December 12, 2013

December 13, 2013

Ngày 9 tháng 12 năm 2013
Bạn ta,
Trong số những câu ca dao đang mất đi ý nghĩa, đang chìm dần trong quên lãng phải kể hai câu :
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong, dù đục,ao nhà vẫn hơn
Tác giả hai câu lục bát này đã rất khiêm tốn nhận rằng "ao nhà" có thể cũng có cái đục chứ không phải lúc nào cũng trong vắt như cái ao của cụ Yên Đổ:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo...
Trong một chiếc ao như thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã từng tìm được cái thú:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao...
Nhưng bây giờ hình như "ao nhà" không cho "ta" tắm nữa thì phải. Định "ùm" một cái xuống tắm cái "ao nhà" thì cái "ao nhà" đã bỏ đi mất đất rồi có chán không cơ chứ.
Người viết không còn ở lớp tuổi có thể tắm ao như Nguyễn Bỉnh Khiêm hay ngồi thuyền "thu điếu" như cụ Tam Nguyên nữa nhưng vẫn thấy sót sa cho những người còn trong tuổi đi kiếm cái ao để ... tắm.
Hai câu lục bát về cái ao ta đó tôi nghe lần đầu khi Hà Nội phát động phong trào dùng hàng nội hóa, khoảng hơn nửa thế kỷ trước. Hồi ấy, đi đâu cũng thấy những biểu ngữ kêu gọi người người kiếm cái ao ta mà tắm. Nhưng ngày nay, chẳng còn được mấy ai làm công việc đó nữa ngoài vài ba người trẻ vừa lên tiếng hô hào tắm ao ta, tẩy chay hàng Trung quốc thì liền bị còng tay, đổ cho tội chống phá nhà nước.
Trong khi đó, những cái "ao nhà", cái thì bị bán cho người khác, lừa cho những người khác xứ tắm táp, và cũng có khi cũng chẳng phải là bị lừa đảo gì, những cái ao cứ mời người khác ... làng đến tắm cho vui.
Cách đây vài tháng có một bài báo trong nước viết về chuyện một số thanh niên đã phải tìm cách "bảo vệ mùa màng", không để mặc cho mùa màng bị xuất cảng bừa bãi bằng cách hễ trông thấy những kẻ tình nghi là đến dụ những cái ao làng ... đi nơi khác cho người lạ tắm thì liền đuổi đi. Nhưng một số những cái ao vẫn bị dụ bỏ làng xóm ra đi.
Đó là trường hợp mấy cái ao không tối tân cho mấy, lại cũng vì dại dột nghe theo những lời dụ dỗ của bọn Mã Giám Sinh, Tú Bà... bỏ đi theo những cuộc phiêu lưu 9 phần chết 1 phần sống, lựa toàn những lối đoạn trường mà đi qua hết Trung quốc, Đài Loan, lại tới Singapore, Hàn quốc...
Nhưng cũng có một số trường hợp ao chọn những người tắm mà xem ra cũng chẳng khá gì hơn những người tắm cùng làng, cùng xóm.
Những người đàn ông cùng làng cùng xóm đâu hết cả rồi mà cứ để mặc "ao nhà" cho nhưng người khác làng khác xóm nhẩy xuống tắm rửa ... kỳ cọ quá mạng như vậy?
Những chuyện như thế đã khiến cho không ít người nghĩ là ở những nơi khác, cứ có cái ... chứng minh nhân dân của nước khác, chỉ cần qua Việt Nam là kiếm ngay được những cái ao coi rất được. Nhiều khi cũng chẳng hề là những cái ao nữa, mà có khi lại là những cái hồ bán nguyệt xây dọc, xây ngang bằng gạch Bát Tràng nữa mới là tiếc cho... dân làng chứ.
Tờ Dân Trí tuần qua có một bài viết nhan đề "Những "sao" Việt hạnh phúc bên chồng ngoại" trong đó, tác giả liệt kê ra 12 phụ nữ Việt cho người nước ngoài tắm ... lia chia rồi còn khoe nhắng lên là đời sống với những người đàn ông ... tắm ao ta đó vui lắm.
