April 22, 2010

April 23, 2010

Ngày 19 tháng 4 năm 2010

Bạn ta,

Trong lần dọn nhà mới đây nhất, tôi đã định cho người bạn chiếc sofa vì cứ mỗi lần ngó nó là lại "... nghĩ nỗi sau này mà kinh", kinh vì đường xa chứ chẳng vì lý do nào khác.

Nhưng bạn tôi không chịu lấy, nên nó lại theo tôi đến địa chỉ mới.

Bây giờ, tôi rất mừng vì nó vẫn còn ở lại với tôi sau mấy lần dọn nhà. Sự vui mừng đó của tôi lại càng được củng cố thêm sau khi tôi đọc được trang quảng cáo của Montauk, một hãng chuyên sản xuất sofa. Dẫu cũng bằng da đen, nhưng cái sofa của tôi không phải là thứ sang trọng, đắt tiền như của Montauk. Tuy thế, cái quảng cáo của Montauk vẫn làm tôi rất vui mừng là đã mang nó theo.

Quảng cáo của Montauk có hình một phụ nữ trong thế ngồi thoải mái trên chiếc sofa, ôm trong lòng chiếc gối nhỏ. Rõ ràng là hình ảnh của một người vui vẻ, hài lòng với mình.

Nhưng chính những hàng chữ ở phía dưới mới khiến tôi yêu chiếc sofa của tôi hơn. Yêu và mừng là đã mang nó theo. Mấy hàng chữ kèm theo quảng cáo viết đại khái là nó (người đàn ông của cô) đã bỏ đi, thôi thì cũng được, vì nó không bao giờ biết nhặt những chiếc bít tất bỏ vào thùng quần áo bẩn chờ mang giặt, nó tưởng tôi (người phụ nữ trẻ trong bức ảnh quảng cáo) là má nó, nó không còn làm cho tôi cười nữa, nó đã ra đi. Nhưng có sao, vì tôi vẫn còn cái sofa...

Người phụ nữ nói là cô vẫn còn giữ lại được cái sofa Montauk mà cô rất yêu quí sau khi người đàn ông dọn đi. Mức độ yêu quí cô dành cho cái sofa đó còn nhiều hơn là tình cảm cô dành cho người đàn ông mà cô nghĩ là vô tích sự (bừa bãi, ỷ lại, không còn óc hài hước nữa) vừa bỏ cô đi. Và chiếc sofa ở lại với cô, niềm an ủi vỗ về lớn nhất của cô...

Ý của quảng cáo là như thế. Chiếc sofa Montauk đáng yêu hơn tên đàn ông khốn nạn vừa bỏ cô ra đi theo tiếng gọi của những thứ không tiện nói ra rất là nhiều.Tôi hiểu nỗi vui mừng của cô...

Cám ơn cái cối cái chầy
Nửa đêm giã gạo, có mày có tao
Cám ơn cái cọc bờ ao
Tinh sương vo gạo, có tao, có mày...

Chiếc sofa đen của tôi, hệt như cái cối, cái chầy, cái cọc bờ ao đối với người phụ nữ thôn quê lam lũ tội nghiệp trong mấy câu ca dao, cũng là những an ủi lớn cho tôi.

Tôi quí nó vì nó còn giữ in dấu tích, mùi hương của những người đến thăm tôi trong căn apartment cũ. Không những thế, nó còn là một thứ võ khí vô cùng lợi hại trong giai đoạn chiến tranh lạnh mà một thời tôi đã sống qua. Nó không có khả năng tàn phá qui mô của những đầu đạn vài trăm megaton, những pháo đài bay, những phi đạn chiến lược đa đầu, những tầu ngầm nguyên tử... nhưng nó vẫn là một thứ võ khí răn đe không kém phần hiệu nghiệm. Nó có thể được đem ra... dọa những khi đối phương làm khó, và biện pháp răn đe luôn luôn thành công.

Nhưng cũng rất nhiều lần nó được đem ra dùng chứ không chỉ để răn và đe. Nó đã từng cung cấp nơi tị nạn cho tôi bao nhiêu lần trong những lúc nửa đêm về sáng. Nó êm ái, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Nó ngủ không gác, không bám nghẹt thở, không nghiến răng trèo trẹo, không ngồi dậy lắng nghe xem những cái tên gì được ú ớ gọi lên trong cơn mê sảng, nó không bao giờ mè nheo hạch hỏi giờ giấc khi đến với nó, dẫu là nửa đêm về sáng hay khuya khoắt đêm dài...

Tôi không hiểu người phụ nữ trong quảng cáo của công ty Montauk đã làm được gì với chiếc sofa của cô, nhưng chỉ với bằng ấy điều kể trên, chiếc sofa của tôi rất đáng mang theo trong lần dọn nhà này bất kể chuyện nó (?) đã bỏ đi, không chịu nhặt bít tất dơ quăng vào thùng quần áo chờ mang đi giặt.

