Ngày 8 tháng 3 năm 2010
Bạn ta,
Tờ Time cách đây đã lâu có một bài viết của Richard Stengel viết về cuốn You're Too Kind: A Brief History of Flattery của chính ông trong hình thức của một bài essay, một bài đọc rất thú vị.
Flattery là chữ người Anh mượn của người Pháp: flatterie, do động từ flatter nghĩa là vuốt ve, làm vui thích, nịnh hót, bợ đỡ, xưng tụng. André Maurois trong cuốn Lettres à L'Inconnue thì gọi đó là cách làm đẹp lòng người (lá thư số 32). Ở cuối lá thư, Maurois nói thẳng: làm đẹp lòng người là một cái đức.
Bernard Shaw, kịch tác gia người Anh thì nói rằng đàn bà đợi lời tán tụng của đàn ông cũng như con nhện đợi con ruồi vậy. Mà nhện thì rất thích ruồi.
Người ta ai cũng thích được vuốt ve bằng lời nói, tán tụng, nịnh bợ, xưng tụng, nhưng Stengel cho rằng chúng ta ngày nay đã làm mất cái nghệ thuật làm đẹp lòng người, biến nó thành những câu nói rẻ tiền, thiếu hẳn công hiệu. Ngôn ngữ chúng ta dùng trong khi làm công việc xưng tụng, vuốt ve đó đã mỏi mệt, đã quá cũ, đã trở thành giả dối vì thiếu rất nhiều chất sáng tạo. Trong khi người ta thì lại rất cần những câu như vậy. Jean Jacques Rousseau có lần viết rằng con người dã man, sơ khai thì chỉ sống với mình trong khi con người sinh vật của xã hội thì chỉ biết sống với những ý kiến của người khác.
Khen ngợi, xưng tụng cũng là một cách rất hữu hiệu để dậy dỗ, như Robert Smith Surtees, một tiểu thuyết gia người Anh đã viết: nhiều người được tán tụng rồi sống đạo hạnh hơn là số người bị buộc phải từ bỏ tội lỗi của mình bằng những biện pháp mạnh. Điều này thấy rõ nhất trong lúc dậy trẻ.
Richard Stengel trong cuốn sách của ông, có đưa ra một số những gợi ý mà độc giả có thể đem dùng để tán cho thành công. Một số đề nghị nghe được, nhưng đề nghị thứ hai của ông có thể sẽ không thành công mặc dù ông cho rằng cách này là viên đạn bằng bạc trong kỹ thuật tán tỉnh, nghĩa là hay lắm: Praise the beautiful for their intelligence, and the intelligent for their beauty. Hãy ca ngợi những người đàn bà đẹp về trí thông minh của họ, và ca ngợi những người đàn bà thông minh về vẻ đẹp của họ.
Sai bét. Phụ nữ chỉ thích được khen đẹp. Đã đẹp thì càng muốn được khen đẹp. Lỡ không đẹp cũng thích được khen đẹp. Càng không đẹp, càng muốn được khen là đẹp. Nếu cần phải cầm dao kề cổ dọa giết để được khen đẹp thì cũng vẫn phải làm như thường.
Tưởng tượng đứng trước Cindy Crawford, cứ tán tụng nét thông minh của nàng thì sẽ không đi đến đâu hết. Được mời ngồi lên chiếc Rolls Royce, cứ xuýt xoa khen cái radio thì khó có thể được mời đi Rolls Royce một lần nữa trong tương lai. Khen kiểu ấy thì có khác gì sau bữa ăn mà gia chủ mất nguyên một buổi để nấu, chỉ tằng hắng khen nước mắm và ớt ngon không? Hay là khen cái khung của bức sơn dầu rất đẹp cho họa sĩ... vui lòng?
Kiểu khen ngợi, xưng tụng đó nếu không vụng về thì phải gọi là đểu.
Khen người đẹp về đầu óc của nàng là không thèm ngó gì đến nàng. Một người mất hai tiếng đồng hồ để sơn bộ móng tay sau khi đã đánh, rồi chùi đi hai ba mầu, thay gần một chục chiếc áo, chải hai kiểu đầu khác nhau rồi mới quyết định được một kiểu để đi chơi, và người kia đến bấm chuông, nàng ra cửa để nhận được một câu đại khái là "... úi giời sao mà thông minh quá vầy nè!" thì cái cửa phải đóng cái rầm trở lại vào mặt tức khắc.
Hay một người vừa thi xong bài trắc nghiệm thương số thông minh (I.Q.) với số điểm trên 120 mà được khen là đẹp não nùng thì cũng hoàn toàn không được.
Kiểu khen ớt cay, nước mắm pha khéo, bia... ngon thì tương lai thấy rõ nhất là tiếp tục mì gói và TV dinner đến chết mà thôi.
Phải khôn hơn một chút chứ. Thí dụ ăn xong, phải khen lấy khen để đòn chả lụa... sao mà khéo đi chợ thế... tôi mua thì chẳng bao giờ ngon được thế này đâu... giỏi quá hà... con dao cắt miếng chả trông cũng quí phái làm sao...ối giời ơi, cái bình nước mắm sao mà xinh quá đi thôi...mì gói bạn nấu cũng ngon hơn mấy cha đàn ông bạn độc thân nhà nghề của tôi nữa đấy...
Khen hay nịnh mà như đề nghị của Richard Stengel thì sẽ không đi đến đâu ngoài cái cửa ra đường hết. Khen đường kim, mũi kéo của thẩm mỹ viện còn dễ nghe hơn là khen nàng thông minh, học nhanh, giỏi đại số và hình học nhất trường chẳng hạn.
