Ngày 13 tháng 5 năm 2013
Bạn ta,
Nếu
còn ở miền đông, tôi nghĩ cuối tuần này tôi
sẽ lái xe chạy đến đền kỷ niệm
Thomas Jefferson bên bờ sông Thomas Jefferson là một người tuyệt vời. Ở tuổi 30, ông viết bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập, rồi bản Hiến Pháp Mỹ, những văn kiện đến ngày hôm nay vẫn còn là những bản văn hết sức giá trị. Ngay từ thế kỷ 18, Thomas Jefferson đã tiên liệu được cả những điều phụ nữ của thế kỷ thứ 21 muốn làm và ghi sẵn những điều đó trong Hiến Pháp.
Tuần qua, một số phụ nữ ở Florida đã ra tòa đòi được tự do phục sức như đã được qui định bởi bản Hiến Pháp Mỹ. Các phụ nữ nay đòi tiểu bang Florida thu hồi những bộ luật buộc họ phải che phần trên của cơ thể khi ra đường. Họ nói rõ rằng Hiến Pháp Hoa kỳ đảm bảo quyền cởi trần của phụ nữ ở các nơi công cộng. Hiến Pháp bảo đảm tất cả mọi người sống ở Hoa kỳ đều được luật pháp bảo vệ ngang nhau. Các phụ nữ này muốn nhà cầm quyền tiểu bang và địa phương khẳng định rằng các bộ luật đòi phụ nữ phải che ngực lại khi ra đường là vi hiến. Những luật lệ đó hạn chế và vi phạm quyền tự do hiến định của họ. Các phụ nữ này cho biết khi nộp đơn kiện, họ không đòi được bồi thường tiền bạc, mà chỉ muốn không bị bắt vì họ hành sử quyền của họ được Hiến Pháp qui định.
Ðiều đáng nói ở đây là các phụ nữ nộp đơn kiện không phải là những người làm nghề vũ khỏa thân hay nghệ sĩ trình diễn. Họ là những phụ nữ bình thường, có công ăn việc làm lương hảo hệt như chúng ta.
Tất cả cho biết đã từng bị làm phiền vì không mặc áo khi ra đường. Một trong những nguyên đơn bị giam 16 ngày sau khi bị bắt tại một công viên quốc gia về tội ở trần leo núi cùng với một toán leo núi đàn ông cũng cởi trần.
Một nguyên đơn khác nói với phái viên hệ thống truyền hình tin tức MSNBC rằng, nguyên văn, “tôi không tin rằng vú của tôi có thể làm hại, hay là những thứ vô luân, nguy hiểm, dâm đãng hay làm cho người khác phải khiếp sợ” (I don't believe that my breasts are harmful, immoral, dangerous, lewd or frightening).
Phải công nhận rằng họ nói đúng.
Hãy hỏi người dân Mỹ xem có ai bị những cái vú làm cho khiếp sợ không? Hay có ai thấy chúng là những thứ nguy hiểm cho môi sinh, cho kinh tế, cho hòa bình, hạnh phúc không?
Tuyệt đối là không. Vậy thì tại sao những người đàn ông không mặc áo, bầy ra những cái bụng to như những cái tủ lạnh thì được, trong khi luật lại buộc những người phụ nữ không có những nét thô bỉ như vậy phải che lại?
Nếu thế thì ông Thomas Jefferson lại là người không nhìn xa thấy rộng hay sao?
Hay là đổi lại một vài chi tiết trong bộ luật, thí dụ cấm những người không thách thức được sức hút của trái đất cởi trần ra đường. Muốn cởi trần, phải bất tuân hay thách thức được sức hút của trái đất.
Ðể thiên nhiên quyết định hộ có phải đỡ rắc rối không nào?
Ngày 14 tháng 5 năm 2013
Bạn ta,
Ðàn
ông Ý, đúng như một cuộc thăm dò cách đây
mấy tháng, không còn là những Romeo đa tình mà
người ta vẫn có trong đầu từ bao lâu nay
nữa.Ðó là nhận định của các phụ nữ Ý khi trả lời cuộc thăm dò của tờ Corriera Della Sero hồi tháng 2 năm nay. Theo cuộc thăm dò này, thì đàn ông Ý đã mất chức người tình lãng mạn romantica, không còn xứng đáng là hậu duệ của Romeo hay Cassanova nữa. Chỉ cần động nhẹ một chút, là chạy bay về nhà với mama mia. Hèn không thể tả được.