Trong số 12 người mà tờ Dân Trí gọi là "sao" đó có 6 ca sĩ, 3 người mẫu, 1 diễn viên, 2 hoa hậu. Toàn là những hồ bán nguyệt xây bằng gạch Bát Tràng cả. Còn những người nhẩy ùm xuống ao tắm rửa kỳ cọ thì có 1 Pháp, 1 Mỹ ,1 Hà Lan, 1 Thụy Điển, 2 Úc ,1 Ấn độ, 1 Pakistan, 1 Miên, 1 Trung quốc, 1 Hàn quốc, 1 Đức...
Thế thì còn ao nhà đâu cho dân làng tắm nữa.
Mà rồi cho tắm miễn phí thì cũng chọn người cho đáng chứ cứ Tây ba lô gọi vào cho tắm thì có hay ho gì đâu.
Phải như được thứ danh giá, tài giỏi đến tắm thì cũng được đi. Rước cái thứ mà chính một cái ao đánh giá là nghèo như ca sĩ A.T. thì cho tắm làm gì?
Hay là lại nghĩ là làm như thế là trả thù dân tộc đây?
Không biết ai trả thù ai đây? Người Việt có gây thù oán gì với vài ba nước kia mà lại để cho người ta vô cớ trả thù vậy?

Ngày 10 tháng 12 năm 2013
Bạn ta,
Ông Lê Hiếu Đằng hôm mồng 4 tháng 12 vừa qua đã phổ biến một bản tuyên bố viết tay nói rằng ông quyết định ra khỏi đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng mà ông đã là đảng viên hơn 40 năm.
Tính ngược lại thời gian thì ông đã gia nhập đảng từ đầu thập niên 70. Nếu tính đúng 40 năm thì ông được thu nhận vào đảng năm 1973. Nhưng ông cho biết ông là đảng viên được hơn 40 năm thì việc ông gia nhập đảng phải là trước năm 1973. Ông phải nhận chỉ thị của đảng từ trước đó để xuống đường biểu tình, chống phá Việt Nam Cộng Hòa trong một thời gian dài trước khi được kết nạp vào đảng. Những sinh hoạt của ông, những cuộc xuống đường, học tập, ra vào mật khu nhiều lần mới giúp ông trở thành đảng viên ngay từ những năm đầu của thập niên 70 và có thể là cả trong mấy năm cuối của thập niên 60. Thực ra, Lê Hiếu Đằng đã là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1968. Như vậy, sinh viên Lê Hiếu Đằng trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn trước năm 1975 với tư cách thành viên trong ban chấp hành Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn và đại học Luật khoa Sài Gòn chính là một tên Việt Cộng đã được kết nạp vào đảng Cộng Sản.
Trong câu đầu của bản tuyên bố ông viết nguyên văn "Tôi tên LÊ HIẾU ĐẰNG LÀ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỌNG SẢN VN, hơn 40 tuổi đảng", người ta thấy ông vẫn còn rất kiêu hãnh về chuyện ông là đảng viên: ông viết chữ in cả câu như để nhấn mạnh vào điều ông là đảng viên, rồi lại còn khai rõ là "hơn 40 tuổi đảng".
Rồi ông cho biết lý do ông bỏ đảng: "ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất..."
Lê Hiếu Đằng không phải là một đảng viên cắc ké bần cố nông vô học, mà là một người đã được Việt Nam Cộng Hòa nuôi cho ăn học, đỗ đạt bằng cấp mà sau mấy chục năm kể từ ngày Cộng Sản chiếm miền Nam đến nay mới nhìn ra chuyện đảng Cộng Sản Việt Nam đang suy thoái biến chất.
Điều đó cũng đã là một điều không ổn với một người có học, có đầu óc và lại ở ngay trong cái chăn bẩn thỉu dơ dáy đó rồi. Nhưng một chi tiết khác mà Lê Hiếu Đằng nêu ra trong bản tuyên bố lại càng làm cho người ta sửng sốt hơn. Đó là điều Lê Hiếu Đằng viết rằng đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ không còn như trước nữa. Như trước là như thế nào? Lê Hiếu Đằng viết rõ ngay sau đó, trong ngoặc đơn, là đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đảng Cộng Sản Việt Nam không hề làm công việc đó. Lê Hiếu Đằng phải nhìn rõ ngay điều này sớm hơn, không cần phải đợi cho mãi tới năm 2013 mới nói ra. Dân tộc này vừa thoát ách thực dân Pháp thì đã vội thay thế bằng những cái ách nô lệ mới. Bức thư của Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 không thể coi là việc giải phóng đất nước. Việc nhượng đất ở Bản giốc, cùng với một số vùng ở biên giới miền Bắc qua việc đóng lại những cột mốc biên giới làm mất nhiều diện tích của Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm nay. Việc nhường quyền khai thác bô xít cho Trung quốc cũng không phải là chuyện mới. Những vụ tầu hải quân Trung quốc tấn công, bắt giữ ngư dân Việt Nam cùng với việc thành lập thành phố Tam Sa cũng đã diễn ra từ cả năm mà mãi tới nay Lê Hiếu Đằng mới nói rằng đảng Cộng Sản Việt Nam không còn theo đuổi mục tiêu giải phóng dân tộc nữa.
