quà như thế để mua cho mẹ.
Nhưng khi những đứa con khôn lớn, làm được ra tiền, mua nổi những thứ mà những cái quảng cáo này gợi ý, thì những người mẹ của chúng đã quá cái tuổi còn ham, còn thích những món quà mà những trang quảng cáo này bầy ra. Thí dụ những thứ quần áo lót, những sản phẩm của Olga, của Maidenform, Bali, Playtex, Vanity Fair... những kiểu crisscross, strap, stapless, push-up... toàn những thứ các bà mẹ này không còn quá cần nữa.
Những người mẫu trình bầy những món hàng này thì trông không giống những bà mẹ một chút nào hết. Mẹ quái gì mà.. sexy, mà đẹp, mà trẻ, mà ngon lành, mà ăn mặc hở hang quá như vậy?
Rồi con cái gì lạ thế, cứ mấy cái thứ quần áo đó mua về cho mẹ mặc là thế nào? Tưởng tượng con mua cái nịt vú Wonderbra về tặng mẹ, còn cẩn thận giải thích thứ sản phẩm đó sẽ thay đổi hình ảnh của mẹ như thế nào nữa chứ. Con cái gì kỳ lạ quá thế?
Những quảng cáo khác trên truyền hình thì nhắc đưa mẹ đi một chuyến du lịch bằng tầu, qua vài ba cái đảo ở ngoài khơi Trung Mỹ, cho mẹ mặc bikini chạy tung tăng trên bờ biển rồi té lăn đùng vào tay một người đàn ông trẻ tuổi là làm sao? Mẹ gì mà kỳ cục như vậy?
Hay những bữa ăn tối diễn ra dưới ánh bạch lạp, đằng sau có tiếng đàn vĩ cầm, bông hồng trong chiếc lọ cạnh chai rượu, và mẹ ngồi xõa tóc, ánh mắt tình tứ, bàn tay với qua bàn cầm lấy tay... bố (?)
Những quảng cáo rao bán những món quà kỳ quái như thế làm tôi càng không nghĩ đó là những món quà của những người con mua tặng mẹ.
Chúng mua tặng những... đứa nào ấy chứ không thể để tặng mẹ được.
Thế thì những đứa ấy là những đứa nào? Nhất định những thứ mẹ đó không thể đẻ ra được những đứa con đã học xong đại học, đã ra đời, đã đi làm, đã kiếm ra được tiền để chi nổi cho những món quà đắt tiền như vậy. Cho dù có căng, kéo, ủi, bơm, hút, nâng cách mấy cũng không thể như vậy được. Trông những thứ mẹ ấy không có vẻ gì là đã được sửa sang, chỉnh trang cho trẻ đi, mà chúng trẻ thật, các mẹ này chỉ khoảng hai mươi mấy đến ba mươi mấy là cùng. Có... làm sớm nghỉ sớm cũng không thể có những đứa con lớn như thế.
Chúng không là mẹ thì chúng là gì? Mẹ ranh chăng? Mẹ bảo thì không nghe, chỉ ra ngoài đường nghe mẹ ranh là nhanh thôi. Bạn nghe câu này bao giờ chưa? Tôi thì nghe đã nhiều lần trong những năm còn bé. Cho đến nay, tôi vẫn chưa gặp một mẹ ranh nào mà sao mấy chục năm trước vẫn bị mắng như thế? Nhưng chắc phải là thứ mẹ này.
Vì xem những cái quảng cáo trên báo, có lẽ tôi đã lơ mơ hiểu thế nào là mẹ ranh.
Mẹ ranh mà như thế thì trách gì chúng nó nghe răm rắp, bảo gì làm nấy liền, quà cáp đều đều là đúng rồi còn chi...
Những thứ mẹ ranh tối tân ấy không thể đẻ ra được những đứa con lớn khôn, đã ra đời, đã có công việc, đã kiếm ra tiền để mua những món quà kỳ lạ đó.
