Ngày 12 tháng 4 năm 2010
Bạn ta,
Người Anh là dân tộc đáng làm anh thiên hạ. Họ tặng cho thế giới ngôn ngữ của họ: tiếng Anh được nói ở khắp nơi trên thế giới khiến việc thông tin, giao tiếp dễ đi được biết là bao nhiêu. Họ còn cho chúng ta nhiều thứ khác nữa. Cái bánh đáp của máy bay gập lại được cũng là nhờ họ. Cái hàng không mẫu hạm đầu tiên cũng của họ...
Và bây giờ, cái siêu thị đầu tiên không đòi khách phải ăn mặc quần áo cũng của họ nữa.
Nhật báo The Guardian xuất bản ở Luân Đôn cho biết hệ thống siêu thị Tesco đang dự tính dành ra mỗi tuần một buổi tối tại một siêu thị ở Hastings, một thị trấn ở Sussex cách thủ đô Luân Đôn không bao xa, để cho những người đi chợ nhưng không thích mặc quần áo có thể đi chợ một cách thoải mái, thảnh thơi. Đây là những người trong một hội khỏa thân trong tỉnh.
Siêu thị Tesco này ở Hastings sẽ đặc biệt mở cửa một buổi tối sau 10 giờ đêm, tức là sau giờ đóng cửa thường lệ, để cho các thân chủ thờ thần Mặt Trời đi chợ. Các hội viên của hội khỏa thân Hastings, chi nhánh của Council for British Nudists sẽ có thể vào chợ, tháo bỏ quần áo ra, đi chợ mua sắm rồi sau đó, trước khi ra cửa, lại mặc quần áo vào. Chợ Tesco còn chờ được phép của sở vệ sinh, y tế thành phố trước khi mở cửa đón các khách đặc biệt này. Tờ The Guardian cho biết nếu được giấy phép, trong những đêm chợ mở cửa cho các khách hàng đặc biệt này, trái cây và rau sẽ được gói lại trước để tránh những tiếp xúc của da thịt (?) thân chủ - fruit and vegetables may need to be prepackaged to avoid contact with flesh.
Tiếp xúc của da thịt thì đã sao? Ngày nào đi chợ chúng ta lại chẳng có những tiếp xúc "da thịt" vói trái cây và rau tươi? Một vài sản phẩm tại quầy trái cây và rau còn mời chúng ta có những tiếp xúc "da thịt" với các sản phẩm này nữa thì sao? Squeeze me and see how fresh I am! Bóp tôi một cái để xem tôi tươi như thế nào. Bạn chưa thấy những trái cam, những trái dưa "nói" với bạn như thế sao?
Đã mời khách "squeeze" như thế thì phải hiểu là hành động "squeeze" cần phải có sự tiếp xúc "da thịt" với những quả cam, những quả dưa chứ. Vậy thì tại sao khi mở cửa cho các khách đi chợ hơi đặc biệt này, chợ Tesco phải bao, phải gói lại các thứ rau trái để tránh những tiếp xúc "da thịt" của các khách hàng?
Như vậy là không cho các khách hàng "squeeze" những trái cam, những trái dưa cantaloupe hay sao?
Tại sao? Sợ trái cây, rau tươi bị nhiễm trùng? Thiếu gì khách hàng có mặc quần áo bình thường hàng ngày ra vào chợ cũng mang theo đủ mọi thứ vi trùng đấy chứ. Tại sao lại kỳ thị các khách hàng khỏa thân như vậy?
Nếu không sợ rau trái bị nhiễm trùng thì tại sao phải gói các sản phẩm này lại? Hay chê các khách hàng này ở bẩn, không cho đụng vào rau trái? Cũng không đúng. Thiếu gì khách hàng khác cũng ở dơ không thể tả được. Tại sao không gói tất cả các rau trái lại cho tất cả mọi loại khách hàng?
Vậy thì có thể gói chúng lại để đánh dấu, để phân biệt các loại rau trái với... người mua chúng tại quầy trả tiền không?
Điều này có thể có lý. Thí dụ với một người khách chỉ mua hai trái bưởi, người tính tiền có thể nhìn gà hóa quốc, tính thành bốn trái thì sao? Hay khách không mua bưởi, vẫn tính trong hóa đơn là có mua hai trái bưởi chẳng hạn. Như thế, thiệt hại cho khách hàng. Khách bị thiệt sẽ không trở lại nữa. Hay cũng có thể khách không mua chuối hay cà rốt mà về đến nhà vẫn thấy bị tính tiền thêm cả một quả chuối hay một củ cà rốt, hay hai trái Kiwi (gooseberry) thì oan uổng cho khách quá.
Đó là trường hợp siêu thị Tesco vẫn dùng lối tính tiền cũ xưa, cứ nhìn những thứ bầy (?) lên quầy rồi tính tiền.
Nhưng nếu quầy tính tiền dùng scanner thì cũng lại rắc rối nữa. Dùng hệ thống scanner, người tính tiền phải kéo món hàng qua một cửa sổ nhỏ để cho máy đọc cái bar-code gắn trên sản phẩm. Trong những trường hợp mắt nhìn không rõ, không phân biệt được đâu là sản phẩm, đâu là... khách hàng, rồi cứ kéo khách hàng, miết hai trái cam, trái chuối, mấy quả Kiwi qua cái máy scanner thì phiền vô cùng.
Ấy là chưa nói tới chuyện tính tiền xong thì lấy tiền đâu trả? Tiền, thẻ mua chịu đều nằm trong đống quần áo để ở cửa chứ đâu phải ai cũng có chỗ sẵn trên người để cất tiền, bóp, chìa khóa... Mà lấy tiền từ những chỗ dấu trên người thì ai mà dám nhận.
Tôi không tin là ý kiến này sẽ thành công. Thôi, chịu khó đi cái chợ... cũ vậy.