Ngày nay, chỉ còn các du khách mới đi La Mã để chờ được đàn ông Ý lợi dụng những chỗ đông người cấu đít cho mấy cái để về nước còn vui được vài ba tháng, bõ những ngày cơ cực. Ở Ý, không còn những thứ đàn ông như Vittorio De Sica, Marcello Mastroiani... nữa.
Một câu chuyện mới đây ở Sicily, hòn đảo từng có những người như Don Coleone trong The Godfather, lại càng làm cho hình ảnh đàn ông Ý bi thảm hơn(*).
Tin Reuters cho biết một người đàn ông 27 tuổi, sau khi bị bạn gái nghỉ chơi, đã phải lôi khổ nhục kế ra để tìm cách trở lại với Sorrento (?).
Khổ nhục kế của chàng là nhờ người bắn cho một phát để tạo tình thương nơi người bạn gái, kích động lòng thương cảm và tội nghiệp của nàng, hy vọng nhờ đó, nàng cho chàng trở về.
Nhưng tin Reuters cho biết nàng đã nhất định không chịu.
Có thể không phải vì người phụ nữ Ý này quá cứng rắn, chai đá không biết thương người nữa, mà vì chính người đàn ông và những việc mà chàng làm để tìm cách có nàng trở lại.
Thứ nhất, không bao giờ nên xây dựng tình yêu trên cái nền tội nghiệp. Chàng làm như vậy là sai lầm từ căn bản. Nàng từ chối là đúng.
Gây thương tích cho mình để mong được thương hại là sai bét.
Dở thêm một khúc thứ hai nữa là chàng không dám tự bắn vào mình mà phải nhờ một người bạn lấy súng bắn hộ.
Ðàn ông, đàn ang gì mà sợ đau thì có chán không cơ chứ.
Thứ ba là nơi chàng nhờ bắn lại là nơi không nên nhờ bắn chút nào. Bắn vào tim hay bắn vào đầu thì cũng còn tạm được, may ra được thương hại cho về.
Chàng không bắn mấy chỗ đó, chắc sợ không đau, cũng từ chết đến trọng thương, nên chàng nhờ người bạn hạ thấp mũi súng xuống dưới thắt lưng. Súng nổ cái đùng. Chàng ôm biểu tượng của phong trào phản chiến chạy vào nhà thương nhờ khâu vá lại, mong được về nguyên quán. Nàng càng không chịu.
Nàng không ngó lại cũng lại rất đúng.
Mang cái xe máy đã cháy hết về nhà mà làm gì? Dở ơi là dở.
Bắn... chín nơi cũng chừa một nơi để mà sống và cho nàng sống với chứ! Bắn rồi còn đòi về làm gì nữa?
(*) Man arranges shooting to woo woman / Reuters
Ngày 15 tháng 5 năm 2013
Bạn ta,
Tổng
thống Ðức, trong một cuộc tiếp xúc với
Hội Nhà Báo Ngoại Quốc, đã lên tiếng than
phiền là các đồng bào của ông mặt mũi lúc nào
cũng khó đăm đăm, nhăn nhăn, nhó nhó
như người Mỹ (?) vẫn ví von: “like a monkey
eating ginger roots.” (*)Ông nói thêm rằng người Ðức ra đường, nếu chỉ nhìn mặt, ai cũng phải nghĩ là cả nước Ðức đang đau dạ dầy vì ruột nhiều cường toan quá (Germans walk around looking as if they have too much gastric acid).
Ông nhận thấy người Ðức lúc nào cũng bi quan, lúc nào cũng phóng đại những bất hạnh của nước Ðức mặc dù quốc gia của họ có một nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.
Ông không nên nói như thế.
Thử tưởng tượng người dân nghe những lời khuyên của ông và làm ngược lại những điều họ đang làm bây giờ thì tình hình sẽ như thế nào?