Cho nên ngày gọi là Mother's Day chỉ được đặt ra để làm một cái cớ để những đứa con quái dị quà cáp cho những mẹ ranh của chúng. Trong khi những bà mẹ thật thì không bao giờ có những thứ quà lạ lùng đó. Một chục hồng là đủ vui rồi. Thêm bữa ăn tối là đã mừng gần chết. Nó còn nhớ, gọi cho cú điện thoại là có hiếu lắm, đòi hỏi nhiều quá nó không gọi cho thì khổ.
Làm gì có chuyện mua quần lót với nịt vú để tặng mẹ, để mặc cho đẹp, cho sexy bao giờ.
Ngày 28 tháng 4 năm 2010
Bạn ta,
Có một số chuyện tôi đã làm nhiều lần cho bạn bè, và làm rất thành công, nhưng không bao giờ nghĩ đến việc kiếm tiền bằng những chuyện đó, thì nay có thể tôi sẽ phải nghĩ lại. Một văn phòng dịch vụ ở Anh quốc cung cấp gần đúng những điều tôi làm (luôn luôn miễn phí) cho vài người bạn ở đây, nhưng văn phòng này, khi cung cấp các dịch vụ tương tự cho các thân chủ, thì lại đòi những khoản lệ phí khá nặng.
Tên của văn phòng này là The Alibi Agency. Mục đích hoạt động của The Alibi Agency là đem lại bình an cho tâm hồn của bạn và gia đình bạn: Our aim is total peace of mind for you and your family. Văn phòng The Alibi Agency viết rõ như thế ở cái địa chỉ trong Internet của họ (http://alibi.co.uk).
Tôi cũng thế, khi làm giúp vài ba người bạn ở đây, tôi chỉ muốn giúp giữ cho tâm hồn họ được bình an, và luôn cả cho gia đình của những người bạn này nữa. Thí dụ như gọi điện thoại thông báo cho một cái địa chỉ nào đó rằng chàng đang ở nhà tôi, đang chỉ tôi nấu bếp, đang sửa hộ cái computer, đang ráp cái CD player vào xe, đang chặt hộ cái cây sau vườn... rồi khen nức nở rằng bạn tôi giỏi vô cùng, rằng sao mà bà có phúc quá, có ông chồng khéo chân, khéo tay chứ đâu có vụng thối vụng nát ra như tôi... lát nữa tôi nhắc ông ấy gọi cho bà ngay. Bỏ máy xuống thì lập tức gọi liền cho chàng (lúc ấy đang ở một số điện thoại khác) bảo chàng gọi ngay về nhà không thì chết tan xác với chằng lửa... Những chuyện như vậy tôi đã làm không biết bao nhiêu lần. Và cũng không biết bao nhiêu lần tôi đã đi ăn tối với những ông bạn này, mà tôi không hề hay biết, trong khi thân mình thì lúc ấy vẫn ở nhà, mì gói ăn liền lõng bõng nước âm ấm chán đời gần chết. Trong khi các chàng đang cơm Tây rượu chát, nhẩy đầm với mấy con... đĩ chó (như cách gọi của những người mà các chàng gọi là mấy con khủng long ở nhà). Những hôm sau đó, tình cờ gặp cả hai ngoài đường thì phải cố mà nhớ cho đúng là đã đi ăn với chàng ở đâu, cái computer đã chạy tốt chưa, cái CD có bị nhẩy không vân vân.
Tôi vẫn nghĩ làm những chuyện đó, tôi giúp bạn tôi và gia đình bạn tôi có được tâm hồn bình an, vì sau đó, mái nhà xưa vẫn là tiếng réo gọi thiết tha nhất, và chàng vẫn hát bài ca của De Curtis, bài Back To Sorriento và mẹ cháu.
Những điều tôi làm giúp các chàng, nếu nhờ The Alibi Agency làm hộ, các chàng sẽ phải trả tiền chết luôn. Nhưng vì phải trả tiền (lệ phí 20 Bảng Anh mỗi năm) và mỗi lần cần đến dịch vụ nào, thì phải trả thêm, nên các dịch vụ do The Alibi Agency cũng chu đáo và cẩn thận hơn.
