February 28, 2013

February 28, 2013

Ngày 25 tháng 2 năm 2013
Bạn ta,
Cụ Tản Đà hồi còn theo đuổi sách đèn để thi vào trường hậu bổ chắc không học môn luận lý học của Triết Tây nên có vài ba lần nghe cụ lý luận người ta thấy rất là vòng vo, kỳ cục. Thí dụ lần cụ phát biểu về chuyện ăn uống sao cho ngon chẳng hạn. Cụ nói đại khái rằng đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người ngồi ăn không ngon thì không ngon; đồ ăn ngon, người ngồi ăn cùng ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, không ngon; chỗ ngồi ăn ngon,ngươi ngồi ăn không ngon, không ngon…
Thực ra, cụ chỉ cần nói chuyện ăn ngon có 3 yếu tố là đồ ăn phải ngon, người cùng ăn phải ngon và chỗ ngồi ăn phải ngon, thiếu một trong 3 yếu tố ấy thì ăn không thể ngon được.
Chuyện ăn, do đó, không phải cứ có đồ ăn ngon là ngon. Chuyện uống cũng vậy. Lâm Ngữ Đường trong cuốn Nhân Sinh Đích Nghệ Thuật cho biết cuốn Trà Sớ có nói rõ rằng không nên uống trà nếu người hầu trà tính tình cau có, bẳn gắt.
Ngồi ăn mà nghe người ngồi chung bàn ăn nói quàng xiên; uống trà mà trà đồng, tớ gái cau có, khó chịu thì không được. Đó là mới chỉ nói tới chuyện ăn nói vớ vẩn, vô duyên của người cùng ngồi ăn, hay thấy cảnh trà đồng bẳn gắt, nói chi tới chuyện vừa ăn vừa nghe chửi tục, nói năng thô lỗ.
Nhưng ngày nay, tại một số tiệm ăn ở Hà Nội, chủ nhân cùng với người giúp việc đã biến trò chửi tục, thô lỗ thành những thứ gia vị không thể thiếu cho những tô phở, tô cháo để trở thành những tiệm phở chửi, bún mắng … mà vẫn đông đảo người chiếu cố. Nhiều lần, báo chí đã nhắc đến hiện tượng này, và mới đây, luôn cả một nhà báo người Pháp, Cat Barton, văn phòng trưởng của Pháp tấn xã cũng phải đề cập tới trong một bài viết về Hà Nội. Nhà báo người Pháp này nói rằng ở Hà Nội, phở được bán trong những cửa hàng nhếch nhác chật hẹp, thiếu vệ sinh còn người phục vụ, chủ nhà hàng thì ăn nói thô lỗ cục cằn.
Một bài báo khác cũng tường thuật lại những cách ăn nói thô tục, hỗn láo của nhà hàng làm như thể khách đến ăn phở là được chủ tiệm ban phát cho những ân huệ lớn không bằng. Muốn có lá rau, miếng ớt, xin thêm chút nước dùng là khách bị mắng sa sả vào mặt ngay lập tức.
Thông thường thì chỉ nguyên chuyện ăn nói thô lỗ với khách hàng không thôi cũng đã là chuyện không thể chấp nhận được rồi. Nhưng chuyện khách vẫn kéo nhau đến ăn ở những tiệm có lối tiếp khách như thế lại là chuyện khó hiểu hơn hết. Cái thanh lịch, chiều khách của người bán ở đâu, và cái nét lịch sự trong chuyện ăn uống của người Hà Nội nay ở đâu? Những thứ ấy cũng biến hết như ông đồ, như khách đến nhờ viết những câu phượng múa rồng trong bài thơ cũ đã bỏ đi hết rồi hay sao?
Có vẻ là như thế. Vaclav Havel, tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc không Cộng Sản có nói rằng những người Cộng Sản có một cái biệt tài là làm xấu đi tất cả những cái đẹp của đất nước và xã hội. Cộng sản Việt Nam đã biến Hà Nội, một thành phố từng có thời được gọi là chốn nghìn năm văn vật thành một nơi bẩn thỉu, vô cùng thô tục ở tất cả mọi khía cạnh. Trẻ con chửi tục, thiếu niên nam nữ, thanh niên, người lớn, cả những thành phần được coi là có học ở Hà Nội bây giờ cũng có lối ăn nói mất dậy của những thành phần cặn bã nhất của xã hội ngày trước.
Những chuyện dơ dáy bẩn thỉu như thế nay đã trở thành những nét bình thường của Hà Nội. Người ta chấp nhận những cái bẩn thỉu đó, không một ai lên tiếng hay có phản ứng, tỏ thái độ với những sự thô tục ấy. Chửi thì chửi, tục tĩu thì tục tĩu, chuyện ăn là chuyện khác, khách vẫn vục mặt vào để ăn. Chồng dẫn vợ, cha dẫn con đến những tiệm phở chửi , bún mắng để mà ăn (học).