Ngày 13 tháng 4 năm 2010
Bạn ta,
Theo một nhà dân số học thì Trung quốc, với số dân 1 tỉ 310 triệu người, nếu xếp hàng một đi xuống biển tự sát như những con lemming, một loài gậm nhấm thỉnh thoảng lại kéo nhau xuống biển tự trầm ở Bắc Âu để giải quyết tình trạng lemming... mãn của chúng, thì hàng người đó sẽ không bao giờ hết. Số người 1 tỉ 310 triệu đó, với đà sinh sản hiện nay, tuy đã giảm đi rất nhiều nhờ các nỗ lực kế hoạch hóa gia đình, sẽ vẫn tiếp tục sinh sản hoài hoài, mãi mãi, người này vừa bước xuống biển thì đâu đó trong hàng người, vẫn có tiếng khóc oe oe chào đời để rồi lại tiến tới phía trước, giữ cho hàng người không bao giờ chấm dứt.
Đó chỉ là cách nói hơi cường điệu, thậm xưng để giải thích cho vấn đề và để cho thấy vấn đề dân số đáng được báo động như thế nào vì sau đó, có người đã hỏi nhà nhân số học này là đoàn người vừa đứng, vừa đi như vậy mà làm sao vẫn sinh sản được.
Nhưng người ta vẫn phải nhận là người Trung Hoa sinh sản giỏi. Không giỏi làm sao có được 1 tỉ 310 triệu người?
Thực ra, họ không giỏi hơn chúng ta, nếu để nguyên không có những trợ giúp từ bên ngoài. Nhưng nhờ họ đi tìm đủ mọi cách để thăng tiến khả năng của họ, và cũng vì họ thấy hầu như tất cả mọi thứ trên mặt đất đều có thể giúp họ gia tăng được khả năng đó, và họ có vẻ đã thành công.
Thí dụ như ở con hải cẩu, ở con hổ, ở cái sừng của loài tê giác, ở các vỏ cây, rễ cây... Họ pha chế để thành những toa thuốc giúp Đường Minh Hoàng rượt Dương Quí Phi, lại giúp luôn Dương Quí Phi rượt Đường Minh Hoàng, những thứ thuốc chồng uống vợ tấm tắc khen hay, truyền lại từ bao nhiêu đời nay.
Ngay cả mấy người không mấy tin vào các thứ thuốc này cũng phải nhận rằng hình như những thứ đó có làm được ít nhất một cái gì. Điều rõ ràng nhất là trên thế giới, giống đông nhất vẫn là giống Trung Hoa. Vậy thì có thể thuốc của họ có công hiệu thật.
Nhưng loài tê giác không thể sinh sản nhanh để có đủ sừng giúp cho dân tộc Trung Hoa mãi được. Trên khắp thế giới, chỉ còn khoảng 2 ngàn con tê giác. Loài hổ cũng đang trên đà tuyệt chủng vì người Trung Hoa tin là ăn óc cọp thì bổ óc, ăn gân cọp thì bổ gân... mà họ thì cần cải thiện một thứ khả năng đặc biệt của họ nên loài cọp vất vả. Làm sao có đủ cọp để phục vụ một nước Trung Hoa quá đông dân như thế trong khi mỗi con cọp đực chỉ có một bộ phận có thể giúp người Trung Hoa được. Người Trung Hoa sắp sửa trở lại với những sinh hoạt bình thường như các dân tộc khác
Nhưng rồi một công ty dược phẩm của Mỹ tình cờ khám phá ra một công dụng khác của thuốc Viagra, đó là khả năng có thể làm được đúng việc mà bộ phận kia của con cọp có thể làm cho người Trung Hoa.
Với khám phá đó, không những loài cọp, loài hải cẩu, loài tê giác có cơ sẽ thoát khỏi cảnh tuyệt chủng, mà người Trung Hoa cũng có cơ bớt lo lắng.
Thuốc Viagra chưa được phép bán vào Trung quốc dường như nhà cầm quyền sợ rằng có thuốc, người dân Hoa lục hết tin vào sự toàn thắng của đảng cộng sản Trung quốc quang vinh, mà quay ra xì xụp tôn sùng những viên Viagra, quên lửng công lao gian khổ của bác Mao, bác Đặng để quay ra tung hô Viagra sống mãi trong quần chúng thì chán quá. Nên Viagra chưa được cho bán vào Trung quốc. Nghĩ cũng phải. Chẳng lẽ bao nhiêu năm nay cố gắng hết sức để đào tạo ra những con người cộng sản giỏi giang tốt đẹp, đạo đức cùng mình, nay tất cả vứt hết những cuốn sách đỏ của Mao Trạch Đông để đi kiếm viên thuốc mầu xanh... là mầu anh trót yêu thì hỏng bét.
Các vua làm đồ giả không thể ngồi bó tay lâu được. Các ông liền bắt tay vào làm việc ngay, và trong tháng này, công ty dược phẩm Phi Long ở Hương Cảng đã bắt đầu bán những viên Viagra bào chế tại Hương Cảng kể từ ngày 25 tháng Giêng vừa qua.
Không thể dùng tên Viagra, tên đã được cầu chứng của công ty Pfizer, công ty dược phẩm Phi Long liền đặt cho sản phẩm của họ cái tên khá gần với Viagra, là Vĩ Ca, phát âm theo giọng Quảng Đông là weige, nghe cũng nhập nhằng gần như Viagra.
Vĩ trong chữ Hán nghĩa là to, lớn. Ca là anh, cùng nghĩa với huynh. Vĩ Ca là người anh lớn.
Thuốc có hay hay không thì không biết, nhưng cái tên thuốc thì thật hay. Đọc lên nghe rất gần với Viagra, mà ý nghĩa thì tuyệt.
Nhưng đã có anh lớn, thì phải nghĩ ngay đến em nhỏ. Khả năng liên tưởng của con người bắt những cái đầu của chúng ta phải làm công việc đó.
Và... Bingo!
Nghĩ đến đây thì tôi tin chắc người đặt tên cho loại thuốc này phải quen người bạn tôi ở đây, Bạn tôi, trong một chiều mưa tầm tã, đã bỏ ông Kim Thánh Thán ngồi một mình đau khổ trong ngôi miếu cổ nghiền ngẫm từng phút vui trong đời để viết vào bài tựa cho cuốn Tây Sương Ký, một mình phóng xe Honda xuống xóm. Vừa dựng được chiếc xe, chưa lau được những giọt nước mưa ướt sũng trên mặt, thì người phụ nữ chủ cơ sở làm ăn đã rũ ra cười và vừa cười vừa nói một câu, nếu văn học nghệ thuật, thì phải là câu đại khái như "vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa". Người phụ nữ ấy nhìn bạn tôi và nói: "Chu choa! Thằng nhỏ làm tội thằng lớn!"