Chúng tôi đã có kinh nghiệm xương máu như thế rồi. Ở Việt Nam cách đây mấy chục năm, cụ Nguyễn Văn Vĩnh một hôm ra đường thấy đồng bào của cụ vui vẻ, tươi tắn với nụ cười trên môi mà cụ nhìn quanh không thấy có bất cứ một lý do nào để khuôn mặt rạng rỡ như thế, lại cũng không có một tin vui, tin mừng nào để biện minh cho những tiếng cười, cụ bèn về nhà, viết một bài đăng trên tờ Ðông Dương Tạp Chí nhan đề là Gì Cũng Cười, trách cứ người An Nam ta chuyện quái gì cũng cười, hay dở đều cười hết, cứ hì một tiếng là hết nghiêm túc…
Ðồng bào của cụ đọc xong ghim vào bụng, bảo nhau nhất định không thèm cười nữa. Chỉ nghiêm và buồn thôi. Vui cách mấy cũng nhất định không “ngạo với nhân gian một tiếng cười”.
Từ đó đến nay, đã bẩy tám chục năm, hễ cứ định cười một cái, người Việt lại nhớ đến những điều làm phiền cụ Nguyễn Văn Vĩnh, và nhiều người lại nghiêm mặt lại, không cười nữa mặc dù quạu mệt hơn tươi cười nhiều. Quạu phải huy động nhiều bắp thịt hơn là cười, nhưng vì có lời của cụ Vĩnh, chúng ta không cười nữa.
Trong tiệm ăn, nơi đáng lẽ phải vui, chúng tôi cũng quạu. Ra đường, lái xe đi chơi, lại đi cái Lếch Xịt láng ơi là láng, chúng tôi cũng quạu. Thấy ai ngó cái xe đẹp của mình, là chúng tôi tưởng người ta tán mình đến nơi, chúng tôi liền quạu đeo lại cho nó hết hồn chơi. Ði trong mấy cái mall, chúng tôi thủ sẵn vài củ gừng, thỉnh thoảng lôi ra ăn nửa củ cho mặt mũi không muốn quạu cũng phải quạu cho bõ ghét.
Quạu đã đời đến một bữa ngó mình trong gương mới giật mình thấy sáng sớm đã được mời ăn bánh bao chiều lại đắp thêm cái mền rách, bèn chạy đôn chạy đáo đi kiếm mấy “ma đam” nhờ mượn cái bàn ủi vặn tuốt lên mức LINEN để lấy đi cảnh người cầy có ruộng vừa mới “tháng tư cầy vỡ ruộng ra”.
Ðó, chỉ một bài báo của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, nhiều người chúng tôi biến thành Tí Quạu hết. Bây giờ cũng vẫn còn nghiêm và buồn.
Còn nước Ðức, ông nói thế, lỡ dân của ông bỏ trò nghiêm và buồn, quay sang làm phiền vong linh cụ Vĩnh của chúng tôi thì nước các ông sẽ ra sao?
Thà cứ làm “týp si tư “ coi lại được hơn. Không tin qua đây tôi chỉ cho mà coi.
Như người phụ nữ trẻ lái cái Lếch Xịt suýt cán vào chân người đàn ông Á châu cao niên bữa nọ, chỉ quay ra bĩu môi khinh bỉ, lại còn xì một tiếng nữa cho vui đời di tản của người đàn ông mới là vui chứ!
(*) Germans Are Too Grumpy / Reuters
Ngày 16 tháng 5 năm 2013
Bạn ta,
Hai
tuần trước, Hoa kỳ lên tiếng bầy tỏ lo
ngại là Trung quốc đang tiến vào thị
trường quần áo lót của Hoa kỳ và những
người thợ may được trả lương
rất thấp trong một xưởng may cách
Thượng Hải không xa lắm có thể lấy đi
những công việc của người Mỹ.Nước Mỹ có lý do để lo ngại. Áo lót thì người Hoa may rất giỏi. Trương Tịch đời Ðường cũng có nhắc chi tiết này trong bài Tiết Phụ Ngâm của ông. Bài thơ đại khái kể là chàng biết nàng có chồng vậy mà vẫn còn yêu mà tặng nàng hai viên ngọc sáng (quân tri thiếp hữu phu / tặng thiếp song minh châu). Nàng cảm động về tình ý của chàng (cảm quân triền miên ý) nên đeo quà chàng tặng trong áo lót mình mầu sen…
Ðeo trong áo lót mầu hồng (hệ tại hồng la nhu) may rất khéo nên chồng cầm kích gác trong Quang Minh Ðiện cũng không biết trong áo lót của vợ có hai viên ngọc của trai cho (ngọc trai?). Mãi sau lương tâm cắn lung tung, nàng mới tháo ngọc (trai) đem trả chàng. Trả mà lệ chứa chan (hoàn quân minh châu song lệ thùy) tiếc quá là tiếc ngày xưa sao không gặp nhau sớm …
Áo lót đời Ðường còn may giỏi như thế nữa là ngày nay. Hoa kỳ lo là phải.