Như thế thì còn thắc mắc về phở chửi, bún mắng mà làm gì nữa?
Phải chăng người ta đã cong lưng chịu đựng một bọn chó má ngồi lên đầu lên cổ từ mấy chục năm nay, nên chuyện nghe vài câu chửi kèm theo tô phở cũng chỉ là chuyện thường tình, không đáng chi hay sao?
Cách duy nhất có thể làm là tránh hẳn những tiệm đó, rồi xem chủ tiệm văng tục với cái ngẩu pín đã đời rồi lôi trong thùng ra mà ăn với nhau vậy.

Ngày 26 tháng 2 năm 2013
Bạn ta,
Hôm nay, một người bạn gửi cho tôi bức hình chụp ngoài cửa của một tiệm ăn ở Bắc kinh, tiệm mang tên là Beijing Snacks, một tiệm ăn nhỏ, có thể là tiệm bán thức ăn nhanh (fast food) như ở bên Mỹ này. Nhưng chi tiết đáng để ý của tiệm là tấm bảng treo ở cửa viết bằng hai thứ tiếng Hoa và Anh. Những chữ tiếng Anh nguyên văn như thế này: This shop does not receive The Japanese The Philippines The Vietnamese And Dog. Bức ảnh do Rose Tang, một người Mỹ gốc Hoa chụp được hồi cuối tháng Hai.
TIEM AN BACKINH
Có thể cô thấy khó chịu trước tấm bảng có những lời lẽ mọi rợ vô giáo dục này nên chụp rồi gửi cho bạn bè coi. Cô sống bên Mỹ này nên không thấy thứ bảng hiệu mất dậy như thế bao giờ. Ngày xưa, khi nước Mỹ còn kỳ thị da mầu, cùng lắm cũng chỉ có những tấm bảng viết White Only hay Colored Only mà thôi. Không hề thêm "Dogs" vào bảng cấm bao giờ.
Tấm bảng ở Bắc Kinh thì nói rõ tiệm không tiếp người Nhật, người Phi, người Việt Nam và chó. Chỉ không tiếp các công dân của ba nước cũng đã là không nên rồi. Tiệm ăn Beijing Snacks còn cấm luôn cả chó vào tiệm. Như vậy, tiệm xếp những người Nhật, Phi và Việt Nam ngang với chó nên cấm hết.
Tiệm nêu đích danh ba giống dân này chứ không gọi những người Nhật, người Phi và người Việt là những "người lạ". Bảng viết mấy chữ cấm "người lạ" thì nghe sặc mùi đỉnh cao trí tuệ quá rồi còn gì là… Tầu nữa?
Thực ra thì cũng đã có chuyện người Tầu bị cấm cùng với chó như tấm bảng (nói là) được gắn ở lối vào của một công viên ở Thượng Hải hồi nước Tầu còn bị các nước Tây phương xâu xé. Trong một cuốn phim của Lý Tiểu Long có cảnh Lý Tiểu Long nhẩy lên đá nát tấm bảng.
Tuy vậy, đã có rất nhiều ý kiến nói rằng không hề có một tấm bảng nào như thế. Nhưng vì muốn kích động lòng yêu nước của người Hoa, nên chính những người Hoa đã bịa đặt ra chuyện đó. Người ta sẵn sàng làm cả những việc tự thóa mạ, tự làm nhục ( bịa ra cái bảng cấm Tầu và chó ) để đạt được mục tiêu thì đáng tởm thật.
Và vì họ tự cho là họ đã bị người ngoại quốc làm nhục qua cách xếp hạng họ ngang với loài chó nên người chủ tiệm ở Bắc kinh mới viết tấm bảng đó treo ra cửa.
Phản ứng của những người nước ngoài chắc chắn là một thái độ tức cười, không ai nghĩ việc viết và treo tấm bảng là chuyện hay ho, tốt đẹp gì. Trong thực tế, bất cứ một người khách nào vào tiệm, quăng tiền ra là được phục vụ đến điều ngay. Chỉ có chó là không mang tiền theo trong mình nên không được cho vào mà thôi.
Có lẽ đó điều hay nhất của tấm bảng là người viết đã viết thẳng là tiệm không tiếp người Nhật, người Phi, người Việt chứ không thèm hèn hạ, sợ bóng sợ vía để phải gọi các giống dân này là những người "lạ".
Những chi tiết khác liên quan đến tấm bảng này thì … hỏng hết.
Trước hết, dùng động từ "receive" là sai. Phải nói là This shop does not SERVE mới đúng. "Receive" là nhận, tiếp nhận. "To serve" mới là phục vụ. Những tấm bảng ở Mỹ không viết như thế, mà viết: "We reserve the right to refuse service to anyone" để từ chối phục vụ những thành phần bất hảo.
