Ngày 4 tháng 2 năm 2013
Bạn ta,
Tờ Orange County Register cuối tuần trước, trong số đề ngày 1 tháng 2, ở trang địa phương (LOCAL) có một bài viết ngắn về một tấm bảng dựng ở sân trường UC Irvine, trên đó, các sinh viên có thể ngừng lại, viết một hàng chữ ngắn để cho mấy chữ viết sẵn trên bảng có đầy đủ ý nghĩa.
Mấy chữ viết sẵn ở trên bảng nguyên văn như thế này: "Before I die, I want to…" đại khái nghĩa là trước khi chết, tôi muốn… và bỏ lửng ở đó. Tôi nghĩ tấm bảng này lý thú hơn cuốn sách tôi trông thấy ở một tiệm sách cách đây đã lâu nhan đề "Ten Thousand Places to Visit Before I Die". Tôi lật qua rồi để xuống, không mua.
Tôi nghĩ tôi không còn đủ thì giờ để đi hết 10 ngàn chỗ mà cuốn sách đề nghị. Mà cũng không có tiền để làm nổi chuyện đó. Những dự tính bây giờ chỉ là ngắn hạn. Không còn như ở tuổi 20 nữa.
Nhưng nếu chỉ có một vài việc vẫn mơ ước mà chưa làm nổi, lại không tốn kém bao nhiêu thì giờ và tiền bạc thì tại sao lại không đứng lại viết vài chữ vào tấm bảng để cho câu "Trước khi tôi chết, tôi muốn…"
Vào Internet, tôi đọc được một số những câu được viết thêm vào trên bảng. Câu thì nói muốn đi hết các lục địa, câu thì muốn tìm được người mẹ không bao giờ biết mặt, câu thì muốn giải phóng Tây Tạng, tha thứ cho một người bạn cũ, làm một người cha tốt, mời ông thầy dậy ở tiểu học đi ăn tối, học đàn flamenco, leo núi Phú Sĩ, tắm ở sông Hằng, ngó mặt trời lặn ở sông Nile, ngủ trên bờ sông Seine, nói trôi chẩy tiếng Phạn, nhảy chung với vũ đoàn Bolshoi…
Trong số những điều viết xuống cũng có một vài điều tôi muốn làm nhưng không làm được hay không làm kịp. Thôi thì cứ để mặc cho trí tưởng tượng chắp thêm cánh mặc tình bay bổng có sao đâu.
Thí dụ trở lại căn nhà cũ ở Hà Nội, hỏi thăm xem cái scooter (mà chú em làm thất lạc từ năm 1975) còn sống hay đã thành đống sắt vụn, kiếm cái bàn học có viết tên của một cô bạn nhỏ ở gần nhà, ngồi lại trên cái ghế ở vườn Tao Đàn nơi đã bao nhiêu lần ngồi chơi với thằng con lớn, đi Hội An một chuyến, tìm mộ của người chú ở Đại Đồng, Bùi Chu, trở lại cái quán phở ở phố Cầu Gỗ mà ông bố đã chở đi ăn mấy lần, tìm cái hộp biscuit đựng son phấn và cái lược của bà mẹ, ngồi trên một chiếc xích lô trong một buổi chiều mưa ở Sài Gòn, leo lên đê Yên Phụ, nhìn dòng nước nơi hai bình tro được đem ra trải xuống năm nào, tìm lại hàng ghế của rạp ciné Vĩnh Lợi của những buổi trốn học với người bạn, ngửi lại cái mùi khai của chiếc giường hai đứa con trên căn gác ở Ngã Sáu Sài Gòn, kiếm lại mùi của những điếu thuốc hút lén ngoài cổng trường, ngồi trên bậc của ngôi giáo đường đã ngồi với K., tìm lại những giọt đầu mùa, mùi đất ẩm bốc lên sau trận mưa, mùi Tweed từ mái tóc bên cái lò sưởi ở Christchurch, không khí buổi sáng mùa thu ở Luân Đôn, con đường Tự Do bay đầy lá me, buổi tối hỏa châu vàng vọt, hồi hộp, ly cà phê thơm mùi của chiếc bánh croissant, buổi trưa trong lớp học, những cặp mắt trong sáng nhìn từ dưới lớp ngó lên, những trận tuyết mãn thiên hoa vũ của miền Đông, giọng hát theo trên lối về từ khi M. đi bỏ lại con đường…
Nhưng chỉ mới có bằng ấy điều muốn làm thì cách nào viết được hết trên mấy tấm bảng ở trường UC Irvine?