Nhưng ông quản lý xưởng may Tân Hoa đã vội vã đứng ra bênh xưởng của ông liền. Ông nói với tuần báo Time một câu nguyên văn bằng tiếng Anh mà tờ Time số mới nhất in lại nguyên văn như thế này: “For little things like bras, nobody can compete with
Ông nói bằng tiếng Anh với ký giả của tờ Time nên không thể nói là có thất thoát khi được dịch từ tiếng Hoa sang tiếng Anh. Câu ông nói có thể hiểu là với những thứ nhỏ như những cái nịt vú, thì không ai có thể cạnh tranh với Trung quốc được.
Bênh vực cho công ty thì bênh vực chứ tại sao lại ăn nói hố như thế? Khi không tại sao lại vạch áo cho người xem … lưng (?) vậy?
Khoe to, khoe lớn, khoe giầu, khoe mạnh chứ sao lại khoe … nhỏ?
Khoe nhỏ đã là thất sách rồi, lại còn nói rõ rằng không ai có thể cạnh tranh lại được với Trung quốc. Tức là những cái nịt vú của Trung quốc là những cái nhỏ nhất. Không ai có thể nhỏ hơn được.
Có phải khi nói thế, là ông muốn độc chiếm thị trường chuyên bán những cái nịt vú nhỏ không?
Nếu như thế thật thì làm sao nước Mỹ cạnh tranh lại được với Hoa lục về cỡ nhỏ của những cái nịt vú.
Và như vậy thì từ những năm Gia Tĩnh triều Minh, phụ nữ Trung quốc vẫn giậm chân tại chỗ ư?
Này nhé, vẻ đẹp của các nàng vẫn hệt như trong những câu thơ cổ, hết “mai cốt cách,” lại “ tuyết tinh thần” mà cụ Nguyễn của chúng ta lôi ra diễn lại.
Mai cốt cách là cốt cách thanh thanh như cành mai, mà cành mai thì gầy guộc, xương xẩu thì lấy đâu mà đeo những cái … lớn?
Mà không chỉ ở Thúy Vân và Thúy Kiều, ở những chỗ khác, phụ nữ Trung quốc cũng toàn những vóc hạc, mình mai hay vóc liễu, mình mai thì làm sao thợ may của Tân Hoa may được những cái lớn?
Thế nên ông quản lý bênh tiệm nhà mà lại hóa ra làm hại tiệm nhà. Ông nói không ai cạnh tranh được những cái nịt vú nhỏ do nhà may Tân Hoa may thì người ta còn chiếu cố sản phẩm của tiệm ông làm gì nữa?
Phải hung lên chứ.
Nước Mỹ có lẽ không nên lo lắm. Mấy cái thứ ấy mua về chỉ để giữ cho những quả trứng luộc khỏi nguội khi vớt trong nồi ra để vào những cái egg cups trên bàn ăn sáng chứ làm được quái gì ở cái nước Mỹ bao la rộng lớn này.
Ngày 17 tháng 5 năm 2013
Bạn ta,
Kenya,
một quốc gia ở đông Phi châu thuộc khối Liên
Hiệp Anh có một đạo luật rất lạ
kỳ, theo đó, tự tử là một tội hình sự
có thể bị truy tố ra tòa. (*)Chỉ cần nghĩ một chút, người ta cũng thấy ngay sự vô lý của đạo luật này. Thí dụ nếu người tự tử thành công thì tòa sẽ truy tố ai? Và nếu người tự tử không thành công, nghĩa là người ấy không chết, thì hình phạt sẽ như thế nào? Tử hình chăng?
Chi tiết về thứ luật kỳ lạ này được đọc thấy trong một bản tin của Reuters sáng hôm nay. Bản tin từ Nairobi gửi đi cho biết một người đàn ông 26 tuổi tên là Stephen Ongala ở thị trấn Busia thuộc phía tây Kenya đang bị điều tra xem ông có định tự tử không, nếu có, ông có thể bị truy tố ra tòa.