Sống dưới cái chế độ ấy, Lê Hiếu Đằng cũng từng được đãi ngộ, tưởng thưởng cho công lao đánh phá Việt Nam Cộng Hòa trong khi đội lốt sinh viên Luật và Văn Khoa Sài Gòn. Chính Lê Hiếu Đằng và đồng bọn đã gây ra không biết bao nhiêu khó khăn cho chính phủ quốc gia trong những năm 60, 70. Nay Lê Hiếu Đằng bỗng nhiên hối cải chắc chắn đã làm cho nhiều dấu hỏi xuất hiện trong đầu của rất nhiều người Việt.
Lê Hiếu Đằng vẫn nghĩ đảng Cộng Sản có một thời đấu tranh giải phóng dân tộc như ông ta đã viết trong bản tuyên bố. Điều đó cho thấy người đảng viên này vẫn u mê, ngu muội như anh ta đã u mê ngu muội trong những chuyến xuống đường biểu tình cùng với bọn Nguyễn Đăng Trừng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi.
Nay Lê Hiếu Đằng tuyên bố bỏ đảng. Thì đã sao? Thì có gì lạ không? Thì có gì hay ho đâu! Có gì mới lạ và đáng nói thì xin mọi người làm ơn cho biết. Có chăng là không nên đánh kẻ chạy lại mà thôi. Nhưng phải là kẻ thực sự chạy lại.

Ngày 11 tháng 12 năm 2013
Bạn ta,
Hôm chủ nhật 8 tháng 12, khoảng mấy trăm ngàn người Ukraine đã xuống đường tại thủ đô Kiev, kéo đổ tượng Lê nin, chặt cổ pho tượng dựng tại quảng trường Bessarabskya để phản đối việc tổng thống Viktor Yanukovych ngả sang theo Nga thay vì tiến lại với các quốc gia dân chủ tự do Tây phương.
Những người biểu tình đã đồng thanh đọc lớn mấy câu này:
Lê nin quê ở nước Nga
Mà sao đứng ở vườn hoa nước mình
Một tay chống một tay khuỳnh
Một bầy kẻ cướp đứng rình đằng sau
"Anh Sáu Lê-nin" ở Hà Nội
Đi hỏi nhiều nơi tôi mới biết mấy câu lục bát ở trên được học từ người dân Hà Nội. Ở Hà Nội, tại công viên trước đây có tên là vườn hoa Canh Nông, cũng có tên là vườn hoa Chi Lăng sau đổi tên là công viên Lê nin cũng có một bức tượng Lê nin mà người dân Hà Nội đã ngán ngẩm truyền miệng mấy câu thơ trên.
Vụ chặt cổ tượng Lê nin vừa diễn ra thì thông tấn xã nhà nước cho đăng ngay một bản tin với hàng tựa nguyên văn: "Ukraine : Những kẻ quá khích kéo đổ tượng Lê nin tại Kiev".
Bản tin viết khá kỹ về chuyện chặt đầu Lê nin, như chi tiết thân tượng bị dân chúng dùng rìu chặt thành nhiều mảnh rồi mang những mảnh vụ đó đem tới quảng trường Độc Lập của thủ đô.
Nhưng ngay sau đó, thấy hố, thông tấn xã nhà nước và một vài trang mạng khác trong nước đã phải lấy xuống bản tin này nhưng người ta vẫn có thể tìm thấy và đọc được bản tin Lê nin bị chặt cổ ở những trang mạng khác.