Ngày 5 tháng 2 năm 2013
Bạn ta,
Hôm chủ nhật, ở Hà Nội vừa xẩy ra một vụ kẹt xe kinh hoàng. Khoảng mấy chục ngàn người dân thủ đô đã kéo nhau đi đón một toán quay phim của Hàn quốc. Tôi không biết tên của nhóm này, đọc qua rồi cũng không nhớ nổi. Nhưng chắc họ được ái mộ nhiều lắm.
Những sản phẩm đủ loại của Đại Hàn đang được rất ưa thích ở Việt Nam. Năm ngoái, một ca sĩ Hàn quốc sang Hà Nội đã diễn ra cảnh một số "fan" (như tiếng gọi của người trong nước hiện nay, dùng tiếng Anh rất thoải mái) đông đảo ra đón và tranh nhau hôn vào cái ghế mà người ca sĩ này vừa ngồi xuống.
Không biết toán quay phim và người diễn viên này đã làm thế nào mà được nhiều người ái mộ điên cuồng đến thế. Họ đã làm những gì, đã nói những gì, đã hát hỏng ra sao mà lại được một sự đón nhận như vậy? Họ ca ngợi chế độ ra sao, nói tốt về nhà cầm quyền thế nào để chiếm được tình cảm của người dân Hà Nội như thấy trong hình ảnh đăng trên báo.
Trong khi đó, báo chí trong nước cũng đúng thời gian này, đã cho biết một số ca sĩ ở hải ngọai sẽ bị cấm không cho về Việt Nam trình diễn nữa. Lý do là vì những người này đã hợp tác với một công ty sản xuất DVD nhạc không thân thiện với nhà cầm quyền. Tin từ phía chính quyền nói rằng những người này đã nói xấu Việt Nam.
Thực ra thì không có ai nói xấu Việt Nam cả. Chính phủ nào cầm quyền ở Việt Nam thì đất nước Việt Nam vẫn là quê hương, tổ quốc của cả những người Việt sống xa xứ. Không một người Việt Nam nào nói xấu quê hương tổ quốc của mình hết. Trong khi đó, chính phủ có cái gì tốt để nói đâu. Ngay cả những người cầm quyền cũng thấy những cái xấu của chính họ, người này nói xéo người kia, khinh bỉ không thèm nêu tên, chỉ gọi thằng ấy là Ếch, thằng kia là Nhái... Một lũ rận bươi móc nhau, nói xấu nhau không đủ hay sao mà còn phải chờ người ở ngoài về nước nói xấu. Có thể không nói tốt chính là nói xấu rồi chăng?
Những người ca sĩ bị đưa vào danh sách bị cấm về nước trình diễn có thể đã phạm phải cái tội ấy, nghĩa là cái tội không nói tốt cho nhà nước nên bị coi là nói xấu.
Họ phải làm những gì?
Phải tuyên bố nhặng xị lên rằng ở Mỹ … cúp điện lu bù, mở mắt thao láo ra mà suốt mấy chục năm chẳng trông thấy con mẹ gì hết trơn hết trọi. Về đến Tân Sơn Nhất mới có … điện, đèn đóm sáng quắc, mở mắt ra, trông cái gì cũng thấy ráo trọi. Điện ở trong nước thế chứ đâu có như điện ở Mỹ cúp lên cúp xuống làm cho lúc nào cũng phải làm hiệp sĩ mù nghe gió kiếm, khổ thấy mẹ.
Hay là về đến Việt Nam là phải lăn xuống đất khóc như cha chết, mặt mũi méo xệch, nước mắt nước mũi một đống, chửi cha con vợ đã bịt mắt ngăn không cho về Việt Nam từ suốt mấy chục năm nay, mãi đến khi nghe đồng chí Nguyễn Minh Triết khoe con gái Việt Nam đẹp mới liều về để thấy đẹp thật, thế là khóc rống lên vì tiếc. Làm thế mới được nhà nước thương cho phép về nước ca hát kiếm tiền chăng?