Ngày 9 tháng 3 năm 2010
Bạn ta,
Nếu đọc tờ Popular Mechanic mấy tháng trước, có thể bạn đã thấy một đoạn tin không dính dáng gì đến kỹ thuật hay máy móc gì hết, mà chỉ khiến cho việc kiểm soát những cái nhẫn đeo nơi ngón áp út bàn tay trái của những người đàn ông ở Mỹ trở nên ráo riết, kỹ lưỡng hơn vào mỗi buổi tối mà thôi.
Những chiếc nhẫn đeo ở ngón áp út, lúc mới đeo, khi người đeo nó còn rất trẻ, có thể tháo ra hay đeo vào một cách rất dễ dàng. Nhưng rồi ở tuổi trung niên, vòng bụng không phải là cái vòng duy nhất gia tăng về kích thước, mà luôn cả chu vi của mười ngón tay cũng gia tăng luôn. Vì thế, việc tháo những chiếc nhẫn đeo trong tay từ mấy chục năm có thể rất khó nếu không nói là gần như không thể làm được.
Mà việc tháo chúng ra thỉnh thoảng cũng là điều cần thiết. Thí dụ khi rửa xe, sửa máy, lắp ráp các món đồ điện, hay đi ăn trưa ở sở, hoặc trong những chuyến đi đến các thành phố khác (?) chẳng hạn.
Rửa xe, sửa máy có thể làm trầy xước, làm bẩn những cái nhẫn, chứng tích của một đời sống hôn nhân tốt đẹp, hạnh phúc. Tháo ra là phải, tháo ra để cái chứng tích quí giá ấy được lành lặn mãi mãi.
Khi làm việc với các đồ vật có điện hay chạy bằng điện cũng không nên đeo nhẫn, vì tính dẫn điện của kim loại. Việc tháo ra là cần thiết cho sự an toàn của người đeo nó.
Những bữa ăn trưa ở ngoài phố có thể khiến mỡ dính vào những cái nhẫn này, những vật có giá trị tình cảm cần phải giữ cho sạch. Cần phải tháo ra, để trong hộc gạt tàn thuốc trong xe trước khi đi ăn.
Khi đi xa, cũng nên tháo cái nhẫn để lại ngăn kéo ở sở cho nhẹ, máy bay cất cánh lên xuống dễ dàng, tránh những trở ngại không cần thiết.
Nhưng làm sao tháo ra được khi mà vòng ngón tay áp út cũng gia tăng theo với những gia tăng khác trên cơ thể người đàn ông đeo nó ở tay?
Sản phẩm mới mà đoạn tin của tờ Popular Mechanic mô tả có thể giúp việc tháo những chiếc nhẫn khỏi những bàn tay béo mập ra một cách dễ dàng. Chiếc nhẫn kiểu mới này không phải là một chữ "O" tròn với một vòng kín như những chiếc nhẫn chúng ta vẫn thấy, mà là hai chữ "C" quay mặt vào nhau với một chiếc bản lề và một chiếc khóa ở hai đầu của chữ "C" này. Như vậy, hai chữ "C" quay mặt vào nhau vẫn sẽ tạo ra một vòng tròn, nhưng không phải là một vòng tròn kín. Vòng tròn có thể mở ra nhờ chiếc bản lề và khi đóng lại, chiếc khóa sẽ giữ cho nhẫn nằm nguyên ở vị trí của nó. Theo tờ Popular Mechanic, thì khi đóng khóa lại, người ta khó mà thấy được vết nối ở vị trí 10 giờ và 2 giờ của chiếc nhẫn. Muốn mở, chỉ cần dùng chiếc đinh ghim hay đầu bút bi nhấn vào chiếc khóa, nhẫn sẽ mở ra, nhẩy vào túi áo ngay lập tức, không ai còn thấy nó nữa để mà hỏi han, cật vấn (?). Lúc đó, những đốt ngón tay có béo, có mập, có to cách mấy, việc tháo chiếc nhẫn ra sẽ vô cùng dễ dàng.
Nhưng có điều sản phẩm mới này vẫn chưa làm được, đó là cái lằn, cái ngấn tạo ra bởi chiếc nhẫn qua mấy chục năm ở ngón tay thì không cách gì để cho nó ra theo cùng với cái nhẫn được. Chiếc nhẫn vẫn để lại vết tích trên ngón tay áp út. Nó lại còn lờ mờ nhạt hơn những khoảng da khác của ngón tay tố cáo trước đó, chỉ vài ba phút, người ấy đã có cái nhẫn nơi ngón tay.
Mà nếu như thế thì tháo ra làm gì khi mà dấu tích của nó vẫn còn nguyên?
Vậy thì việc tháo nó ra có còn cần thiết nữa không? Nếu không thì cứ nhẫn đeo trong tay để rửa xe, sửa máy xe, thay dầu, châm nhớt, xạc bình, thay bu-gi... có hơn không? Vừa khỏi phải mua cái vòng mới cho chiếc nhẫn, vừa khỏi lo... quên đeo vào trở lại để bị mẹ cháu hạch hỏi lung tung. Xe thì nhiều thứ (?) không bao giờ thắc mắc người rửa xe có đeo nhẫn hay không, vậy thì đâu cần phải tháo nhẫn ra?
Nhưng người ta tin là khi những kiểu nhẫn này được bán ra thị trường, thì sẽ có nhiều người mua. Và khi có nhiều người mua, thì chuyện kiểm soát những cái nhẫn vào buổi tối, lúc ở sở về, sau những chuyến công tác... sẽ gắt gao và kỹ lưỡng hơn nhiều.
Khi đó, cách hay nhất vẫn là không đeo gì ở tay ngoài chiếc đồng hồ yêu quí. Cứ khai là bị dị ứng với nhẫn là khỏi phải vất vả.