Không rõ bộ luật này có từ lúc nào, từ khi
Nguyên do là người đàn ông này cãi nhau với vợ, và để trừng phạt vợ, ông lấy dao chặt và quăng đi một trái dịch hoàn. Rồi ông cứ thế, trong khi trên người không một mảnh vải che thân, đi thẳng đến quận cảnh sát để trình báo. Cảnh sát đưa ông vào bệnh viện băng bó và giữ ông lại để điều tra.
Tôi mong cuộc điều tra của cảnh sát sẽ sớm hoàn tất và ông sẽ không bị truy tố về bất cứ một tội gì.
Tội của ông, nếu có, thì cũng không thể là tội tự hủy hoại cơ thể. Tự hủy hoại cơ thể chỉ là tội nếu làm như thế để khỏi phải đi quân dịch trong thời chiến ở một quốc gia Ðông Nam Á, khi bộ phận cơ thể như ngón tay trỏ, ngón chân cái bị chặt đi khiến cho người ta không thể cầm súng tác chiến được, và bị đưa bổ sung cho Sư Ðoàn 9 (ngón), như một đơn vị ở Trung Tâm 3 thời trước.
Trường hợp của ông, mất một phần cơ thể như thế, ông vẫn có thể cầm súng ra trận được, thì không có lý do gì để đưa ông ra tòa. Ông nên được cho về nhà để suy gẫm về việc làm của mình.
Người đàn ông
Ông giận vợ. Ông nghĩ phải phạt người phụ nữ ấy bằng cách không cho nàng một đời sống hạnh phúc nữa. Nếu vậy thì sao không cắt cả hai? Tại sao chỉ cắt và quăng đi có một? Cắt bỏ một tức là thiếu dứt khoát. Mà cũng sai lầm nữa. Sai lầm là vì ông nghĩ bỏ đi một nửa nhân lực (?), ông sẽ làm cho phía bên kia đau khổ vì công tác sẽ chỉ hoàn thành có một nửa. Bên kia sẽ đau khổ, héo hắt đi mà thân tàn ma dại, đêm đêm khóc thầm thù đời đen bạc, hận kẻ bạc tình … Trong khi đó, ông nằm bên cạnh sẽ cười thầm trong bóng đêm, sướng khoái vì làm cho người đàn bà trẻ phải đau khổ vì đòn trừng phạt của ông.
Ông đúng là một người thiếu hiểu biết về cơ thể con người.
Muốn thực sự trừng phạt người phụ nữ đối xử tàn tệ với ông, ông phải dứt khoát hẳn. Không thể nửa chừng xuân như vậy được. Phải “cưa đứt, đục khoét”, không thể để cho phía bên kia được hưởng bất cứ một cái gì mới được.
Bởi lẽ nửa cái bánh vẫn hơn là không có một cái bánh nào.
Ngài Trần Thủ Ðộ của nước tôi đã nói nhổ cỏ phải nhổ cả rễ.
Ông quăng đi có một nửa, ông có thể bị lệch (?) người, nhưng việc đó không hề ảnh hưởng bao nhiêu tới khả năng ra trận (?) của ông.
Chỉ khi ông dứt khoát hẳn, thì hai bên mới nhìn nhau mà lệ ứa, một ngày một cách xa… được.
(*) Man chops off testicle after row with wife / Reuters
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 170)
WHAT A …!
Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 170 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Hôm nay, Thúy nhờ anh nói rõ hơn về mấy cách nói mà Thúy nghe khá nhiều lần, đó là những câu đại khái như câu này: "WHAT A DAY". Đây có phải là câu hỏi không thưa anh?
BBT
Câu mà Thúy vừa nói không phải là một câu hỏi mặc dù nó cũng bắt đầu bằng chữ "WHAT". Nếu là câu hỏi, nó phải như thế này: WHAT DAY IS IT? Hay WHAT IS A DAY IN THE DESERT LIKE?
Rõ nhất là nó phải có dấu hỏi ở cuối thì mới là câu nghi vấn. Còn câu mà Thúy thắc mắc, câu WHAT A DAY thì không có cái dấu hỏi đó. Thay vào đó, nó có cái DẤU THAN (!), hay cũng gọi là cái CHẤM THAN (EXCLAMATION MARK) ở cuối. Đây là một câu HÔ THÁN, một mệnh đề dùng để diễn tả một tình cảm mạnh như kinh ngạc, giận dữ, bực bội, vui mừng, thán phục, khinh bỉ … vân vân. Khi nói, người ta không bao giờ nói rõ thành WHAT A DAY EXCLAMATION MARK, cũng như chúng ta không nói WHERE ARE YOU GOING QUESTION MARK bao giờ cả.