Nhưng cần gì, khi tôi vẫn còn giữ được chiếc sofa bằng da đen mua từ hơn một chục năm nay.


Ngày 20 tháng 4 năm 2010

Bạn ta,

Cách đây khoảng vài tuần, trong mục Ann Landers, một độc giả có đưa ra mấy đề nghị để giữ cho cuộc hôn nhân được lâu bền, và trong số những đề nghị đó, có một đề nghị lúc đầu đọc lên tôi không mấy tin là có thể làm được công việc nó được trao phó.

Không tin vì tôi thấy nó không cần thiết, và có làm theo, thì cũng khó mà có chuyện nhờ nó, đời sống giữa người đàn ông và đàn bà có thể tốt đẹp hơn.

Ngoài hai đề nghị về cách treo cuộn giấy trong nhà cầu, chịu khó hạ hay nhấc cái bàn cầu lên để khỏi gây khó chịu cho người kia, bức thư của người độc giả viết rằng không nên chiếm hết chỗ trong buồng tắm cho các chai lọ của mình, chia xẻ với phía bên kia và đừng dùng các thứ của phía bên kia.

Nghĩa là đã có riêng một tiệm chạp phô cho mấy chục thứ phấn son, nước hoa, gương lược, sơn móng tay vài ba chục mầu... thì đừng độc quyền thêm cái tủ và cái kệ trong nhà tắm nữa. Nhất là đừng dùng các thứ của phía bên kia.

Ðoạn trên thì dễ hiểu. Không nên lấn đất giành dân quá, đừng da beo kiểu ngưng bắn ở Việt Nam. Nhưng còn đoạn khuyên đừng dùng các thứ của phía bên kia? Người đàn ông nào dùng son phấn của phụ nữ? Mascara? Eye shadows? Eye liner? Phấn nền, son môi...?

Nếu chàng lấn sang các món vừa kể, thì cuộc hôn nhân nhất định có vấn đề. Nên để ý coi khi nàng vắng nhà, chàng có lén đeo cái nịt vú, đội tóc giả, đi giầy cao gót của nàng... uốn éo trước gương không. Nếu có, thì nên dành dụm ít tiền cho chàng đi giải phẫu là vừa.

Tôi còn đang không tin có những chuyện như vậy thì đọc được một bản tin ngắn nói rằng phụ nữ rất thích dùng nước hoa, cologne, after shave của đàn ông, và mùi đang được ưa thích, là mùi Gendarme của đàn ông. Tờ People cho biết Sharon Stone (phim Basic Instincts) và Brittany Daniel (trong chương trình Dawson's Creek) đều thích dùng những thứ (nước hoa) của đàn ông.

Như vậy là sau những chiếc dao cạo, là mấy chai eau de Cologne, và luôn cả after shave của những người đàn ông cũng sẽ không được để cho yên nữa. Tuần trước, tại một tiệm ăn, một người đàn ông cao niên Á châu đã đau khổ suốt một bữa tối vì một phụ nữ ở bàn bên đeo một chiếc ca vát Versace đẹp hơn của chàng, thì bây giờ, chàng lại còn đau khổ hơn nữa khi biết là những vi phạm chủ quyền không chỉ ở nơi những chiếc ca vát, mà luôn cả những thứ thầm kín nhất của chàng: những mùi dầu thơm chàng ưa dùng. Chai Eau Sauvage mùi chanh nhè nhẹ, vừa đàn ông, vừa quyến rũ, chai Brut, chai Acqua Di Giò của chàng không còn là những thứ bất khả xâm phạm nữa. Những thứ ấy sẽ bị đem dùng không kiêng nể gì hết. Trên xe điện, trong thang máy, rồi đây, khi những mùi quen thuộc ấy phả sang, chàng chờ đợi một người đàn ông dã man (sauvage) thô bạo, cục xúc (Brut)... thì Sharon Stone bước tới, ăn mặc(?) hệt như đoạn nàng ngồi ở quận cảnh sát khai cung, thỉnh thoảng lại đổi vị trí đôi chân làm Michael Douglas điên cuồng lên thì... khổ biết là chừng nào.

Nhưng có lẽ khó cho chàng nhất là khi về nhà, tuy vẫn mấy cái mùi quen thuộc chàng dùng đã cả mấy chục năm, và buổi sáng ra đi, chàng còn dùng nó, thì những mùi đó lại có thể gây khó khăn cho chàng.

Anh đi chơi với... con nào hôm nay? Thì mùi Eau Sauvage còn đầy trên người chứ còn gì nữa? Mùi của anh à? Thôi đừng có chối nữa. Mấy con ngựa đó bây giờ cũng dùng nước hoa đàn ông nữa chứ ngồi đó mà độc quyền...Ðứa nào đây? Thành thật khai báo với cách mạng coi...