Nhưng có thể làm đầy đủ những chuyện vừa kể cũng chưa đủ thì phải. Nhân đạo lắm thì nhà cầm quyền bảo cứ về đi là cùng. Đừng có mong chờ là được trải thảm đỏ ra rước ở phi trường nhá. Bọn chó má ấy không bao giờ tử tế với bất cứ một ai hết. Chúng nó chỉ ăn cánh với nhau chứ cũng chẳng bao giờ tử tế gì với nhau hết, nói chi đến những người khác.
Một người đàn ông nọ hết lời nịnh hót bọn chúng, lại còn quay lại nhục mạ những đồng ngũ để được cho về nước, vậy mà lúc chết chúng cũng lờ đi, không thèm nói được cho một câu tử tế.
Hình như chúng cũng lại đã làm như thế lúc một người đàn ông khác qua đời mấy hôm trước thì phải. Đã bảo chúng nó không tử tế với bất cứ ai mà. Nịnh nhắng chúng mấy câu cũng chẳng ăn thua quái gì là thế.
Ngày 6 tháng 2 năm 2013
Bạn ta,
Lady Nancy Astor là một phụ nữ nổi tiếng ít người nói lại được. Churchill đáp ngay rằng nếu ông là chồng của bà, ông sẽ cầm ly cà phê lên uống lập tức.
Từ đó, nhiều người đàn ông có vợ ở nhà tính tình như Lady Nancy Astor đã nghe lời của Winston Churchill và làm cho vợ của mình sống trong cảnh góa bụa.
Ðó là những trường hợp của những người còn được vợ pha cho ly cà phê.
Khi không có cà phê, thì có gì uống nấy vậy.
Như trường hợp người đàn ông còn tương đối trẻ ở Tanzania, một quốc gia ở đông Phi châu trong bản tin mấy hôm trước của Reuters (*) mà tôi đọc được hôm nay.
Tin Reuters cho biết cảnh sát tìm thấy xác người đàn ông Tanzania 32 tuổi này tại một con đường của thủ đô Dar es Salaam, cạnh đó là lá thư tuyệt mệnh và chiếc ly có dấu tích của một loại hóa chất dùng để giết sâu bọ.
Như thế, người đàn ông không được pha cho ly cà phê lần cuối.
Trong bức thư để lại, ông cho biết quyết định chấm dứt đời sống vì ông đã rất chán trò mè nheo không ngừng nghỉ của người vợ số một (I am fed up with the constant nagging of my first wife). Và không cần phải chờ có ly cà phê, ông kiếm thuốc trừ sâu bọ uống.
Ðọc lướt qua bản tin người ta cũng thấy đáng lẽ ông không phải chọn liều thuốc trừ sâu rầy. Ông có thể tìm một lối khác để trốn. Ông có một căn cứ số hai, tại sao phải dùng giải pháp cuối cùng? Căn cứ số một làm ông khó sống thì đã có căn cứ số hai, cứ qua đó tử thủ...
Mà mè nheo thì cũng lại chuyện... chủ quyền là nhiều chứ gì. Bất quá là... đuổi sang vùng mà phe địch đang tạm chiếm. Thế thì cứ cái da beo quấn vào người cho đẹp, đi tị nạn chính trị là xong chứ sao lại một ly DDT?
Trong khi ở những nơi khác của thế giới, người ta đâu có cần phải làm như thế!
Thí dụ khi người phụ nữ ở nhà không giỏi việc nấu nướng, bếp nước cho lắm, nồi hủ tiếu nàng nấu theo công thức nào, dùng loại bánh nào cũng thành hủ tiếu dai, lại cứ thế cho chàng ăn nguyên cả buổi, bất kể sáng sớm hay khuya khoắt, cứ dựng cổ chàng dậy cho ăn, bóp cổ bắt nuốt. Ăn xong, dọn ra tô canh rau đay cho ăn, lại còn thêm đĩa cà (?) nữa thì làm sao chịu nổi. Vậy mà vẫn sống mới là giỏi.
Tanzania quả là một nước chậm tiến. Ðàn ông ở xứ ấy dở khủng khiếp. Thua cả đàn ông Ăng Lê mới thảm!
Nhưng thế giới nhất định sẽ khá hơn nếu ngày nào người ta chế được cái nút "MUTE" dùng được cho cả đầu bếp nấu xuất sắc món hủ tiếu dai và canh rau đay.