Và chắc có quen bạn tôi, nên ông ta đặt cho loại thuốc này là Vĩ Ca, nghĩa là thằng lớn vậy.
Nhưng thực ra thì cũng không biết đứa nào làm khổ đứa nào. Tại sao không có chuyện thằng lớn làm tội thằng nhỏ?
Ngày 14 tháng 4 năm 2010
Bạn ta,
Chuyện "...tay bưng thúng nếp lên chùa / thắp hương lạy Phật xin bùa em đeo...", và sau khi xin được bùa, em đem cái bùa ấy về đeo ở cổ để thành một trong mười điều thương (điều thương thứ ba: "ba thương cổ yếm đeo bùa...") của những câu ca dao có thể sắp không còn chỉ là... ca dao nữa, mà sẽ là chuyện thật đến nơi. Chuyện bùa yêu thuốc dấu là có thật. Đã đội gạo, lại còn yếm thắm mà bỏ bùa thì người bị bỏ bùa rất khó sống. Ca dao đã nói vậy. Ít ra là phải "ốm lăn ốm lóc", "dạ sầu" "ruột héo như bầu đứt dây..." Bùa có thật.
Thực ra, ngay từ bây giờ, với 1/10 ounce Falling In Love do công ty Philosophy Cosmetics chế tạo và bán với giá $60, người ta có thể gia tăng được khả năng hấp dẫn của mình lên rất nhiều, để những kẻ đứng gần, sau khi phát hiện ra những phân tử pheromones mà Falling In Love phát ra và cho lượn lờ bay chung quanh, sẽ đi theo, quấn sát lấy người xức Falling In Love như một con chó con bám chủ ngay. Pheromones, những phân tử không mùi vị giống như một hóa chất do cơ thể con người phát ra. là chất mà theo các khoa học gia, làm cho người này hấp dẫn người khác. Nó là thủ phạm gây ra đủ mọi chuyện vui và rắc rối trong đời sống này.
Những nghiên cứu mới của khoa học cho thấy tình yêu lãng mạn, trước đây vẫn được coi là những "đặc sản" của các nhà thơ, các nhà văn, các phim ảnh sướt mướt ướt mấy cái khăn mùi xoa (five-hankie movie), thực ra lại là sản phẩm của cả tình cảm con người lẫn những hóa chất mà cơ thể con người phát ra. Công ty Philosophy Cosmetics cho biết sản phẩm Falling In Love của họ chỉ bắt chước những chất hóa học của con người và dựa trên những dữ kiện khoa học để chế ra sản phẩm của công ty mà thôi.
Pheromones có thể là giải thích cho những cú sấm sét - coup de foudre - chăng? Khoa học nói rằng mái tóc, đôi mắt, nụ cười, cái răng khểnh có thể làm phát sinh ra những phản ứng hóa học dây chuyền và đưa tới những chân tay lính quýnh, nói năng cà lăm lia lịa, hơi thở hào hển bất thường. Bất cứ cái gì có thể tái tạo được những phản ứng hóa học đó là bùa. Falling In Love, sản phẩm của Philosophy Cosmetics là bùa. Bùa làm cho chemistry tác động trở lại.
Và như vậy, những điều mà người ta vẫn tưởng là tin nhảm trước kia đều là tin... đúng cả. Thí dụ như khi ngồi ta nói the chemistry is gone, khi sự hấp dẫn không còn nữa, có thể là hai bên, hay một bên không tiết ra những pheromones nữa. Em không yêu anh nữa, anh không yêu em nữa, chúng ta không yêu nhau nữa vì mấy cái hóa chất trong người chúng ta nó không còn nữa vậy thôi. Không có con đĩ chó nào đứng giữa hai chúng ta hết.
Nhưng có thể chúng ta không còn phải phó mặc cho yếu tố hóa hoc tự nhiên trong người chi phối cuộc sống tình cảm của chúng ta nữa. Trong vòng 10 năm nữa, có thể sẽ có một thứ thuốc xịt vào mũi để giúp những trường hợp the chemistry is gone, theo giáo sư James H. Fallon, giáo sư đại học y khoa Irvine. Thứ thuốc này sẽ giúp gia tăng và củng cố tình yêu của những cặp yêu nhau.
Lúc đó, thế giới sẽ khác đi biết là bao nhiêu. Thay vì phải vài trăm bông hồng gửi đến nhà, vài chục bài thơ quăng vào cửa, vài đêm ôm đàn gào thét, rên rỉ dưới ban công nhà nàng hát hết vài chục bài Karaoke làm ô nhiễm không khí cả khu xóm, thì Romeo chỉ cần kiếm chai Falling In Love xịt vào người, rồi ưỡn ẹo qua lại trước mặt Juliet cho pheromones bay tới bay lui thì có mà cả họ nhà Capulet chạy ra chặn cũng không cản được cuộc tình của đôi trẻ.
Thế rồi khi cái chemistry giữa hai phía bắt đầu nhạt đi, yếu đi, thì đôi ta lại ra đầu đường kiếm một lọ thuốc xịt mũi. Tưởng tượng sáng ra đầu tóc bù xù, răng chưa đánh, mặt chưa rửa, son phấn nhạt nhòa, mascara lem luốc, cái bụng bia chẩy gần xuống đầu gối, râu ria chưa cạo, hai bên đang ngán ngẩm chán ngán nhìn nhau ở bàn ăn sáng thì bỗng nhớ ra lọ thuốc xịt mũi vừa mua tối hôm trước, cả hai bên vùng dậy, chạy đi kiếm lọ thuốc xịt mũi, bơm nửa lọ vào mũi là lại có thể quay lại yêu nhau tưởng như chưa bao giờ yêu nhau như thế, và để cứ thế "nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời". Cần quái gì phải "vai kề một mái thơ phong nguyệt". Đôi ta cứ ngồi nguyên như thế ở trong bếp là cũng "hạnh phúc nhìn nhau mỉm miệng cười".