Sai lầm thứ hai là chữ Philippines. Danh từ này nghĩa là quần đảo, quốc gia Phi Luật Tân. Muốn nói người Phi thì phải dùng chữ Filipinos (hay Filipinas) mới đúng. Không thể nói chúng tôi không phục vụ … nước Phi Luật Tân bao giờ.
Tiệm viết tiếp là cấm chó. Vậy thì phải nói "and dogs" mới đúng. Viết như tấm bảng là chỉ cấm có một (a dog) con chó thôi sao?
Chủ tiệm chắc là một người Tầu yêu nước nên khi thấy người Nhật tuyên bố đảo Senkaku là lãnh thổ của Nhật, và khi thấy Phi phản đối cái lưỡi bò nên viết mấy chữ lên tấm bảng treo trước cửa tiệm cho đỡ tức.
Nhưng chủ tiệm đã lầm lớn. Cấm người Việt Nam làm gì cho phí hơi. Nhà cầm quyền Hà Nội thì hết sức dễ bảo, hết sức hèn hạ. Kỷ niệm cuộc chiến biên giới thì cả bọn nín khe, cấm dân chúng nhắc tới bọn xâm lược Trung quốc trong những trận đánh hồi năm 1979 ở mấy tỉnh miền Bắc. Hành động của bọn Trung quốc bá quyền ở biển Đông thì bọn chó đẻ chỉ dám gọi đó là những hoạt động của tầu "lạ". Dân chúng trong nước mà nhắc đến Hoàng Sa , Trường Sa là bị bọn chó bỏ tù, còng tay, đạp vào mặt, đưa đi biệt tích... Thấy Trung quốc hung hăng thì lôi chuyện Trung quốc trợ giúp trong cuộc chiến tranh trước đây ra để tạ ơn và lờ đi những trò xâm lăng đểu giả của bọn Bắc Kinh.
Còn người Việt ở trong và ngoài nước thì vẫn đi du lịch Trung quốc, đi chơi về khoe nhắng lên thì cấm họ làm gì?
Nhưng tại sao lại viết là cấm "một con chó", còn những con còn lại thì không, vì chúng đang ngoe nguẩy những cái đuôi ở Trung Nam Hải mất rồi hay sao?
Mà cấm bọn chó ở Hà Nội thì cấm làm… chó gì?

Ngày 27 tháng 2 năm 2013
Bạn ta,
Ðọc bản tin của tờ Naples Daily News về người đàn ông 61 tuổi tên là Floyd Schuler ở Ft Myers, Florida tôi chỉ mong cho ông ta thua kiện, thua đậm, thua  nặng  rồi còn bị tòa phạt một đống tiền để chừa cái thói hay thưa kiện ấm ớ đi cho mọi người nhờ.
Nếu ông ta thắng kiện, chúng ta sẽ gặp không biết bao nhiêu là chuyện khó chịu trong đời sống vốn đã rất nhiêu khê và khó chịu này rồi.
Ông ta kiện US Airways đòi bồi thường mười lăm ngàn Mỹ kim vì hãng hàng không này không cảnh cáo ông ta cũng như các hành khách khác về những nguy hiểm do việc uống rượu trên các chuyến bay gây ra. Ông đệ đơn kiện vì sau khi uống khá nhiều rượu trên máy bay, ông xuống phi trường thì vấp ngã trong khi di chuyển trên thang cuốn.
Không cần phải nghe ông ta kể, người ta cũng biết rằng ngồi trên máy bay, chính ông đã ngoắc tiếp viên lại bên chỗ ông ngồi, móc túi lấy tiền mua rượu uống. Tất cả mọi hành động vừa kể, từ ngoắc tay gọi stewardess, đến lấy tiền trong túi, tới gọi rượu, cầm lên đưa vào miệng uống đều là những việc làm tự nguyện của một người có số tuổi lớn hơn gấp ba lần tuổi thành niên ở Mỹ. Ông không phải là một đứa bé lên bẩy hay lên tám để nói là trẻ người non dạ, cần phải được cảnh cáo về hậu quả của chuyện uống rượu. Mà chắc gì, khi mấy cô tiếp viên nói với ông về nguy cơ của rượu là ông bỏ tiền trở lại vào túi, lôi báo ra đọc tiếp đâu. Thế nào ông chẳng nhẩy dựng lên, la thét ầm ỹ đòi "tương tiến tửu".
Nhưng gọi rượu uống, chắc cũng phải trên một ly, ông xuống máy bay, vấp ngã, liền quay lại kiện US Airways là không cảnh cáo, không can ngăn ông đừng uống rượu, giải thích cho ông về nguy hiểm của rượu.