Thế giới nhất định sẽ là nơi an toàn hơn cho nhân loại.
(*) Man Commits Suicide to Escape Nagging Wife / Reuters
Ngày 7 tháng 2 năm 2013
Bạn ta,
Ở trang đầu của các sách do nhà xuất bản Larousse ấn hành bao giờ cũng có cái
logo vẽ hình một người đang gieo hạt giống trên một cánh đồng, và ở dưới, là
câu châm ngôn " Je sème à tout vent," ý nói sách vở của Larousse đem kiến
thức đi khắp nơi trên thế giới.
Logo mới của Larousse
Larousse thì đem kiến thức, học thuật, văn chương đi gieo rắc khắp nơi. Nước
Pháp bao giờ cũng có những tự hào như thế. Một nước láng giềng nằm kế cận nước Pháp mới đây cũng muốn làm một công việc tương tự như nhà xuất bản Larousse. Ðan Mạch cũng muốn gieo những hạt giống đi khắp nơi.
Công việc gieo trồng ấy không thể làm như hình vẽ logo của Larousse. Trong logo Larousse, là hình vẽ một người tay đang vung lên, ném tung những hạt giống xuống cánh đồng. Việc gieo giống của Ðan Mạch không thể làm được theo cách gieo hạt của Larousse.
Việc gieo giống của Ðan Mạch được làm một cách kín đáo hơn, không dùng đến cái túi vải đeo phía trước như người gieo giống của Larousse, mà ở trong những phòng thí nghiệm.
Cryos International là tinh tử khố lớn nhất thế giới với trụ sở chính ở Aarhus, Ðan Mạch. Mới đây, Cryos đã mở một chi nhánh ở New York để xuất cảng sang Hoa kỳ vì ở Mỹ, giống Ðan Mạch đang rất được ưa chuộng.
Các trung tâm Cryos ở Ðan Mạch mỗi năm tiếp hàng ngàn người, mà đa số là các sinh viên đại học. Nhưng không phải bất cứ ai cũng được nhận. Cứ 10 người thì Cryos chỉ mua của một người. Những người này dùng những tên nghe rất Viking như Birk, Gorm, Olaf, Thor... trong catalog của Cryos. Những "cánh đồng" sẽ tha hồ chọn đủ mọi giống khác nhau như mắt xanh hay mắt nâu, tóc vàng hay tóc xám vân vân để đẻ ra những Viking con giỏi chèo thuyền đi tới các nước Âu châu... gieo rắc như tổ tiên Viking đi trên những chiếc thuyền rồng cả ngàn năm trước.
Thế là trong khi Larousse gieo rắc sách vở, kiến thức, Hoa kỳ tung quần jeans và Coca Cola đi khắp nơi, Ý đem Gucci, Lamborghini đi bán cho thế giới làm đẹp, thì Ðan Mạch bán tinh trùng của đàn ông Ðan Mạch.
Mai mốt các nhà giáo viết sách giáo khoa, khi viết về địa lý Ðan Mạch, đến đoạn phải ghi lại các sản phẩm xuất cảng của Ðan Mạch thì ngoài bánh biscuit, sữa, phó mát... các tác giả phải viết thế nào cho trẻ học mà không khuyến khích chúng di cư sang Ðan Mạch để sống bằng nghề bán... thóc giống nuôi miệng?
Ðan Mạch hiện nay gieo các hạt (?) giống đi tới khoảng 40 quốc gia trên thế giới. Trong khoảng một năm nữa, Cryos cũng sẽ nhận mua và phân phối các sản phẩm của đàn ông Ấn độ, Á châu và Phi châu để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Qua những chi tiết đọc được trong bản tin AFP, người ta thấy những người đàn ông ở New York, ở Calgary, Canada đi sang tận Úc để bán sản phẩm của mình không nên ghen tức hậm hực nữa, vì giá đương thời ngoài thị trường là trên dưới 50 đô la. Giá ở Ðan Mạch còn thấp hơn nữa: $40.50.
Ðọc đến đây thì lại thấy không được. Ai lại hạ giá xuống đến như thế. Trong khi giá ở New York là $50.00 đã bị phản đối lia chia, nay Ðan Mạch chơi trò xuống giá như thế thì làm sao đàn ông New York sống nổi?