Ðoạn đối thoại có thể là như thế. Tình thì ngay, lý thì cùng hung cực ác. Chạy Trời cũng không thoát.

Tuy thế, cũng có thể thấy mùi Eau Sauvage thì lại... yên trí, không hỏi han, tra vấn, lục hỏi, lấy cung gì hết.

Và chàng thoát hiểm.

Cứ lấn qua mà dùng Eau Sauvage... của tui. Không sao hết.


Ngày 21 tháng 4 năm 2010

Bạn ta,

Không biết ai nói câu người Mỹ có một cái love affair với cái xe hơi của họ.

Ai nói không cần biết, nhưng đó là một nhận xét không sai chút nào. Không chỉ yêu, mà phải nói là họ mê chiếc xe của họ mới đúng. Cuộc thăm dò mới đây của Progressive Insurance, một công ty bảo hiểm ở Ohio cho thấy một số điều khiến người ta kinh ngạc không ít.

Cuộc thăm dò đặt ra một số câu hỏi cho 500 người, và 84% những người tham dự cuộc thăm dò nói là họ "yêu" chiếc xe của họ, trong khi 45% cho biết chiếc xe đáng yêu hơn người phối ngẫu của họ nhiều. Do đó, người ta có thể tin rằng khi một người (đàn ông Mỹ) mở cửa xe cho một người đàn bà lên hay xuống xe, thì chắc chắn một trong hai thư (hoặc cái xe, hoặc người đàn bà) phải là... mới. Cũ rồi thì nâng niu (cái cửa xe) làm gì nữa!

Nhưng tại sao lại có chuyện ... yêu xe hơn yêu người phối ngẫu như cuộc thăm dò đã cho thấy? Cái xe thì làm được gì ngoài chuyện giúp chủ nó đi từ điểm A đến điểm B?

Yêu nó vì nó ngoan ngoãn, lễ phép, không khó đăm đăm, mặt mũi chằm vằm lúc nào cũng chỉ định gây sự? Ðiều này có thể đúng, nếu nó là cái Deux Chevaux, cái xe song mã yêu quí ngày xưa của tôi cứ đến ngã tư đèn đỏ ngừng lại chờ đèn xanh, khi chạy, bao giờ nó cũng gật đầu chào ông cảnh sát.

Hay tại nó lúc nào cũng sexy như một số đàn ông Mỹ đã trả lời cuộc thăm dò? Có thể đúng nếu nó là cái Volkswagen kiểu con bọ. Ngó cái... đít nó coi. Giống lắm. Chẳng thế mà người Tầu, rất ít người thích những chiếc Beetle này, vì trông giống... lắm. Mà giống thì sui tận mạng. Nhưng nó giống thật. Cả phía trước lẫn phía sau, lúc nào cũng cứ hum húp lên thôi.

Hay tại nó gồ ghề và ... đàn ông, như cái Rodeo Isuzu cuõ cuûa toâi hoài ñoù? Có thể lắm chứ. 72% nói rằng chiếc xe hơi của họ phản ảnh đúng con người, nhân cách của họ. Những cái bánh gai để chạy băng đồng, leo đèo vượt suối, cái bánh dự phòng lắp ở bên ngoài trông rất du côn quả là nó có làm cho người ta nghĩ nó đàn ông thật.

Hay tại nó dễ tính, không làm eo, làm phách? Cứ đẩy cái chìa khóa vào ổ, vặn nhẹ là nó nổ máy, rên lên nhè nhẹ. Cứ ba ngàn dặm đem thay nhớt máy là nó lại chạy trơn tru. Mà nó lại cũng không tốn kém bao nhiêu. Ðổ cho bình xăng, cả tuần nó không đòi tiền đi... shopping bao giờ.

Hay tại tính nó hiền? Rút cái chìa khóa ra là nó im ngay. Không tra hỏi, lục vấn, lấy cung, căn vặn, mè nheo, càm ràm điếc cái lỗ tai. Có thể lắm.

Hay nó... êm và thơm phức như những chiếc ghế bucket seats, ngồi vào là giây nịt tự động ôm cứng lấy chủ?

Hay vì nó chạy trên năm chục(?) ngàn dặm mà bình nhớt(?) vẫn còn nguyên, không phải châm thêm bao giờ?

Hay có thể là vì lúc nào nó cũng đẹp, chì cần thỉnh thoảng chạy qua cái máy rửa xe là nó lại đẹp lộng lẫy, không cần quét vôi hay sơn phết chi cả?

Hay vì nó không... xẹp bao giờ dẫu cho có cán đinh? Mà nếu có cần bơm(?), thì cũng không tốn kém bao nhiêu, vài chục xu là lại săn cứng như mới.

Hay vì cái mui(?) mở ra, đậy lại dễ dàng, không đòi điều kiện này nọ? Nhiều kiểu xe, muốn mở, chỉ bấm nhẹ một cái, không còn phải hì hục vất vả như đụng phải mấy cái móc của Victoria's Secret.