Thí dụ trước ngày cần phải đi vắng, văn phòng sẽ gửi giấy mời đến tận nhà, sẽ có số điện thoại để mẹ cháu gọi thì có người trả lời, xưng tên công ty, tên khách sạn... xác nhận có hội thảo, hội nghị, tu nghiệp vào ngày đó... Khi chàng đi rồi, thì các số điện thoại dùng để liên lạc sẽ hứa gọi lên phòng của khách sạn, hay gọi máy nhắn chàng đeo trong người. Những dịch vụ này, có thương bạn tôi cách mấy tôi cũng không làm nổi.
Thân chủ có thể lựa khách sạn nào cũng được, điện thoại gọi đến sẽ có người xác nhận thân chủ đang có mặt ở đó và sẽ gọi lại. The Alibi Agency còn có thể giúp mua quà cho thân chủ, mà không ai có thể biết là mua ở đâu, không biên lai, không hóa đơn để có thể phăng ra manh mối. The Alibi Agency nói rõ dịch vụ của họ giúp bảo vệ những ngươì thân của thân chủ khỏi bị những chuyện lo âu không cần thiết gây bận tâm, giúp đảm bảo sự ổn định của một liên hệ dài hạn là gia đình của các thân chủ.
Việc tôi làm không ở mức quan trọng như thế. Thường chỉ là vì một chuyến lên trường đua để chàng thăm mấy con... ngựa, hay một buổi "tay cầm bầu rượu nắm nem / mảng vui quên hết lời em dặn dò" và chàng té gục dưới chân của... cô Nhắc, không về nhà ngay được, hay một trận xì phé, xập xám ở một nơi nào đó mà chính tôi cũng không biết.
Nhưng nghĩ lại thì chắc không thể gửi invoice đòi tiền các chàng được.
Thứ nhất là bạn bè ai nỡ làm vậy.
Thứ hai là biết đâu có lúc cũng phải dùng sự giúp đỡ quí hóa đó của chính những người bạn kia.
Tôi nhớ J. D. Salinger có viết một truyện ngắn hay tuyệt, truyện Pretty Mouth and Green My Eyes trong tập Nine Stories. Truyện kể một người đàn ông (Arthur) trong đêm khuya khoắt điện thoại cho một người bạn thân (Lee), than thở vợ chàng (Joanie) không về nhà sau bữa ăn tối ở tiệm, và hỏi Lee có biết Joanie đi đâu không. Lee, qua điện thoại, phải hết sức an ủi Arthur, trấn an Arthur rằng chắc chắn Joanie sẽ trở về, có thể Joanie đi theo một cặp vợ chồng bạn sau khi rời tiệm ăn, Arthur cứ ở nhà, không cần đi đâu hết, cũng không nên lại nhà Arthur uống một ly mặc dầu Lee rất muốn. Arthur nghe lời, bỏ ý định đi tìm Joanie. Khoảng ít phút sau, Arthur gọi lại, cho biết Joanie vừa mở cửa bước vào nhà. Lee nói vài câu trong điện thoại với Arthur, bỏ máy xuống và quay sang bên cạnh, với... Joanie.
Trường hợp này, Joanie được cả Lee (chồng) và Arthur (bạn chồng) cung cấp alibi thì có điên Joanie mới cần tới cái dịch vụ tốn tiền kia của The Alibi Agency... Có một chục văn phòng như The Alibi Agency cũng thua.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 72)
Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 72 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 5 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
BBT
Hôm nay chúng ta sẽ nói về những cái tên thường gặp ở Mỹ, đó là những tên người, nhưng lại có những nghĩa không đẹp lắm mà rất nhiều người lại mang nó.
LÃM THÚY
Trong tiếng Việt có những trường hợp như thế không thưa anh?
BBT
Có. Những trường hợp ai cũng biết là của mấy nhân vật trong Kiều. Trước khi có truyện Kiều thì những cái tên đó không có nghĩa gì xấu cả. Nhưng sau khi có truyện Kiều của Nguyễn Du thì những cái tên như Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh … mới trở thành những cái tên không ai dám đem đặt cho con cái nữa.