Hay nói rõ thêm rằng bị dị ứng với nhẫn và tất cả những thứ đi kèm theo cái nhẫn là hay nhất.
Ngày 10 tháng 3 năm 2010
Bạn ta,
Theo cuốn Chase Calendar of Events, cuốn lịch ghi các ngày nghỉ, ngày kỷ niệm trong năm, những ngày được dành ra để cử hành, để đánh dấu, để làm một chuyện đặc biệt nào đó, hay nhiều khi cũng chẳng đặc biệt, thú vị gì, có khi lại là những chuyện hết sức vớ vẩn ở nước Mỹ, thì sắp tới ngày khởi đầu của tuần lễ ôm toàn quốc, National Hug Holiday Week, tuần lễ để ôm và được ôm lại.
Tuần lễ này được dành để tôn vinh, nhìn nhận và bầy tỏ sự cảm kích của chúng ta dành cho người khác qua một hình thức rất giản dị là một cái ôm.
Đoạn văn chương lổn nhổn ở trên là cố gắng dịch lại những chi tiết của tuần lễ ôm toàn quốc in trong cuốn Chase Calendar.
Tôi hy vọng tuần lễ này sẽ giúp một người đàn ông Á châu sống quá nửa đời ở ngoài nước Việt Nam thấy thoải mái với những cái ôm bất kể những nỗ lực rất lớn của chàng để làm cho có vẻ Tây một chút, để chàng thấy thoải mái hơn trong những cái ôm vào lúc mà chung quanh chàng cái gì cũng có thể ôm được, hết xe ôm, bia ôm rồi cơm tấm bì sườn chả cũng... ôm luôn.
Trong khi chàng thì vẫn không thoải mái mấy trong những lần có người ôm chàng, hôn lên má phải lẫn má trái của chàng. Chàng cứ đứng nguyên bất động, không một nỗ lực nào để trả lại cái... ân huệ đó.
Tôi nghĩ có thể cái ôm đầu tiên trong đời chàng đã theo chàng mãi suốt mấy chục năm nay, và cái ôm đầu tiên ấy đã khiến chàng không bao giờ có thể thoải mái, thưởng thức những cái ôm kế tiếp từ đó đến nay.
Cái ôm đầu tiên của chàng là của cô rửa chén bát ở cái lưu học xá chàng sống hồi ấy. Cô nặng khoảng gần ba trăm cân Anh, đôi giầy của cô to gấp hai đôi giầy của chàng. Cô cao hơn chàng nguyên một cái đầu. Cô hôi nách khủng khiếp, và có một bộ ria khá đẹp nếu ở trên môi một người đàn ông.
Một buổi chiều mùa đông, chàng sinh viên trẻ tuổi đi học về muộn, vào phòng ăn kiếm cái gì dằn bụng, thì ở bếp, cô rửa chén đang mở radio nghe nhạc. Bản Tamoure, một bài top hit hồi đó, hồi năm 1963 vừa trỗi lên, thì chàng bước vào, cô đang rửa chén, liền đưa tay ra sau chùi vào... đít quần, rồi chạy ào tới phía chàng, cô ôm chàng, bắt nhẩy Tamoure với cô. Cô ôm chàng thật chặt. Và mùi mỡ cừu và mùi hôi nách của cô là hoài niệm không thể phai về chiếc ôm đầu tiên ấy. Cả hai theo chàng cho đến bây giờ. Chiếc ôm của cô, sau đó chàng mới biết, là một cái bear hug, là cái ôm của một con gấu, chàng suýt gẫy hết xương sườn vì cái ôm ấy. Bộ ria của cô quét trên mặt chàng đến nay cảm giác rờn rợn vẫn còn nguyên. Chàng nhớ cho đến bây giờ. Nhớ đời cái ôm ấy.
Từ đó trở đi, chàng rất sợ ôm. Freud đã chết rồi, chàng không thể đi Vienna, leo lên chiếc divan của Freud để nói hết những điều bị đè nén, đẩy xuống tiềm thức, chôn ở vô thức để thỉnh thoảng trồi lên, ảnh hưởng vào ý thức của chàng. Freud không còn nữa nên không ai có thể giải thích những điều đó cho chàng để chàng quẳng gánh lo đi và vui sống, thưởng thức những cái ôm không của những cái thân thể ba trăm cân Anh, mùi mỡ cừu quyện mùi hôi nách, bộ ria xanh của cô rửa chén.
Nhưng suốt tuần lễ ôm này, chàng phải đi làm, mà ở sở, chạy lăng quăng xin người này cái ôm, người kia cái ôm trong khi tháng trước vừa được dùng để tạo ý thức về sách nhiễu tình dục (sexual harassment awareness month) tại nơi làm việc thì bộ có dự định đi xin trợ cấp thất nghiệp hay sao mà đi kiếm vài cái ôm như cuốn Chase Calendar đề nghị?
Hay là chiều nay đi chợ, lôi một két 18 lon Budweiser ra quầy trả tiền mang về nhà làm bia... ôm cho khỏi tủi thân đây?
Sao National Hug Holiday Week mà chán như thế này?
Hay là vì tuần lễ này cũng lại là tuần lễ nhức đầu toàn quốc -- National Headache Week-- như cuốn Chase Calendar đã ghi mà nhiều người cố tình bỏ qua?
Ngày 11 tháng 3 năm 2010
Bạn ta,
Tuy đứng cùng một phe với Mussolini trong những năm đệ nhị thế chiến, nhưng không bao giờ Hitler dành cho Mussolini và nước Ý của ông trùm Phát Xít này một chút nể trọng nào.