Hay vì sau khi ở với nhau năm, mười năm, nếu muốn, người ta có thể mang nó "trade in", lái một cái mới về nhà, mà nó vẫn vui vẻ, chẳng đòi trả tiền cấp dưỡng gì hết?

Nếu đúng như những điều kể trên, thì người Mỹ có mê nó hơn người phối ngẫu thì có gì đáng ngạc nhiên đâu...


Ngày 22 tháng 4 năm 2010

Bạn ta,

Mãi cho đến đầu những năm 1950, ở Hà Nội nhà chức trách vẫn còn chơi một trò chơi vi phạm nhân quyền của người dân hết sức thô bạo: chặn đường khảo chữ, không biết đọc, không cho đi qua, dẫu là đi làm, đi chợ hay đi chơi cũng không được. Về nhà học chữ, biết đọc rồi muốn đi đâu thì đi.

Bà ngoại tôi những hôm như vậy không dám đi đâu hết. Cụ thuộc thế hệ phụ nữ không được cho đi học chữ quốc ngữ. Cụ đành ở nhà chứ làm sao mà ê a "i tờ có móc cả hai/ i ngắn có chấm, tờ dài có ngang" hay "o tròn như quả trứng gà"... tập đọc để ra đường trong những ngày khảo chữ.

Ngày nay, chuyện chống mù chữ không còn thấy nghe nói đến nữa vì dường như ai cũng đều đã biết đọc biết viết cả.

Nhưng nếu bây giờ mà còn có chiến dịch chống mù chữ, không biết người ta có còn dám chơi trò chận đường hỏi chữ nữa hay không.

Ở Mỹ, quốc gia đàn anh thế giới, tuy vậy mà vẫn còn người mù chữ. Mù chữ có thể vì ham chơi bóng rổ, chơi bóng bầu dục nhiều quá, không chịu ngồi trong lớp nên không biết đọc, hay chỉ biết đọc ở cấp lớp hai hay lớp ba như một cầu thủ bóng rổ mà đại học Georgetown tuyển được mấy năm trước, đem về đấu cho đội cầu nhà trường. Cậu sinh viên này phải học riêng một lớp để biết đọc cho đáng mặt sinh viên Georgetown trong những lúc không ở sân chơi, ném quả bóng vào cái rổ.

Chiến dịch khuyến khích các công dân kiểu như người cầu thủ của trường Georgetown học đọc và đọc sách vẫn còn được tiến hành ở nước Mỹ. Như vậy, quốc gia này vẫn còn một số khá đông đảo người không biết chữ, hay biết đọc nhưng rất chậm và ở mức mấy năm đầu của tiểu học.

Tại thư viện, ở những tiệm sách thỉnh thoảng tôi thấy những tấm bích chương khuyến khích đọc sách, khuyến khích học đọc để chấm dứt tình trạng mù chữ với lời kêu gọi: Give the Gift of Literacy, hãy làm quà cho nhau món quà chữ nghĩa. Literacy là khả năng biết đọc chữ, đọc sách. Cho món quà chữ nghĩa là cho nhau cuốn sách, dậy người mù chữ biết đọc thì cũng thế.

Tấm bích chương với lời kêu gọi đó là một dịch vụ phục vụ cộng đồng không chỉ ở địa phương tôi ở. Sáng nay, tờ Playboy đã nằm chờ tôi ở hộp thư. Bóc cái bao plastic gói tờ báo, thì một tờ giấy rơi ra. Tờ giấy có in hàng chữ Give the Gift of Literacy, với hình một cuốn sách mở ra ở giữa. Và tờ Playboy, như thế, đã không quên nhắc nhở người đọc làm công dân tốt, tiếp tay để dẹp tệ nạn mù chữ ở nước Mỹ.

Tờ giấy kêu gọi độc giả của tờ báo góp phần vào nỗ lực ấy bằng cách tặng cho bạn bè, người quen, những ai ít chữ, ít nghĩa, không biết đọc hay biết đọc nhưng vẫn chưa thông, món quà chữ nghĩa.

Và tuy làm công việc cộng đồng, tờ báo này không quên quảng cáo luôn cho nó. Thôi thì cây nhà, lá vườn, nhắc tặng nhau món quà chữ nghĩa sao bằng tặng nhau một năm báo... Playboy?

Và ở ngay bên cạnh lời khuyến khích tặng nhau món quà chữ nghĩa, là bức hình chụp một phụ nữ trẻ, quần áo rất lôi thôi(?), với những khuyến khích đập ngay vào mắt để người nhận quà... tập đọc mà mở mang trí tuệ.

Tôi bèn điền ngay một phiếu mua báo gửi tặng một ông bạn có đời sống không mấy vui một năm báo. Mặc dầu biết rõ ông có quà của tôi cũng chưa chắc ông chịu khó đọc những bài viết rất hay của tờ báo.