Không còn thấy sự cần thiết của những đêm trăng sáng bên bờ nước, gió thổi qua rặng liễu, phong thơ tình... ngây dại nữa. Không cần Shakespeare, Tagore, Lý Thương Ẩn, Đinh Hùng, Nguyên Sa... tỏ tình hộ nữa. Cũng chẳng cần bất cứ một nỗ lực làm đẹp nào nữa. Có nhiêu xài nhiêu. Không nước hoa, không deodorant, không eau de Cologne gì hết. Cũng không quần áo đẹp làm gì cho phí tiền. Cứ chiến tranh hóa học chúng tôi dùng là đối phương chỉ từ chết tới trọng thương. Vẩy vài ba ounce Falling In Love lên người thì phía bên kia chỉ có bám theo cái áo da thú bò lết theo, chẳng cần tay cầm cái chầy vồ, tay túm lôi tóc về hang đá nữa.
Nhưng đó là khi muốn ở lại. Giả sử không muốn ở lại thì sao? Lúc ấy sẽ phải có những thứ thuốc để hóa giải tác dụng của pheromones. Cứ trang bị một bình thuốc giải bùa, trong uống ngoài xoa thì còn may ra. Chứ lúc ấy mà lôi The Gardener của Tagore như: "Free me from your spells..." (bài 48) hay "What call from the dark urges you? What awful incantation have you read among the stars in the sky, that with a sealed secret message the night entered your heart, silent and strange?" (bài 63) ra mà năn nỉ xin được giải thoát khỏi những bùa chú của... nó thì chắc chết vẫn hoàn chết, không chữa được.
Ngày 16 tháng 4 năm 2010
Bạn ta,
Có một quyển sách xuất bản đã lâu, đáng lẽ một số người đã phải đọc, và đọc kỹ, nhưng vì không đọc nó, hay đọc mà đọc không kỹ và không làm đúng những điều viết trong sách, nên tình hình nước Mỹ mới ra nông nỗi này.
Không phải cuốn The Ugly American, cuốn sách nhìn thấy ra được nguyên nhân đưa tới việc Hoa Kỳ can thiệp ở Đông Nam Á rồi lại thất bại ở đó, như bạn nghĩ. Nó cũng không Binh Thư Yếu Lược gì cho cam, tựa của nó là Stalemates: The Truth About Extramarital Affairs của Bakur Weiner và Bernard Starr.
Những ai cần phải đọc nó? Tôi nghĩ là tất cả mọi người. Đọc để biết cách, và đọc để đối phó. Biết cách để khỏi bỏ mạng và đối phó để nếu chuyện ấy xẩy ra thì làm sao biết mà dẹp nó. Nhưng để mà làm gì thì cũng cần phải đọc.
Những điều viết trong cuốn sách thực ra không có gì mới. Hai tác giả Weiner và Starr chỉ hệ thống hóa một số sai lầm rất thường phạm phải và khuyên nên tránh. Cuốn sách có thể được xếp vào tủ sách Học Làm Người, kiểu những loại Self Help mà người Mỹ rất ưa chuộng. Nó chỉ cách làm sao ngoại tình cho an toàn để khỏi bị đẩy vào những tuyệt lộ nguy hiểm. Nếu nó được viết muộn thêm vài năm, thì có thể nó đã có cái tựa đề hấp dẫn hơn, thí dụ The Idiot's Guide to Extramarital Affairs hay The Dummy's Book of Extramarital Affairs như loạt sách có những cái bìa mầu vàng, mầu cam rất được ưa chuộng hiện nay. Biết đâu nhờ cái tựa khiêu khích chọc giận đó - Idiot / Dummy - mà nhiều người tìm đọc hơn, và nó đã cứu được nhiều người hơn.
Cuốn sách đưa ra 8 qui luật mà nếu vi phạm, dù cho chỉ một điều, cũng đủ để không cách gì có thể thoát hiểm. Những điều đó thực ra cũng không khó tránh, nhưng vì khinh xuất, bất cẩn, mà người ta vẫn tiếp tục ngộ nạn.
Qui luật số 1: Không chụp hình, nhận hình, tặng hình. No picture taking or receiving. (Somehow they will be found). Sớm muộn rồi cũng sẽ lọt ra ngoài. Cho vào Internet cũng không được. Bỏ ngay cái trò "nhớ em hổng biết để đâu / để trong túi áo lâu lâu lại dòm". Không hình ảnh gì hết.
Qui luật số 2: Không viết xuống bất cứ gì. Bút sa, gà phải chết. Các liên hệ này rất dị ứng với thư từ, giấy tờ, nhật ký. Những cuốn nhật ký lại càng nguy hiểm hơn gấp đôi. Nothing in writing. Affairs are allergic to anything in writing. That goes double for diaries, strictly a no-no. Không cả e-mail nữa. Xóa cũng không hết. Các chuyên viên điện toán chuyên truy lùng các hồ sơ đã bị xóa mất (LAN Administrator) dùng để làm gì? Nếu dùng máy điện toán cá nhân, desk top hay lap top ở nhà thì phải kiếm cái búa tạ nện cho vài chục cái, đổ acid vào hard disk, quăng ra... biển thì may ra mới hy vọng thoát hiểm.
Qui luật số 3: Không kỷ vật cho em, cho anh gì hết. No souvenirs. Pack rats as we are, we want mementos of everything. Definitely not a good idea for those engaged in liaisons. Tính người ta là thích lưu giữ mọi thứ, cất dấu kỷ niệm của mọi chuyện, nhưng trong những liên hệ cần giữ kín thì không bao giờ kỷ vật anh cho, kỷ vật em cho gì hết. "Viên đạn đồng đen..." cũng quăng ngay lập tức, đừng có thấy "em sang ngang cho làm kỷ niệm" làm gì. Trò tình cảm, cộng với cái tính hay bấu víu vào kỷ niệm là những thứ giết người. Quăng hết.