Rồi ngay tên của con ngựa mà Sở Khanh khoe là có cũng trở thành mất đẹp đi. Truy Phong , tên của con ngựa chỉ có nghĩa là chạy nhanh như đuổi theo gió. Nhưng ngày nay, chắc không có ai nuôi ngựa mà còn muốn đặt cái tên đó cho con ngựa yêu quí của mình nữa.Trong khi tên của con ngựa Xích Thố của Đổng Trác, sau đem tặng cho Lữ Bố , rồi lại qua tay của Quan Công thì không sao cả. Cũng như con Đích Lư của Lưu Bị, hay con Bạch Long Mã của Đường Tam Tạng .
QA
QA thấy một nhân vật trong truyện Tam Quốc khi sang đến Việt Nam thì bị oan hết sức. Đó là Tào Tháo. Tên của ông ta bị dùng để nói về nỗi khổ đau của những người bụng dạ không được tốt khi ăn phải những thứ không lành cho lắm. QA muốn nói đến câu chúng ta hay nói, câu Tào Tháo đuổi đó thưa anh.
BBT
Thực ra thì chẳng riêng ôngTào Tháo bị oan, mà một tù trưởng da đỏ ở Trung Mỹ cũng bị oan hệt như thế. Du khách đến Mexico ăn uống không cẩn thận thì tiếng Anh nói là bị Montezuma trả thù: Montezuma’s revenge. Ngoài ra chuyện thần khẩu hại xác phàm còn mang những tên khác như Gringo Gallop, Aztec two-step, Gandhi revenge, Delhi Belly, Rangoon Runs, Tokyo Trots vân vân…
LÃM THÚY
Hồi mới biết về nước Mỹ, Thúy có cảm tưởng ở Mỹ, ai cũng tên là John cả. Tên John rất thường gặp. Vậy nó có mang những ý nghĩa gì khác như anh nói hồi nẫy không?
BBT
Có. Đây là trường hợp cái tên được cho thêm ý nghĩa khác có phần tục tĩu ở trong. Cũng có những cái tên không tục như Raglan chẳng hạn. Ông là một bá tước và là người vẽ cái tay áo mà chúng ta ngày nay ai cũng biết. Sandwich là tên của Huân tước Sandwich.
Nhưng john, không viết hoa, thì còn có nghĩa là một người đàn ông đi chơi điếm. Tuy vậy, khác với những tên như Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Tú Bà, tên John vẫn là tên nhiều người có.
QA
Con trai của QA có một người bạn Mỹ tên là EARL. Cậu sinh viên này ghét cái tên ấy lắm. Tại sao vậy thưa anh?
BBT
Nếu cậu ghét tên EARL thì chắc sẽ ghét luôn cả tên RALPH. Cả hai đều có nghĩa lóng là nôn mửa, ói. Hai cái tên này là những tên hay bị bạn bè ở trường lôi ra chọc phá, chế nhạo nhiều nhất. COLIN còn có nghĩa là ruột già, một bộ phận không anh hùng, không đẹp đẽ lắm trong cơ thể. Có thể vì nó nghe gần với COLON chăng?
LÃM THÚY
Tuần trước, Thúy mướn cuốn video của Robert Redford về coi, cuốn BUTCH CASSIDY, thì lập tức con trai Thúy đọc cái tên lên rồi cười lăn ra. Đến nay Thúy cũng không biết tại sao , hỏi thì cháu không nói . Anh cho biết tại sao ?
BBT
BUTCH là tên đàn ông. Cùng với BUTCH còn có một cái tên khác là GAYLORD, cũng là tên đàn ông. Nhiều người tránh đặt tên cho con cái hai cái tên này vì BUTCH có nghĩa là một phụ nữ chỉ thích phụ nữ thôi. Còn GAYLORD thì có nghĩa là một người đàn ông chỉ thích có bạn trai.
Các tên đàn ông sau đây đều có nghĩa tục, là tên lóng để gọi bộ phận của người đàn ông. Đó là WOODY, WOODROW. Tội nghiệp cho WOODY ALLEN và tổng thống WOODROW WILSON. Các tên DICK, PETER, ROD, WILLY cũng có nghĩa như WOODY và WOODROW. Tội cho DICK TRACY, PETER SELLERS, ROD STEWART, WILLY NELSON vô cùng. Khi các ông ra đời, thì những cái tên đó chưa có những nghĩa thô tục đó. Đó là tên đàn ông con trai.