Thôi thì xem... hình cũng còn hơn là tối nào đi làm về cũng chỉ biết nằm nhìn cái trần nhà làm vui từ cả chục năm nay.

Dẫu sao thì bạn tôi cũng là người biết chữ. Nhưng đọc mà làm gì? Chữ nhỏ, đọc để mà hại mắt hay sao?


Ngày 23 tháng 4 năm 2010

Bạn ta,

Winston Churchill một lần trong nhưng năm đệ nhị thế chiến khi nước Anh, bị không quân Ðức ào ạt tấn công ngày đêm, đã nói, Anh có thể thua những trận đầu, nhưng bao giờ cũng thắng trận đánh cuối cùng.

Trận đánh cuối cùng là trận quan trọng nhất. Sau trận đánh cuối, không còn một trận nào nữa. Thắng trận cuối là thắng tất cả.

Nước Anh có một truyền thống chiến tranh lâu dài, và gần như luôn luôn thắng trận cuối, hệt như nhận xét của Churchill. Người lính Anh là một sinh vật kỳ lạ. Khi thắng, khi bại, họ không khác nhau bao nhiêu. Vai trò viên đại tá mà Alec Guiness đóng trong phim The Bridge Over The River Kwai cho thấy khá nhiều về người lính Anh. Trách nhiệm, kiêu hãnh, anh hùng, danh dự. Người lính Anh ở ngoài mặt trận thì như thế. Ở hậu phương, những người lính Anh, mà đa số là nữ quân nhân, cũng là những quân nhân xuất sắc. Nước Anh thắng được cuộc chiến với nước Ðức là nhờ rất nhiều vào các phụ nữ này. Không có các nữ quân nhân Anh, thì Anh quốc, và luôn cả Ðồng Minh khó mà thắng được phe Trục.

Họ là những quân nhân lập nhiều chiến tích, nhưng lại rất khác những chiến sĩ phụ nữ khác, thí dụ các chiến sĩ Amazon trong thần thoại Hy Lạp chẳng hạn. Các nữ chiến sĩ Amazon, vì muốn trở thành những cung thủ thiện xạ, đã cắt bỏ hẳn vú bên phải để khỏi làm vướng dây cung và đường bay của mũi tên mà họ sử dụng ngoài mặt trận.

Các nữ quân nhân Anh ngày nay dĩ nhiên không còn đánh trận bằng cung tên nên việc cắt bỏ vú bên phải không còn là chuyện cần thiết nữa. Không những không cắt, mà chính phủ Anh còn có một quyết định ngược lại hẳn với việc làm của các phụ nữ thuộc bộ lạc Amazon sống ở ven Hắc hải trước đây.

Khi không sợ vướng dây cung, không sợ cản trở đường bay của những mũi tên thì việc gì phải cắt bỏ cho uổng. Bộ quốc phòng Anh chắc chắn phải nghĩ như thế. Nhưng nước Anh còn đi xa hơn thế nữa bằng một quyết định mà người ta đọc được trong tờ tuần san Time.

Chính phủ Anh, theo đoạn tin ngắn này, đã quyết định sẽ trang trải chi phí bơm vú cho các nữ quân nhân. Tờ Time không cho biết lý do tại sao bộ quốc phòng Anh quyết định như thế nhưng chắc chắn với quyết định này, tinh thần chiến đấu của các binh sĩ Anh sẽ còn lên cao hơn nữa. Như vậy, không những không cần cắt bỏ, mà còn cải thiện, làm cho tốt đẹp hơn nữa.

Các nữ quân nhân đau khổ vì thua kém các bạn đồng ngũ nay không còn phải mặc cảm tự ti (?) nữa. Muốn hết tự ti (?) cứ hai bịch silicone cho vào, là có silicone valley ngay. Thung lũng hoa vàng không cách chi cạnh tranh nổi. Mà lại còn miễn phí, chính phủ trang trải thì còn lo gì nữa.

Các nữ quân nhân khi xếp hàng, thao diễn cơ bản sẽ không còn nhấp nhô không ngay hàng thẳng lối như trước. Các nam quân nhân cũng thấy nước Anh của họ đáng để bảo vệ hơn. Ngó lại đằng sau trông thấy ngay lý do để tiến lên chứ không nhìn thấy, phát kinh hoàng phải liều mạng gom hết hơi tàn lực kiệt bơi qua eo biển đầy cá mập để thoát... hiểm nữa.

Nước Anh lúc nào cũng đầy sáng kiến, lúc nào cũng đi trước các nước khác trên thế giới. Họ cho thế giới chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên, rồi họ cũng lấy cái phi đạo trên hàng không mẫu hạm bằng chiếc Jump Jet Harrier lên thẳng như trực thăng. Họ có nữ hoàng, có nữ thủ tướng, váy mini, Twiggy, Jean Shrimpton, nhạc Beatles, Rollingstones... và nay, là các nữ quân nhân có vú giả miễn phí.