Nếu tòa đồng ý với đơn kiện của ông mà phạt US Airways, buộc công ty hàng không này bồi thường cho ông thì nước Mỹ sẽ không có đủ tòa án và luật sư để xử hàng triệu vụ kiện tương tự như vụ này.
Thí dụ những người đàn ông sẽ đệ đơn kiện những người đàn bà đòi bồi thường vì khi những người đàn ông này làm quen những người đàn bà, thì những người đàn bà này không cảnh cáo những người đàn ông về những nguy hiểm của việc mời những người đàn bà này đi chơi với họ.
Ðại khái phải cảnh cáo như thế này:"Nói cho ông biết, quen tui là mệt lắm đó à nha. Ông sẽ mời tôi đi chơi phải không? Ông sẽ nói với tui rằng nếu mọi người đều nhan sắc như tui thì các thẩm mỹ viện dẹp tiệm hết phải không? Ông khen mùi nước hoa của tui phải không? Ông khen cái cách tui hất mái tóc ra phía sau, kéo một lọn xuống, buông ra cho nó xõa xuống một bên mắt tui phải không? Ðến đây đã là nguy lắm rồi đấy nhá. Ông còn định đưa tui đi ăn nữa sao? Chết ông rồi. Tui nhận lời đi chơi với ông rồi ông có biết sao không? Sau vài ba lần như thế, ông sẽ xin bàn tay tui. Mà xin là tui cho đó à nghe. Rồi gì nữa hả? Rồi ông mang bàn tay tui và tất cả những thứ dính vào cái bàn tay đó của tui về nhà ông... rồi ông sẽ cong đít lên đi làm để làm chồng tui, rồi làm cha mấy đứa bé. Rồi một hôm tui chán ông, tui kêu luật sư đánh cho ông tanh bành xíu quách... Rồi ông xách va li về với má, ăn mì gói chan nước mắt, đêm đêm nằm nhìn trần nhà thở dài cho cả xóm nghe chung... Ông chịu không...? "
Ðó chỉ là một trong những trường hợp cảnh cáo về những nguy hiểm có thể xẩy đến cho những đương đơn vác chiếu ra tòa kiện đòi bồi thường.
Nhưng thực ra, nếu có đưa ra những lời cảnh cáo đó, thì liệu có giúp gì cho những người đàn ông vừa kể ở trên hay không?
Chắc là không.
Những câu cảnh cáo về nguy cơ của thuốc lá, tôi nhớ, là đã xuất hiện lần đầu tiên trên các bao thuốc từ năm 1962 đến nay. Nhưng những lời cảnh cáo đó, đầu tiên thì nhẹ, càng ngày càng nặng thêm như những dòng chữ trên các bao thuốc mà chúng ta thấy ngày nay, cũng đâu có làm cho người ta sợ mà không hút thuốc lá nữa.
Mà đó là thuốc lá không biết nói ngọt, không có giọng nói trong như tiếng suối, nụ cười làm rực rỡ ban mai, và mùi tóc mang gió sông vào buổi chiều, đôi mắt phản chiếu ánh sao, và bóng của nụ cười sẽ làm sáng những buổi bình minh... the shadow of your smile will light the dawn...
Thế thì kiện làm sao được...

Ngày 28 tháng 2 năm 2013
Bạn ta,
Người Mỹ hay nói rằng nếu bạn có thể chế được cái bẫy chuột hay hơn những cái bẫy chuột hiện nay, thì bạn sẽ giầu lớn. Ý nói hễ có sáng kiến, phát triển sáng kiến đó, được thị trường nhào đến ôm cứng, là có tiền.
Nhưng phải có sáng kiến. Sáng kiến có thể ở bất cứ đâu. Nhìn đâu cũng có thể thấy sáng kiến.
Một người ở Oklahoma City vừa có được một sáng kiến mà chúng ta đã bỏ lỡ mặc dù nó ở ngay trước mắt chúng ta.
Ðó là dậy cho mấy con mèo biết dùng cái bàn cầu cho chúng khỏi gửi mùi chua của chúng ở những cái góc kẹt trong nhà (*).
Nhà phát minh sáng chế đang tìm cách bán sản phẩm của ông có tên là CatSeat cho các gia đình có nuôi mèo. Những chiếc CatSeat này có thể gắn vào những chiếc bệ cầu thường ở trong nhà nên không cần phải gọi thợ ống nước tốn kém đáng kể.
Mua cái CatSeat về, gắn vào bệ cầu rồi thì đến đoạn huấn luyện cho mấy con mèo. Có sách chỉ dẫn rõ ràng, không cần phải lấy cọng rơm đo cái đuôi nó rồi quăng ra ngoài vườn (?) để nó biết chỗ mà đi, khỏi dấu dấu giếm giếm như mèo vẫn làm trước kia nữa.