Chính cách nói, lên hay xuống giọng, nhấn mạnh vào chữ này hay chữ kia (INTONATION) sẽ cho người nghe biết đó là một câu hô thán, một EXCLAMATION SENTENCE.
Câu Thúy hỏi là hình thức giản dị nhất của loại cấu trúc này: WHAT A DAY! Câu WHAT A DAY! này nghĩa là gì QA biết không?
QA
Thưa anh, QA hiểu câu ấy cũng có nghĩa như khi QA nói bằng tiếng Việt câu UI CHA, THIỆT LÀ MỘT NGÀY!
BBT
Đúng vậy. WHAT A DAY! Có thể là một ngày tốt, và cũng có thể là một ngày xấu, cũng có thể một ngày quá nhiều chuyện, quá nhiều việc, thân thể rã rời, mệt mỏi, một ngày quá lạnh, một ngày quá nóng, một ngày quá dài, một ngày quá vui vẻ… trường hợp nào cũng có thể dùng câu đó.
LÃM THÚY
Nhưng nếu muốn nói rõ đó là một ngày như thế nào thì phải nói sao thưa anh?
BBT
Chúng ta thêm một ADJECTIVE phía trước: GOOD, BAD, LONG, WONDERFUL, TERRIBLE … để thành WHAT A WONDERFUL DAY! Hay WHAT A LONG DAY!
QA
QA còn có lần nghe con gái lớn than thở sau những lần có bài thi ở trường như thế này: WHAT A TERRIBLE DAY I HAD!
BBT
Đúng, muốn nói rõ hơn thì thêm vào những chữ như thế. Thúy nói thử bằng tiếng Anh câu: đó là một năm khủng khiếp của cả nước Mỹ …
LÃM THÚY
WHAT A HORRIBLE YEAR THE U.S. WENT THROUGH!
BBT
Cám ơn cô. Thúy cho nghe thêm hai thí dụ nữa coi.
LÃM THÚY
WHAT A NICE HOUSE THEY HAVE!
WHAT A BIG FISH HE CAUGHT!
BBT
Còn QA?
QA
WHAT A BEAUTIFUL VOICE SHE HAS!
WHAT A BAD WINTER IT WAS !
WHAT A LOVELY DINNER YOU MADE!
BBT
Một điều hai cô nên nhớ là trong những câu hô thán mà chúng ta vừa nghe, bao giờ danh từ đi theo sau WHAT cũng có một MẠO TỪ BẤT ĐỊNH là A hay AN (INDEFINITE ARTICLES).
QA
Thưa anh, anh vừa nhắc đến INDEFINITE ARTICLES là A và AN, QA muốn anh nói về MẠO TỪ, nói chung trong tiếng Anh, làm sao dùng cho đúng.
LÃM THÚY
Thúy nhớ là có HAI loại mạo từ, INDEFINITE ARTICLES như QA vừa nhắc ở trên và DEFINITE ARTICLE.
BBT
Tôi thấy cô dùng SỐ NHIỀU khi nói INDEFINITE ARTICLES nhưng lại dùng SỐ ÍT khi nói DEFINITE ARTICLE là tại sao?
LÃM THÚY
Vì có HAI INDEFINITE ARTICLES là A và AN trong khi chỉ có MỘT DEFINITE ARTICLE.
BBT
Cám ơn cô lần nữa. Chúng ta dùng A với các danh từ bắt đầu bằng PHỤ ÂM (CONSONANTS) như B,C, D, F, J, K, L, M, N… và dùng AN trước các danh từ bắt đầu bằng các NGUYÊN ÂM (VOWELS) như A (AN APPLE); E (AN EGG) ;I (AN INKPOT); O (AN OWL) và U (AN UMBRELLA)…
Bây giờ chúng ta nói qua cách dùng các mạo từ bất định A và AN. Thế nào là bất định (INDEFINITE)? Bất định là không được xác định rõ là danh từ ấy, món đồ vật ấy ở đâu, của ai, có những đặc điểm gì, tức là bất cứ một người hay một vật nào. Thí dụ nói tôi cần cái ly thì danh từ "ly" đó đã được xác định chưa QA?
QA
Chưa. Anh cần một cái ly để uống nước thì bất cứ cái ly nào cũng được.