Trong khi Lê nin vẫn còn được cúng giỗ linh đình tại Việt Nam, tự nhiên thông tấn xã nhà nước cho đăng cái tin cố lãnh tụ kính yêu bị chém cổ, phanh thây thì có phải như vẽ đường cho hươu chạy, nối giáo cho người dân đứng lên làm chuyện đó không nào. Tình hình Việt Nam lại đang có rất nhiều chuyện bối rối vào lúc này. Đem chuyện kéo đổ tượng ra nói chắc chắn là không hợp. Lỡ nghe thấy chuyện ở Kiev có vẻ có lý, người dân kéo đến khu tam giác mấy con đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Hoàng Diệu giật sập cái tượng của thằng cha bố lếu bố láo đứng ưỡn ngực, lại chỉ tay, cứ làm như thể nước này của thằng chả thì phiền to.
Có cái chiêu bài dùng để dụ dỗ bọn dân ngu dốt bị phá sập thì lấy gì sống đây. Mà đấy là chưa nói đến chuyện đang có một số ý kiến muốn dẹp cái lăng "anh Sáu Lê nin" (theo cách đọc ngu xuẩn hàng chữ trên lăng Lenin ở Mạc Tư Khoa V.I. Lenin viết tắt của những chữ Vladimir Ilyich Lenin). Từ năm 1991, đã có nhiều người đòi dẹp cái lăng này, đem xác của Lê nin về quê chàng để chôn bên cạnh mẹ chàng. Theo các thống kê, thì khoảng 1 nửa dân Nga chống, 1 nửa muốn đem chôn Lê nin như căn dặn của Lê nin lúc còn sống. Những con số đó chắc chắn sẽ thay đổi trong tương lai không mấy xa. Chính cái tên của thành phố Leningrad đã trở lại với tên cũ là Saint Petersburg từ năm 1991. Như vậy, Saint Petersburg lại trở về với cái tên cũ mà cụ Phan Bội Châu đã nhắc tới trong bài Á Tế Á Ca là thành Bỉ Đắc.
Chuyện dẹp cái lăng Lê Nin chắc chắn sẽ phải diễn ra. Chuyện đó sẽ làm cho một anh đang nằm ở Ba Đình sợ phát khùng luôn. Nếu có quăng cái xác của chàng ra ngoài thì cũng là việc chàng muốn như chàng đã viết trong di chúc của chàng chứ có gì đáng ngạc nhiên đâu. Và những người không chịu gọi Sài Gòn bằng cái tên mới vớ vẩn sẽ lại vẫn tiếp tục gọi đó là thành phố Sài Gòn.
Cái tượng của cái anh chàng quê ở nước Nga tại sao lại đến vườn hoa nước này rồi cũng sẽ bị dẹp, bị chặt cổ mấy hồi. Thế nên dẹp cái bản tin đau lòng ở Kiev đi là phải.
Bản tin đó là một gợi ý nguy hiểm chứ không đùa đâu!

Ngày 12 tháng 12 năm 2013
Bạn ta,
Mấy hôm cảm cúm nằm nhà tôi mới thấy ra một điều phải nói ra ở đây. Đó là nước Mỹ hình như không tử tế gì lắm đối với những ngươi già thì phải.
Thực ra thì có thể nói đó là do lối suy nghĩ nhanh nhẩu đoảng, thật thà hư thì đúng hơn. Cái dụng ý thì tốt nhưng khi đem ra làm thì lại là làm khổ những người già.
Ý tưởng thì tốt, thì hay lắm. Thí dụ như cái nút ở những chiếc cửa sau của xe nhắm tránh không cho mấy đứa trẻ con ngồi ghế sau táy máy chân tay mở bung cái cửa trong khi xe đang chạy, trong khi bố mẹ chúng hay người lớn đang lái xe ở trước chẳng hạn. Chính cái nút ấy đã ngăn chặn được bao nhiêu tai nạn vì cái tính táy máy tinh nghịch của chúng. Nhưng cũng chính vì cái nút ấy, nếu không biết gạt sang vị trí OFF thì người lái xe lại phải mở cửa ra phía sau mở cửa cho... nhà quí tộc ngồi ở ghế sau chẳng hạn. Trong khi nhà quí tộc ấy không phải là con nít mà cũng không cần, không đáng, để người lái xe hay chủ xe phải mất công xuống xe mở cửa cho nàng, thí dụ như thế. Sáng kiến làm cái nút childproof như vậy là sáng kiến hay nhưng cũng có khi trở thành phản tác dụng. Dẫu cho là không nhiều lắm.