Nước Mỹ bao giờ cũng đi ngay sát đằng sau nước Anh. Cho nên vài ba năm bữa, thế nào ở Mỹ cũng xẩy ra cảnh những ông chồng bỗng nhiên yêu nước, xúi những người vợ đăng vào nữ quân nhân, như là một cách kín đáo để nói một điều thường ngày hết sức khó nói, nhất là sau vài ba bận giả vờ mua lộn tặng vợ nhân ngày Mother's Day cái sản phẩm của Victoria's Secret (với cỡ lớn hơn, cup (?) lớn hơn) mà các nàng vẫn chưa chịu nhận ra được cái thông điệp (?) các chàng muốn gửi.

Nước Anh, "There'll always be an England" hệt như trong một bài hát của Ross Parker, bao giờ cũng vẫn sẽ có một nước Anh... Một nước giỏi như vậy thì phải có... mãi chứ.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 71)

Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 71 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 5 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Trong tuần qua, chương trình có nhận được thư của bà Mỹ Duyên ở Connecticut muốn chương trình của thầy Trúc nói thêm về động từ TO SUPPOSE và những cách dùng đặc biệt của nó. Nhưng thưa anh, QA thấy động từ này cũng chỉ là một động từ thường thôi, có gì khá đặc biệt đâu.

LÃM THÚY

Thúy thấy nó chỉ có hai thì PRESENT và PAST phải không thưa anh?

BBT

Đúng như hai cô nói. Động từ TO SUPPOSE không khác các động từ khác trong tiếng Anh. Nó là một động từ QUI TẮC (REGULAR VERB): muốn có quá khứ (PAST) và quá khứ phân từ (PAST PARTICIPLE) thì cứ thêm (E)D vào cuối. TO SUPPOSE có đủ các thì PAST, PRESENT và FUTURE cùng các thì kép CONTINUOUS và PERFECT.

Cô Lãm Thúy nói cũng đúng. Để phần sau của bài học chúng ta sẽ nói về trường hợp chỉ có thì hiện tại và quá khứ như cô Thúy nói.

QA

QA nhớ TO SUPPOSE nghĩa là nghĩ rằng, cho rằng, coi là. Thí dụ I SUPPOSE HE IS NOT AT HOME. Động từ TO SUPPOSE ở đây nghĩa là cho rằng, tin rằng phải không thưa anh? Như vậy, có thể thay TO SUPPOSE bằng TO THINK, TO BELIEVE được chứ: I THINK / I BELIEVE/ I SUPPOSE HE IS NOT AT HOME có đúng không?

BBT

Đúng là như thế. Nhưng TO SUPPOSE cũng còn được dùng trong một vài cách khác nữa. Thí dụ trong toán chúng ta nói: SUPPOSE A EQUALS B thì động từ TO SUPPOSE ở đây có nghĩa là giả thử, cứ coi như thế này là đúng đi, để đưa ra những lập luận theo sau. Trong sách toán Việt Nam hồi học trung học thì chúng ta nói: COI A BẰNG B…

Cách nói này luôn luôn dùng MỆNH LỆNH CÁCH (IMPERATIVE MOOD). Còn một lối nữa cũng dùng mệnh cách, đó là khi chúng ta đưa ra một giả thuyết, một chuyện có thể sẽ xẩy ra, hay có thể sẽ không xẩy ra. Thí dụ SUPPOSE SHE IS NOT HERE

LÃM THÚY

Thúy cũng còn nghe SUPPOSING SHE IS NOT HERE. Nói như vậy có đúng không?

BBT

Đúng chứ. Sau giả thuyết ấy, chúng ta nói thêm trong phần hai của câu là hậu quả nếu điều giả thuyết ấy xẩy ra. QA thử nói tiếp phần sau, nối vào mệnh đề giả thuyết SUPPOSE IT RAINS TONIGHT coi.

QA

SUPPOSE IT RAINS TONIGHT, THEN WE CAN STAY HOME AND WATCH "DANCING WITH THE STARS". Vậy thì có khác gì IF IT RAINS TONIGHT đâu thưa anh.

BBT

Đúng thế. SUPPOSE trong mệnh lệnh cách như trong thí dụ ở trên được dùng trong câu điều kiện cách (CONDITIONAL SENTENCE) như cô nói vậy.

TO SUPPOSE cũng có nghĩa là TO THINK. Thí dụ có người hỏi cô WHO DO YOU SUPPOSE WILL REPLACE SUPREME COURT JUSTICE JOHN PAUL STEVENS? thì cô QA trả lời thế nào?

QA

I SUPPOSE THAT PERSON WILL BE A SHE, AND AN AFRICAN-AMERICAN.

BBT

Cô Thúy cho nghe một câu với TO SUPPOSE có nghĩa THINK coi.