LÃM THÚY
Do đó chỉ cần nói I NEED A GLASS là đủ phải không anh?
BBT
Đúng. Nhưng khi nói là tôi cần cái ly tôi mua sáng nay thì sao?
LÃM THÚY
Khi nói như thế là anh đã xác định nó là cái ly mới mua, không phải bất cứ cái ly nào trong nhà anh cũng …chịu. Vậy thì không thể dùng mạo từ bất định được, không thể nói I NEED A GLASS như hồi nẫy được.
BBT
Thế không thể dùng mạo từ bất định A hay AN được thì dùng mạo từ gì đây QA?
QA
Người ta dùng mạo từ xác định (DEFINITE ARTICLE) và phải phải nói là I NEED THE GLASS phải không thưa anh? Muốn cho rõ hơn nữa thì nói I NEED THE GLASS I BOUGHT THIS MORNING.
BBT
Đúng là học một, biết cũng … một luôn.
Nhưng không phải cứ danh từ là đem mạo từ ra dùng mà được đâu. Chúng ta chỉ dùng INDEFINITE ARTICLES A và AN với các danh từ khi chúng là SỐ ÍT (SINGULAR NOUNS) mà thôi. Chúng ta KHÔNG DÙNG A và AN với các danh từ SỐ NHIỀU (PLURAL NOUNS).
LÃM THÚY
Thúy nhớ một lần mấy … quả trứng ở nhà dậy vịt mẹ rằng có những danh từ KHÔNG đếm được (UNCOUNTABLE NOUNS) . Với những danh từ đó thì chúng ta dùng mạo từ gì đây thưa anh?
BBT
Chúng ta KHÔNG DÙNG INDEFINTE ARTICLES. Hai cô thử kể ra vài danh từ không đếm được coi.
QA
Đây là mấy danh từ QA thấy ngay trong đầu: AIR, WATER, EXPERIENCE, HEALTH…
LÃM THÚY
Còn …danh sách của Thúy gồm COFFEE, FOOD, INTELLIGENCE, TIME…
BBT
Hai cô chắc cũng thấy những danh từ không đếm được phần lớn là những thứ hoặc không nhìn thấy bằng mắt được, hoặc không cầm lấy được… Trong Anh ngữ, các danh từ không đếm được này KHÔNG đi cùng với mạo từ bất định. QA và Thúy mỗi cô cho nghe thử ba thí dụ mà chúng ta không dùng với INDEFINITE ARTICLES coi.
QA
WATER COVERS MUCH OF OUR PLANET.
AIR DOES NOT COST ANYTHING BUT IT IS NOT ALWAYS GOOD.
EXPERIENCE IS VERY IMPORTANT FOR THIS JOB.
LÃM THÚY
WE CANNOT BUY INTELLIGENCE.
I CANNOT WORK WITHOUT COFFEE IN THE MORNING.
TIME PASSES VERY FAST WHEN WE FORGET ABOUT IT.
BBT
Nhưng nếu đó là danh từ có thể đếm được, lại là số ít và chưa được xác định, chưa được nói rõ là của ai, ở đâu… vân vân thì chúng ta phải dùng mạo từ bất định ở trước.
QA
Thưa anh, QA nhớ cũng có một số danh từ có thể trông thấy, sờ thấy được nhưng người Anh và người Mỹ lại cho chúng là không đếm được có đúng không?
BBT
Đúng. Có khoảng 250 danh từ như thế. Chúng ta không thể kể hết ra ở đây. Tôi sẽ chỉ kể một số … kỳ cục nhất vì người ta không thể giải thích tại sao chúng lại không đếm được. Thí dụ đồ đạc thì nhất định phải đếm được, vậy mà FURNITURE thì lại được xếp vào loại UNCOUNTABLE NOUN chẳng hạn. Một số danh từ kỳ cục khác là MONEY, CASH, NEWS, ADVICE, FRUIT, SHEEP, FISH, FICTION, LUGGAGE, TRAFFIC, UNDERWEAR …toàn những thứ chúng ta nghĩ là đếm được.
QA cho nghe thử hai thí dụ về UNCOUNTABLE NOUNS không có ARTICLES ở trước coi.
QA
MONEY IS NOT EVERYTHING.
THEY DO NOT WANT ADVICE FROM HER.