Bây giờ nói qua một trường hợp childproof khác. Đó là những cái hộp đựng thuốc. Để tránh những trường hợp trẻ mở những chai thuốc, hộp thuốc lấy ra ăn chơi vài viên như ăn kẹo, các hãng dược phòng chế những chai thuốc, những hộp thuốc với những cái nắp childproof để trẻ không thể mở ra được một cách dễ dàng. Muốn mở những chai thuốc, những hộp thuốc ấy, người ta phải đè mạnh cái nắp xuống rồi xoay nắp ngược chiều kim đồng hồ mới mở được và lấy thuốc ra được.
Mấy năm trước, khi tuổi còn trẻ, tay còn khỏe, vặn cái nút bia dễ dàng, có khi còn dùng răng mở cho ... đẹp rồi ... tu là cõi phúc một hơi, hết chai Heineken thì không sao, không một chút bận tâm về cái chuyện nhỏ đó.
Nhưng nay, đi ciné đã được hưởng giá đặc biệt, vào một vài tiệm ăn đã được bớt 10% mà không bị hỏi giấy lôi thôi, lại thêm một trận mổ 4 cái by-pass thì người đàn ông Á châu cao niên này bỗng thấy cái sáng kiến childproof cho những chai thuốc, hộp thuốc đã làm khó mình quá đáng.
Đúng là trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Một mình ta với ta chứ cũng chẳng có "bác" nào đến chơi đây để mà nhờ cậy lúc tối lửa tắt đèn nữa.
Con cảm cúm nhào tới vật lão gia một trận tơi bời hoa lá. Lết cái thân già ra tiệm thuốc, quơ đại mấy thứ thuốc mang về nhà nằm thù ghét cuộc đời rồi mở thuốc ra uống thì mới thấy các hãng thuốc làm khó ông già.
Vặn thế nào cũng không được. Bàn tay đã yếu đi nhiều so với mấy năm trước. Đè cái nắp xuống như lời chỉ dẫn ghi trên nắp. Vừa đè, vừa ấn xuống cũng không ăn thua gì. Làm sao bây giờ? Lấy cái khăn lót tay, nghiến răng lấy hết sức bình sinh cũng không được. Trẻ thời không có. Chúng nó lớn hết rồi. Có vợ, có con hết. Có đứa trẻ nào ở cùng nữa đâu mà sợ chúng nó mở hộp thuốc ra ăn vài viên đâu. Bây giờ chúng đã lớn, mấy ông Louis Armstrong (tay khỏe) mở mấy chai thuốc dễ dàng thì lại không ở gần mà nhờ vài ba chuyện.
Ngồi thừ ra một lúc, lại nổi cơn thù ghét mấy cái chai thuốc độc ác . Cuối cùng ở nhà còn có cái kìm và cái búa làm bạn tâm tình. Thế là lôi cả hai ông kìm búa ra, hì hục mãi rồi cũng ... phá được cái nắp childproof, lấy mấy viên thuốc ra uống. Rồi lại còn mấy viên thuốc cảm đựng trong những chiếc bọc plastic xé hoài không ra nữa chứ. Tìm mãi mới ra chiếc kéo cứu tinh. Loay hoay một hồi cũng cắt được cái bao plastic dầy ơi là dầy. Thế là mấy con cúm chết cha chúng mày với cái kìm và cây kéo của ông nhá.
Tuổi già bị đối xử tàn tệ là như thế đấy. Không biết phải làm thế nào cho người ta biết đến cái khó của chàng bây giờ đây.
Tội nghiệp chàng không?

Ngày 13 tháng 12 năm 2013
Bạn ta,
Sau ngày Hà Nội chiếm miền Nam, tình trạng khan hiếm đã diễn ra tại khắp nơi, khan hiếm đủ các thứ, từ thực phẩm đến các sản phẩm tiêu thụ, gì cũng thiếu. Nhiều người chán ngán phải thốt lên rằng "Đả đảo Thiệu Kỳ kiếm cái gì cũng có; hoan hô Hồ Chí Minh, tìm cây đinh cũng không ra".
Nhưng ngày nay, ở Việt Nam có được rất nhiều thứ mà hồi Thiệu Kỳ không có, hay có, nhưng rất ít.