Nước Ý của Mussolini, theo Hitler, có quyển sách mỏng nhất thế giới trong đó ghi tên các anh hùng, dũng tướng, trong khi quyển sách dầy nhất thế giới, lại là cuốn sách ghi những chuyện tình ái của người Ý, đàn ông cũng như đàn bà. Theo Hitler, mấy cậu người Ý chỉ giỏi chuyện trai gái, đến lúc ra trận thì dở ẹc, dở nhất thế giới.
Nhưng Hitler thực ra cũng không ngoa ngôn quá lắm khi nói như thế. Người Ý quả là có huê tình, có phong nguyệt thật. Bé nứt mắt ra mà đã giỏi thì như Romeo và Juliet. Già mà vẫn đại phong tình thì như Giovanni Giacomo Casanova De Seingalt.
Trò phong tình của người Ý còn lan sang cả những thứ trên người của họ: thời trang, quần áo, xe hơi... Tất cả những thứ cần thiết để phục vụ đời sống tình ái, người Ý đều giỏi. Các studio nổi tiếng nhất thế giới về vẽ kiểu quần áo, ca vát, đồng hồ, xe thể thao đều ở nước Ý. Các hãng Ford và Volkswagen đều đã phải nhờ studio Ghia của Ý vẽ kiểu xe Mustang và Karman chẳng hạn.
Thế thì người Ý chắc phải giỏi trò tán nhau lắm. Không thế mà bao nhiêu phụ nữ Mỹ phải lũ lượt đi sang Ý cho đàn ông Ý cấu đít ở ngoài đường, trên xe bus, xe điện... cho bõ những ngày cơ cực.
Nhưng có thể nào nước Ý ngày nay đang trên đà đi xuống sau những lúc hưng thịnh nhất về tình ái đó chăng? Có thể nào trò huê tình của người Ý cũng cùng một số phận tàn phai, sụp đổ tan tành như đế quốc La Mã sau khi đã lên đến tột đỉnh của văn minh không?
Người ta có thể nghĩ vậy khi biết là ở La Mã hiện nay, rất nhiều đàn ông đang phải ghi tên, đóng tiền đi học những lớp dậy tán tỉnh, quyến rũ, rù quyến phụ nữ. Học phí cho một khóa hai ngày là 400 ngàn Lira, tương đương với gần hai trăm đô la Mỹ và trường dậy đã có khá nhiều học viên đủ mọi loại tuổi, từ 19 đến 60 tuổi, nhưng hầu hết là hạng tuổi ba mươi, bốn mươi.
Các học viên được dậy những gì thì bản tin tôi đọc được của Reuters không nói rõ. Lớp sẽ do các giảng viên như thế nào phụ trách, giờ thực tập các học viên sẽ phải làm gì, và có bài tập làm ở nhà (homework) không, và bài tập đó là gì?
Đó là những điều nhiều người muốn biết, mà không biết hỏi ai, chẳng lẽ ném ra hai trăm Mỹ kim để thỏa mãn tính tò mò. Nhưng bản tin có thể làm cho nhiều người cảm thấy tự tin hơn. Giỏi có tiếng như người Ý mà cũng còn phải đi học huống chi mình. Có bị ngúng nguẩy, xí, nguýt cho một cái thật dài, rồi bỏ đi thì cũng chẳng sao. Tắt đèn làm lại cho đến khi một tay túm được tóc, tay kia vác cái chầy vồ, kéo về hang đá là xong.
Seduction, là môn dậy của các lớp học này. Seduction không chỉ là tán tỉnh (court), mà còn tiến xa hơn thế nữa. Tán tỉnh là mới đứng ở bờ suối, chờ con hươu đến uống nước để bắn và trong khi chờ đợi, thì thả lời ong bướm, khen chị rằng chị có đôi chân ít lông, tóc dính mỡ lợn trông đẹp ác, cái mũi đeo cục xương xuyên giữa hai lỗ mũi trông sexy chết được. Trò này đã có từ thời đồ đá khi tổ tiên chúng ta vừa rời những cái ổ trên cây bước xuống đồng bằng săn bắn, kéo nhau vào hang đá để ở. Mấy chục ngàn năm trước là như thế.
Bây giờ có hơi khác một chút.
Cái chầy vồ không còn lúc nào cũng vác theo nữa. Và thay vì túm tóc kéo về, thì mời leo lên cái xe. Thay vì quăng về phía góc hang đá nàng đang ngồi miếng thịt hươu còn rỏ máu vừa cắt bằng cục đá lửa có cạnh sắc, thì trước mặt là miếng filet mignon, hai ly đỏ, tiếng vĩ cầm bài Fascination...
Chắc mấy lớp học ở La Mã dậy cũng bài bản như vậy là cùng. Carlo Della Torre, một trong những giảng viên của lớp học này nói rằng seduction dựa trên khung cảnh khoảng 60%, dựa trên đương sự làm công việc tán tỉnh quyến rũ khoảng 30% và đối tượng chỉ 10%. Như vậy, khung cảnh quan trọng nhất. Không thể giữa trưa nắng lôi nàng vào quán hủ tiếu, gọi bình trà Hai Con Cua, đánh vật với cái dầu cháo quẩy vừa dai vừa nhạt thếch rồi, cầm tay nàng mà tỏ tình được. Ít ra cũng phải cái quán ngó xuống biển đêm lấp lánh bạc, tiếng sóng vỗ trong kè đá, thoảng chút gió lùa qua những chiếc cửa kính ở bờ biển La Jolla hay gần cầu Kim Môn ở Cựu Kim Sơn...
Còn 30% kia thì phải sạch sẽ một chút, đừng có hà tiện nước hai ba tuần mới tắm một lần, tóc tai như mấy anh Cro Magnon trong hang mới bò ra.
Còn 10% kia thì cứ là Cindy Crawford, là Sharon Stone, là Củng Lợi… là được.