LÃM THÚY
TRAFFIC IN LOS ANGELES IS ALWAYS BAD.
FICTION ALWAYS SELLS WELL TO VIETNAMESE READERS.
BBT
Bây giờ chúng ta nói qua DEFINITE ARTICLE "THE". Chúng ta phải dùng THE trước các danh từ đã được xác định, đã được nói rõ, phân biệt với các vật hay người khác. Hỏi hai cô thế này nhé… khi tôi nói rằng ông ấy cần cái xe thì như thế cái xe đã được xác định chưa?
QA
Thưa chưa. Có thể ông ấy bị hư xe, phải đi thuê cái xe để đi làm. QA nghĩ là khi kiếm cái xe để đi tạm vài hôm thì xe nào cũng được, xe Mỹ, xe Nhật, xe Đức đều OK, miễn là giá thuê phải chăng, không uống xăng nhiều quá. QA sẽ nói HE NEEDS A CAR.
LÃM THÚY
Nếu nhà có ba cái xe, ông ấy cần một cái, nhưng ông ấy muốn phải là cái xe mới để đi một chuyến hơi xa một chút. Như thế, ông ấy đã chọn ra một chiếc để đi. Hai chiếc kia đã cũ, có thể hư dọc đường. Thúy sẽ nói HE NEEDS THE NEW CAR.
BBT
Chúng ta dùng mạo từ THE với danh từ chỉ có một, là vật , hay người duy nhất, cứ nói ra là biết, là như được xác định rồi. Thí dụ nói THE PRESIDENT WILL LEAVE POLITICS IN 2016. QA cho biết tại sao lại dùng THE ở trước PRESIDENT?
QA
Lý do là vì nước Mỹ chỉ có một tổng thống mà thôi. Ông Obama là người duy nhất, nói đến là biết ngay, danh từ PRESIDENT như vậy đã được xác định rồi, không phải tổng thống Pháp hay tổng thống Ý, Ấn Độ hay Israel. Vì thế chúng ta dùng mạo từ xác định THE.
BBT
Thế những vật chỉ có một không hai trên thế giới thì sao? Chúng ta sẽ dùng DEFINITE hay INDEFINITE ARTICLES?
LÃM THÚY
Thúy chắc phải dùng THE.
BBT
QA nói câu này bằng tiếng Anh coi: Chúng ta có thể làm ra điện từ mặt trời.
QA
WE CAN PRODUCE ELETRICITY FROM THE SUN. Lý do là vì chỉ có một mặt trời mà thôi.
BBT
Thúy cho luôn một thí dụ dùng mạo từ THE với một danh từ chỉ có một, không hai trên thế giới này coi.
LÃM THÚY
HE IS ASKING FOR THE MOON. Nó muốn đòi ông trăng trên trời chắc. Trăng thì chỉ có một ông duy nhất mà thôi nên Thúy dùng DEFINITE ARTICLE "THE".
Thưa anh, Thúy xin đổi đề tài một chút. Thúy có thắc mắc liên quan đến một cách dùng của động từ TO BE muốn nhờ thầy giảng cho rõ hơn.
Đó là động từ TO BE ở thì PRESENT PERFECT hình như không còn nghĩa nguyên thủy của TO BE nữa thì phải. Thí dụ như trong câu WHERE HAVE YOU BEEN? chẳng hạn. Câu đó hình như lại có nghĩa là ông ấy đi đâu phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. Thực ra, nếu hiểu cho sát nghĩa thì nó phải có nghĩa là anh đã có mặt ở đâu thì đúng hơn. Không có động từ TO GO mà nghĩa lại là "đi" thì cô thắc mắc là phải. TO HAVE BEEN TO là tới một nơi nào đó. Nhưng phải nhớ có cả chữ TO (PREPOSITION) mới được. Thí dụ nói tôi đã tới Hawaii rồi thì nói là I HAVE BEEN TO HAWAII.
Nhưng TO HAVE BEEN UP (TO) thì lại có nghĩa khác nữa, đó là làm gì, chuyện gì đã xẩy ra thí dụ: WHAT HAVE YOU BEEN UP TO? là anh đã làm gì mấy tháng, mấy tuần nay? Câu trả lời có thể là: NOTHING! nghĩa là không làm gì hết… Hay I HAVE BEEN READING A BOOK / TRAVELLING AROUND / PLANTING A JAPANESE GARDEN…
QUỲNH ANH
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.