Qui luật số 4: Không bao giờ lạng quạng ở trong xóm nhà mình, hay ở ngoài đường. Tuyệt đối không bao giờ tỏ lộ tình cảm ở nơi công cộng, bất kể có ở xa nhà mình cách mấy đi nữa. Not in the neighborhood or in public. Also, never display affection in public places, no matter how far away you are from the neighborhood.
Qui luật số 5: Không bao giờ được quyền khinh xuất, phải luôn luôn đề cao cảnh giác. Chỉ một giây phút bất cẩn cũng đủ để kéo sập cả thế giới đầy nguy hiểm, rủi ro. Cái khăn quàng, cái găng tay của người lạ lơ đãng quăng vào hộc xe là chết. No thoughtlessness. Just one moment of incaution can bring down the whole world of risks... Chết là đáng đời.
Qui luật số 6: Không bao giờ làm chuyện đó ở nhà hết. Never at home. Có mê hai phim Home Alone 1 và 2 của MacCauley Culkin thì cũng không bao giờ nghĩ mình ở nhà một mình rồi muốn làm gì cũng được. Chỉ có chết.
Qui luật số 7: Không bao giờ được lơ là, dù những chi tiết nhỏ. Trước khi về nhà, kiểm soát lại hết các túi áo, túi quần. Luôn cả cặp táp đi làm cũng phải soát lại.
Xem kỹ áo có dính sợi tóc lạ nào không. Dặn phía bên kia đừng dùng nước hoa hay son phấn có thể để lại dấu tích. Cẩn thận khi mua quà cáp bằng thẻ mua chịu, đừng để số điện thoại hiện trên hóa đơn gửi về nhà. Never forget to keep track. For males, particularly, comes the suggestion to check all pockets before going home after a tryst. This also applies to briefcases. And check your jacket and shirt for stray hair. Ask your lover not to wear perfumes or scented cosmetics that leave traces. Be careful of presents or calls that appear on credit cards or itemized bills. Luôn luôn có trong xe chai dầu Nhị Thiên Đường. Trước khi về nhà, đổ một nửa lọ lên người. Làm như vậy có thể vừa đánh bay mùi Giorgio, Aria, Poême, Trésor... vừa làm ra vẻ bệnh hoạn, ảo não, âu sầu có thể tạo được rất nhiều thương cảm thay vì bị tra tấn ngay từ cửa. Cũng có thể khuyến khích cả hai phía dùng cùng một thứ nước hoa hay cùng một thứ after shave. Tất cả mọi chỗ vẫn dùng để cất dấu tài liệu mật của Ngũ Giác Đài phải dọn cho sạch hết. Dưới chậu cây, dưới hộc tủ, sau ngăn kéo, vườn sau nhà, gáy những cuốn tự điển, cánh quạt trần, gác xép, dưới bánh secours... Các hóa đơn thẻ tín dụng và điện thoại đều có thể xin phó bản. Không bao giờ dùng điện thoại ở nhà. Luôn luôn dùng thẻ để gọi ở đầu đường xó chợ. Muốn khỏi bị mấy sợi tóc tố cáo, kiếm người không có tóc cho an toàn.
Qui luật số 8: Không bao giờ đổi thay cách sống, thay đổi style của mình. Những thay đổi đó sẽ được nhận diện ngay lập tức. Cờ đỏ kéo lên ào ào đầy khắp chân trời. Khả nghi vô cùng. Tự nhiên tại sao tử tế hơn? Tại sao nói cười nhiều hơn? Tại sao bỗng nhiên chải chuốt? Tại sao không đeo mấy cái ca vát mầu già nữa? Tại sao hết nước hoa, lại eau de Cologne rầm trời? Tại sao tự nhiên quà cáp? Mặc cảm phạm tội thấy rõ, tặng phẩm là guilt gift? Tất cả đều là những dấu hiệu, những che lấp ngụy trang vụng về. Mẹ cháu không thể không nhìn thấy. Nên nhớ càng đóng kịch, càng chỉ được... Oscar là cùng, nhưng rắc rối thì chắc chắn là sẽ không tránh được.
Nhưng mục đích của cuốn sách không phải là khuyến khích, chỉ dẫn cho người đọc đi lạc. Quyển sách phải đọc thế nào để thấy là cứ lạng quạng thì phải chết. Bài học mà cuốn Stalemates: The Truth About Extramarital Affairs của Weiner và Starr muốn đưa ra là: "Rice at home, gifts from wife" mà tiếng Việt tạm dịch là cơm nhà, quà vợ. Chỉ như thế may ra - nhấn mạnh: may ra - mới thoát.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 70)
Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 70 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thư của ông Trần Lưu ở Michigan muốn được nói rõ hơn về REFLEXIVE PROUNOUNS. Đây cũng là thắc mắc của một khán giả khác của chương trình tuy không hoàn toàn giống. Bà muốn biết về nghĩa của chữ SELF và những trường hợp chữ này đi đôi với những chữ khác.
BBT
Trước hết, xin nói một chút rất ngắn về SELF. SELF là bản thân mình, bản ngã, cái tôi… SELF của tôi là tôi, SELF của Lãm Thúy là Lãm Thúy, SELF của QA là QA. SELF đi cùng với khá nhiều danh từ để diễn tả ý nghĩa tự, của riêng, của mình thí dụ SELF-CONFIDENT là tự tin; SELF CONTROL là tự chủ, bình tĩnh; SELF-DEFENSE là tự vệ; SELF–ESTEEM là tự trọng; SELF-EVIDENT là hiển nhiên, là tự nó đã có ý nghĩa; SELF-IMPORTANT là lên mặt ta đây, là tự coi mình quan trọng; SELF-LOVE là tự ái, ích kỷ; SELF- MADE là tự lập, tự mình làm nên cơ đồ sự nghiệp; SELF-SERVICE là tự làm lấy; SELF-RELIANT là tự chủ, tự lực, không nhờ vả ai; SELF-TIMER bộ phận chụp ảnh tự động…
QA
SELF-TAUGHT là tự học. Con trai QA tự nhận là một SELF-TAUGHT GUITARIST.