QA
Thế còn NO WAY JOSE là gì thưa anh? Hình như câu này không có ý nghĩa tục tĩu thì phải. QA vẫn nghe hai cô con gái dùng ở nhà rất thoải mái.
BBT
Đúng vậy. JOSE là một cái tên rất thường thấy tại các nước nói tiếng Tây Ban Nha. NO WAY JOSE nghĩa là không bao giờ, nghĩa là sức mấy, cũng có thể hiểu như bỏ đi Tám. Người ta thêm JOSE vào phía sau cho vần với NO WAY ở trước. NO WAY JOSE là I DON’T THINK SO; NEVER; NEVER ON YOUR LIFE; NOT IN A MILLION YEARS nhưng mạnh hơn và nghe giang hồ hơn.
LÃM THÚY
Thưa anh, tên đàn ông đã vậy, nghe thấy ghê quá. Nhưng còn tên phụ nữ có bị quàng thêm vào cổ những ý nghĩa tục tĩu không?
BBT
Cũng có, nhưng ít hơn. FANNY chẳng hạn. FANNY nghĩa lóng là cái bàn tọa. MARY đi kèm với JANE thành MARYJANE nghĩa là cần sa, do danh từ MARIJUANA mà ra. Nếu JOHN nghĩa lóng là người đàn ông đi mua hoa, thì JILL nghĩa lóng là người phụ nữ bán thứ hoa mà người đàn ông kia tìm mua. Còn hai ba tên khác xin miễn diễn nghĩa ra ở đây vì khá tục tĩu như CHERRY, WHOOPY, ROSIE... Còn SHEILA là tên phụ nữ, giống như tên JULIA của các nước nói tiếng Tây Ban Nha , hay CECIL, CECILIA, CECILLE. Nhưng ở Úc, SHEILA nghĩa là con gái. Do đó, cô ca sĩ SHEILA mà chúng ta rất quen ở Sài Gòn trước kia, người hát bài Bang Bang, tên cô cũng chỉ tương đương với tên GÁI ở Việt Nam mà thôi.
QA
Thế người Mỹ có lối nói của người Việt khi không biết tên ai thì gọi đại là "thầy Hai" không thưa thầy … Hai?
BBT
Có. Có thể tương đương với "thầy Hai" là MAC thí dụ Mae West, cô đào nổi tiếng hồi thập niên 40 có một câu nổi tiếng: HEY MAC, HAVE YOU GOT A LIGHT?
Nhưng khi không biết tên người ta, người Việt nói Nguyễn Văn Mỗ chẳng hạn, thì người Mỹ nói JOHN DOE nếu là đàn ông. Nếu là phụ nữ thì là JANE DOE. Thí dụ trường hợp một người chết không có giấy tờ trong người, không ai biết tên tuổi đích xác của ông ta, thì hồ sơ bệnh viện ghi ông ta là JOHN DOE. Mộ bia cũng ghi là JOHN DOE… HERE LIES JOHN DOE…R.I.P.
LÃM THÚY
Thúy muốn anh nói về những idiom dùng tên của người thí dụ trong tiếng Việt nói "Quít làm, Cam chịu" Tiếng Anh có những cách nói như thế không?
BBT
Có. Đây là một câu rất đúng với việc làm của nhiều người vào lúc này. Thí dụ ông ấy có căn nhà đang ở. Ông ấy lấy equity của căn nhà ra để mua một cái condo ở Florida. Đó là TO ROB PETER TO PAY PAUL. Cũng như lấy tay phải cho tay trái. Thành ngữ này xuất xứ từ việc thành phố Luân Đôn lấy tài sản của nhà thờ Saint Peter ở Westminster, đem trả cho chi phí sửa chữa nhà thờ Saint Paul cũng ở Luân Đôn.