Mèo sẽ được dậy để gõ cửa nhà cầu trước khi đẩy cửa vào. Nghe tiếng hát karaoke ở trong vọng ra thì không được nhăn mặt, phải kiên nhẫn đứng chờ cho đến lúc người bên trong đi ra mới được vào. Thấy người ra thì phải vỗ tay để khuyến khích cho giọng hát thính phòng.
Mèo phải biết là khi làm thủy lợi thì nhấc cái bệ lên, không thể dựa vào khả năng nhắm của mình để gây ướt át cho người khác. Dương Do Cơ bắn cung có giỏi, có "bách bộ xuyên tâm" cũng không thể cậy mình trăm phát trăm trúng được.
Trong trường hợp làm việc tiện lớn (?), thì hạ bàn cầu xuống, ngồi lên trên rồi mới lấy trang ô chữ của tờ báo buổi sáng ra chơi. Nếu bí thì cũng vẫn phải nhanh chóng đi ra, nhường nhà cầu cho người khác. Xong việc, đừng quên chuyện giấy tờ. Nhớ là thỉnh thoảng vẫn leo lên giường bà chủ để ngủ. Phải giữ vệ sinh cho nhau. Gối và chăn của bà chủ không thể thay những cuộn giấy trong buồng tắm được.
Mèo cũng phải nhớ giật nước cho tiêu hết dấu tích. Không nên tử thủ quá lâu trong buồng tắm. Có rửa mặt thì ra ngoài cũng làm được. Loài mèo rửa mặt không cần nước nên không cần giữ buồng tắm. Ðánh móng tay thì buổi tối lên giường, gác chân lên cổ ông chủ sơn càng đẹp.
Mèo cũng cần được dậy để khi hết giấy phải biết kiếm cuộn giấy khác treo vào, tránh tạo ra tình thế khó xử vì giấy tờ. Mèo phải biết treo cuộn giấy đúng cách, giấy phải nằm áp vào tường. Treo sai có thể đẩy chủ nhà đến cảnh phải ly dị nhau như một bài báo của The American Bar Association đã cho biết khoảng một chục năm trước.
Ðó là những việc mà nhà phát minh này sẽ chỉ cách cho chủ mèo dậy lại mèo khi dùng sản phẩm của ông.
Rắc rối quá.
Mèo Việt Nam nuôi dễ hơn nhiều. 

Ngày 1 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Cuốn sách vô duyên và ngớ ngẩn nhất chắc phải là cuốn sách dậy viết thư.
Ðồng ý là những văn thư hành chính, đơn từ thì cần phải có mẫu, có chữ nghĩa và cách viết riêng, và vì thế, cuốn sách dậy viết thư đơn từ hành chính có thể cần thiết. Nhưng trong những trường hợp khác thì không thể đem những bức thư trong cuốn sách dậy viết thư ra làm mẫu, hay học để viết thư được.
Tưởng tượng mở bức tình thư văn chương diễm lệ ra chép xuống, thay cái tên gửi cho nàng, rồi gửi đi, hồi hộp tựa cửa sổ chờ tin nhạn, mà rồi nếu hồi âm là mấy chữ vỏn vẹn "Xin đọc thư trả lời ở trang 132" thì cũng đáng đời một tâm hồn thiếu sáng tạo.
Nhưng trên đời có thể có những người cần học để viết cả những bức thư rất riêng tư như thế thật. Nếu không làm sao Vương Quan nuôi nổi cha mẹ già sau khi tai họa giáng xuống gia đình của hai ông bà viên ngoại họ Vương:
... hỏi chàng Vương với cùng là Thúy Vân
Ðều là sa sút khó khăn
May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi...

Tuy thế, có thể Vương Quan cũng không bao giờ được nhờ viết hộ bức thư tuyệt mệnh. Loại thư này viết chắc không khó. Nguệch ngoạc vài dòng, từ biệt cái thế giới độc ác này thì viết vài chục bức cũng ra ngay. Vậy mà hình như có người cần nhờ người khác viết thì phải.
Không thì tại sao một chủ nhà in ở Ohio lại quảng cáo dịch vụ viết những bức thư như thế?
Tiệm in của ông ta mới đây dựng ở trong cửa kính một cảnh trông thoáng cũng biết ngay là có người vừa tự tử: mấy lon bia đã uống hết lăn lóc trên sàn nhà, một cái bàn đổ nằm nghiêng, phía trên là hai chân người đong đưa.(*)
Gần đó, là một miếng giấy xé từ một quyển vở viết nguệch ngoạc mấy chữ. Bên cạnh là một lá thư in rất đẹp, nội dung dài hơn. Một tấm bảng có mấy hàng chữ nội dung đại khái là đang tính chuyện tự tử chăng, hãy để chúng tôi giúp cho bức thư tuyệt mạng của bạn có cái vẻ chuyên môn hơn!