Ôi nếu như thế thì cớ gì phải sang tận nước Ý, chi hai trăm đô la mà làm gì? Cứ làm đúng vài ba điều ở trên là đứa nào cũng chết. Hay tại đàn bà Ý hồi này quá khó chịu nên mới cần phải một khóa học như thế? Hay là những cú cấu đít của đàn ông Ý không còn ăn khách nữa?
Ngày 12 tháng 3 năm 2010
Bạn ta,
Phụ nữ Mỹ, thực ra, chưa hoàn toàn được giải phóng mặc dù trong phong trào giải phóng, phụ nữ Mỹ có đi những bước đầu thật.
Họ kéo nhau xuống đường hồi thập niên 60 ở New York, ở San Francisco tháo nịt vú chất thành núi (?) rồi nổi lửa đốt, một hành động hoàn toàn có tính cách tượng trưng, nói là để dẹp những gò bó (?) mà đàn ông bắt họ đeo. Không phụ nữ nước nào làm nổi chuyện đó.
Nhưng rồi sau đó, ở Mỹ, các hãng sản xuất quần áo lót, trong đó có cả những cái nịt vú, đã phát triển rất mạnh với những số bán hàng năm làm tủi hổ những con số trong những bản ngân sách của một số quốc gia trên thế giới. Những tờ báo như The Washington Post, New York Times, Los Angeles Times hầu như hàng ngày đều có những quảng cáo bán các thứ gò bó (?) đó. Như thế, việc tháo bỏ những gò bó (?) đó chỉ được làm để trình diễn trong khi sự thực, phụ nữ giải phóng vẫn lén mua những gò bó (?) đó về mặc cho bõ những ngày cơ cực.
Và vì thế, nhiều việc làm đáng lẽ phải như thế kia, thì vẫn thế... nọ.
Thí dụ việc trả tiền khi đi chơi với những người đàn ông chẳng hạn. Tưởng là... huề nhau thì ai ăn nấy chi, không có trò đối xử với nhau như những ngày trước khi giải phóng, "chúng tôi" không muốn bị đối xử khác, cứ coi "chúng tôi" ngang với quí vị, không cần phải nhường chỗ cho "chúng tôi" trên xe điện, cũng không cần phải mở cửa, nép sang một bên, nhường cho "chúng tôi" đi trước. "Chúng tôi" thừa sức để làm những việc đó một mình.
Nhưng "chúng tôi", theo một cuộc thăm dò mới đây, vẫn muốn phía bên kia trả tiền khi đi chơi với "chúng tôi", và nếu phía bên kia không chịu chi thì "chúng tôi" không chơi với nữa.
Tất cả các phụ nữ trả lời cuộc thăm dò của Sara Fitzgerald thuộc sáng hội Heritage ở thủ đô đều nói rằng người đàn ông nên trả cho buổi đi chơi đầu tiên, nếu người đàn ông mời người đàn bà đi chơi.
Chỉ trong trường hợp cuộc đi chơi đó là một thảm họa, thì chi phí mới nên cưa làm hai, mỗi người một nửa.
Nhưng nếu người phụ nữ là người lên tiếng mời người đàn ông đi chơi thì sao? Chuyện này càng ngày càng thấy diễn ra thường hơn. Thay vì trâu đi tìm cọc, thì cọc vùng dậy, nhắng lên đi tìm trâu vậy. Cứ ở yên một chỗ, không chịu đi bước đầu, đưa sáng kiến, trâu bỏ đi mất, rồi ngồi đó mà tiếc hùi hụi hay sao? Nhưng rủ trâu đi chơi thì cọc trả tiền hay trâu trả tiền?
Cuộc thăm dò cho thấy là trâu vẫn nên / phải trả tiền, nếu không thì chia đôi, mỗi bên một nửa.
Như vậy, thì hà tất phải đem ra tranh luận. Cứ phía các ông làm cử chỉ đẹp, thò tay ra sau đít, lấy cái bóp ra, cà cho chết cái miếng plastic đi cho rồi.
Ngay cả trong những trường hợp hai người trở thành một cặp, nghĩa là đi chơi với nhau trong một thời gian dài, thì vẫn phụ nữ là người quyết định chàng hay nàng chi tiền. Đa số những người trả lời cuộc thăm dò nói là phụ nữ không nên đề nghị trả tiền, mà chỉ nên chấp nhận một cách nhã nhặn, từ bi, nhân từ, độ lượng, khoan dung (graciously, theo từ điển Anh Việt Nguyễn Đình Hòa trang 103) để cho người đàn ông trả tiền. Và đa số phụ nữ cũng đề nghị để trả đấy, nhưng nếu người đàn ông nhét cái bóp trở lại vào túi, chấp nhận một cách nhã nhặn, từ bi, nhân từ, độ lượng, khoan dung (graciously, theo từ điển Nguyễn Đình Hòa trang 103) để cho nàng trả, thì chuyến đi chơi đó có thể là chuyến chót của hai người, và người đàn ông có thể trở thành chủ nhân ông của hãng... kẹo (?) dưới mắt nàng từ đó.
Còn thế nào là thảm họa trong một chuyến đi chơi để cái bill được cưa làm hai mỗi người một nửa?
Thảm họa có thể là trong khi hai người đang ngồi ăn, thì một miếng rau xanh quái ác từ đĩa salad bám vào răng cửa của nàng giữa lúc nàng đang trợn mắt, trề môi xa xả chỉ trích những người bạn gái cũ của chàng mặc dù chàng không còn bất cứ một dính líu gì tới họ nữa chẳng hạn. Bữa ăn tối bị hỏng. Chai Goldwater Estate Marlborough Roseland năm 1997 khá đắt tiền của Tân Tây Lan bỗng trở thành chua lét. Chàng bèn cứ để mặc cho miếng rau nằm nguyên ở đó, không thèm kín đáo ra hiệu cho nàng lấy nó đi nữa để cười một mình trong bụng. Đó là thảm họa.