LÃM THÚY
Cái lò nướng Thúy mua tháng trước có hệ thống SELF-CLEANING tự nó lau sạch lấy, không phải lau chùi mất công.
BBT
Bây giờ chúng ta qua REFLEXIVE PROUNOUNS. Có 6 REFLEXIVE PRONOUNS tất cả:
MYSELF, YOURSELF, HIMSELF, HERSELF, ITSELF, OURSELVES, YOURSELVES và THEMSELVES. Tất cả đều chỉ được dùng làm túc từ (OBJECT). Chúng được dùng khi chủ từ (SUBJECT) cũng là túc từ (OBJECT), hay nói cách khác, chủ từ và túc từ là một.
LÃM THÚY
Như vậy YOURSELF là số ít. YOURSELVES là số nhiều. Thúy nhớ là các danh từ tận cùng bằng F đổi sang số nhiều là VES phải không thưa anh? SHELF là cái giá sách như trong cửa hàng của Thúy, số nhiều là SHELVES; HALF thành HALVES…
QA
LEAF thành LEAVES; THIEF thành THIEVES; LOAF thành LOAVES…
BBT
Cám ơn hai cô. Bây giờ chúng ta trở lại với RELEXIVE PRONOUNS. Như hai cô đã biết, động từ TO REFLECT là phản lại, là phản chiếu, là phản ảnh. REFLECTION là hình ảnh phản chiếu ngược lại, như khi ông Đoàn Luân đứng bên ao thấy cô em là Đoàn thị Điểm đang trang điểm và đọc: "Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm", và Đoàn thị Điểm đối lại:"Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân."
Một người Anh hay một người Mỹ, không phải là anh em của Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn thị Điểm thì cũng chỉ nói thế này: "Hey sister, you see yourself in the mirror… Right?" và cô em, nhiều lắm cũng chỉ đáp lại:"Oh yeah… and you see yourself in the pond…man!" chứ đâu có văn học nghệ thuật được như hai câu đối của anh em nhà họ Đoàn.
Như tôi vừa nói ở trên, REFLEXIVE PRONOUNS là đại danh từ dùng để làm túc từ khi chủ từ và túc từ là một.
Thí dụ bà Điểm thấy mình, thấy chính bà Điểm trong gương. Chủ từ là bà Điểm. Động từ là nhìn thấy. Túc từ cũng là bà Điểm, hình ảnh phản chiếu trong gương.
Tôi là "I" là chủ từ. Túc từ của tôi là ME. Khi muốn nói cho mạnh, cho rõ hơn thì chúng ta dùng REFLEXIVE PRONOUN. Ở đây là MYSELF.
LÃM THÚY
Như vậy nói I SEE ME có được không thưa anh?
BBT
Được. Nhưng ý nghĩa không mạnh bằng MYSELF. I SEE MYSELF mạnh hơn.
I SEE ME IN THE VIDEO thì cũng được. Nhưng I SEE MYSELF IN THE VIDEO thì ý mạnh hơn một chút.
Nói I SEE MYSELF IN MY SON có lẽ không hay, không mạnh bằng I SEE MYSELF IN MY SON.
I SEE MYSELF IN MANY POEMS BY ĐINH HÙNG.
QA
Vậy thì QA thấy rõ rồi, khi túc từ, OBJECT và chủ từ, SUBJECT là một thì chúng ta cần REFLEXIVE PRONOUNS.
BBT
Thí dụ tôi dậy hai cô về REFLEXIVE PRONOUNS thì chủ từ "TÔI" và túc từ "HAI CÔ" không phải là một, mà là những người khác nhau. Vậy thì nói tiếng Anh như thế nào, cô Thúy?
LÃM THÚY
Thầy phải nói là I TEACH YOU SOME GRAMMAR POINTS.
BBT
Nhưng nếu tôi lấy cái đàn ghi ta ra, mở cuốn sách dậy đánh đàn ghi ta, đọc và tập chơi đàn ghi ta. Như vậy là tôi cũng dậy đánh đàn ghi ta đấy chứ. Nhưng việc dậy đó không nhắm vào người khác. Chuyện dậy đàn quay ngược lại về tôi. Tôi dậy tôi chứ không dậy ai hết. Nói thế nào đây cô QA?
QA
I TEACH MYSELF THE GUITAR hay I TEACH MYSELF HOW TO PLAY THE GUITAR.
BBT
Và bà Điểm ngồi trước gương thì bà thấy ai, cô Thúy?
LÃM THÚY
SHE SEES HERSELF IN THE MIRROR
QA
Có thể chữ đi trước KHÔNG phải là đại danh từ không thưa anh? Dùng danh từ có được không? Thí dụ không dùng SHE, dùng chữ khác được không?
BBT
Được. Nhưng nếu không muốn dùng chủ từ SHE, người ta phải dùng DANH TỪ. Cô QA sẽ dùng danh từ gì để thay cho SHE?
QA
THE YOUNG WOMAN SEES HERSELF IN THE MIRROR.
BBT
Cám ơn cô. Đúng vậy. Cô Thúy cho một thí dụ với YOU coi.
LÃM THÚY
Túc từ của YOU là YOURSELF. Thúy hay phải nhắc cậu con lớn là sáng dậy phải tự sửa soạn quần áo tề chỉnh rồi mới xuống bếp ăn sáng: YOU MUST READY YOURSELF BEFORE BREAKFAST.
QA
QA thì phải nhắc hai con gái rằng YOU TWO SHOULD ALWAYS DRESS YOURSELF MODESTLY.
BBT
Cô QA nói hơi sai một chút. Cô nói là phải nhắc hai cô con gái thì REFLEXIVE PRONOUN phải là số nhiều, không thể là YOURSELF được.
QA
Sorry… QA đáng lẽ phải nói YOU SHOULD ALWAYS DRESS YOURSELVES MODESTLY mới đúng. YOURSELF là số ít. YOURSELVES là số nhiều.
