NỖI BUỒN PHÂY BÚC
Là người ngồi trước
cái computer mỗi ngày một khoảng thời gian lâu hơn ngó mặt … người thật, tôi
phải nói ngay và thú nhận ở đây rằng tôi rất chậm tiến và rất nhà quê về
facebook. Trò chơi này đã có mặt từ cả hơn một chục năm, nó đã đi tới khắp hang
cùng ngõ hẻm, tận rừng già Phi châu, đã về tận Việt Nam, tới cả những nơi chó ăn
đá, gà ăn muối, luôn cả những nơi tôi không có thể ngờ tới… đến nỗi nó đã trở
thành “thân thương” và được gọi thân mật (?) là phây búc thì cho mãi tới gần đây,
tôi vẫn không biết gì về nó.
Đủ mọi loại người đã
dùng nó cho đủ mọi thứ việc, đủ mọi thứ chuyện, như làm quen với nhau, thông tin
với nhau, kể cho nhau về đủ mọi thứ chuyện trong đời sống, trăm thứ bà dằn không
thể nào kể ra cho hết được. Làm quen nhau, biết nhau, tìm gặp nhau, hò hẹn nhau,
rồi đè ra cưỡng hiếp ngay sự quen biết (mới) đó, rồi đem sự quen biết (mới ấy )
bán vào những ổ điếm như đã nhiều lần báo chí trong nước loan tin. Hay rủ nhau
ra trước cổng trường thanh toán vài ba chuyện bất bình rồi nhờ bạn dùng điện
thoại smart phone thu hình lột quần áo của nhau, đăng lên phây búc cho cả năm
châu bốn biển coi chung cho biết. Thì trong lúc đó, con người cù lần này vẫn
không biết gì về phây búc.
Con người cù lần vẫn
tiếp tục đi cạnh cuộc đời, vẫn ái ân lạt lẽo của … phây búc. Cho đến tận cuối
tháng 8 của năm 2015, hôm tôi đến thăm một người bạn và phải nuốt một cục tự ái
to tổ chảng, bẽn lẽn thú nhận là chưa có phây búc, cũng không biết phây búc là
gì. Người bạn hỏi là có muốn có phây búc không rồi khi được trả lời là có, thì
người bạn hỏi thêm dăm ba câu về thân thế, về cuộc đời ái tình và sự nghiệp (không
huy hoàng mấy), và những ngón tay thoăn thoắt của nàng lập cho tôi một phây búc
cho đỡ mắc cở với bạn bè.
Nhờ đó, tôi hiểu ngay
tại sao chung quanh tôi, ở đâu ai cũng chăm chú ngó vào cái màn ảnh nhỏ xíu,
ngón tay lúc thì gạt, lúc thì chọc chọc vào cái màn hình. Ngay cả những cô bé
chú bé nhỏ xíu cũng thoăn thắt những ngón tay trên những chiếc smart phone.
Và từ hôm ấy, gần hai
tháng nay, đời sống của tôi cũng có những thay đổi. Tôi phải nạp thêm điện vào
điện thoại mỗi ngày hai lần thay vì một lần như trước. Lý do là thời gian mà tôi
ngó vào cái điện thoại rõ ràng là đã gia tăng. Thời gian nhìn vào cái computer
giảm bớt đi nhiều. Nhưng vừa có phây búc thì tôi liền thấy mình nộ khí xung
thiên ngay lập tức. Dựa trên mấy chi tiết bạn tôi cung cấp, phây búc liền ghi
xuống một chi tiết tôi không bao giờ đồng ý và cung cấp. Phây búc tự tiện cho
tôi là người của thành phố Hồ Chí Minh! Chi tiết này khiến tôi phải lập tức sử
dụng ngay những chữ chửi thề tục tĩu nhất trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt để
nói rõ tôi không bao giờ, không một ngày nào sống ở cái thành phố mang tên một
thằng bồi tầu rồi chính cái thằng ấy lại trở thành một thằng bồi Tầu (!).
Nhưng tôi bắt đầu
ghiền phây búc từ lúc nào không biết. Thỉnh thoảng, nói đúng ra là cứ vài ba
phút, tự nhiên tôi lại mở phây búc ra, check vài ba cái trang của mấy hãng tin,
dăm ba người bạn xem có gì mới không. Hầu hết những lần như thế thì cũng chẳng
có gì mới. Nhưng chuyện mở phây búc trở thành một thói quen, một hành động vô
thức: tôi mở ra không vì một lý do gì hết.
Tự nhiên những chuyện
ấm ớ đập vào mắt, bất kể tôi có đi kiếm hay không. Có những chuyện hoàn toàn vô
bổ có lẽ cũng chẳng có bao nhiêu người quan tâm hay muốn biết. Một cái sinh nhật,
một món ăn vừa được thưởng thức, một cái áo mới, một quen biết tình cờ mới gặp
lại, một đứa con, một đứa cháu mới ra đời, một chuyến đi mới thực hiện…Những
chuyện đó được “bốt” lên phây búc thì cũng chẳng sao, cũng chẳng gây phiền não
cho bất cứ ai. Nhiều khi những chuyện đó lại làm được việc thông báo một số
chuyện về những quen biết lâu không gặp hay không có tin tức.
Thế nhưng nhiều khi
phây búc cũng lại rất vô tình. Cũng không thể trách những vô tình đó được. Phây
búc nhận được gì thì “bốt” lên cái ấy. Nhất là những cái ấy lại được gửi tới
bằng tiếng Việt. Có bao nhiêu người biết tiếng Việt trong số hơn một ngàn bẩy
trăm người làm việc cho phây búc. Hơn nữa làm sao đọc hết được hàng tỉ phây búc
mỗi ngày. Thí dụ một bản tin về một người bị một tai nạn mất hết khuôn mặt, mắt
mũi, hay về một phụ nữ trẻ bị vẩy nến vừa qua đời… rồi ngay phía dưới là những
bức ảnh của một phụ nữ uốn éo với những trang phục rất đẹp mời đi dự một party
sang trọng…
Đồng ý là phê búc
không có lỗi trong những chuyện như thế. Mà thật ra cũng chẳng phải là những cái
lỗi nào hết. Chúng ta vẫn phải sống đời sống của chúng ta bất kể những chuyện gì
đang xẩy ra chung quanh. Không một ai có lỗi cả.
Nhưng những chuyện
như thế vẫn xẩy ra. Đó là những chuyện rất là obscene, chữ mà tôi không biết
dịch sang tiếng Việt ra làm sao.
Đọc mấy trang phây
búc này bỗng chán đời không thể tả được. Thà không có trang phây búc còn hơn.