Nhưng tại sao lại bắt nàng trả một nửa cái bill trong khi miếng rau xanh dính ở răng nàng đã đem lại cho chàng nhiều sướng khoái đến như thế? Chàng phải trả chứ. Và vì thế, trường hợp nào thì chàng cũng lãnh hết.
Vì thế mà phụ nữ ở nước Mỹ vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn là như vậy.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 66)
Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 66 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thúy vào lớp hơi muộn nên có thể ông thầy đã dậy về Present Perfect rồi. Nhưng Present Perfect là thì (tense) mà Thúy thấy rắc rối nhất trong văn phạm tiếng Anh nên Thúy muốn được nghe lại về Present Perfect.
QA
Thực ra thì QA cũng muốn được giảng lại về Present Perfect Tense lần nữa. QA thấy là nhiều thứ trong tiếng Anh có nhắc đi nhắc lại nhiều lần cũng không sao. Lần này, QA muốn anh đưa ra những so sánh giữa Present Perfect và Simple Past Tense vì QA thấy có những lúc Present Perfect rất giống Simple Past Tense trong khi ở những chỗ khác, hai thì này rất khác nhau.
LÃM THÚY
Thúy thấy là cả hai giống nhau ở chỗ đều nói về những hành động trong quá khứ. Ngoài điều giống nhau đó, hai thì này cũng rất khác nhau và đó là điểm làm cho người học rất khó hiểu. Thí dụ Thúy thấy hai câu này có khác gì nhau đâu: I HAVE MET HER BEFORE và I MET HER BEFORE. Cả hai đều có nghĩa là tôi đã từng gặp cô ấy trước đây rồi. Chuyện gặp cô ấy là chuyện đã xẩy ra rồi. Vậy thì cần gì phải Present Perfect nữa? Cứ Simple Past là được rồi phải không Quỳnh Anh?
BBT
Cô Thúy nói vậy cũng có phần đúng. Tuy những chuyện đó đều đã xẩy ra trong quá khứ, chúng vẫn khác nhau. Thì Simple Past được dùng cho những hành động đã xong, xong hoàn toàn, không còn dây dưa, dính dáng gì đến bây giờ nữa. Thí dụ như chuyện tôi sống ở Sài Gòn chẳng hạn.
QA
QA hiểu rồi. Ông thầy rời Sài Gòn, chấm dứt việc sống ở đó từ hơn ba mươi năm nay, không bao giờ trở lại, không còn dính dáng gì tới đời sống cũ ở cái thành phố đó nữa. Do đó phải nói là I LIVED IN SAIGON, bằng thì Simple Past.
LÃM THÚY
Nhưng như vậy thì câu ấy, thì Simple Past khác gì với câu dùng thì Present Perfect I HAVE LIVED IN SAIGON đâu thưa anh?
BBT
Có khác. I HAVE LIVED IN SAIGON có hai nghĩa.
Thứ nhất, là tôi đã đến Sài Gòn và ở thành phố này từ năm 1954 cho đến nay. Tôi bắt đầu sống ở Sài Gòn năm 1954. Nhưng đến nay, tôi vẫn còn ở Sài Gòn. Việc tôi sống ở Sài Gòn đã bắt đầu trong quá khứ, năm 1954. Nhưng đến nay, tôi vẫn chưa dọn khỏi Sài Gòn để sống ở một nơi khác. Nó là việc bắt đầu trong quá khứ, nhưng đến nay vẫn còn tiếp tục.
QA
Trong lúc đó, khi nói I LIVED IN SAIGON (Simple Past) thì nay tôi không còn ở Sài Gòn nữa. Việc sống ở Sài Gòn là việc đã hoàn toàn chấm dứt.
BBT
Cám ơn cô QA. Bây giờ nói tới cách hiểu thứ hai của câu I HAVE LIVED IN SAIGON. Câu này cũng có thể hiểu là tôi đã ở Sài Gòn, nay không còn ở đó nữa. Nhưng vẫn còn nhiều thứ về Sài Gòn trong con người của tôi. Tôi vẫn nhớ nó. Tôi vẫn dính líu nhiều chuyện với nó. Bạn bè, đồ ăn thức uống, tiếng nói của Sài Gòn vẫn còn trong con người tôi, nên tôi nói I HAVE LIVED IN SAIGON mặc dù tôi không còn ở đó nữa. Cô Lãm Thúy cho một thí dụ về một chuyện trong quá khứ, đã hoàn tất, nhưng vẫn còn dây dưa cho đến nay.
LÃM THÚY
Thúy ăn trưa lúc 1 giờ. Chén bát đã dẹp đi. Nhưng bây giờ vẫn còn no, vẫn chưa thấy đói. Đó là vì bữa trưa vẫn còn quá mới. Trong trường hợp này, Thúy phải nói HAVE HAD MY LUNCH. Chứ nếu nói I HAD LUNCH thì câu đó có nghĩa là đã ăn xong rồi, nay lại đang đói trở lại. Dấu tích của bữa trưa không còn nữa.
QA
QA còn thấy Present Perfect được dùng cho một việc vừa mới hoàn tất. Thí dụ QA nói I HAVE RECEIVED HIS LETTER. Câu này có nghĩa là QA vừa nhận đuơc thư của ông ấy. Lá thư vẫn còn nằm trên bàn, nội dung lá thư QA vẫn còn nhớ. Chuyện nhận lá thư đã xẩy ra nhưng lá thư chưa bị quăng thùng rác. Mấy câu trong thư vừa đọc xong vẫn còn nhớ nguyên.