Chao ôi, thư tuyệt mạng mà cũng cần vẻ chuyên môn, nhà nghề nữa sao?
Tiệm in bầy ra hai bức thư tuyệt mạng, một bức không chuyên môn và một bức in ấn rất đẹp.

Nhà nghề hay chuyên môn là thế nào? Là ngày tháng phải viết cho đúng, phải có địa chỉ hồi đáp, đầu thư phải mở như thế nào, gửi cho ai, dưới đó phải kê ra những lý do muốn từ giã cuộc đời, tội lỗi đổ hết lên đầu cho nó ở lại sống trong ăn năn hối hận cả đời, từ nay cho đến lúc nó chết, nó sẽ không bao giờ có được một ngày bình yên, lương tâm nó sẽ cắn nó chết đứ đừ, và nếu nó không chết, nó cũng ngắc ngoải với những cào cấu, dằn vặt không bao giờ nguôi chăng?

Có thể là như thế.
Hay thêm vào ở dưới, là một câu đại khái nếu trả lời thì xin gửi về địa chỉ mới, zip code ra sao, có cần c/o... ai không vân vân.
Nghĩ lại thì việc quái gì phải mất tiền thuê viết một bức thư như thế. Cứ mở tập Dear Lovely Death của Langston Hughes, một nhà thơ Mỹ da đen mà tôi rất thích, là kiếm ngay được mấy dòng tuyệt mạng ngay chứ tại sao phải nhờ tới một cây viết ấm ớ ở Ohio:
Suicide's Note
The calm,
Cool face of the river
Asked me for a kiss

Mặt nước tịnh lặng
Mát rượi của dòng sông
Xin tôi một nụ hôn

Ít nhất thì cũng phải như thế, rồi ùm một cái xuống sông, sau vài phút lóp ngóp lội vào bờ, thù ghét thế giới tiếp.
Như Langston Hughes đã chết trên giường vậy, vừa vui vừa đẹp quá đi chứ.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 164)
SOME PREPOSITIONS
Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 164 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Đây là thắc mắc của Thúy. Xin thầy chỉ cho Thúy làm thế nào dùng hai PREPOSITIONS ON và AT với nơi chốn (PLACES) và thời gian (TIME) sao cho đúng vì Thúy cứ bị các con dậy dỗ hoài, mệt quá.
BBT
Thực ra thì cũng không khó lắm đâu. Trước hết, chúng ta sẽ nói về các PREPOSITIONS dùng cho ngày, tháng, năm.
Với ngày, chúng ta dùng ON. Bao giờ cũng dùng ON khi muốn nói VÀO ngày nào đó. Nhưng khi nói TRONG ngày nào đó thì chúng ta dùng IN. Thí dụ nói tôi có thể đọc xong cuốn sách này TRONG hai hay ba ngày thì chúng ta nói: I CAN FINISH THE BOOOK IN 2 OR 3 DAYS.
Thúy nói thử câu này coi: cô ấy sẽ biết kết quả TRONG vòng 1hay 2 ngày.
LÃM THÚY
SHE WILL GET THE RESULT IN ABOUT 3 DAYS.
BBT
QA cho nghe một thí dụ của cô với IN coi.
QA
THE CAR WILL BE READY IN A DAY.
BBT
Chúng ta dùng ON trong các trường hợp khác, khi nói VÀO ngày nào đó, như vào ngày thứ Hai, vào ngày 15… Thí dụ ON THE FIRST DAY OF THE NEW YEAR là vào ngày đầu năm mới. Thúy nói thử câu chúng ta bắt đầu một tuần lễ mới vào ngày thứ Hai coi.
LÃM THÚY
WE BEGIN A NEW WORK WEEK ON MONDAY. Thưa thầy Thúy có thể nói ON THE LAST DAY OF THE YEAR hay ON THE 15th (DAY) OF NEXT MONTH được không?
BBT
Được chứ. QA muốn hỏi gì đây?
QA
Thưa anh, QA nghe nói thế này có đúng không: ON JULY 4th ; ON THANKSGIVING; ON HIS BIRTHDAY…
BBT
Đúng. Chúng ta dùng ON JULY 4th vì ON đi với NGÀY chứ KHÔNG ĐI VỚI THÁNG JULY. Chúng ta dùng ON THANKSGIVING vì THANKSGIVING được hiểu là THANKSGIVING DAY. Chúng ta dùng ON HIS BIRTHDAY vì BIRTHDAY có chữ DAY ở trong. Cũng thế, chúng ta dùng ON THE ANNIVERSARY (ngày kỷ niệm).
Với tuần lễ, tháng và năm, chúng ta dùng IN. QA và Thúy cho nghe hai thí dụ với tháng và năm coi.