Thà không bán ra để giữ giá chứ không thể phá giá như Ðan Mạch được.
Gieo khắp nơi nhưng vẫn phải giữ giá chứ.
Ngày 8 tháng 2 năm 2013
Bạn ta,
Tôi không thể hiểu được tại sao ở quốc gia của Shakespeare, của Keats, của
Byron, của Shelley … người ta lại thiếu chữ thiếu nghĩa để đến nỗi phải đặt cho
một con đường cái tên như thế.Nhưng chính vì cái tên đường quái đản ở Conisbrough, một thị trấn ở miền bắc nước Anh, mà tôi thấy hết ấm ức về mấy cái tên đường gia đình tôi đã một thời dùng làm địa chỉ, những cái tên nghe không romantica một chút nào, nếu không muốn nói là rất không văn học nghệ thuật gì hết.
Thí dụ con đường ở gần Quốc Tử Giám mà gia đình tôi ở trước khi dọn về phố Sinh Từ. Không biết người ta đã ngưng sản xuất và bán bột từ bao giờ, nhưng con đường ấy vẫn mang tên là phố Hàng Bột.
Bột thì không văn học nghệ thuật gì hết.
Ăn vụng bột thì chỉ có chó mới làm. Làm xong, nuốt không trôi thì cứ lầm lầm, lì lì như … chó ăn vụng bột.
Làm công tử mà lại có tĩnh từ “bột” đi sau cũng không hay ho gì.
Tóm lại, phố Hàng Bột nghe nản vô cùng.
Cũng may, chúng tôi dọn khỏi phố Hàng Bột trước khi tôi đến tuổi phải khai địa chỉ của mình cho những quen biết phụ nữ. Tưởng tượng vừa đưa cái danh thiếp có địa chỉ cho nàng, thì nàng cười lăn ra đất vì đọc thấy cái tên đường thì còn gì chán cho bằng.
Ở phố Sinh Từ được ít lâu, thì chuyến di cư vào Sài Gòn đưa chúng tôi tới một địa chỉ mới nghe cũng kỳ lạ không kém. Con đường gia đình chúng tôi dọn đến có thời có một cây đa, mà tiếng Việt miền Nam gọi là cây da nên mới thành chuyện. Cây da được một phụ nữ cao niên (theo Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ trang 11, phụ lục nhân danh địa danh) tên là Bầu dựng lên một cái quán bán hàng. Tên của bà được dùng để đặt cho con đường ở Chợ Lớn: đường Da Bà Bầu để ghi nhớ công đức (?) của bà.
Tôi mất mấy năm đau buồn nhớ về đất bắc và con đường Sinh Từ ở Hà Nội, chỉ vì ở miền tự do mà lại phải mang cái địa chỉ mới có tên đường nghe kỳ cục vô cùng.
Nhưng nghĩ lại, thì phố Hàng Bột hay đường Da Bà Bầu cũng vẫn không ghê rợn bằng con đường ở Conisbrough, con đường với cái tên đã khiến cho một cặp vợ chồng chỉ ở được có 15 tháng trong căn nhà mua với giá 150 ngàn Bảng Anh. Vợ chồng Paul và Lisa Allott phải bỏ cái địa chỉ ghê khiếp đó chỉ vì cái tên đường.
Con đường hai người phải bỏ có tên là Butt Hole Road (*).
Butt trong tiếng Anh có nghĩa là phần cuối thí dụ the butt of a rifle là cái báng súng.
Butt còn có nghĩa là đoạn cuối của điếu thuốc hút gần hết như a cigar butt.
Butt còn có nghĩa là cái mông, cái đít.
Ði ngay đằng sau có chữ “hole” nghĩa là cái lỗ, thì “butt” không thể có nghĩa là cái báng súng hay đoạn cuối của điếu thuốc được nữa.
Tưởng tượng cho ai cái địa chỉ mà viết xuống cái tên đường thì còn ai dám ghé thăm … một chiều mưa nữa.
Không những thế, mà luôn cả các tài xế taxi, những tiệm pizza cũng không nhận đi tới. Nhưng khi thỉnh thoảng có những toán thanh niên nam nữ kéo nhau đến đứng dưới bảng tên đường kéo quần xuống để chụp hình thì hai người quyết định bán nhà dọn đi chỗ khác.