LÃM THÚY
Thúy thấy có khi muốn nói chuyện vừa xẩy ra xong, rất gần, người ta thêm JUST sau HAVE phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. I HAVE JUST RECEIVED HIS LETTER và I HAVE RECEIVED HIS LETTER có khác nhau chỉ một chút xíu. JUST nghĩa là vừa mới. Nhưng khi dùng Simple Past: I RECEIVED HIS LETTER, thì có thể tôi nhận được thư của ông ấy cách đây một tuần, một tháng, mười năm cũng vẫn được.
QA
Nhưng thưa anh, hình như Present Perfect và Simple Past còn khác nhau ở chỗ Simple Past được dùng khi chúng ta biết rõ lúc, ngày, giờ, năm tháng khi hành động đó, khi việc đó xẩy ra còn Present Perfect thì không, có đúng vậy không?
BBT
Đúng thế. Thí dụ ông Nguyên Sa viết mấy câu này: Tôi đã gặp em từ bao giờ / Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya/ Kể từ gió thổi trong vùng tóc/ Hay lúc thu về cánh nhạn kia… thì ông không nhớ rõ được ngày tháng nào ông gặp nàng…
LÃM THÚY
Chắc ông dùng Present Perfect chứ không dùng Past Tense phải không thầy?
BBT
Đúng thế. Nhưng nếu biết rõ ngày tháng, chúng ta phải dùng Simple Past. Cô QA cho một thí dụ với Simple Past trong đó, việc xẩy ra vào ngày tháng nào được nói rõ coi.
QA
SAIGON FELL ON THE LAST DAY OF APRIL 1975.
BBT
Thế còn cô Thúy?
LÃM THÚY
I TOOK MY SON TO BERKELEY LAST DECEMBER TO HAVE A LOOK AT THE SCHOOL.
BBT
Bây giờ chúng ta sẽ nói về một đặc điểm khác nữa của Present Perfect. Chúng ta dùng FOR và SINCE với một việc bắt đầu trong quá khứ nhưng vẫn còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Khi tôi nói THEY HAVE LIVED IN CALIFORNIA FOR THE PAST TEN YEARS thì cô QA hiểu câu đó như thế nào?
QA
QA hiểu là họ đã sống tại California từ 10 năm nay. Họ đến đây năm 2000. Bây giờ là năm 2010. Họ vẫn còn sống ở California. Như vậy, chuyện họ sống ở California vẫn còn tiếp tục, họ chưa dọn đi tiểu bang khác.
BBT
Chúng ta dùng FOR với chiều dài của thời gian, rõ số ngày, giờ, năm, tháng. Mấy ngày, bao nhiêu giờ, mấy năm hay mấy tháng.
Nhưng SINCE là kể từ. Sau SINCE chúng ta dùng mốc thời gian như tháng mấy, năm nào…
THEY HAVE LIVED IN CALIFORNIA FOR THE PAST 10 YEARS.
Nhưng nếu không dùng FOR mà dùng SINCE thì phải nói thế nào, cô Thúy?
LÃM THÚY
SINCE 2000. Nếu FOR thì TEN YEARS. Năm 2000 là mốc thời gian. TEN YEARS là chiều dài thời gian. THEY HAVE LIVED IN CALIFORNIA SINCE 2000.
BBT
Bây giờ tôi hỏi hai cô: khi nói I WAITED FOR 3 HOURS và I HAVE WAITED FOR 3 HOURS . Hai câu này có khác gì nhau không?
QA
I WAITED FOR 3 HOURS là tôi đợi ở đó 3 tiếng đồng hồ. Bây giờ tôi đã về nhà, không còn đợi ở đó nữa. Việc chờ đợi đã chấm dứt.
LÃM THÚY
Trong khi đó, I HAVE WAITED FOR 3 HOURS là tôi đợi từ 3 tiếng đồng hồ và bây giờ tôi vẫn còn đợi. Chuyện đợi của tôi chưa chấm dứt.
QA
Một khán giả có nhờ QA chuyển tới chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày lời yêu cầu muốn anh nhắc lại một số IDIOMS liên quan đến danh từ CLOTHE và CLOTH. QA không biết đọc sao cho đúng hai danh từ này. QA biết là phải phân biệt chúng nhưng không rõ phải phát âm thế nào.
BBT
Thắc mắc của cô rất hợp lý. Trong tiếng Anh còn có một cặp khác nữa, chỉ thêm một chữ "E" ở cuối là đọc khác, mà nghĩa cũng khác. Đó là BATH và BATHE. Tắm ở nhà là BATH. Tắm ở sông, hồ, biển là BATHE. Chúng ta nói BATH ROOM , BATH TUB, BATH ROBE, BATH SOAP…
Trở lại với CLOTH và CLOTHE, hai danh từ này đọc khác nhau, viết khác nhau, và nghĩa cũng khác nhau.
CLOTH là vải để may quần áo.
CLOTHE là quần áo, là CLOTH đã được may thành quần áo rồi. Động từ TO CLOTHE là mặc, là cung cấp quần áo. Thí dụ cha mẹ lo cơm ăn, áo mặc cho con cái. Thì đó là TO FEED AND CLOTHE THE CHILDREN.
CLOTH là danh từ không đếm được: UNCOUNTABLE nên không thể thêm "S" thành MANY CLOTHS được.
Nhưng CLOTHE là danh từ có thể đếm được, là COUNTABLE NOUN, nên chúng ta có thể thêm "S" ở cuối để thành CLOTHES. Một danh từ khác cùng nghĩa với CLOTHES là CLOTHING, cũng có thể đếm được và có số nhiều, PLURAL FORM, là CLOTHINGS.
LÃM THÚY
Thế còn những IDIOMS dùng CLOTH và CLOTHES có nhiều không thưa anh?