LÃM THÚY

I DO NOT SUPPOSE PRESIDENT OBAMA CAN CLOSE GUANTANAMO IN 2010.

QA

ME TOO! I DO NOT SUPPOSE SO. Nhưng thưa anh, QA còn thấy thay vì nói I DO NOT SUPPOSE SO, người ta nói I SUPPOSE NOT thì như vậy có được không?

BBT

Được chứ. Nhưng đó là trong văn nói. Trong văn viết thì bao giờ cũng phải là I DO NOT SUPPOSE SO.

TO SUPPOSE còn có thể được dùng để đưa ra một đề nghị. Khi đó, chúng ta lại dùng IMPERATIVE MOOD. Cứ bỏ chủ từ đi là thành IMPERATIVE MOOD ngay. Thí dụ SUPPOSE WE SIT DOWN AND TALK ABOUT IT. Cô Lãm Thúy cho nghe thí dụ với một lời đề nghị coi.

LÃM THÚY

SUPPOSE WE HAVE DINNER AFTER THE CLASS.

BBT

Ý kiến hay tuyệt. Tôi nhận lời. Mà cơm Thái hay sushi đây cô Thúy?

LÃM THÚY

Thưa đó chỉ là thí dụ thôi phải không QA?

QA

I SUPPOSE IT IS AN EXAMPLE BUT MISTER BUI DOES NOT SUPPOSE SO.

BBT

TO SUPPOSE còn được dùng để đưa ra một lập luận, một gợi ý, một suy nghĩ , một ý kiến chưa chắc đã đúng. Thí dụ SOME HISTORIANS SUPPOSED PRESIDENT DIEM WANTED TO TALK TO HANOI.

Bây giờ kể như đã xong, đã nói đủ về động từ TO SUPPOSE. Thực ra thì vẫn chưa hết hẳn. Chúng ta còn TO BE SUPPOSED TO theo sau là INFINITIVE WITHOUT TO nghĩa là động từ nguyên mẫu không có "TO".

LÃM THÚY

Đó là cách dùng mà Thúy muốn anh giảng thêm. Thúy biết TO BE SUPPOSED TO được dùng để nói về bổn phận, về trách nhiệm. Nói thế này có đúng không thưa anh: WE ARE SUPPOSED TO STAND AT ATTENTION WHEN WE SALUTE THE FLAG.

BBT

Đúng. QA cho nghe thí dụ của cô đi.

QA

MY KIDS ARE SUPPOSED TO FINISH THEIR HOMEWORKS BEFORE GOING TO BED.

BBT

TO BE SUPPOSED TO cũng được dùng để nói về một chuyện, một điều mà nhiều người đã nói, đã đồn, đã tin nhưng cũng có khi không có được bao nhiêu căn cứ và sự thực. Cô Lãm Thúy có thể cho một thí dụ không?

LÃM THÚY

THE NEW iPHONE IS SUPPOSED TO BE THE BEST EVER.

BBT

Cám ơn cô. Đúng là như thế. Ai cũng nghĩ thế. Mọi người đều đồn như vậy nhưng không có được bao nhiêu người đã được cầm nó trong tay. Cô QA?

QA

THE POLISH PRESIDENT’S PLANE WAS SUPPOSED TO BE SABOTAGED.

BBT

Rất nhiều người đồn là máy bay bị phá hoại, nhưng không ai đưa ra được bằng cớ. Đó là HAI cách dùng của TO BE SUPPOSED TO.

Cách thứ BA hơi giống như động từ SHOULD nghĩa là nên. I AM SUPPOSED TO GO TO BED EARLY BECAUSE I WILL HAVE TO BE AT THE AIRPORT AT 6 AM. Cô Lãm Thúy nói câu này bằng tiếng Anh coi: Lớp học Anh ngữ, theo chương trình, theo lời yêu cầu của học viên cũng như người phụ trách phải bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều.

LÃM THÚY

THE ENGLISH CLASS IS SUPPOSED TO START AT 5 PM. WE ARE SUPPOSED TO BE OUT AT 6 PM.

BBT

Bây giờ nếu dùng TO BE SUPPOSED TO trong một câu phủ định (NEGATIVE) thì QA nói thế nào?

QA

QA đặt NOT vào sau TO BE để biến câu thành phủ định: IN CALIFORNIA, PEOPLE ARE NOT SUPPOSED TO SMOKE IN PUBLIC PLACES.

IRAN IS NOT SUPPOSED TO PRODUCE PLUTONIUM.

NORTH KOREA IS NOT SUPPOSED TO TEST NEW MISSILES.

BBT

Bây giờ đến đoạn chúng ta nên để ý một chút. Hai cô nghe câu này: HE IS SUPPOSED TO BE HOME AT 3:30. Hai cô thấy sao?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ nếu đồng hồ chỉ 3 giờ 40 thì có thể ông ấy đang ở nhà.