QA
MY SISTER WAS BORN IN SEPTEMBER.
THE TET OFFENSIVE TOOK PLACE IN 1968, THAT IS IN THE YEAR OF THE MONKEY.
LÃM THÚY
MY SON WILL FINISH COLLEGE IN 2015.
WE MOVED TO OUR NEW HOME IN SEPTEMBER .
BBT
Với các mùa, chúng ta cũng dùng IN như IN SPRING, IN AUTUMN, IN SUMMER, IN WINTER. Đó là các PREPOSITIONS dùng với thời gian. Chúng ta dùng IN với nơi chốn như thành phố, quốc gia. IN NEW YORK, IN AUSTRALIA, IN AFRICA, IN THE NORTH POLE, IN THE ATLANTIC OCEAN, IN VATICAN…
LÃM THÚY
Thưa anh, với STREET thì chúng ta dùng IN có được không?
BBT
Cô hỏi một câu rất hay. Tôi nghĩ là cô đã có câu trả lời rồi nên chỉ muốn thử tôi chứ gì.
Nghe hai câu nay nhé: HE LIVES ON THIS STREET và HE LIVES IN THIS STREET. Hai câu có khác nhau gì không?
QA
Thưa anh không. Hai câu đều có nghĩa là ông ấy sống ở đường này.
BBT
Hai câu đó khác nhau. HE LIVES ON THIS STREET, ON MAIN STREET, ON LINCOLN AVENUE, ON JEFFERSON BOULEVARD, ON WEST LANE, ON SAVANAH COURT… nghĩa là ông ấy ở đại lộ, đường, ngõ… tức là ông ấy có nhà ở… hay nhà ông ấy ở… địa chỉ của ông ấy ở đường…
Nhưng câu HE LIVES IN THIS STREET nghĩa là ông ấy là người vô gia cư, sống ngoài đường, trên con đường này…
LÃM THÚY
Thưa anh, Thúy còn một thắc mắc này nữa. Thúy bị confused về cách dùng của TO và FOR.
BBT
Cô bị confused cũng phải, vì có một số trường hợp dùng TO cũng được mà dùng FOR cũng được, vẫn đúng về mặt văn phạm nhưng ý nghĩa thì có khác nhau. Thực ra, phân biệt chúng cũng không khó lắm đâu.
Sau đây là một trường hợp dùng TO cũng được mà dùng FOR cũng được. Thí dụ I SPEAK FOR HIM và I SPEAK TO HIM. Câu I SPEAK FOR HIM có nghĩa là tôi đã đại diện cho ông ta để nói, để lên tiếng hộ cho ông ta ở một cuộc họp hay để tranh đấu, xin, vận động chuyện gì đó cho ông ấy. Còn câu I SPEAK TO HIM thì nghĩa là tôi nói chuyện với ông ấy.
QA
QA có câu hỏi về AGO và BEFORE. Hai chữ này chắc chắn phải khác nhau
BBT
AGO là đã qua. Đây là một trạng từ (ADVERB) nghĩa của nó là từ đó đến nay. Thí dụ 2 WEEKS AGO, 15 MINUTES AGO, 5 YEARS AGO, 18 MONTHS AGO. Tất cả đều là những chuyện đã xẩy ra trong quá khứ. Chúng ta không thể dùng PRESENT TENSE hay FUTURE TENSE với AGO được. Bao giờ cũng là PAST. Thí dụ nói tôi gặp anh ấy cách đây 2 tuần tức là kể từ khi tôi gặp anh ấy đến nay đã là 2 tuần rồi. Nói tiếng Anh sẽ phải là I SAW HIM WEEKS AGO. Thúy cho nghe hai thí dụ của cô với PAST TENSE và AGO coi.
LÃM THÚY
HE LEFT THE HOUSE 15 MINUTES AGO.
THEY CAME TO AMERICA 5 YEARS AGO.
BBT
Còn QA?
QA
SHE BOUGHT THE HOUSE 18 MONTHS AGO.
HE GRADUATED WITH A B.A. DEGREE 3 YEARS AGO.
BBT
Như vậy, hai cô đã dùng đúng trạng từ AGO. Bây giờ đến BEFORE, một CONJUNCTION. Người ta hay dùng sai BEFORE vì nghĩ BEFORE cùng nghĩa với AGO nhưng không phải vậy. Chúng ta nói HE WAS HERE HALF AN HOUR AGO nhưng không thể nói HE WAS HERE HALF AN HOUR BEFORE được. Với AGO, chúng ta chấm hết câu là đủ. Câu hoàn toàn đúng. Nhưng HE WAS HERE HALF AN HOUR BEFORE là chưa đủ. Câu ấy mới chỉ có nghĩa là ông ấy có mặt ở đây nửa giờ TRƯỚC. Nhưng TRƯỚC CÁI GÌ, CHUYỆN GÌ, VIỆC GÌ? Phải nói thêm cho rõ thì mới đúng. BEFORE I CAME, hay BEFORE THE RAIN STOPPED, BEFORE THE TELEPHONE RANG…
Hai cô dùng lại các thí dụ của hai cô, nhưng lần này dùng BEFORE coi. Lãm Thúy làm trước.