BBT
Không nhiều, nhưng chúng ta cũng hay gặp những thành ngữ này trong khi nói tiếng Anh hàng ngày.
Bây giờ tôi đố hai cô thành ngữ này: MAN OF THE CLOTH, là gì?
QA
Là ông Chà Và bán vải ở Sài Gòn chăng?
LÃM THÚY:
Thúy hiểu đó là một nhà tu. Thúy nhớ là đã gặp những chữ này trong cuốn THE THORN BIRDS của một tác giả người Úc.
BBT
Đọc nguyên một tác phẩm của Colleen McCollough mà cô nhớ được một danh từ như thế là giỏi quá rồi.
QA
Như vậy, TO TAKE THE CLOTH là đi tu phải không thưa thầy? QA còn biết mấy chữ này nữa, cũng do từ danh từ CLOTH mà ra. Đó là TABLE CLOTH, là khăn bàn, DUST CLOTH là giẻ lau bụi, DISH CLOTH là khăn lau chén bát mà hai cô con gái của QA rất ghét, vì DISH CLOTH là thứ cần dùng sau khi rửa chén bát xong. QA học được những chữ ấy là nhờ hai cô con gái bì tị chuyện rửa chén ở dưới bếp gần như mỗi chiều.
BBT
Còn đây là một câu tục ngữ có thể hai cô chưa nghe bao giờ nhưng đoán được ngay. Đó là câu CUT YOUR COAT ACCORDING TO YOUR CLOTH. Mời cô Lãm Thúy.
LÃM THÚY
Thúy hiểu nghĩa đen của câu này là cắt áo tùy theo vải của mình. Nghĩa là phải tính cho kỹ trước khi làm một việc gì.
QA
Còn nghĩa bóng thì QA cũng lại nghe nhiều lần ở nhà mỗi lần nghe ông bà ngoại mấy đứa con của QA nói chuyện. Đó có phải là câu tương đương với câu tục ngữ Việt Nam "liệu bò đo chuồng" không Thúy?
LÃM THÚY
Đúng rồi.
BBT
Thế khi người ta nói như hai cái áo cắt từ một mảnh vải thì nghĩa bóng là gì cô Thúy?
LÃM THÚY
Câu ấy, nghĩa bóng là giống nhau lắm, cả hình thức, bề ngoài lẫn nội dung bên trong. Nhưng tiếng Anh nói câu ấy như thế nào, thưa anh?
BBT
Câu ấy là TO BE CUT FROM THE SAME CLOTH. Cô QA cho nghe một thí dụ với câu tục ngữ này coi.
QA
THE TWO MEN WERE SO MUCH ALIKE. THEY WENT TO THE SAME SCHOOL, STUDIED THE SAME FIELD, WORKED IN THE SAME COMPANY. THEY MUST BE CUT FROM THE SAME CLOTH.
BBT
Cô Lãm Thúy?
LÃM THÚY
THEY ARE LIKE TWO PEAS IN A POD. ACTUALLY, THEY SEEM TO BE CUT FROM THE SAME CLOTH. THEY DRESS ALIKE, SPEAK WITH THE SAME ACCENT.
BBT
Bây giờ qua danh từ CLOTHE. Trước hết, là động từ TO CLOTHE nghĩa là mặc quần áo. Mới đây chắc hai cô đã coi chương trình trao giải Oscar. Rất nhiều người xem chương trình này chỉ để coi quần áo của các tài tử, xem họ ăn mặc ra sao. PEOPLE WANTED TO SEE HOW THE LADIES WERE CLOTHED. TO CLOTHE là mặc quần áo, cung cấp quần áo. Cô QA dùng TO CLOTHE trong một thí dụ coi.
QA
AMERICAN PARENTS SPEND MILLIONS TO CLOTHE THEIR CHILDREN.
LÃM THÚY
Thúy có mấy đứa con nên cũng thấy điều đó. A LOT OF AMERICAN KIDS ARE CLOTHED IN THE MOST EXPENSIVE CLOTHINGS.
BBT
Cám ơn cô Thúy. Thí dụ của cô còn dùng luôn cả danh từ CLOTHINGS mà tôi vừa định đề cập. Cô QA muốn nói gì đây?
QA
QA đã có lần nghe một câu trong đó có danh từ CLOTHINGS không biết nhớ có đúng không. Đó là câu A WOLF IN A SHEEP’S CLOTHINGS.
BBT
Cô nhớ đúng. A WOLF IN A SHEEP’S CLOTHINGS là con chó sói khoác trên mình nó bộ da của con cừu, nghĩa bóng là người bề ngoài thì giả bộ hiền lành trong khi thực ra là người rất độc ác. CLOTHINGS là quần áo nói chung.
Còn một danh từ này nữa hai cô cũng nên biết. Đó là CLOTHES HORSE.
Danh từ CLOTHES HORSE nguyên có nghĩa là cái giá để máng quần áo cho khô.
LÃM THÚY
Có phải là những sợi dây căng sau vườn để phơi quần áo không thưa anh?
BBT
Không phải. CLOTHES LINES hay WASHING LINES mới là dây phơi quần áo ở sau vườn. Danh từ này ngoài nghĩa nguyên thủy chúng ta đã biết, còn được dùng để chỉ một người quá chú ý đến chuyện ăn mặc, coi chuyện quần áo là chuyện lớn nhất trên đời.
LÃM THÚY
Chắc ông thầy không định nói QA và Thúy. Cả hai, như thầy đều đã thấy, ăn mặc có điệu bộ lắm đâu. Thỉnh thoảng diện một chút thôi mà.
BBT
Nhất định là không rồi. Nhưng diện một chút thì có sao!
QA
Và thưa quí vị, đến đây là kết thúc bài học thứ 66. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.