Như thế, mấy con đường ở Việt Nam đã đi đến đâu. Tôi lại bắt đầu yêu những cái địa chỉ cũ là nhờ cái tên Butt Hole Road.
Cứ nghĩ không phải cho ai cái địa chỉ ấy là đủ hạnh phúc.
(*) What is in a name? Everything when it is Butt / Reuters
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 163)
PARTICIPLES AGAIN!
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 163 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 3 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, trước khi vào lớp, Trúc Giang và QA đã nói chuyện vơi nhau về bài học hôm nay và cả hai đều muốn anh nói thêm về hai phân từ, HIỆN TẠI PHÂN TỪ (PRESENT PARTICIPLES ) và QUÁ KHỨ PHÂN TỪ (PAST PARTICIPLES) vì QA thấy hai từ loại này có rất nhiều cách dùng mà Trúc Giang và QA mới chỉ biết được rất ít.
BBT
Hai cô nói đúng, biết dùng chúng một cách chính xác, chúng ta cũng gia tăng được kho ngữ vựng của chúng ta.
Trước hết, chúng ta phân biệt hai loại tiếng này. HIỆN TẠI PHÂN TỪ (PRESENT PARTICIPLES) thì dễ. Nó được tạo thành bằng cách cho thêm cái đuôi, TIẾP VĨ NGỮ (SUFFIX) ING vào động từ (VERB+ING), chúng ta có PRESENT PARTICIPLE. Do đó, cứ thấy cái đuôi ING thì chúng ta có thể tin chắc đó là một HIỆN TẠI PHÂN TỪ. Trúc Giang biết nó được dùng như thế nào và dùng để làm gì chứ?
TRÚC GIANG
Thưa chú, chúng ta dùng PRESENT PARTICIPLE với động từ TO BE để tạo thành các thì (TENSES) liên tiến, đó là PRESENT, PAST và FUTURE CONTINUOS.
BBT
Thế thì Giang cho nghe ba thí dụ về các thì vừa kể coi.
TRÚC GIANG
WE ARE GETTING READY FOR THE VIETNAMESE NEW YEAR.
SHE WAS TEACHING AT AN ELEMENTARY SCHOOL.
THEY WILL BE STUDYING SOCIOLOGY AT THIS COLLEGE.
BBT
Còn QA?
QA
I AM GOING TO THE GYM EVERY AFTERNOON NOW.
THEY WERE WAITING FOR HIM AT THE AIRPORT.
SHE WILL BE ROOMING WITH A FRENCH STUDENT NEXT YEAR.
BBT
Bây giờ nói qua QUÁ KHỨ PHÂN TỪ (PAST PARTICIPLE). Chúng ta dùng quá khứ phân từ với động từ gì đây QA?
QA
Chúng ta dùng PAST PARTICIPLE với TO HAVE để tạo thành các thì PERFECT, đó là PRESENT PERFECT như SHE HAS GONE HOME; PAST PERFECT như WE HAD MET HIM BEFORE, và FUTURE PERFECT như THEY WILL HAVE ARRIVED BY FRIDAY.
TRÚC GIANG
Ba thí dụ của cháu là I HAVE CLEANED THE ROOM NOW, đó là PRESENT PERFECT; WE HAD FINISHED THE BOOK, đó là PAST PERFECT và THEY WILL HAVE PAID THE HOUSE IN FULL.
BBT
PAST PARTICILPLE có thể được dùng chung với động từ TO BE không?
QA
Hình như có.
BBT
Chúng ta nên nói chắc hơn, không thể nói "hình như" được. Bây giờ nói chắc nhé. PAST PARTICIPLE có thể đi cùng với động từ TO BE để thành THỤ ĐỘNG CÁCH tức là PASSIVE VOICE. Chúng ta đã một lần nói về PASSIVE VOICE và sẽ trở lại với PASSIVE VOICE một lần nữa. Đây là ba thí dụ với PASSIVE VOICE:
HE IS TAUGHT THE GUITAR BY HIS BROTHER.
THE CAR WAS WASHED LAST WEEK.
WE WILL BE INTRODUCED TO HIM. Thí dụ của Trúc Giang đâu?
TRÚC GIANG
DINNER IS SERVED ON TIME.