BBT
Một lần tôi và hai người bạn đi Montreal chơi, đến nơi, chủ nhà không có nhà, chúng tôi vào bếp thấy cơm nấu sẵn thế là chúng tôi ngồi xuống ăn ngay. Nếu tôi kể lại cho bạn bè nghe thì tôi phải nói thế nào? Nhờ cô Thúy nói hộ bằng tiếng Anh.
LÃM THÚY
WE HELPED OURSELVES TO THE DINNER
BBT
Cám ơn cô. QA cho nghe một thí dụ với THEY, ngôi thứ ba số nhiều coi.
QA
THE FOUR MUSICIANS CALLED THEMSELVES "THE BEATLES".
BBT
Cô Thúy kể mới mua cái lò nướng. Cô tả cho tôi nghe cái lò mới mua như thế nào.
LÃM THÚY
THE STOVE CLEANS ITSELF
BBT
Cám ơn hai cô. REFLEXIVE PRONOUNS cũng được dùng làm túc từ cho một GIỚI TỪ (PREPOSITION). Đây là một vài PREPOSITION thường gặp: TO, FOR, BY…
Thí dụ nói người phụ nữ ấy tự làm tóc cho chính mình thì cô QA nói như thế nào?
QA
SHE CUTS THE HAIR BY HERSELF
BBT
Ông ấy hay nói một mình…
LÃM THÚY
HE OFTEN TALKS TO HIMSELF
BBT
Tuần trước tôi đi mua đôi giầy mới. Tôi mua cho tôi. Tôi nghĩ thỉnh thoảng mình cũng phải tử tế với mình một chút. Cô QA sẽ nói thế nào?
QA
LAST WEEK, I BOUGHT A NEW PAIR OF SHOES FOR MYSELF. I THINK SOMETIMES I MUST BE KIND TO MYSELF TOO.
BBT
Cô Thúy có thấy hai câu này khác nhau không: I MADE SOME COFFEE BY MYSELF vaø I MADE SOME COFFEE FOR MYSELF.
LÃM THÚY
Câu I MADE SOME COFFEE BY MYSELF là tôi tự tay pha một ly cà phê. Có thể tôi uống. Có thể mang mời khách.
Nhưng I MADE SOME COFFEE FOR MYSELF thì tôi tự pha cà phê và tôi uống ly cà phê đó.
Thúy còn nghe thấy người ta nói I MADE MYSELF SOME COFFEE. Như vậy có đúng không thưa anh?
BBT
Đúng, đó là trường hợp động từ có HAI túc từ, một trực tiếp túc từ (DIRECT OBJECT) và một gián tiếp túc từ (INDIRECT OBJECT)
I MADE A CUP OF COFFEE có một túc từ, một trực tiếp túc từ. Vì giữa động từ (MADE) và túc từ (A CUP OF COFFEE) không có một giới từ nào. Gián tiếp túc từ thường có một giới từ ở trước.
I MADE A CUP OF COFFEE FOR MYSELF. MYSELF là gián tiếp túc từ vì nó có giới từ FOR ở trước.
Nhưng trong những trường hợp như vậy, chúng ta có thể đưa gián tiếp túc từ lên trước, cho đứng sát động từ cũng được.
I COOK A GREAT DINNER FOR MYSELF thì cũng như I COOK MYSELF A GREAT DINNER. Chỉ nhớ đừng hiểu là tôi tự nấu tôi là được.
QA
I COOK MYSELF có đứng một mình được không thưa anh?
BBT
Được. Trong trường hợp cô vừa nêu thì chắc chắn không ai hiểu lầm là tự mình ngồi vào trong cái nồi, bật lửa lên để thành một món … thịt luộc mời ông tù trưởng bộ lạc ăn thịt người. Chúng ta dùng REFLEXIVE PRONOUNS trong trường hợp này là để nhấn mạnh thêm cho chủ từ. Thí dụ I MYSELF SHOOK PRESIDENT DIEM’S HAND.
Hai cô mỗi cô cho nghe một thí dụ với cách dùng nhấn mạnh coi.
LÃM THÚY
SHE HERSELF TOLD ME THAT SHE WAS GETTING MARRIED.
QA
PRESIDENT OBAMA HIMSELF VISITED THE TROOPS LAST DECEMBER.
BBT
Hai cô nhớ chi tiết này nữa. Khi đặt BY ở trước các REFLEXIVE PRONOUNS thì ý nghĩa của chúng lại có nghĩa là tự mình, một mình, không có ai giúp.
Thí dụ I SIT BY MYSELF. HE LIVES BY HIMSELF. SHE DROVE TO SAN JOSE BY HERSELF. WE PAINTED THE HOUSE BY OURSELVES. YOU CAN COME BY YOURSELVES. THEY HAD DINNER BY THEMSELVES.
LÃM THÚY
Thúy còn nghe nói I SIT ALL BY MYSELF thì có giống như mấy thí dụ anh vừa đưa ra không?
BBT
ALL là một trạng từ. Nó làm cho ý nghĩa của những chữ đi sau nó, hoặc trạng từ hoặc tĩnh từ mạnh hơn. I SIT ALL BY MYSELF mạnh hơn là I SIT BY MYSELF.
I SIT ALONE không mạnh bằng I SIT ALL ALONE.
QA
Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
CHỮ NGHĨA CHÚNG TA
MỘT CUỐN TỰ ĐIỂN TẦM BẬY TẦM BẠ
Cuốn Từ Điển Kinh Doanh Thế Giới Anh Việt xuất bản ở Việt Nam là một cuốn từ điển không biết phải nói làm sao về nó nữa.
Bề gì nó cũng là công trình của năm người làm từ điển, lại còn được sự giới thiệu rất ân cần của một giới chức thuộc viện kinh tế của thành phố HCM. Thoạt mới nhìn qua, phải nói nó là một công trình đồ sộ.
Với chiều dầy hơn 2000 trang và có trên 130 ngàn chữ, cuốn từ điển chắc phải được hoan nghênh nhiều lắm.
Trong lời giới thiệu, cuốn từ điển được cho biết là gom góp các "cụm từ, thuật ngữ, từ vựng... liên quan đến nền kinh tế thị trường..." Nhóm biên soạn còn nói rõ hơn ở bìa sau là cuốn sách cung cấp các thuật ngữ kinh doanh, tài chính, kế toán, ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán, điện toán...