QA

QA nghĩ nếu xem đồng hồ thấy mới là 1 giờ chiều thì ông ấy chưa có nhà. Nhưng cũng có thể là ông ấy đã ở nhà rồi.

LÃM THÚY

Thúy nghĩ trong những câu TO BE SUPPOSED TO đó, chuyện có thể thế này hay thế kia. Không có gì chắc chắn cả.

BBT

Đúng là như thế. Trở lại với điều Thúy nói ở đầu giờ, đó là động từ TO BE SUPPOSED TO chỉ có hai thì là PRESENT và PAST TENSE. Cô nói đúng . Động từ TO BE SUPPOSED TO không có thì tương lai và các thì CONTINUOUS tức là PROGRESSIVE và không có các thì PERFECT.

Hỏi cô QA câu này nhé: khi tôi nói I WAS SUPPOSED TO BE AT THEIR WEDDING thì tôi có mặt ở đám cưới của hai vợ chồng ông ấy không?

QA

Có nhiều phần là không. Gia đình QA kẹt ở Sài Gòn mấy năm cũng là vì WE WERE SUPPOSED TO BE AT KHO NĂM ON THE LAST DAY OF APRIL. Nhưng dĩ nhiên là không ra được Kho Năm nên mới phải ăn bo bo mấy năm.

BBT

Còn Thúy, cho nghe một câu với TO BE SUPPOSED TO trong thì quá khứ coi.

LÃM THÚY

VICE PRESIDENT KY WAS SUPPOSED TO STAY AND FIGHT AFTER WHAT HE SAID AT TÂN SA CHÂU.

AS A FORMER SOUTH VIETNAM GENERAL , HE WAS NOT SUPPOSED TO RETURN TO VIETNAM.

BBT

Cám ơn hai cô với những thí dụ rất thời sự đó. Cô QA cho nghe một câu liên quan đến cuộc kiểm kê dân số với TO BE SUPPOSED TO coi.

QA

WE ARE SUPPOSED TO ANSWER ALL THE QUESTIONS AND MAIL BACK THE QUESTIONAIRE.

BBT

Cô Thúy cho nghe một câu trong thể hỏi với WHO coi.

LÃM THÚY

WHO IS SUPPOSED TO HELP ME WITH THE TEST?

WHO AM I SUPPOSED TO MEET WHEN I COME TO THE OFFICE?

QA

Trong bài ANNA của THE BEATLES, QA nhớ có đoạn này: BUT EVERY GIRL I’VE EVER HAD BREAKS MY HEART AND LEAVES ME SAD. WHAT AM I, WHAT AM I SUPPOSED TO DO OH, OH, OH

Bây giờ QA thử dùng WHERE để hỏi coi đã thuộc bài chưa nhé Thúy…

WHERE ARE WE SUPPOSED TO GO AFTER SUN MOON LAKE/ TAICHUNG/ TAINAN? Câu này là câu QA nghe suốt một tuần ở Đài Bắc khi đi cùng với mấy cụ trong đoàn du lịch…

BBT

TO BE SUPPOSED TO cũng được dùng để nói về những chuyện mà chúng ta chờ đợi, chúng ta tin là sẽ xẩy ra. Thí dụ Thúy ra phi trường đón cô em, phi cơ sẽ
đáp xuống vào lúc 5 giờ, cô sẽ nói với người bạn cùng đi đón ở phòng đợi như thế nào?

LÃM THÚY

THE PLANE IS SUPPOSED TO LAND AT 5PM. SHE IS SUPPOSED TO DEPLANE IN 10 MINUTES.

QA

Còn QA thì mấy năm trước, đi làm về còn đang lái xe trên xa lộ, con gái thỉnh thoảng lại hỏi MOM, WHEN ARE YOU SUPPOSED TO GET OFF THE FREEWAY? Cứ năm phút bị hỏi một câu như vậy thì không phát điên mới là lạ.

BBT

TO BE SUPPOSED cũng được dùng để nói về một người, một chuyện, một điều gì đó mà nhiều người vẫn nói. Thí dụ MISTER SÁU LẦU WAS SUPPOSED TO BE THE MOST INFLUENCIAL ARTIST OF THE LAST CENTURY.

BBT

Còn một cách dùng nữa của TO BE SUPPOSED TO là khi chúng ta muốn nói tới một chuyện gì, một việc gì mà chúng ta được phép làm. Thí dụ POLICE ARE NOT SUPPOSED TO CHECK IMMIGRATION PAPERS.

LÃM THÚY

WE ARE NOT SUPPOSED TO TAKE OFF OUR MICROPHONES BEFORE THE LESSON ENDS.

QA

Nhưng thưa quí vị, ông thầy đã tháo microphone ra rồi. Như vậy QA IS ALSO SUPPOSED TO TAKE OFF THE MICROPHONE TOO. Và vì thế, bài học Anh ngữ thứ 71 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.