THE HOUSE WAS SOLD LAST MONTH.
THEY WILL BE TAKEN TO THE AIRPORT.
QA
Đây là 3 câu của QA:
THE DISHES ARE WASHED.
THE BOOK WAS BOUGHT AT THE STATION.
YOU WILL BE ASKED TO PAY AT THE DOOR.
BBT
PRESENT PARTICIPLE có thể được dùng như một danh từ. Thí dụ I LOVE MY MOTHER’S COOKING. Trúc Giang thì sao?
TRÚC GIANG
SOMETIMES I CAN’T STAND THEIR TALKING.
HIS SPEAKING IS VERY GOOD.
WE DO NOT LIKE HER DRIVING.
QA
I HAVE TO THANK HIM FOR HIS HELPING WITH MY WORK.
WE LOVE HER SINGING.
HIS WRITING IS WONDERFUL.
BBT
Một vài PAST PARTICIPLE cũng có thể dùng như danh từ. Nhưng khi nó là danh từ, nó thường là số nhiều. Thí dụ THE WOUNDED ARE EVERYWHERE. WOUNDED là PAST PARTICIPLE được dùng như danh từ. THE WOUNDED là những người bị thương, số nhiều nhưng không cần phải thêm "S" ở cuối. THE INJURED cũng thế. THE VANQUISHED, THE DEFEATED, THE INSULTED vân vân.
QA
Thưa anh, PARTICIPLES, cả PRESENT lẫn PAST PARTICIPLES có thể được dùng làm tĩnh từ (ADJECTIVES) để phụ nghĩa, cho thêm ý nghĩa cho danh từ không?
BBT
Có chứ. Thí dụ COOKING OIL thì COOKING là PRESENT PARTICIPLE được dùng như tĩnh từ để phụ nghĩa cho OIL. Dầu gì? Dầu để nấu ăn. COOKING OIL. Còn COOKED MEAL thì COOKED là PAST PARTICIPLE được dùng như tĩnh từ (ADJECTIVE) , phụ nghiã cho danh từ MEAL.
TRÚC GIANG
Nhưng thưa chú, cả hai thứ PARTICIPLES đều có thể dùng như tĩnh từ, vậy thì khi nào dùng PRESENT PARTICIPLE và khi nào dùng PAST PARTICIPLE?
BBT
Cũng không khó lắm. Với những thứ đã hoàn tất, đã xong, chúng ta dùng PAST PARTICIPLE. Thí dụ ấn phẩm như sách, báo… những thứ mà chuyện in ấn đã xong thì chúng ta dùng PRINTING hay PRINTED? QA?
QA
Thưa anh, QA nghĩ là phải dùng PRINTED như hôm QA đi gửi báo xuân cho người bạn, thì bưu điện nói là gửi theo PRINTED MATTER thì rẻ hơn nhiều. Phải là PRINTED chứ không thể là PRINTING được.
BBT
Cô QA cho nghe thêm hai thí dụ khác với PAST PARTICIPLE dùng như tĩnh từ coi.
QA
GROUND COFFEE là cà phê đã xay. WRITTEN LAWS là luật thành văn, đã được viết xuống.
TRÚC GIANG
CONDENSED MILK là sữa đã được làm cho đặc lại. BREWED TEA là trà đã pha rồi. PAINTED hay FINISHED FURNITURE là đồ đạc đã sơn sẵn hay đã đánh véc ni.
BBT
Thế khi việc chưa hoàn tất, chưa làm xong, còn đang tiếp tục diễn ra, chúng ta dùng PRESENT PARTICIPLE. Thí dụ như A SEWING CLASS lớp dậy may. BUILDING MATERIAL là vật liệu xây cất. PROGRAMMING LANGUAGE là ngôn ngữ thảo chương điện toán. WALKING DISTANCE là khoảng cách có thể đi bộ được. RUNNING SHOES hay JOGGING SHOES là giầy để chạy JOGGING.
Hai cô cho nghe mấy thí dụ trước khi chúng ta chuyển qua vấn đề khác.
QA
FISHING BOATS là tầu đánh cá. DRIVING GLOVES là găng tay để lái xe. PAINTING BRUSH là bàn chải để sơn nhà.