Cuốn từ điển do nhà xuất bản Đồng Nai in năm 1997 được bán với giá 160 ngàn đồng bạc Việt Nam. Nhưng đọc nó, chỉ cần đọc rất nhanh, người ta cũng thấy nó không đáng được bán với giá như vậy.
Số 130 ngàn chữ bao gồm trong đó rất nhiều chữ không dính dáng gì đến những "từ vựng" dùng trong các ngành sinh hoạt kinh doanh. Con số này có thể lược bỏ đi một số lớn những chữ không cần thiết đã có trong những cuốn từ điển Anh Việt khác. Thay vì chuyên chú vào những thuật ngữ chuyên môn của các sinh hoạt kinh tế, tài chính, những người làm tự điển đã quá tham lam đưa cả những chữ không cần thiết vào để cuốn sách dầy thêm một cách không cần thiết.
Thí dụ mở trang 1068 của cuốn từ điển sẽ thấy nếu có xé bỏ hẳn trang này, hay trang 372, hay trang 1162... những người dùng các thuật ngữ kinh tế, tài chính, kinh doanh sẽ không thấy mất mát gì hết.
ở trang 1162, con chuột xạ (musquash/muskrat) hay con trai (mussel) dính dáng gì tới kinh doanh? Động từ must là động từ cần biết cho những người giao dịch với các nhà ngân hàng, các nhà dầu tư ngoại quốc ư? Những con mustang - ngựa hoang ở Bắc Mỹ - là chữ trong điện toán? Musty là nhàm chán, hay mute, lặng thinh là... kinh doanh chăng?
Những trang từ điển như trang 1162 kể trên được tìm thấy rất nhiều trong cuốn sách. ở những trang có nhiều thuật ngữ chuyên môn về kinh doanh, thì những chữ này chỉ chiếm chưa đầy một nửa trang, các nhà làm từ điển đưa vào cuốn sách rất nhiều những chữ như thế.
Nhưng đọc nó kỹ hơn sẽ thấy ra một điều khác nữa. Đó là cuốn từ điển, ngoài những chữ không cần thiết và không dính dáng gì đến kinh doanh, nó còn chứa rất nhiều tiếng tục tĩu, kể cả những tiếng lóng tục tĩu nhất mà thường ít khi thấy cả trong những từ điển Mỹ thông dụng.
Có thể nói chắc là cuốn từ điển ghi không thiếu một chữ tục tĩu nào trong Anh ngữ. Đó là những tiếng liên quan đến các bộ phận sinh dục nam, nữ, không chỉ những tiếng có thể dùng trong các lớp giáo dục sinh lý, trong các sách y khoa như labium (948), fore skin (664), penis (1314), mà luôn cả những tiếng lóng trong những đối thoại thông thường cũng ít người dám dùng, và nếu cần phải đề cập đến, người ta cũng dùng một cách diễn tả khác, nếu không muốn viết tắt như fuck (684), cunt (407), asshole (611) blow job (173)... Tất cả các chữ để nói tới sinh hoạt tình dục đều có, thí dụ masturbation (1070), ejaculate (546), coitus interruptus (316), fore play (664)...
Đó mới là chỉ kể ra một ít. Đọc kỹ sẽ còn thấy rất nhiều điều đáng nói khác. Những người làm cuốn từ điển này là những người kỳ lạ. Tại sao động từ must, một động từ ngay trong những bài học Anh ngữ đầu tiên ai cũng đã được giảng dậy kỹ lưỡng, thì họ phải viết tới 19 dòng ở trang 1162 trong khi NAFTA, những chữ viết tắt của bản hiệp ước tự do mậu dịch Bắc Mỹ ở trang 1167 thì họ chỉ ghi bên cạnh những chữ North American Free Trade Agreement, ngoài ra không giải thích gì, không cho biết hiệp ước ký bao giờ, có hiệu lực từ lúc nào, hiệp ước có những điều khoản gì, có lợi cho các nước ở Bắc Mỹ ra sao.
Một số những chữ mà các nhà làm từ điển định nghĩa thì lại sai nặng nề. Thí dụ chữ flasher ở trang 645 được định nghĩa là "người đàn ông mặc tênh hênh, chướng mắt".
Định nghĩa như thế là sai. Thứ nhất, flasher không chỉ có nghĩa là đàn ông. Đàn bà cũng có thể là flasher. Thứ hai, flasher không ăn mặc quần áo "tênh hênh, chướng mắt" bao giờ. Flasher là một trường hợp bệnh tâm thần, người bị chứng này chỉ tìm được thỏa mãn tình dục khi thình lình phô các bộ phận kín của mình ra cho người khác phái nhìn thấy bằng cách mở nhanh áo khoác ngoài rồi đóng lại sau vài giây.
Hay open society ở trang 1247 được định nghĩa là "xã hội tự do tín ngưỡng". Hay skinhead ở trang 1654 được định nghĩa là "bọn đầu trọc, ưa bạo lực". Hay don't give a fuck là "đừng cho quá ít" ở trang 684 trong khi chính ra phải là "đ... coi ra cái gì" mới đúng.
Ở trang 684, Fujian được chú thích bên cạnh: "Trước đây Fukien". Thực ra Fujian và Fukien đều là Phúc Kiến. Fujian là cách viết bằng mẫu tự La Tinh theo lối pinyin (phiên âm), lối viết Bắc Kinh dùng trong khi Fukien là lối viết Wade mà Đài Loan dùng.
Nhưng điều khó hiểu nhất là tại sao những "từ vựng" dùng trong các sinh hoạt kinh doanh lại có những chữ... sexy như thế? Có phải làm kinh doanh ở Việt Nam... đã đời như vậy không? Hay khi ra nước ngoài làm kinh doanh, các nhà tư bản đỏ chờ đợi những hoạt động đã đời như vậy để có cơ hội đem mớ chữ nghĩa dùng trong kinh doanh ra thực tập? Chứ không thì tại sao lại có brothel (205), condom (346), massage parlour (1068), call girl (230), street walker (1728), pimp (1342), prostitute (1417)...