PETER cũng là một cái tên thường gặp. Tên của PETER xuất hiện trong một câu rất thường nghe, đó là FOR PETE’S SAKE. Câu này nghe thường hơn, thay vì nói FOR GOD’S SAKE hay FOR CHRIST’S SAKE. Người ta đổi ra nói FOR PETE’S SAKE vì một trong mười điều răn của đạo Thiên Chúa là "Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ." Vì thế, người ta đổi thành FOR PETE’S SAKE. Câu này nghĩa là hãy vì Trời, vì Chúa mà làm một việc gì đó. Đó là cách nói để nhấn mạnh. Thay vì nói SHUT THE DOOR! thì người ta nói FOR PETE’S SAKE, SHUT THE DOOR! Thay vì nói ANSWER ME, người ta nói FOR GOD’S SAKE / FOR CHRIST’S SAKE, ANSWER ME! Cũng có khi nói là FOR GOODNESS’ SAKE…
QA
Anh cho QA hỏi ở nước Mỹ, những tên gì là những tên thường gặp nhất, ngoài tên PETER mà anh vừa nhắc?
BBT
TOM, DICK và HARRY. Vì thế, khi nói TOM, DICK AND HARRY là người ta muốn nói tất cả mọi người trong xã hội. Kiểu như ỒI, SOÀI, MÍT trong lối nói của chúng ta vậy.
Nói về tên người mà không nói về những idioms có danh từ NAME ở trong cũng … uổng. Mấy năm trước có một giọng hát ở Âu châu rất được nhiều người nhắc tới. Cô hát một ca khúc tiếng Pháp rất cảm động về Việt Nam. QA biết tên cô ấy không?
QA
SHE HAS MY NAME. HER NAME AND MY NAME ARE THE SAME.
LÃM THÚY
Thúy biết cách nói gọn hơn: SHE IS MY NAMESAKE. Cô ca sĩ ở Bỉ có cùng tên với QA nên SHE IS QA’S NAMESAKE phải không thưa anh?
BBT
Cô nói rất đúng. Bây giờ đố hai cô biết hai câu này có khác nhau không: I CALL HIS NAME và I CALL HIM NAMES.
QA
I CALL HIS NAME là tôi gọi tên anh ấy. I CALL HIM NAMES là tôi gọi anh ấy bằng những tên anh ấy có.
LÃM THÚY
Thúy chịu. Không lẽ gọi hết tên GIVEN NAME, FAMILY NAME, FIRST NAME, LAST NAME của ông ấy hay sao.
BBT
I CALL HIS NAME là tôi gọi tên anh ấy. I CALL HIM NAMES là tôi chửi anh ấy, gọi anh ấy bằng đủ các thứ danh từ tục tĩu. NAMES CALLING hay NAME CALLING là chửi rủa, lăng mạ. Thí dụ THE MEETING ENDED IN NAME CALLING nghĩa là cuộc họp kết thúc với các bên chửi nhau thậm tệ.
Hồi nẫy Thúy kể ra một lô tên. Nhưng còn thiếu PET NAME là tên gọi thân mật ở nhà. Thí dụ ông ấy tên là Nguyễn Thanh Cảnh nhưng ỏ nhà gọi là PHỆ chẳng hạn. PHỆ là PET NAME. Nguyễn Tường Tam là tên thật, REAL NAME. Nhất Linh là PEN NAME. Nguyễn Sinh Cung là tên thật. Lý Thụy là SECRET NAME, bí danh.
QA
Thưa anh, sau những cái tên, có ba chữ viết tắt AKA là gì? Thí dụ DƯƠNG VĂN MINH AKA BIG MINH. Ba chữ AKA là gì? QA nghĩ đó là những chữ viết tắt.
BBT
Đúng vậy. AKA là những chữ viết tắt của ALSO KNOWN AS nghĩa là còn được biết đến bằng. Vậy khi nói GENERAL DUONG VAN MINH AKA BIG MINH thì nghĩa của câu này là Tướng Dương Văn Minh còn được biết đến bằng tên Minh Cồ. Có khi AKA được thay bằng ALIAS như CHARLES LINDBERG ALIAS THE LONE EAGLE. Alias là biệt hiệu, biệt danh.
QA
Thế PET NAME và NICKNAME có khác nhau không thưa anh?