TRÚC GIANG
FLYING TOYS là đồø chơi như diều hay máy bay kiểu nhỏ; TRANSLATING JOB là công việc thông dịch; READING GLASSES là kính đeo mắt để đọc sách.
TRÚC GIANG
DANCING MUSIC là nhạc để khiêu vũ; READING LAMP là đèn để đọc sách; TRAINING WHEELS là bánh xe gắn vào xe đạp để tập đi xe đạp.
QA
Thưa anh, anh cho QA hỏi sự khác biệt giữa USED TO và TO BE USED TO là gì? Khi nào dùng USED TO và khi nào dùng TO BE USED TO.
BBT
Hai nhóm chữ trên rất khác nhau. USED TO là một động từ. Nó luôn luôn ở thì quá khứ. Nó không có PRESENT, không có FUTURE cũng như các thì PERFECT. Các nhà văn phạm khuyên không nên dùng USED TO trong thể hỏi và thể phủ định.
USED TO được dùng để nói về một việc người ta hay làm, làm nhiều lần, thường xuyên làm TRONG QUÁ KHỨ. Thí dụ I USED TO WALK AROUND THIS PARK EVERY MORNING. HE USED TO COME TO THE LIBRARY ON SATURDAYS. THEY USED TO BE OUR FRIENDS. Nhưng những chuyện đó nay không còn xẩy ra, diễn ra nữa. Trúc Giang cho nghe thử mấy câu với USED TO của cô coi.
TRÚC GIANG
MY DAUGHTERS USED TO SPEAK TO THEIR COUSINS ON THE PHONE EVERY NIGHT.
MY HUSBAND USED TO DRIVE TO L.A. EACH DAY.
WE USED TO SHOP AT K-MART.
QA
MY SON USED TO WASH HIS SISTER’S CAR ON SUNDAYS.
WE USED TO LIVE NEXT DOOR TO THEM.
THEY USED TO CALL US IN THE EVENING.
BBT
Động từ USED TO cũng được dùng để nói về một sự thực trong quá khứ nhưng bây giờ không còn nữa. Thí dụ I USED TO LIVE IN SAIGON. OUR SOLDIERS USED TO STATION IN HOANG SA. VIETNAM USED TO BE A FREE REPUBLIC. Trúc Giang?
TRÚC GIANG
SHE USED TO GO TO THE SAME SCHOOL WITH ME.
WE USED TO HAVE THREE MEALS A DAY.
THEY USED TO EAT OUT EVERY WEEK-END.
QA
I USED TO KNOW A CAMBODIAN FAMILY IN LONG BEACH.
WE USED TO SPEAK ENGLISH TO OUR CHILDREN.
THEY USED TO VISIT VIETNAM ONCE A YEAR.
BBT
Còn TO BE USED TO thì được dùng để nói về một việc, một hành động mà chúng ta đã quen, đã chấp nhận như một thói quen, đã coi như một chuyện bình thường. Sau TO BE USED TO chúng ta dùng một danh từ (NOUN) hay một GERUND, tức là một DANH ĐỘNG TỪ tạo thành bởi VERB+ING.
Thí dụ: I AM USED TO GETTING THE NEWS ON THE RADIO EVERY MORNING.
WE ARE USED TO THE NOISE FROM THE AIRPORT.
SHE IS USED TO THE COLD WEATHER.
QA và Trúc Giang cho nghe mấy thí dụ của các cô đi.
QA
HE IS USED TO THE BARKINGS OF MY DOG.
THEY ARE NOT USED TO THE KOREAN FOODS.
I AM USED TO HIS TALL STORIES.
TRÚC GIANG
THE YOUNG MOTHER IS USED TO HER BABY’S CRYING AT NIGHT.
HE IS NOW USED TO HER NAGGING.
THEY ARE USED TO HER BEING LATE.
BBT
Còn một chi tiết này hai cô cũng nên biết: TO BE USED TO thì cũng giống hệt như TO GET USED TO. Nhưng TO GET USED TO thường được dùng ở Mỹ nhiều hơn là ở bên Anh. Thí dụ WE ARE USED TO FINISHING THE CLASS AROUND 6 thì cũng có thể nói như thế nào nữa, Trúc Giang?
TRÚC GIANG
WE GET USED TO FINISHING THE CLASS AROUND 6. Và bây giờ là 6 giờ rồi, thưa chú.
QUỲNH ANH
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.