Bây giờ, cái gì cũng có. Đĩ điếm nhiều vô kể, xuất cảng cả sang nhiều nước trên thế giới. Công dân nào cũng muốn xuất ngoại đi làm cu li, quơ một cái là cả đống chạy theo. Bằng cấp cũng nhiều, đi ra đường là thấy thạc sĩ, tiến sĩ chạy đầy đường như lợn con. Khoa bảng nhiều quá, dùng không hết đến nỗi cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ thặng dư phải đi bán vé số, làm thợ hồ, chạy xe xích lô, đứng đường...
Hồi trước năm 1975, các đại học ở miền Nam chạy hết tốc lực cũng không thể sản xuất được nhiều bằng cấp như thế. Nhưng nhờ có đảng, có đứa làm y tá chích đít trong rừng cũng về thành với bằng cử nhân luật như Ba Ếch chẳng hạn. Mấy anh khác không thèm khai xuất thân làm nghề thiến heo như Đỗ Mười, bẻ ghi xe lửa như Lê Duẩn, hay thợ may như Văn Tiến Dũng nữa. Anh nào cũng tốt nghiệp đại học, bằng cấp đầy mình hết trơn.
Tại sao nước mình lại bỗng nhiên trí tuệ như thế? Ai cũng lận lưng vài cái bằng. Có anh ở Phú Thọ, chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam, không biết một chữ tiếng Anh vẫn có bằng MBA của một đại học Mỹ. Rất nhiều anh cứ khai phứa phựa bằng nọ bằng kia, hóa ra toàn bằng giả, bằng mua của những thứ lái bằng ở Mỹ làm thuê cho các đại học dổm về nước bán cho với giá vài ba trăm bạc.
Chẳng cần phải lặn lội lên Hà Nội hay Sài Gòn, mà ở Đà Nẵng cũng có thể mua các thứ bằng đại học, trường nào cũng có, lại còn có cả dấu nổi đóng lên bằng cho đẹp và giống thật nữa. Những tiệm bán bằng giả công khai quảng cáo trên báo, ghi rõ ràng giá biểu cho khách tùy túi tiền lựa chọn để có cái bằng cấp giấy mà vinh qui bái tổ.
Hôm mới đây, tờ Giáo Dục Việt Nam có viết một bài về một trò mà dưới thời Thiệu Kỳ, ngay cả lúc thịnh trị nhất cũng không có. Nhiều người đọc bài báo ấy mà cứ tiếc hùi hụi, tiếc là tại sao khi cần có nó thì nó lại không có.
Nhớ hồi bé nhiều đứa bé đã bị bố mẹ mắng là phải chăm chỉ học hành, không ai học hộ cho được. Ý kiến nhờ người học hộ bỗng lóe lên trong óc của những đứa bé lười học, học dốt. Bao nhiêu đứa đã mơ ước tìm ra được người làm hộ cho chúng cái việc đi học đáng ghét đó. Nhưng làm gì lại có cái dịch vụ tiện lợi như thế. Cho nên chúng lại phải ra rả học cho thuộc mấy cái bản cửu chương để tránh cho những cái mông khỏi bị những cái roi mây quất vào gây cảnh máu đổ thịt rơi.
Nhưng bây giờ, theo tờ báo Giáo Dục Việt Nam, thì dịch vụ học hộ và luôn cả thi hộ đang phát triển rất mạnh. Có tiền là có thể thuê được người, nam hay nữ đến tận trường để học hộ, ghi chép bài vở bất cứ môn nào và tại bất cứ trường nào. Cuối niên học, muốn thi hộ cũng có dịch vụ thi hộ. Cứ đóng đủ tiền là có bằng ngay.
Chao ơi, tiếc làm sao! Nghe cứ như tựa đề bài hát năm nào: Where were you when I needed you? Lúc cần thì chẳng thấy đâu, nay không cần nữa thì lại lù lù dẫn xác đến.
Các dịch vụ học hộ, thi hộ quảng cáo khắp nơi, công khai, nêu rõ giá biểu tha hồ lựa chọn. Không thì vào internet cũng đầy ra.
Thế nên thạc sĩ, tiến sĩ ngày nay mới chạy đầy đường, không kiếm ra được việc phải kiếm sống bằng những trò bịp bợm khác. Vì có học, có thi thật bao giờ đâu. Dốt cả nước là thế. Xuống Hố Cả Nước là như vậy. Và cái mặt thịt ngu dốt như Ba Ếch mà cũng câng câng lên nhận là có cử nhân Luật là thế.


Bây giờ mới thấy câu "một cái bằng cấp da bằng ba cái bằng cấp giấy" là đúng vô cùng.