BBT
Có khác. Thí dụ cậu bé hàng xóm của tôi tên thật là Bình. Nhưng ở nhà ai cũng gọi là Xệ vì cậu mập mạp, đẫy đà. Tên gọi ở nhà của cậu là Xệ. Do đó Xệ là PET NAME của cậu. Nhưng ở trường, bạn bè gọi cậu là SỨT VÒI vì cậu phải vá ở môi. Bình Sứt Vòi là NICKNAME của cậu. Tuổi trẻ thường tàn ác như thế. Những cái NICKNAME đó theo chúng ta nhiều khi suốt cả đời. Ngọc Hiếng, Sơn Tu, Hiệp Ghẻ… Bây giờ nói chuyện tên đã tạm đủ. Hình như cô Thúy còn muốn hỏi gì đây.
LÃM THÚY
Anh giải thích sự khác nhau của những trường hợp này. Thúy hiểu nhưng không rõ lắm. Thí dụ nói LAN’S PICTURE và A PICTURE OF LAN, hay A PICTURE OF LAN’S. Ý nghĩa của chúng có khác nhau không?
BBT
Có khác và cũng không khác. LAN’S PICTURE là lối dùng SỞ HỮU CÁCH. Chúng ta thêm dấu PHẨY, rồi chữ "S" ở sau tên người, danh từ chỉ người, vật để cho biết tiếng đi phía sau thuộc về người ấy. Thay vì nói A PICTURE OF LAN thì chúng ta co thể nói LAN’S PICTURE; THE PASTOR’S CAR; THE GENERAL’S HELICOPTER… Một bài tới chúng ta sẽ nói nhiều hơn về POSSESSIVE CASE.
Trở lại với LAN’S PICTURE thì đây có thể là bức ảnh của Lan. Bức ảnh do Lan chụp, hay mua, hay cắt trong báo, có thể là bức ảnh chụp phong cảnh, chim chóc, hoa bướm … trong bộ sưu tập của Lan. Nhưng nó cũng có thể có nghĩa là bức chân dung chụp Lan. Bức chân dung đó có thể của Lan, vì cô ấy đem phim đến tiệm để in, trả tiền, mang về nhà đóng khung treo lên tường. Và cũng có thể chân dung cô Lan nhưng lại là tài sản của ông nhiếp ảnh gia. Nhưng A PICTURE OF LAN’S thì đó là bức chân dung chụp cô Lan và là bức ảnh có cô, treo trong nhà của cô. A PICTURE OF LAN là bức chân dung của cô Lan, có thể là của cô, hay cũng có thể là của nhà sưu tập hình ảnh, của một người khác.
QA
Xin anh giảng cho cách dùng AS FAR AS I AM CONCERNED. Dùng nó như thế nào, trong trường hợp nào.
BBT
Đây là một câu dùng để làm cho điều chúng ta nói được người nghe chú ý hơn một chút mà thôi. Thực ra, bỏ đi, không dùng cũng chẳng sao. Ý nghĩa không thay đổi gì.
Thí dụ tôi nói HE IS NOT AT HOME nghĩa là ông ấy không có nhà. Dù cho có thêm AS FAR AS I AM CONCERNED thì ông ấy cũng không có nhà. Chẳng phải thêm AS FAR AS I AM CONCERNED thì ông ấy có nhà ít ít, hay hơi hơi có nhà, hay có nhà rất nhiều. AS FAR AS I AM CONCERNED nghĩa là theo chỗ tôi biết thì …
Thay I AM CONCERNED bằng I KNOW; I CAN SAY; I CAN TELL; I REMEMBER thì ý nghĩa cũng vậy thôi.
AS FAR AS I CAN TELL, IT IS TIME TO GO HOME.
AS FAR AS I REMEMBER, IT IS TIME TO SAY GOODBYE
AS FAR AS I KNOW, WE WILL MEET AGAIN SAME TIME NEXT WEEK
AS FAR AS I AM CONCERNED, THE STUDIO WILL CLOSE AT 6 PM.
LÃM THÚY
AS FAR AS I CAN UNDERSTAND, MISTER BUI WANTS TO GO HOME.
QA
THANK YOU THÚY. AS FAR AS I CAN SAY OR SURE, OUR SESSION ENDS RIGHT HERE. Vì thế, bài học Anh ngữ thứ 72 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.