LÃM THÚY
HE LEFT THE HOUSE 15 MINUTES AGO.
HE LEFT THE HOUSE 15 MINUTES BEFORE I ARRIVED.
THEY CAME TO AMERICA 5 YEARS AGO.
HE CAME TO AMERICA 5 YEARS BEFORE I DID.
QA
SHE BOUGHT THE HOUSE 18 MONTHS AGO.
SHE BOUGHT THE HOUSE 18 MONTHS BEFORE THE HOUSING MARKET CRASHED (WENT BAD)
HE GRADUATED 3 YEARS AGO.
HE GRADUATED 3 YEARS BEFORE SHE STARTED COLLEGE.
LÃM THÚY
Thưa anh, hôm nay là thứ Ba, vậy thứ Sáu này thì Thúy phải gọi là gì?
BBT
Thứ Sáu tuần trước là FRIDAY OF LAST WEEK. Cũng có thể gọi là THIS PAST FRIDAY hay LAST FRIDAY. Thứ sáu tuần này là THIS FRIDAY, hay THIS COMING FRIDAY. Thứ Sáu tuần tới là NEXT FRIDAY hay FRIDAY OF NEXT WEEK.
Hai cô đã bao giờ nghe nói thí dụ FRIDAY WEEK chưa?
QA
FRIDAY WEEK là tuần lễ từ ngày thứ Sáu phải không thưa anh?
BBT
Cô nói vậy chưa rõ. Hôm nay là thứ BA, FRIDAY WEEK là ngày thứ Sáu sau ngày thứ Sáu sắp tới tức là 10 ngày nữa. Nhưng lối nói này ít thấy dùng ở ngoài đời. Lối nói này hơi xưa rồi.
QA
Thưa anh, người ta có dùng THIS DAY để nói hôm nay không?
BBT
Không. Chúng ta dùng TODAY. Hai chữ THIS DAY có nghĩa hơi khác. Thí dụ khi nói TO THIS DAY, VIETNAM IS STILL A COMMUNIST COUNTRY thì câu này có nghĩa là CHO ĐẾN BÂY GIỜ… BÂY GIỜ không có nghĩa là hôm nay. BÂY GIỜ có thể hiểu là hôm qua, tuần trước, tháng trước, sang cả ngày hôm nay và sẽ còn kéo đến ngày mai nữa. TODAY giới hạn vào thời gian 24 tiếng đồng hồ từ 1 giờ sáng nay tới 12 giờ khuya mà thôi.
Có một chữ này cũng hơi xưa rồi nhưng hai cô cũng nên biết: FORTNIGHT. Chữ này có nghĩa là 2 tuần. FORTNIGHT chính là FOURTEEN NIGHTS viết ngắn lại. Nhưng (A) FORTNIGHT (số ít) khác với FOURTEEN NIGHTS là số nhiều. Thí dụ nói HE STAYED WITH US FOR A FORTNIGHT nhưng phải nói HE STAYED WITH US FOR FOURTEEN NIGHTS.
Hay FOURTEEN NIGHTS ARE A LONG TIME, nhưng A FORTNIGHT IS A LONG TIME.
Hồi còn bé tôi và chú em tôi hay hỏi nhau sau ngày mai là ngày gì, sau đó là gì nữa thì chúng tôi nghĩ là ngày mai, ngày kia, ngày kìa, ngày kĩa, ngày kỉa, ngày kịa… Tiếng Anh chúng ta nói thế nào đây cô QA?
QA
Ngày mai là TOMORROW, ngày kia là THE DAY AFTER TOMORROW, ngày kĩa chắc là THE DAY AFTER AFTER TOMORROW phải không thưa anh?
BBT
Đúng, nhưng người Anh và người Mỹ không nói THE DAY AFTER AFTER TOMORROW. Thôi thì LET TOMORROW TAKE CARE OF ITSELF đi. Hay LET TOMORROW WORRY ABOUT TOMORROW cho đỡ đau đầu. Còn Thúy nói ngược lại ngày hôm qua, ngày hôm kia như thế nào.
LÃM THÚY
Hôm qua là YESTERDAY. Hôm kia là THE DAY BEFORE YESTERDAY còn trước đó thì Thúy không biết. Thôi thì YESTERDAY WAS DEAD AND GONE, kệ nó vậy phải không chị QA?
QUỲNH ANH
Đúng thế. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.